Về xã Ngọc Sơn (Thanh Chương), chúng tôi chứng kiến không khí xây dựng nông thôn mới đang được đẩy thành “cao trào” với hàng loạt công trình được triển khai. Điển hình như tuyến đường xã hơn 1,2km; thi công nhà 2 tầng trường mầm non gắn với mở rộng khuôn viên và nâng cấp, chỉnh trang đồng bộ các công trình phụ trợ để đạt chuẩn mức độ 2; nâng cấp khuôn viên và một số hạng mục, mở rộng đường vào trường tiểu học; xây dựng sân vận động xã; nâng cấp trụ sở xã, trạm y tế…
Theo ông Thái Văn An – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn, tổng nguồn huy động từ ngân sách, sức dân đóng góp và nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng các công trình lên tới gần 40 tỷ đồng.
Cùng với các công trình thuộc trách nhiệm đầu tư của xã; các công trình được người dân trực tiếp bàn, quyết định, làm, kiểm tra… đã tạo khí thế xây dựng sôi động ở các xóm. Từ việc hoàn thiện hệ thống giao thông nội xóm, liên gia, gắn với hệ thống thoát nước đảm bảo vệ sinh môi trường; cho đến mở rộng quy hoạch, xây dựng mới hoặc nâng cấp nhà văn hóa xóm, gắn với đầu tư đồng bộ thiết chế văn hóa – thể thao; khôi phục giếng làng xưa…
Tại xóm Lam Thắng sáp nhập từ 3 xóm cũ, địa phương đã tập trung huy động sức dân, kêu gọi con em xa quê ủng hộ hoàn thiện 10km đường bê tông; trong đó hộ góp nhiều là 60 triệu đồng, hộ ít 15 triệu đồng.
Ở xóm Nguyệt Bổng, ngoài tập trung khép kín bê tông giao thông và đang xây dựng hệ thống mương hai bên đường có nắp đậy; xóm đã huy động con em xa quê hơn 1,5 tỷ đồng cùng sức dân xây dựng nhà văn hóa trị giá hơn 1,7 tỷ đồng. Ở các xóm Thạch Sơn, Lam Sơn kêu gọi con em đóng góp khôi phục giếng làng…
Nếu như cơ sở hạ tầng hiện nay mới dồn sức đầu tư, thì mấy năm trước, xã Ngọc Sơn đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Xã thành lập thêm một hợp tác xã sản xuất bao bì xuất khẩu; chuyển đổi từ trồng ngô lấy hạt mỗi năm 1 vụ, sang trồng ngô sinh khối 3 vụ/năm, thu nhập 150 – 180 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, xã quyết liệt chỉ đạo cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi, đem lại giá trị kinh tế vườn với khoảng 30% số hộ trong toàn xã tham gia. Đây được xem là cuộc “cách mạng” lớn ở Ngọc Sơn thời gian qua. Điển hình có hộ gia đình ông Nguyễn Văn Kỳ (xóm Lam Hồng) cải tạo gần 3.000m2 vườn ngô, sắn, sang cây trám, bưởi, táo, ổi, kết hợp chăn nuôi gà thịt 700 – 1.000 con/lứa; mỗi năm trừ chi phí, thu về hơn 100 triệu đồng.
Xã Ngọc Sơn cũng phát huy thế mạnh vườn đồi, vườn rừng để xây dựng gia – trang trại chăn nuôi lợn, gà với tổng gần 40 mô hình, kết hợp trồng hơn 1.000ha rừng nguyên liệu, trong đó có khoảng 300ha diện tích thu hoạch mỗi năm…
Trao đổi của Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết thêm: Hiện cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân của xã đang nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực để hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2024.
