Những vật dụng kỳ bí của thầy mo người Thái ở Nghệ An

Xuân Thủy 13/05/2018 16:16

(Baonghean.vn) - Một thầy mo người Thái có khá nhiều những vật dụng vừa kỳ bí, vừa mang tính quyền uy.

Thầy mo Vi Văn Quỳ với đầy đủ trang phục và binh khí khi làm lễ. Ảnh : Hà Ngọc Thủy
Thầy mo Vi Văn Quỳnh trong trang phục và binh khí khi làm lễ. Ảnh: XuânThủy

Thầy mo giữ vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Thái ở Nghệ An. Thầy mo được xem như là "cầu nối" giữa đấng siêu nhiên và con người.

Gần đây, chúng tôi gặp thầy mo mùn Vi Văn Quỳnh (1946) ở bản Khe Sài 2 xã Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn) và được ông cho phép tìm hiểu về bộ đồ nghề bất ly thân gần 30 năm hành nghề. Người Thái có 2 ngành gọi là “mo một” và “mo môn” (mo mùn).

Mo mùn chuyên lo các việc xem giờ tốt xấu, đặt móng nhà, cưới hỏi, gọi hồn vía, xua đuổi tà ma yểm khiến trẻ con hay khóc... Khi đi làm lễ, thầy mo luôn mang theo chiếc túi đựng trong đó những đồ vật cần thiết cho buổi lễ.

Trước khi làm lễ, thầy mo đội chiếc khăn trắng được gọi là “phái chước chạng” (dây trói voi) trên đầu. Khi mang dây này, thầy mo được cho là có sức mạnh trói được voi. Đây còn là trang phục để đấng siêu nhiên nhận biết đây là thầy mo, là người làm cầu nối trong buổi lễ. Trên mâm cúng luôn có một miếng vải trắng được gọi là “phen hoóng khài”, khăn này để trải vào mâm sau đó đặt các lễ vật lên trên.

Chiếc
Chiếc "dây trói voi" thầy mo thường buộc trên đầu khi làm lễ. Ảnh: Xuân Thủy

Mỗi khi ngồi làm lễ, trên tay thầy mo luôn phe phẩy chiếc quạt (bì mo) để xua đuổi người khác lại gần, cũng như xua đuổi tà ma trong buổi làm lễ. Chiếc quạt được làm bằng giấy và nan tre. Trên quạt có những dòng chữ mà chỉ thầy mới biết ý nghĩa.

Chiếc quạt làm phép của thầy mo Vi Văn Quỳnh. Ảnh : Xuân Thủy
Chiếc quạt làm phép của thầy mo Vi Văn Quỳnh. Ảnh: Xuân Thủy

Khi bắt đầu lễ, thầy sẽ quàng chiếc khăn “mệ một" màu đỏ lên cổ. Đây là chiếc khăn được cho là của bà nội thầy mo để lại.

Trong túi còn có nhiều chiếc chén nhỏ mang theo, mỗi chén tượng trưng cho một người thầy truyền nghề của mo và một cái chén riêng của chính thầy mo. Đây là một cách để thầy mo tưởng nhớ mang ơn công lao của các “pó khu” (thầy) đã dạy dỗ truyền thụ lại cho mình thành mo.

Những chiếc chén tượng trưng cho những người đã truyền nghề và bản thân thầy mo. Ảnh : Xuân Thủy
Trong ảnh, ông Quỳnh có 4 người "pó khu" với 4 chén và một chén của ông. Ảnh: Xuân Thủy

Trong túi còn có hai chiếc vòng bạc, hai đồng xu âm dương và sáp ong. Hai chiếc vòng bạc như là lá bùa hộ thân, hai đồng xu âm dương để xin đấng siêu nhiên có đồng ý hay là không đồng ý, còn sáp ong mang theo dùng để làm tên bắn ma quỷ và làm nến thắp trong mâm lễ.

Ông còn mang theo chiếc sáo (pi một) được làm bằng nứa phải có tiếng trầm, trên sáo được thầy mo khắc những hoa văn rất cầu kỳ. Tiếng sáo dùng để đuổi tà ma, gọi hồn trở về với thân xác trong các nghi lễ.

Cây kiếm là thứ thể hiện uy quyền, sức mạnh cũng như bản lĩnh của thầy mo. Kiếm thường được các thầy mo truyền lại cho học trò của mình. Ảnh : Xuân Thủy
Cây kiếm là thứ thể hiện uy quyền, sức mạnh cũng như bản lĩnh của thầy mo. Kiếm thường được các thầy mo truyền lại cho học trò của mình. Ảnh : Xuân Thủy

Ngoài ra mo còn mang theo cây kiếm gọi là “láp mùn”. Kiếm do thầy truyền nghề truyền lại cho học trò chính của mình qua các đời. Kiếm thầy mo thường được rèn riêng bằng thép và có in hoa văn. Chuôi kiếm được làm bằng gỗ tạc hình đầu hổ, vỏ kiếm được làm bằng gỗ pơ mu trạm trổ hình rồng phượng. Chiếc kiếm được dùng để đe dọa, xua đuổi ma quỷ, thể hiện quyền uy và sức mạnh cũng như bản lĩnh của thầy mo.

Tất cả các đồ nghề được ông Vi Văn Quỳnh cho vào túi treo ở bàn thờ ở trong nhà. Bàn thờ được đặt trang nghiêm ở góc cao gian buồng, có chai rượu, khăn, kiếm thầy mo và áo của những người từng được ông làm lễ cho. Bên cạnh bàn thờ có chiếc cồng bằng đồng, mỗi khi có ai đến gọi ông phải đánh cồng 3 hồi 9 tiếng rồi khấn thần chú mới được cầm túi đi làm lễ.

Mới nhất
x
Những vật dụng kỳ bí của thầy mo người Thái ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO