Bên cạnh những điểm đến nổi tiếng đã được nhiều người biết đến, dịp này chúng tôi sẽ giới thiệu một số tour và điểm đến hấp dẫn ở miền Tây Nghệ An vừa được xây dựng và khai thác, hứa hẹn mang lại cho du khách những trải nghiệm và cảm nhận mới mẻ về vùng đất còn ẩn chứa bao điều bí ẩn.
Lâu nay, Vườn Quốc gia Pù Mát ở huyện Con Cuông đã được nhiều du khách tìm đến để khám phá, thưởng thức vẻ đẹp của sông Giăng – Phà Lài, thác Khe Kèm cùng điểm du lịch cộng đồng bản Xiềng (xã Môn Sơn), bản Nưa (xã Yên Khê)… Gần đây, một số đoàn khách đã đến Pù Mát mang theo khát vọng được vào sâu để khám phá những điều thú vị đang được cất giấu ở chốn đại ngàn. Để vươn tới khát vọng ấy, các đoàn khách này đều lựa chọn hình thức trekking (đi bộ), vừa thể hiện bản lĩnh, khát vọng chinh phục, vừa rèn luyện sức khỏe và có nhiều thời gian để ngắm cảnh non nước bao la.
Tour trekking này được thiết kế đi dọc theo sông Giăng, bắt đầu từ đập Phà Lài, gần trung tâm xã Môn Sơn và kết thúc tại bản Cò Phạt, nơi cư trú của đồng bào Đan Lai. Hành trình trải dài khoảng 20km, thời gian khoảng chừng 2 ngày, tùy thuộc vào độ bền sức khỏe cũng như nhu cầu trải nghiệm của mỗi người.
Trên hành trình trekking, du khách sẽ có dịp được đắm chìm giữa cảnh núi non hùng vĩ, sông Giăng thơ mộng. Đặc biệt là trải nghiệm đời sống văn hóa, ẩm thực của cư dân bản địa, qua đó thể hiện bản lĩnh chinh phục thử thách. Đích đến là bản Cò Phạt, nơi cư trú của hàng chục hộ gia đình thuộc tộc người Đan Lai – cộng đồng sinh sống giữa vùng lõi Vườn Quốc gia Mù Mát đã hàng trăm năm.
Đêm nghỉ lại ở Cò Phạt, nơi đầu nguồn sông Giăng, du khách sẽ được thưởng thức cá mát nướng, nhấm nháp rượu ngâm với rễ cây thuốc trong rừng và nghe câu chuyện về cuộc trốn chạy đầy bi thương đến nơi sơn cùng thủy tận. Từ đó, hiểu rõ hơn về tục ngủ ngồi của tộc người Đan Lai. Và sau giấc ngủ say sưa giữa đại ngàn, sáng dậy hít thở không khí trong lành, dùng bữa sáng xong, các phượt thủ lại ngược ra đập Phà Lài, kết thúc cuộc hành trình thú vị.
Vài năm gần đây, đỉnh Puxailaileng ở xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) bắt đầu đón những đoàn khách ngoại tỉnh, chủ yếu đến từ hai thành phố trung tâm lớn là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Với độ cao 2.720m so với mực nước biển, đỉnh Puxailaileng được ví là “Nóc nhà của dãy Trường Sơn Bắc”, là nơi thử thách bản lĩnh của những vị khách ưa sự phiêu lưu, mạo hiểm và mang khát vọng chinh phục thử thách.
Sau những chuyến khảo sát, đỉnh Puxailaileng được các chuyên gia du lịch và các đơn vị lữ hành đánh giá là sản phẩm độc đáo của du lịch Nghệ An. Bởi lẽ, không chỉ ở độ cao, đỉnh núi này còn chứa đựng những điều bí ẩn của thiên nhiên với những khu rừng lạnh nguyên sinh, thảm thực vật hấp dẫn, khí hậu đặc trưng. Đặc biệt, du khách sẽ đi qua những “dòng sông mây”, check-in giữa “biển mây” hùng vĩ hay “săn” những áng mây tuyệt đẹp.
