Niềm vui của người có công ở Nghệ An khi tăng mức chuẩn trợ cấp
Cùng với việc tăng lương cơ sở, ngày 1/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP về tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công từ 2,055 triệu đồng lên mức 2,789 triệu đồng , góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống cho người có công.
Nguồn động viên lớn
Từng nhiều năm lăn lộn chiến đấu ở chiến trường Tây Nam Bộ và Campuchia, ông Đậu Văn Hùng (SN 1952) xóm 8, xã Nghi Đồng (Nghi Lộc) trở về địa phương với tỷ lệ thương tật 25% và bị nhiễm chất độc da cam. Trước tháng 7/2024, theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ, hằng tháng ông được nhận 1,648 triệu đồng trợ cấp đối với thương binh 4/4 và 2,61 triệu đồng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% - 60%, tổng 2 khoản là hơn 4,2 triệu đồng.
Từ 1/7 năm nay, theo Nghị định số 77/2024/NĐ-CP, tổng 2 khoản trợ cấp mà ông Hùng được nhận là 5,778 triệu đồng. “Hiện nay, nhiều gia đình chính sách, người có công vẫn còn khó khăn; có những người thường xuyên đau ốm, phải lo chi phí thuốc men, chữa bệnh… Vì thế, khoản tiền trợ cấp hàng tháng tăng lên góp phần hỗ trợ giải quyết phần nào chi phí sinh hoạt. Quan trọng hơn, đó là nguồn động viên tinh thần để tôi và nhiều người có công có thêm sức khỏe, niềm vui trong cuộc sống”, ông Hùng chia sẻ.
Cùng chung niềm vui với ông Hùng, ông Phạm Bá Cảnh (SN 1963) ở xóm 2, xã Hưng Yên (Hưng Nguyên) thuộc đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cũng vui mừng khi mức trợ cấp được tăng lên. Trước tháng 7/2024, hằng tháng, ông Cảnh được hưởng trợ cấp ưu đãi người có công là 2,61 triệu đồng. Bên cạnh đó, 2 người con của ông bị nhiễm chất độc da cam cũng được nhận trợ cấp 1,233 triệu đồng và 2,055 triệu đồng. Từ 1/7/2024, ông Cảnh được hưởng trợ cấp hằng tháng là 3,542 triệu đồng, tăng hơn 900.000 đồng. Bên cạnh đó, mức trợ cấp cho 2 người con của ông cũng tăng lên lần lượt là 1,673 triệu đồng và 2,789 triệu đồng.
“Tôi bị huyết áp cao, mỗi khi trái gió trở trời là đau thần kinh, 2 con bị nhiễm chất độc da cam cũng thường xuyên đau ốm. Vì thế, hơn 2,1 triệu đồng được tăng thêm đối với 3 bố con, sau khi Nhà nước thực hiện chính sách điều chỉnh mức trợ cấp, thực sự có ý nghĩa lớn đối với gia đình, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Tôi rất vui trước sự quan tâm chu đáo của Đảng, Nhà nước đến đời sống người có công”, ông Cảnh tâm sự.
Ở xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ), mẹ liệt sĩ Trần Thị Sâm (SN 1920) có con trai Phạm Văn Đạt hy sinh năm 1972 ở chiến trường miền Nam. Theo quy định tăng mức trợ cấp đối với thân nhân liệt sĩ của Nghị định 77/2024/NĐ-CP, hiện mức trợ cấp của bà Sâm được hưởng tăng từ 2,055 triệu đồng/tháng lên 2,789 triệu đồng/tháng.
Chị Phạm Thị Mười - con gái út của bà Trần Thị Sâm cho biết: “Mức trợ cấp hằng tháng tăng thêm hơn 700 nghìn đồng, không những góp phần cải thiện cuộc sống mà còn là nguồn động viên tinh thần để mẹ tôi sống vui khỏe trong tình yêu thương của con cháu”.
Hiện nay, Nghệ An có 65.417 người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng. Trong đó, có 3 cụ lão thành cách mạng, 33 cán bộ tiền khởi nghĩa, 35 mẹ Việt Nam Anh hùng, 19 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến; 29.619 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 9.051 bệnh binh; 13.102 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học; 6 người có công giúp đỡ cách mạng; 1.103 người phục vụ người có công; 354 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 12.902 người hưởng trợ cấp tuất liệt sĩ và các đối tượng hưởng trợ cấp khác.
Mức tăng cao nhất trong 20 năm qua
Sự phấn khởi của các ông Đậu Văn Hùng, Phạm Bá Cảnh hay chị Phạm Thị Mười cũng là cảm xúc chung của nhiều người thuộc đối tượng người có công tỉnh Nghệ An được tăng mức trợ cấp ưu đãi hằng tháng theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP.
Theo đó, mức chuẩn trợ cấp tăng từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng, tức tăng 35,7%. Mức chuẩn trợ cấp nêu trên để tính trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đây là mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong 20 năm qua. Điều này không chỉ thể hiện sự đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước để chăm lo tốt hơn nữa đối với người có công với cách mạng, mà còn góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội.
Tại Nghệ An, bên cạnh việc thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, tỉnh cũng đã có những chính sách đặc thù góp phần cải thiện đời sống cho người có công với cách mạng như: Nghị quyết số 32/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 quy định chính sách hỗ trợ đối với người có công với cách mạng thuộc gia đình hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025 và Nghị quyết số 30/2021/NQ- HĐND ngày 09/12/2021 hỗ trợ cho thế hệ thứ 3 bị nhiễm chất độc hóa học trong kháng chiến.
Từ năm 2021-2024, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ đối với 6.693 lượt hộ và 9.368 đối tượng thuộc hộ gia đình người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo, với tổng số kinh phí gần 58,44 tỷ đồng; hỗ trợ cho 520 lượt người khuyết tật bẩm sinh có cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã hoặc đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (thế hệ thứ 3), với tổng kinh phí 1.495 triệu đồng; góp phần giảm số hộ người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo từ 2.126 hộ năm 2022 xuống còn 1.435 hộ đầu năm 2024 (giảm 691 hộ).