Những thầy giáo 'xếp bút nghiên lên đường ra trận'
(Baonghean) - Gần 50 năm trước, hưởng ứng lệnh tổng động viên hàng nghìn sinh viên, giáo viên Nghệ An đã “xếp bút nghiên” để lên đường vào Nam chiến đấu. Và với họ, dẫu phải bỏ lại bảng đen, phấn trắng, rời xa gia đình, giảng đường nhưng luôn tự hào bởi được hòa mình vào những phút giây thiêng liêng của dân tộc.
Hạnh phúc khi được ra trận
Ông Hoàng Khắc Huệ – cựu sinh viên khoa Toán – Trường Đại học Vinh, nguyên Giảng viên Trường Quân sự Quân đoàn 2, hiện trú ở khối Tân Tiến, phường Hưng Bình, thành phố Vinh từng là 1 trong 4 thanh niên ưu tú của xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương đậu vào đại học.
Mùa hè năm 1971, khi đang là sinh viên năm thứ 3, ông về quê và nhận được lệnh tổng động viên của nhà trường. 1 ngày sau, do yêu cầu phải có mặt gấp tại nơi tập kết ở xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu nên ngày lên đường của Hoàng Khắc Huệ dường như không có bất kỳ sự chuẩn bị nào.
Ông cũng không nhớ nhiều giây phút tiễn đưa khi nhập ngũ bởi lúc đó “bố đang công tác tại hợp tác xã, em trai còn nhỏ, mấy mẹ con ăn cơm xong là đi”. Kỷ niệm nhớ nhất là cảnh mẹ anh tiễn anh ra đầu làng, dúi cho anh một nắm tiền lẻ rồi khóc. Nhưng, ở lứa tuổi ngoài 20, đang hừng hực khí thế và niềm ao ước được ra trận, ông không biết ôm và càng không biết nói một lời an ủi. Lời duy nhất ông hứa với mẹ đó là “Mẹ yên tâm con đi không chết đâu”.
Nhập ngũ, chàng sinh viên khoa Toán được biên chế vào Trung đoàn 66 – bộ binh, Sư đoàn 304 và chỉ gần 2 tháng huấn luyện tân binh ông được chuyển sang học Trường Hạ sỹ quan Quân đoàn 2 ở Quân khu 4. Với lợi thế của một sinh viên trẻ tuổi, nhiệt huyết và sáng dạ, sau 4 tháng, từ một “tân binh”, ông chuyển sang vai trò của người huấn luyện và sau đó cùng với đồng đội đi thẳng vào chiến trường Quảng Trị tham gia bảo vệ Thành cổ. Cuối năm 1972, ông tiếp tục được cử đi học ở Trường Sỹ quân lục quân để chuẩn bị lực lượng chủ lực cho Quân đội vào Nam chiến đấu.
Ông Hoàng Khắc Huệ và những tấm huân, huy chương được trao tặng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Mỹ Hà |
Từ năm 1974, với vai trò là trợ lý tác chiến Trung đoàn 66, đơn vị ông đã tham gia đánh địch dọc đường 1 và trực tiếp chiến đấu để giải phóng Đà Nẵng, tiến về Bình Thuận để đập tan các cứ điểm phòng thủ khác của địch ở Phan Rang, Hàm Tân và đến ngày 29/4/1975 sau khi tham gia đánh chiếm căn cứ Nước Trong – Long Thành, Quân đoàn 2 của ông được lệnh tiến vào Sài Gòn theo hướng Đông – Đông Nam.
Ngày 30/4, Trung đoàn 66 của ông Huệ là đơn vị bộ binh đầu tiên có mặt ở thành lũy cuối cùng là Dinh Độc Lập. Cũng nơi đây, ông và các đồng đội chứng kiến những giây phút đã đi vào lịch sử của dân tộc khi Tổng thống của chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng và lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Phủ Tổng thống.
“Trước khi vào đến Sài Gòn, tôi được biết Dinh Độc Lập là một địa chỉ “bất khả xâm phạm” với người dân nội đô. Thế nên, giờ phút chiếm đóng được Dinh Độc Lập cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã hoàn toàn chiến thắng và đó là giây phút hạnh phúc nhất của một người lính”,
Năm 1971, không khí chiến sự ở Hà Nội cũng rất nóng bởi tình hình cuộc chiến đấu ở miền Nam đã bước vào giai đoạn hết sức ác liệt. Thế nên dù sống ở miền Bắc, hưởng những ngày bình yên của một sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng chàng sinh viên Nguyễn Quốc Phú (sau này là giáo viên Trường THPT Hà Huy Tập) cũng đã xung phong lên đường ra trận. Giờ phút đi xa, ông nhớ nhất là hình ảnh hơn 600 sinh viên của 3 trường thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội là Sư phạm Tự nhiên, Sư phạm Xã hội và Sư phạm Ngoại ngữ náo nức lên đường.