Có điều, để lên với đỉnh Puxailaileng, đòi hỏi du khách phải là những người thực sự bản lĩnh, đảm bảo về thể lực và sức bền. Vì nơi đây nằm gần biên giới Việt – Lào, cách thành phố Vinh khoảng 300km, di chuyển bằng nhiều loại phương tiện (xe ô tô bán tải, xe gắn máy và cuốc bộ) với tổng thời gian khoảng 2 – 3 ngày. Điểm đến này thích hợp với giới trẻ và những người ưa thích sự “xê dịch” và có khát vọng chinh phục những đỉnh cao.
Với độ cao khoảng 1.500m, khí hậu quanh năm ôn hòa, xã Mường Lống thuộc huyện rẻo cao Kỳ Sơn được ví là “Sa Pa của xứ Nghệ”.
Đây cũng là địa bàn sinh sống từ lâu đời của đồng bào Mông với những nét văn hóa đặc trưng vẫn còn được lưu giữ. Từ không gian bản làng, kiến trúc nhà ở đến phong tục, tập quán, tiếng nói, trang phục và âm nhạc vẫn còn in đậm bản sắc của những cư dân sống trên những đỉnh núi cao quanh năm mây phủ.
Những tháng cuối năm, hoa mận, hoa đào bắt đầu nở khắp các cánh rừng và khu vườn, mang đến sức sống cho những bản làng ủ kín giữa sương mây. Khách xa đến với Mường Lống có cảm giác như đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh, gợi nhớ những câu chuyện cổ tích thần tiên.
Dịp này, mùa màng cũng sắp thu hoạch xong, bà con người Mông bắt đầu những cuộc vui náo nức. Nếu may mắn đến đúng ngày hội, du khách sẽ được hòa mình vào hội ném pao cùng những chàng trai, cô gái trong bộ trang phục sặc sỡ; nghe tiếng khèn gọi bạn văng vẳng khắp núi rừng, vọng từ làng trên đến bản dưới. Đặc biệt là hội chọi trâu, chọi bò sẽ mang đến niềm hứng khởi khi chứng kiến những trận quyết chiến của “đấu sĩ”.
Hiện Mường Lống đã có Homestay cùng dịch vụ ẩm thực phục vụ du lịch, đảm bảo an toàn, sạch sẽ để tăng thêm niềm vui, sự thú vị trong chuyến trải nghiệm 2 ngày, 1 đêm ở “Sa Pa của xứ Nghệ”.
Trong quan niệm của người Thái vùng Tây Bắc Nghệ An, xã Châu Kim (Quế Phong) xưa được gọi là Mường Tôn, trung tâm của “Chín bản mười mường”. Bởi nơi đây có ngôi đền Chín Gian thờ các vị thần và tổ tiên của người Thái. Các bản Thái ở Châu Kim còn lưu giữ đậm nét bản sắc, đời sống mọi mặt đang ngày càng được nâng cao, không gian bản làng luôn xanh – sạch – đẹp.
Cách đây không lâu, điểm du lịch cộng đồng Cọ Muồng ở Châu Kim được xây dựng và đi vào hoạt động, bước đầu được du khách đánh giá cao. Điểm hấp dẫn của Cọ Muồng là không gian đậm nét văn hóa Thái, từ ngôi nhà sàn đến các loại vật dụng, dụng cụ sinh hoạt và sản xuất để du khách trải nghiệm. Bên cạnh đó là những món ăn truyền thống được chế biến bởi những đôi bàn tay khéo léo, mang đến hương vị đặc trưng của núi rừng cùng chương trình giao lưu văn hóa – văn nghệ sôi nổi…
Từ Cọ Muồng, du khách có thể dành thời gian lên núi chiêm bái đền Chín Gian, ngôi đền thiêng nổi tiếng ở miền Tây xứ Nghệ. Hay ngược lên xã Châu Thôn trải nghiệm nhịp sống ở Farmstay Nhật Minh, cũng là một điểm du lịch vừa mới hình thành và gây được sự chú ý. Ở đây, du khách được đắm mình giữa mây ngàn, gió núi; ngắm cảnh hùng vĩ của đại ngàn và tận hưởng không gian mang đậm sắc màu hoài cổ; thưởng thức sản vật miền Tây.
Nếu có thời gian, du khách có thể ra Đồng Văn, Thông Thụ du thuyền khám phá phong cảnh lòng hồ thủy điện Hủa Na và thưởng thức các loài cá, tôm được xem là đặc sản của vùng đất Quế. Đảm bảo khi đã đến một lần, nhiều du khách sẽ sắp xếp trở lại nơi đây trong một ngày gần nhất.