Những thiết bị gây tốn điện ngay cả khi đã tắt
(Baonghean.vn) - Có thể bạn luôn tin rằng, chỉ cần thiết bị ở trạng thái tắt sẽ không tốn điện năng. Nhưng thực tế là một số thiết bị điện vẫn tiêu hao lượng điện không hề nhỏ ngay cả khi đã tắt, khiến gia đình bạn phải trả thêm một khoản tiền “vô nghĩa” cho hóa đơn tiền điện hàng tháng.
Bằng hành động đơn giản là rút phích cắm một số đồ dùng dưới đây khi không sử dụng, bạn có thể tiết kiệm được chi phí.
Cắm cục sạc nhưng không kết nối điện thoại
Dù không được cắm vào điện thoại nhưng khi bộ sạc vẫn kết nối với nguồn điện, nó vẫn sẽ tiếp tục sử dụng năng lượng. Tuy lượng điện năng mà chúng có thể tiêu thụ một ngày không đáng kể, chỉ khoảng 1,2 W nhưng nếu cứ cắm liên tục thì chúng cũng là thủ phạm làm tăng hóa đơn tiền điện hàng tháng của bạn.
Bộ điều khiển truyền hình kỹ thuật số
Thiết bị này sẽ tiếp tục hoạt động sau khi bạn tắt chúng đi nhưng vẫn kết nối với nguồn điện. Theo ước tính mà Bright Side đưa ra, bộ điều khiển này có thể tiêu tốn tới 22 USD tiền điện một năm.
Hầu hết chúng ta đều không bận tâm tới việc chuyển đổi hoạt động của thiết bị sang chế độ chờ và nghĩ rằng chỉ cần tắt tivi là đủ. Kết quả là chi phí tăng lên gấp 5 lần.
Chỉ tắt ti vi bằng nút tắt từ điều khiển
Nhiều người thường có thói quen tắt TV bằng remote để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, trong trường hợp này, thiết bị sẽ được chuyển sang chế độ chờ và vẫn liên tục tiêu thụ một lượng điện không hề nhỏ. Con số này, qua các thí nghiệm, có thể lên đến hơn 24W mỗi ngày.
Đặc biệt, năng lượng tiêu hao sẽ còn nhiều hơn đáng kể với các loại TV được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại và có kích thước lớn. Chính vì vậy, từ bây giờ, hãy tập cho mình thói quen tắt điện nguồn từ TV hoặc thậm chí là rút luôn phích cắm, để có thể “giảm tải” cho hóa đơn tiền điện của gia đình.
Để máy tính để bàn và laptop ở chế độ "ngủ"
Máy tính để bàn và Laptop sẽ vẫn hoạt động ngầm, ngay cả khi bạn tắt chúng bằng lệnh “Turn off”. Trung bình, các thiết bị này, sử dụng khoảng 96W mỗi ngày, tức là mỗi tháng, lượng điện tiêu thụ của cả gia đình sẽ bị đội lên khoảng 3 số điện “vô ích” cho mỗi chiếc máy tính trong nhà.
Ngoài ra, con số này sẽ còn cao gấp 1,5 lần nếu bạn có thói quen để máy ở chế độ chờ “Stand by”.
Các thiết bị có màn hình hiển thị giờ
Đứng đầu trong danh sách “ngốn” điện, chính là những thiết bị có màn hình hiển thị giờ vốn được tích hợp trong rất nhiều món đồ gia dụng thế hệ mới. Điển hình như: máy giặt, lò nướng, lò vi sóng, bếp từ, nồi cơm điện…
Những chiếc màn hình “nhỏ tí xíu” này lại sử dụng đến 108 W điện trong 24 tiếng, bởi ngoài chức năng hiển thị giờ, nó còn giữ một sự kết nối đến toàn bộ hệ thống của thiết bị.
Tắt điều hòa bằng điều khiển
Thông thường, điều hòa là một thiết bị tiêu tốn khá nhiều điện năng, tuy nhiên nhiều người dùng vẫn chưa biết rằng thiết bị này vẫn “ngốn” một lượng điện đáng kể sau khi được tắt bằng điều khiển.
