Nỗi đau mang tên 'lá ngón'

Thanh Sơn - Thành Cường 25/07/2020 08:50

(Baonghean.vn) - Để phòng, chống ngộ độc lá ngón, các cấp, ngành, cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc. Tuy nhiên, thực trạng ngộ độc vẫn xảy ra khá phổ biến đã cho thấy những giải pháp trước đây chưa phát huy hiệu quả... Phòng, chống ngộ độc lá ngón không đơn thuần là việc nhổ bỏ, bài trừ cây lá ngón mà đó chính là vấn đề thay đổi nhận thức và tư tưởng.

Bài 2: Thay đổi nhận thức, cải thiện đời sống

Để phòng, chống ngộ độc lá ngón, các cấp, ngành, cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc. Tuy nhiên, thực trạng ngộ độc vẫn xảy ra khá phổ biến đã cho thấy những giải pháp trước đây chưa phát huy hiệu quả... Phòng, chống ngộ độc lá ngón không đơn thuần là việc nhổ bỏ, bài trừ cây lá ngón mà đó chính là vấn đề thay đổi nhận thức và tư tưởng.

Mới giải quyết được “ngọn”

Ở xã vùng biên Tri Lễ (Quế Phong), Đại úy Lê Anh Đức, bác sĩ quân y Đồn Biên phòng Tri Lễ là người đã tìm ra bài thuốc chống ngộ độc lá ngón hiệu quả, cứu được rất nhiều người thoát khỏi “miệng tử thần”. Đại úy Lê Anh Đức kể: “Trước khi về với Đồn Biên phòng Tri Lễ, bản thân tôi đã từng có thời gian công tác tại địa bàn xã Nậm Cắn và Keng Đu (Kỳ Sơn). Trước đó, tôi chưa quan tâm đến tình trạng ngộ độc lá ngón do các vụ việc chưa nhiều, chỉ xảy ra lẻ tẻ. Về với Tri Lễ năm 2013, bản thân phụ trách phòng khám quân - dân y kết hợp, tôi đã bị ám ảnh bởi tình trạng ngộ độc lá ngón ở đây. Rất nhiều người tự tử bằng lá ngón. Những cái chết bởi lá ngón rất đau đớn, thương tâm đối với cả người đã ra đi và người ở lại. Điều day dứt nữa là những người tự tử bằng lá ngón đều còn rất trẻ, thậm chí mới 11-12 tuổi”.

Từ sự day dứt đó, bác sĩ quân y Lê Anh Đức đã bỏ công tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu nên một bài thuốc cấp cứu ngộ độc lá ngón từ các kinh nghiệm dân gian, áp dụng điều trị cho nạn nhân. Nạn nhân ngộ độc lá ngón đầu tiên mà được anh cứu chữa thành công bằng bài thuốc là anh Lô Văn X (sinh năm 1997) ở bản Yên Sơn, xã Tri Lễ. 14 giờ ngày 31/10/1996, do mẫu thuẫn vợ chồng, Lô Văn X đã ăn lá ngón tự tử. Đến 17 giờ 30 phút cùng ngày, X được gia đình phát hiện, đưa đến phòng khám quân - dân y kết hợp Đồn Biên phòng Tri Lễ với nhiều hội chứng và triệu chứng nguy hiểm có thể tử vong bất cứ lúc nào. Đứng trước sự lựa chọn sinh tử cho người bệnh, bác sĩ Đức đã quyết định sử dụng bài thuốc dân gian để loại bỏ độc tố trong dạ dày bằng phương pháp tự nhiên, kết hợp tiêm thuốc kháng sinh, thuốc trợ tim, trợ sức... Sau 4 lần uống thuốc và kích thích nôn, bệnh nhân X đã đỡ khó thở, đỡ đau bụng, đỡ tím tái, gọi hỏi nhớ lại được sự việc, mạch và huyết áp dần ổn định. Đến ngày 1/10, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, đỡ mệt mỏi, đi lại nói chuyện bình thường và được gia đình xin đưa về tiếp tục chăm sóc theo dõi.

Với bài thuốc dân gian này, bác sĩ quân y Lê Anh Đức đã thực hiện cứu trị kịp thời cho trên 20 người bị ngộ độc lá ngón từ năm 2016 đến nay. Năm 2018, bài thuốc dân gian của bác sĩ Lê Anh Đức đã được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An phổ biến cho các đồn biên phòng trong tỉnh. Nhiều đơn vị đã dùng bài thuốc này để cấp cứu, điều trị thành công cho nhiều người bị ngộ độc lá ngón... Đại úy Lê Anh Đức chia sẻ những hạn chế của bài thuốc: “Với những người ăn lá ngón sau 6 giờ mới đưa đi cấp cứu thì bài thuốc không còn hiệu quả kể cả việc đặt xông để đưa thuốc vào. Bài thuốc này chỉ phần nào giải quyết phần “ngọn” chứ không phải là phần “gốc” của tình trạng ngộ độc lá ngón hiện nay, giống như việc lâu nay chúng ta thực hiện vận động nhổ, xóa bỏ cây lá ngón vậy. Không thuốc nào có thể cứu chữa nổi khi con người cố tình tìm đến cái chết”.

Thực ra, việc cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc lá ngón nhẹ, được phát hiện sớm đối với các cơ sở y tế không quá khó. Trung tâm Y tế các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương đã rất nhiều lần điều trị thành công cho các bệnh nhân. “Việc cứu trị bệnh nhân không quá khó. Nhưng để làm sao cho người dân không ăn lá ngón mới là vấn đề. Ở Tương Dương, những năm gần đây tình trạng ăn lá ngón có chiều hướng suy giảm đặc biệt là vùng đồng bào Mông. Sự suy giảm này rất có thể liên quan đến xu hướng người dân thoát ly, đi làm ăn xa, tiếp xúc nhiều nên nhận thức được nâng lên. Điều này rất đáng để nghiên cứu”, bác sĩ Vi Văn Chiến - Giám đốc Trung tâm Y tế Tương Dương chia sẻ và gợi mở.

Theo Kỹ thuật: Thành Cường
Copy Link
Mới nhất
x
Nỗi đau mang tên 'lá ngón'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO