Những thách thức cho thị trường lao động Nghệ An trong năm 2023

Mỹ Hà 21/01/2023 06:13

(Baonghean.vn) - Theo dự báo, sự ảnh hưởng từ bối cảnh chung sẽ tiếp tục tác động đến các doanh nghiệp trong nước cũng như bức tranh thị trường lao động tỉnh Nghệ An.

Năm 2022, dịch Covid-19 bùng phát trong những tháng đầu năm và suy thoái kinh tế thế giới khiến cho thị trường lao động việc làm có nhiều biến động. Đây cũng là thách thức cho thị trường lao động năm 2023. Để hiểu hơn về vấn đề này, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

- Thưa ông, năm 2022, dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng dường như thị trường lao động vẫn có những khó khăn nhất định. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó?

Ông Trần Quốc Tuấn: Thời gian qua, với các giải pháp ứng phó thích ứng, linh hoạt cùng với nỗ lực không ngừng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế của toàn hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, đại dịch Covid-19 được kiểm soát nên hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái bình thường như trước khi có dịch Covid-19 xuất hiện.

Ông Trần Quốc Tuấn (đứng, áo đen) tư vấn việc làm cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà

Nhờ đó, thị trường lao động ghi nhận một số dấu hiệu tích cực thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động, số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng của người lao động đều tăng so với năm 2021.

Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn có những khó khăn nhất định với một số lý do như: Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt là ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga làm cho kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát, giá cả leo thang, nhu cầu tiêu dùng của các nước đối với hàng hóa, đặc biệt là hàng nhập khẩu từ Việt Nam bị giảm đi. Điều này sẽ làm giảm đơn hàng với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, lạm phát tăng cao khiến chi phí nhập khẩu các nguyên, vật liệu từ nước ngoài bị đội lên, do đó gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, nhiều cơ sở buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc đóng cửa nhà máy. Điều này cũng dẫn đến sự mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ theo địa bàn, theo nhóm ngành nghề và theo trình độ kỹ năng nghề.

- Trong những năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã có nhiều hoạt động là đơn vị kết nối giữa người lao động và các doanh nghiệp trong toàn tỉnh. Những kết nối đó đã đem lại hiệu quả như thế nào trong tìm kiếm cơ hội việc làm cho người lao động, thưa ông?

Ông Trần Quốc Tuấn: Nhằm kịp thời hỗ trợ về thông tin việc làm cho người lao động, trong năm qua, Trung tâm đã chú trọng đẩy mạnh công tác thu thập nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Vì vậy, bình quân mỗi năm Trung tâm thu thập nhu cầu tuyển dụng của gần 1.000 doanh nghiệp với gần 150.000 vị trí việc làm trống.

Với vai trò là cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp, trong 2022, Trung tâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người lao động, các cấp chính quyền địa phương bằng nhiều hình thức như: Tổ chức các hội chợ việc làm, các phiên giao dịch việc làm đến tận các thôn, bản; thông qua các kênh truyền thông đa phương tiện như: website, facebook, zalo; tuyên truyền qua các kênh truyền thống như: băng rôn, cờ phướn, tờ rơi, ấn phẩm...

Những phiên chợ việc làm lưu động tại cơ sở giúp người lao động địa phương có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm. Ảnh: TTVL

Thời gian vừa qua, chúng tôi cũng đã tổ chức 53 phiên giao dịch việc làm lưu động, tổ chức các ngày hội, chương trình kết nối việc làm cấp huyện tại các huyện Quế Phong, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu và Tân Kỳ và tổ chức hơn 50 phiên giao dịch việc làm online để kết nối với những người lao động ở xa.