Trung bình, nếu tắt bằng điều khiển, thiết bị điều hòa sẽ vẫn duy trì ở chế độ chờ và tiêu tốn một lượng điện năng đáng kể, tương đương một bóng đèn thắp sáng.
Lời khuyên của các chuyên gia là người dùng nên ngắt hẳn nguồn điện sau khi sử dụng. Điều này không chỉ mang ý tiết kiệm điện, mà còn giúp thiết bị duy trì độ bền và tuổi thọ hoạt động lâu hơn.
Tắt bộ phát Wifi vào ban đêm
Với sự phát triển của công nghệ, bộ phát sóng Wifi đang trở thành thiết bị không thể thiếu trong các gia đình. Chúng thường được bật 24/24, nhưng ít ai quan tâm đến rằng những thiết bị này đang “ngốn” khá nhiều năng lượng trong ngôi nhà của bạn.
Một bộ phát sóng Wifi tiêu tốn từ 2W-20W. Lấy công suất tiêu thụ trung bình là 6W, như vậy, nếu bật cả ngày trong 1 năm, thiết bị này sẽ tiêu thụ khoảng 368 kWh. Nhân với giá điện trung bình trong nước là 1.500 đồng/kWh, thì bạn cần chi trả hơn 550 ngàn đồng tiền điện.
*Mẹo đơn giản tiết kiệm điện khi dùng đồ gia dụng
- Không ngắt điện tủ lạnh khi không sử dụng: Việc ngắt điện tủ lạnh và không sử dụng trong một thời gian sẽ khiến cho các giàn nóng và lạnh bên trong máy bị oxy hóa và nhanh hỏng. Đồng thời, khi bạn khởi động lại thì tủ lạnh cũng sẽ tiêu thụ một lượng điện năng để làm lạnh lại từ đầu gây tốn điện.
- Không cho quá nhiều thức ăn trong tủ lạnh: Nhiều người vẫn nghĩ bỏ nhiều thức ăn vào tủ lạnh làm lạnh một lần để tiết kiệm. Tuy nhiên, việc làm này sẽ khiến cho tủ lạnh phải hoạt động với công suất cao để làm lạnh hết các thực phẩm bên trong tủ, phải tiêu tốn thêm nhiều năng lượng hơn so với bình thường.
- Tắt đèn khi ra khỏi phòng: Đây chính là thói quen của rất nhiều người nhằm tiết kiệm năng lượngtrong nhà khi không sử dụng. Tuy nhiên cách này chỉ đúng với đèn sợi đốt, còn đèn huỳnh quang thì không. Việc bật tắt đèn huỳnh quang nhiều lần sẽ càng tốn điện hơn. Thế nên, nếu bạn ra khỏi nhà trong vòng 15 phút trở lại thì không cần phải tắt đèn.
- Lò vi sóng: Không nên bật lò vi sóng khi trong phòng có máy lạnh hoặc đặt gần các đồ điện khác. Đồ đựng thực phẩm trong lò phải bằng thủy tinh, đồ sứ hoặc gốm. Tránh dùng đồ kim loại vì chúng hút nhiệt, làm thực phẩm lâu chín, gây hao điện.
Luôn đóng kín cửa lò khi hoạt động để tránh thất thoát vi sóng ra ngoài, làm giảm hiệu quả của lò và tốn điện.
- Bình đun siêu tốc: Chọn mua bình đun siêu tốc có dung tích phù hợp với nhu cầu của gia đình để tránh việc đun nước nhiều lần trong ngày, gây lãng phí điện.
Tránh đun trong phòng có điều hòa nhiệt độ hoặc để trước luồng gió của quạt.
- Bàn ủi áo quần: Nên chọn những loại bàn ủi có chất chống dính với mức công suất từ 1000w -1200w, vì những loại bàn ủi này không chỉ dễ ủi mà còn tiết kiệm được điện năng tiêu thụ .
Không dùng bàn ủi trong phòng có bật máy điều hòa nhiệt độ, khi điện chập chờn hoặc là khi quần áo còn ướt sẽ tiêu tốn rất nhiều điện năng; Khi ủi, nên cài nhiệt độ thích hợp cho từng loại vải.
Ngọc Anh
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|