Gặp Nguyễn Phùng Uý đúng hôm chợ Cồn họp phiên chính, khách đến sửa xe máy khá đông. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo, tay lấm lem dầu mỡ, Uý xoay như chong chóng trong tiệm sửa xe nhỏ cạnh chợ, thành thạo với đồ nghề sửa xe. Chuông điện thoại reo, kẹp máy vào tai, vừa nghe máy vừa làm việc. Buông cà-lê trên tay xuống, vội vã lau dầu luyn còn ở trên tay vào giẻ cạnh bên, Uý ra hiệu xin lỗi khách hàng: “Có người ở Võ Liệt đau bụng dữ dội, phải đi khám gấp, nhà nghèo không có tiền thuê xe đi. Em đã liên hệ anh em trong đội nhưng sáng nay mọi người đều bận. Giờ, em phải đi gấp, xe chưa sửa kịp, ai cần cứ lấy xe máy nhà em đi, xong việc về em sửa xong sẽ giao xe sau. Mong mọi người thông cảm giúp em”. Dứt lời, Uý lên xe chạy đi… Khách ai nấy đều vui vẻ thông cảm cho Uý, dường như, người dân ở đây đã quá quen với sự bận rộn đột xuất đó của Uý.
Năm 2018, sau khi gom góp được một số tiền nhỏ, Uý mua lại xe Matiz cũ về để chở khách dịch vụ, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Trong quá trình chở khách, Uý gặp rất nhiều trường hợp là những người có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên ốm đau, bệnh tật, “đường cùng” mới liều đi khám, đi viện điều trị. Đó là trường hợp một cụ già neo đơn, sống dựa vào trợ cấp và những mớ rau, bó chè bòn mót được trong vườn đưa ra chợ bán. Bà đau nhức đầu đã lâu, khám viện huyện, họ giới thiệu đi tuyến trên khám nhưng hoàn cảnh khó khăn nên bà cứ trì hoãn mãi. Những cơn đau liên tục hơn, kéo dài hơn, dữ dội hơn buộc bà phải đi khám. Khi nhận tiền cước, cầm 100 nghìn đồng được gom từ những đồng tiền lẻ 1.000, 2.000, 5.000 đồng xếp lại cả tệp, Uý cảm thấy áy náy. Rồi Uý quyết định, miễn toàn bộ cước phí cho bà, còn bỏ tiền túi mua thêm bánh mỳ, sữa biếu bà.
Sau hôm đó, ai khó khăn, nghèo khổ phải đi viện, Uý đều chở giúp không lấy tiền. Rồi dần dà, người này truyền tai người kia, việc làm nghĩa tình của Uý được bệnh nhân nghèo trong huyện biết đến nhiều hơn, vì thế những chuyến xe “0 đồng” của Uý cũng dày lên theo nhu cầu của người dân. Cũng từ đó, chuyện ăn không đúng bữa, ngủ không đủ giấc hay những bát mì tôm ăn vội dọc đường, cái bánh mì tạm qua bữa đã trở thành thường tình đối với Uý. “Có nhiều bận, vợ vừa dọn cơm ra, bưng bát lên ăn thì có người gọi, nhờ giúp đỡ, vậy là thả bát đó rồi chạy. Nửa đêm, đang say giấc, điện thoại reo, nghe tiếng cầu cứu, lại tung chăn, khoác vội áo quần chạy đi… Có hôm, chở bệnh nhân xuống đến nơi, làm thủ tục nhập viện xong lên xe về mới biết mình xỏ nhầm 2 chiếc dép hai màu khác nhau, bụng cồn cào mới nhớ ra mình còn chưa ăn tối”, Uý chia sẻ.
Về sau, hoạt động thiện nguyện của Uý đã có sức lan toả lớn, tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội, có nhiều người tự nguyện góp cho Uý dăm chục, một trăm để Uý thêm vào xăng xe chở bệnh nhân nghèo; nhiều người có xe ô tô cũng ghé vai gánh vác cùng Uý khi số người nghèo đi viện khám, điều trị tăng cao, vượt ngoài sức cáng đáng của Uý.
Năm 2022, Uý cùng với anh Nguyễn Tự Hoàng, một người con Thanh Chương, làm công việc kinh doanh ở Vinh đứng ra kêu gọi thành lập đội xe 0 đồng huyện Thanh Chương. 7 người có xe ô tô riêng trên địa bàn huyện tham gia, gồm: Nguyễn Phùng Uý (Thanh Dương, đội trưởng), Trần Văn Cường (xã Võ Liệt), Nguyễn Đình Mạnh (xã Hạnh Lâm), Trần Thị Ngọc Dịu (thị trấn Dùng), Hồng Minh (Thanh Mỹ), Nguyễn Hữu Ất (Thanh Đồng) và anh Đường Thương (xã Thanh Lĩnh). Hầu hết họ đều là lao động phổ thông, làm nghề lái xe tắc-xi hoặc xe dịch vụ, thu nhập dựa vào những chuyến xe, cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Nhưng ở họ, đều có một điểm chung là tinh thần tương thân tương ái, sẵn sàng sẻ chia theo đúng phương châm “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Chẳng hạn như trường hợp của anh Nguyễn Phùng Uý, đội trưởng đội xe 0 đồng, vợ dạy hợp đồng trường mầm non cách nhà hàng chục cây số, lương tháng chưa đầy 4 triệu đồng; con trai đầu ốm đau triền miên, cha mẹ già yếu, còn chăm sóc bà cố gần 100 tuổi, tất cả chi tiêu nhìn vào ốt sửa xe và những chuyến xe dịch vụ. “Điều kiện kinh tế của mình, so với những người khác còn thấp thua nhiều nếu không nói là khó khăn. Nên khi mình làm thiện nguyện, ban đầu cũng không tránh khỏi những lời dèm pha, những hoài nghi và cả sự khinh thường”, anh Uý kể lại.
Không riêng gì Uý mà anh em trong đội xe đều chịu những điều tiếng. Những người biết rõ hoàn cảnh của anh em trong đội thì cho rằng “ốc chưa mang nổi mình ốc còn mang cọc cho rêu”; cũng không ít người hoài nghi về những hoạt động của các thành viên trong đội, “rằng thì là phải nhận được “bổng lộc” từ các tổ chức nào đó thì mới lăn ra làm, chứ tiền mô ra mà đi từ thiện”, cũng có những người nghĩ rằng hoạt động thiện nguyện đó của đội xe 0 đồng chỉ là “làm màu”, “lấy danh, lấy tiếng” đánh bóng tên tuổi mà thôi…
Bỏ ngoài tai những lời nói không hay, những dèm pha, dè bỉu, Nguyễn Phùng Uý cũng như các thành viên khác của đội xe vẫn lặng lẽ làm việc thiện, chở bệnh nhân nghèo miễn phí, kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. “Thay cho giải thích là hành động. Mình tin rồi mọi người sẽ hiểu, sẽ chia sẻ với đội xe. Làm việc thiện, chẳng cần phải đợi giàu có, dư giả, chỉ cần mình có lòng. Và làm việc Thiện, cũng chẳng màng đến danh tiếng, đến chuyện thiệt hơn, chỉ mong sao giúp người, giúp đời và thấy lòng mình thảnh thơi là đủ”, Uý cho biết.
Địa bàn của Thanh Chương rộng, khoảng cách giữa xã này – xã khác khá xa và cũng là địa phương có rất nhiều mảnh đời còn khó khăn, cơ cực. Những hôm thời tiết khắc nghiệt, người già, trẻ nhỏ – những đối tượng có sức đề kháng yếu nhập viện nhiều, cả đội hoạt động hết công suất vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu người dân. “Hiện tại, đội chỉ còn lại 4 thành viên, 3 người đã xin ra khỏi đội vì bận công việc, vì còn mải bươn chải mưu sinh. 4 người phụ trách 4 cụm nhưng cũng không thể quán xuyến hết được, có những cuộc gọi dân nhờ trợ giúp nhưng cũng đành thông cảm vì quá tải. Có hôm, một người chạy đến 4 chuyến Vinh – Thanh Chương và ngược lại thì cũng đã rã rời, ngoài ra, điều kiện kinh tế cũng còn eo hẹp nên không thể kham nổi. Chỉ tính riêng tiền xăng đã hết khoảng 200.000 đồng/lượt từ Vinh – Thanh Chương”, Phùng Uý trăn trở.
Điều đáng ngại nhất đó là sử dụng xe cá nhân, hầu hết là 4 chỗ, loại số số sàn, khoang xe nhỏ hẹp, chở người bệnh nhẹ còn dễ, chở những trường hợp bệnh nặng, những trường hợp cấp cứu thì đúng là cơ cực. Cách duy nhất mà các thành viên trong đội khắc phục là tháo hết ghế sau, chêm vào đó là giường xếp được chằng néo cẩn thận, thêm vào đó là tấm đệm để người bệnh nằm cho đỡ đau nhức. Thế nhưng, cũng nảy sinh rất nhiều bất cập: giường không cố định nên đoạn đường ổ gà, bệnh nhân bị xóc nảy lên, ê ẩm cả mình mẩy; không phải là xe chuyên dụng nên trong tình huống nguy cấp cũng chỉ dám đi trong giới hạn tốc độ cho phép. Và do xe cá nhân, không trang bị được bình ô-xy và các vật dụng y tế khác nên rất hạn chế chở bệnh nhân đi cấp cứu.
Gắn bó với những chuyến xe 0 đồng, anh Nguyễn Phùng Uý cũng như các thành viên trong đội không nhớ nổi mình đã chở bao nhiêu bệnh nhân đi viện thăm khám, điều trị. Điều vui nhất với họ đó là chở bệnh nhân đi lúc ốm và đón về lúc khoẻ mạnh. Giờ đây, khi người dân tìm đến đội xe 0 đồng ngày càng nhiều thì điều mà anh Uý cũng như các thành viên trong đội mong muốn là có một chiếc xe cứu thương chuyên dụng để phục vụ người dân tốt hơn, để giúp được nhiều người hơn, để người nghèo bớt đi những thiệt thòi mà họ phải gánh chịu…