Để tạm biệt những người ở lại, xe ô tô chở tất cả sinh viên đi vòng quanh trường 3 vòng, ở dưới bạn bè vẫy tay không ngớt. “Chúng tôi lên đường mang tâm trạng náo nức, hướng về miền Nam ruột thịt. Sau này, khi tập trung ở bờ bắc Bến Hải, sinh viên ở lại một phần Quảng Trị, một phần vượt Trường Sơn vào chiến trường B2, miền Đông Nam Bộ và hy sinh, mất mát là không nhỏ. Thế nhưng, đã ra đi là chúng tôi mang trên mình niềm tin về ngày chiến thắng”, thầy giáo Nguyễn Quốc Phú hồi tưởng.
Không tiếc máu xương
Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên năm nay Ban liên lạc nhà giáo đi B của xứ Nghệ không có cuộc gặp mặt thường kỳ như mọi năm. Tuy nhiên, ở ngôi nhà nhỏ của thầy giáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên giáo viên Trường THPT Hà Huy Tập) tại đường Hồng Bàng (thành phố Vinh), những người đồng nghiệp cũ vẫn có cuộc hội ngộ nhỏ để ôn lại những kỷ niệm của một thời bôn ba trận mạc.
Buổi gặp mặt của những nhà giáo đi B (thầy Nguyễn Quốc Khánh ngoài cùng bên phải). Ảnh: Mỹ Hà |
Tháng 4, một lần nữa, thầy giáo Nguyễn Quốc Khánh có dịp đọc lại bài thơ “Tâm tình tháng Tư” của mình: “Em ơi! Nếu tháng Tư này có lúc quên em/ Xin đừng giận hờn anh mà vội/ Giây phút đó anh lắng về đồng đội/ Đã cùng anh nhạt muối thiếu rau/ Đã cùng anh trận mạc bên nhau/ Đọt sắn rừng thành “cao lương mỹ vị”... Tháng Tư cũng là những ngày cả nước vui mừng giải phóng miền Nam/ Anh tự hào có chút mình trong ấy/ Em nghe không tiếng hò reo sấm dậy/ Có niềm vui nào bằng thống nhất giang sơn?”.
48 năm trước, 150 giáo viên của Ty Giáo dục Nghệ An được lệnh lên đường nhập ngũ. Tại Trường THPT Tân Kỳ, thầy giáo Nguyễn Quốc Khánh, thầy giáo Phạm Quý Hùng (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) và 4 đồng nghiệp khác là những người đầu tiên xếp bút, phấn, tạm biệt bục giảng để ra trận, bổ sung lực lượng cho chiến trường miền Nam.
Ngày lên đường, mỗi người mang theo một nỗi niềm riêng bởi với gia đình thầy Khánh, sau thầy còn có em nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Thầy giáo Nguyễn Quý Hùng thì đặc biệt hơn bởi thầy là một trong những tân binh đã ngoài 30, “nặng gánh” khi có vợ và 2 con nhỏ, người con thứ 2 chỉ mới 1,5 tháng.
Trước khi lên đường, thầy Hùng đã là Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng nhà trường và có giấy đi học chuyên tu ở nước ngoài. Thế nhưng, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các thầy đã sẵn sàng lên đường mà “không một chút tư lợi cho bản thân, không tiếc máu xương”.
Mỗi dịp 30/4, Kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước, các thầy giáo một thời "Xếp bút nghiên lên đường ra trận" lại cùng nhau tề tựu, ôn lại kỷ niệm xưa. Ảnh: Mỹ Hà |
Đã gần nửa thập kỷ đã trôi qua nhưng kỷ niệm về những ngày tham gia chiến trận cho đến nay vẫn chưa bao giờ phai mờ và hạnh phúc nhất vẫn là giây phút nước nhà toàn thắng.
Thầy giáo kể rằng: 13h30 phút chiều 30/4, chúng tôi có mặt ở Sài Gòn. Giây phút gặp lại nhau, niềm vui vỡ òa không ngôn từ nào có thể nói hết, chỉ có thể nói với nhau bằng ánh mắt, bằng nụ cười và bằng “giọt lệ” sung sướng trào tuôn.
Thầy giáo Phạm Quý Hùng thì nói rằng: “Chúng tôi may mắn hơn nhiều đồng đội khác bởi được trở về nguyên vẹn và tiếp tục được cống hiến cho ngành giáo dục. Những ngày tháng ở chiến trường là những ngày tháng không thể nào quên và chúng tôi được rèn luyện, hun đúc và trưởng thành nhờ những ngày gian khổ nhưng rất anh hùng đó”.