Tại xã Thanh Xuân, hệ thống giao thông phải hoàn thành với hơn 100km đường xã, xóm và liên gia; từ quyết tâm về đích nông thôn mới năm 2024, ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, xã phối hợp đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường xã, nhà văn hóa đa chức năng xã, hệ thống mương, đập tràn…, bằng nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; đồng thời vận động nhân dân hiến đất, mở rộng các tuyến đường xóm, từng cụm dân cư và đóng góp tiền mua vật liệu, để khi xi măng về sẽ đồng loạt đổ bê tông. Hiện không gian, cảnh quan môi trường nông thôn ở xã Thanh Xuân đã có sự khởi sắc rõ, khang trang, sạch – đẹp hơn.
Để có bước thay đổi này từ xã khó, ông Nguyễn Khánh Thành – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Cả hệ thống chính trị từ xã đến xóm đã vào cuộc tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận của người dân ở cả 8 xóm đóng góp tiền, hợp đồng doanh nghiệp thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; gắn tuyên truyền người dân chủ động chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, vườn tược, tạo môi trường sạch – đẹp.
Ấn tượng nữa, do nằm cuối nguồn nước, nắng là hạn, mưa là ngập, chỉ sản xuất duy nhất vụ xuân, nay trên đồng đất Thanh Xuân có thêm vụ lúa hè thu, cây bí xanh trồng trên đất ngô; nuôi ốc bươu đen, nuôi ong; thành lập hợp tác xã chăn nuôi hươu lấy lộc; xây dựng được sản phẩm gà sạch Thanh Chương đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; phát triển một số vật nuôi có lợi thế như lợn và dê…
Đến thời điểm này, huyện Thanh Chương có 29/37 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã đạt chuẩn nông thôn nâng cao. Với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự đồng tình hưởng ứng của người dân, năm 2024, UBND huyện chỉ đạo 6 xã về đích nông thôn mới, 4 xã về đích nông thôn mới nâng cao. Riêng 2 xã vùng tái định cư dự án Thủy điện Bản Vẽ: Ngọc Lâm và Thanh Sơn, huyện chỉ đạo mỗi xã có 2 bản về đích nông thôn mới.
Được sự chỉ đạo của huyện, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị thị trấn Thanh Chương đã vào cuộc, và cùng với sự đồng thuận của người dân để xây dựng địa phương đạt chuẩn đô thị văn minh trong năm 2024 này. Theo chia sẻ của ông Tưởng Đăng Hào – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Chương: Hiện tại thị trấn đã đạt 50/52 chỉ tiêu, thuộc 9 tiêu chí đô thị văn minh và đang tập trung hoàn thiện 2 nội dung còn lại, dự kiến trình cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh vào tháng 6/2024 tới.
Ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương khẳng định: Sự quyết tâm đó không phải là duy ý chí, mà trên cơ sở kết quả thời gian qua của các địa phương đã làm được. Đồng thời hiện nay, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đang chỉ đạo với quyết tâm cao, cùng với sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân, chắc chắn các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện năm 2024 sẽ hoàn thành.
Để đảm bảo 6 xã về đích nông thôn mới trong năm nay, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Thanh Chương đã có cuộc làm việc với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền 6 xã và yêu cầu từng địa phương rà soát các tiêu chí, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết để triển khai trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Huyện giao các phòng, ban, đơn vị, đoàn thể cấp huyện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hỗ trợ các địa phương hoàn thành các tiêu chí; trích 1 tỷ đồng hỗ trợ xi măng cho các địa phương ngoài nguồn xi măng hỗ trợ của tỉnh.
Mặt khác, huyện cũng đã, đang tích cực phối hợp cùng các sở, ngành cấp tỉnh để khẩn trương bố trí nguồn vốn cho các công trình thuộc vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đã được phê duyệt cho các địa phương và đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình có vốn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Lê Đình Thanh cũng cho rằng: Hiện nay, phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương đang được đẩy mạnh, nhất là hiến đất để mở rộng đường, góp tiền xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa, chỉnh trang cảnh quan môi trường nông thôn mới… Để khích lệ phong trào đang lên và tránh việc dồn về cuối năm mới triển khai, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nông thôn mới, đề nghị tỉnh sớm cấp xi măng hỗ trợ các xã./.