Đặc biệt, trước tình trạng một số lao động bị mất việc, chúng tôi đã phối hợp với Khu Kinh tế Đông Nam giới thiệu người lao động thất nghiệp tham gia ngày hội tuyển dụng của VSIP Nghệ An. Tổ chức phiên giao dịch việc làm và tư vấn đào tạo nghề, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho 250 lao động trên địa bàn huyện Thanh Chương bị mất việc làm do Công ty CP Tập đoàn quốc tế ABC giải thể. Tổng hợp đến cuối năm 2022, chúng tôi cũng đã tư vấn việc làm, học nghề cho hơn 33.000 người, giới thiệu và cung ứng lao động cho hơn 4.000 người, đạt 120% so với kế hoạch giao và tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm nay, nhu cầu việc làm vẫn rất khả quan, bởi theo số liệu thu thập, nhu cầu tuyển dụng trong quý I năm 2023 của gần 150 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh là hơn 60.000 vị trí việc làm trống, tập trung vào các lĩnh vực lắp ráp điện tử, gia công, chế tạo máy móc, may mặc.

- Cuối năm 2022, số hồ sơ thất nghiệp ở Nghệ An gia tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, số hồ sơ từ các địa phương khác chuyển về tăng 40%. Theo ông, điều này có bất thường và gây áp lực đến thị trường lao động tỉnh nhà năm 2023?

Ông Trần Quốc Tuấn: Tổng hợp tại đơn vị, năm 2022, số người có Quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 20.897 người, tăng 53,1%. Trong đó, có 12.633 người chuyển từ địa phương khác về hưởng, chiếm 60,5%. Riêng thời điểm quý 4, có 6.090 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 30%, tăng 17% so với cùng kỳ.

Người lao động đến tìm hiểu về thông tin việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà

Qua số liệu trên cho thấy, lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý cuối của năm 2022 cũng như tính chung cả năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ, song không phải là yếu tố bất thường.

Hiện tại, theo dự báo của nhiều đơn vị, chuyên gia, sau Tết Nguyên đán 2023 tình hình kinh tế thế giới vẫn sẽ còn biến động, trong khi nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn, vì vậy, sự ảnh hưởng từ bối cảnh chung sẽ tiếp tục tác động đến các doanh nghiệp trong nước cũng như bức tranh thị trường lao động tỉnh Nghệ An.

Vì vậy, chúng tôi cũng dự báo số lượng người lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp có thể tăng trong đầu năm 2023, song yếu tố này cũng không đáng lo ngại và cũng không phải là điều bất ngờ. Một số ngành xuất khẩu đang bị ảnh hưởng đơn hàng, thu hẹp sản xuất, nhưng số lao động trong các ngành này chỉ chiếm tỷ trọng ít trong thị trường lao động, điểm sáng là có những ngành khác vẫn mở rộng, ví dụ như các ngành nghề, dịch vụ.

Năm 2023, ngành lao động toàn tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho 43.000 lao động và trung bình số đơn vị tuyển dụng trên địa bàn đăng ký qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hàng năm khoảng 50.000 lao động.

Từ số liệu trên chúng ta cũng thấy rằng, số lao động thực hiện bảo hiểm thất nghiệp và thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An sau Tết và cả năm 2023 thì cầu vẫn lớn hơn cung. Vấn đề ở chỗ người lao động có quyết tâm ở lại địa phương làm việc hay không.

Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An.

- Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức nhiều phiên giao dịch, tư vấn giới thiệu việc làm. Vậy trong năm 2023, kế hoạch của đơn vị là gì?. Qua nhiều năm làm công tác này, ông có trăn trở gì về thị trường việc làm ở Nghệ An khi rõ ràng giữa cung và cầu còn có những vấn đề bất hợp lý?

Ông Trần Quốc Tuấn: Với xu thế hợp tác và phân công lao động ngày càng sâu rộng, và quá trình tổ chức các giao dịch việc làm: Hội chợ, Ngày hội, Phiên giao dịch việc làm lưu động và cố định… chúng tôi nhận thấy cần phải tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin thị trường lao động, nâng cao tần suất, chất lượng vận hành Sàn giao dịch việc làm Nghệ An, đồng thời, tiếp tục thực hiện “Kịp thời – Chính xác” chế độ Bảo hiểm thất nghiệp để góp phần triển khai, làm tốt chính sách lao động - việc làm năm 2023.

Phiên giao dịch việc làm và tư vấn học nghề cho lao động ở huyện Tương Dương. Ảnh: Mỹ Hà

Riêng về thị trường việc làm ở Nghệ An năm 2023, cá nhân tôi nhận thấy rằng, sự phát triển thị trường hiện nay ngày càng thích ứng, linh hoạt, phân khúc thay đổi khá tích cực, việc làm trong khu công nghiệp – đô thị ngày càng lớn, các vị trí và chỗ làm việc sử dụng lao động kinh tế - kỹ thuật được tuyển dụng nhiều hơn. Tuy nhiên, có một vấn đề hết sức quan trọng, đó là năng lực, mức độ thích ứng công việc của người lao động cần tiếp tục được cải thiện.

Về phía các nhà tuyển dụng, cần quan tâm hơn về tiền lương, thu nhập và quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là tập trung đào tạo nghề cho người lao động cả trước, trong, sau quá trình tham gia thị trường, tổ chức các giải pháp phù hợp để phân luồng học sinh, sinh viên, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và cơ cấu phù hợp với nhu cầu nền kinh tế, khi đó thì khả năng khớp nối cung - cầu lao động mới tốt hơn, việc làm lúc đó mới thực sự bền vững.

- Việc làm luôn là vấn đề khiến nhiều người lao động lo lắng nhất. Vậy hiện nay, với thị trường lao động trong và ngoài nước, người lao động thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ nhận được sự hỗ trợ và những chính sách ưu tiên gì? Theo ông, người lao động cần phải làm gì để tìm được những địa chỉ giới thiệu việc làm tin cậy và hiệu quả?

Ông Trần Quốc Tuấn: Hiện nay, nếu người lao động đến với Trung tâm sẽ được tư vấn, giới việc làm với các hình thức trực tiếp, trực tuyến, các trang mạng như: Web, Facebook, Zalo…cung cấp nhiều vị trí việc làm trong và ngoài nước; vào thứ Hai hàng tuần, Trung tâm tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến để phục vụ người lao động và nhà tuyển dụng; nếu trường hợp người lao động đã tham gia Bảo hiểm thất nghiệp thì được giải quyết chế độ Bảo hiểm thất nghiệp.

Trung tâm Dịch vụ việc làm là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An được Sở LĐ-TB&XH giao triển khai Chương trình EPS - Hàn Quốc E9. Nếu người lao động tham gia chương trình này, được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn, ký hợp đồng lao động thì chỉ đầu tư một khoản tài chính thấp nhưng tiền lương, thu nhập khá cao.

Trong năm 2022, sau gần 2 năm bị gián đoạn do dịch Covid-19 đã có trên 900 lao động của Nghệ An đã được đi theo con đường này.


Tư vấn giới thiệu học nghề và việc làm cho bộ đội chuẩn bị xuất ngũ. Ảnh: Mỹ Hà

Với vai trò, trách nhiệm của mình, thời gian qua Trung tâm đã làm khá tốt vai trò phục vụ công tác quản lý Nhà nước về công tác lao động - việc làm, năm 2022 đã triển khai thực hiện khá tốt các hoạt động thông tin, kết nối việc làm.

Tuy nhiên, để khẳng định là địa chỉ giới thiệu việc làm tin cậy và hiệu quả cho người lao động, chúng tôi xác định mục tiêu chính vẫn là nâng cao chất lượng, hiệu quả tư vấn; đẩy mạnh các hoạt động thông tin, giao dịch việc làm, thực hiện tốt công tác chuyển đổi số để tăng cường kết nối cung - cầu lao động trên nền tảng số, và tập trung thực hiện hiệu quả chế độ Bảo hiểm thất nghiệp.

-Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện!.

Mỹ Hà (Thực hiện)

Mới nhất

x
Những thách thức cho thị trường lao động Nghệ An trong năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO