Gặp Thiếu tá, bác sĩ quân y Lê Anh Đức như lời hẹn khi anh đang chuẩn bị xuống bản với lỉnh kỉnh túi quân y, cầm thêm một bọc bánh kẹo. Hỏi “bác sĩ đi đâu đấy? – “Nhà trường vừa báo cháu Thò Y D. học sinh tiểu học ăn lá ngón vừa được cứu sống nay đã nghỉ học rồi. Tôi ghé nhà cháu xem sao?”. Nghe anh trả lời, chúng tôi đề nghị được đi cùng anh xuống bản.
Trên đường đi, Thiếu tá quân y Lê Anh Đức chỉ vào loài cây có những chùm hoa nhỏ màu vàng khá đẹp mọc ở ven rừng và cho hay đó là cây lá ngón. Loại cây này mọc tự nhiên ở khắp mọi nơi từ triền đồi, mép rừng, thậm chí ngay ở ven đường. Bởi vậy, nên mỗi khi có việc bức xúc hay buồn phiền, dân bản, đặc biệt là đồng bào Mông thường ăn lá ngón để quyên sinh.
Cô bé Thò Y.D (11 tuổi) ở bản Pà Khốm là một trong những bệnh nhân may mắn được bác sĩ Đức cứu sống sau khi ăn lá ngón do buồn chuyện nhà vào ngày 7/11. May mắn ngay sau đó, em được bạn cùng phòng phát hiện rồi gọi giáo viên đưa đến Trạm Y tế xã trong tình trạng khá nguy kịch. Ngay lập tức, Thiếu tá Lê Anh Đức đang tăng cường tại Trạm Y tế xã Tri Lễ đã cùng với các đồng nghiệp thực hiện các biện pháp cứu chữa theo bài thuốc dân gian do chính anh nghiên cứu. Nhờ vậy, em Thò Y. D được cứu sống kịp thời.
Nhà của Thò Y D. nằm ngay ở ven đường, thấy khách ghé thăm, cô bé người Mông rụt rè chào, rồi khép nép ngồi. Sau khi kiểm tra sức khỏe, trao quà bánh cho Thò Y. D, Thiếu tá Lê Anh Đức ân cần chuyện trò khuyên nhủ cô bé; dặn dò bố mẹ Thò Y. D theo dõi diễn biến tâm lý của con và động viên con tiếp tục đi học. Anh Thò Bá Lầu, bố Thò Y. D nói: “Nhà tôi có 4 người con, Y. D là chị cả, hôm đó thấy bố mẹ cãi nhau nên Y. D buồn ăn lá ngón, may có bác sĩ Đức cấp cứu kịp thời mới giữ được tính mạng!
Được biết Thò Y.D không phải là trường hợp duy nhất được Thiếu tá quân y Lê Anh Đức cứu sống khi ăn lá ngón bằng phương thuốc do bản thân tự điều chế.
Tri Lễ là xã biên giới có diện tích tự nhiên rộng 20.290,18 ha, với 18,53 km đường biên giới tiếp giáp với cụm bản Phăn Thoong, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Xã có 16 bản, với 2.086 hộ dân/10.366 nhân khẩu, có 4 dân tộc sinh sống gồm: Thái, Khơ Mú, Mông và Kinh, trong đó, đồng bào Mông có 646 hộ/3.931 nhân khẩu. Trên địa bàn vẫn tồn tại một số hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và đặc biệt là nạn ăn lá ngón. Về nhận công tác tại địa bàn từ năm 2013, Thiếu tá Lê Anh Đức đã chứng kiến nhiều người dân tử vong do ăn lá ngón. Trong đó, phần đa là những người trẻ ở độ tuổi 18-35 tuổi, thậm chí các cháu mới 11-12 tuổi cũng tìm đến lá ngón bởi những lý do rất đỗi bình thường như vợ chồng cãi vã, anh em mâu thuẫn, bị gia đình phản đối mối quan hệ tình cảm nam nữ…
Trăn trở, day dứt bởi những cái chết tức tưởi khi mà một số bệnh nhân mặc dù được người nhà đưa đến bệnh xá nhưng không cứu kịp do lá ngón là một loại cây độc tính mạnh (thuốc độc bảng A), có tên khoa học là Gelsemium elegans Benth, thuộc họ Mã tiền (Loganiaceae). Khi ngộ độc lá ngón, người bệnh nếu chậm được cứu chữa, đa số tử vong.
Quá trình theo dõi biểu hiện của những người ăn lá ngón, nghiên cứu độc tính của loại cây này, cùng những lần thấy các bà mẹ người Mông gùi cây chuối, rau má trên rừng về, Thiếu tá Lê Anh Đức chợt lóe lên suy nghĩ: Sao không sử dụng nước cây chuối kết hợp với rau má thanh nhiệt để giải độc lá ngón? Sau thời gian tìm tòi, năm 2016 anh đã sáng chế ra bài thuốc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân ngộ độc lá ngón từ những thứ có sẵn trong tự nhiên và dễ thực hiện. Anh tìm những thân cây chuối to bằng bắp tay rửa sạch, cắt ra, sau đó vắt lấy nước kết hợp nước lá rau má đã được giã nhỏ trộn đều. Sau đó, tìm vài con nhái bén còn sống rửa sạch thả vào nước hỗn hợp nói trên từ 3-5 phút rồi vớt bỏ nhái ra (việc cho nhái bén còn sống vào nước chỉ với mục đích tạo chất tanh cho bệnh nhân dễ nôn).
Theo chia sẻ của Thiếu tá Lê Anh Đức, khi bệnh nhân ngộ độc lá ngón thì cho người bệnh uống nước hỗn hợp trên, mỗi lần khoảng 400 – 500ml rồi dùng tay đưa vào miệng bệnh nhân kích thích gây nôn để đào thải hết thức ăn trong dạ dày. Sau đó, tiếp tục cho bệnh nhân uống khoảng 300ml nước thân cây chuối kết hợp với lá rau má giã nhỏ trộn đều (lần này không gây nôn). Nếu gặp trường hợp bệnh nhân ngộ độc nặng không tự uống được thì đặt sond dạ dày dùng 3 – 5 lít nước hỗn hợp để rửa sạch dạ dày. Cùng với đó, kết hợp dùng thuốc kháng histamin, trợ tim, trợ sức, truyền dịch… Sau khoảng 2 – 3 giờ tích cực cấp cứu, hồi sức, bệnh nhân sẽ qua cơn nguy kịch và dần hồi phục.
Nhờ bài thuốc này, nhiều cuộc đời đã thay đổi, nhiều cuộc sống hồi sinh với hy vọng mới. Như trường hợp anh Lô Văn X. (SN 1985), ở bản Yên Sơn, là bệnh nhân đầu tiên được anh Đức cứu sống sau khi ăn lá ngón. Nhớ lại chuyện xưa, bà Hà Thị Tuyết (mẹ anh X.) cho biết, thời điểm đó, hai vợ chồng con trai đã ra ở riêng, quá trình chung sống xảy ra mâu thuẫn, cộng thêm việc đã uống rượu nên anh X. đã tìm đến lá ngón để tự tử. May mắn, anh được phát hiện, đưa đến Trạm Quân dân y biên phòng và được bác sĩ Đức cấp cứu, điều trị bằng bài thuốc của mình. Hiện anh X. đã trở thành thợ xây lành nghề, có cuộc sống ổn định. “Nếu không có bác sĩ Đức thì ngày đó con trai tôi đã mất mạng, vì vậy, chúng tôi coi bác sĩ Đức là ân nhân, là người con trong gia đình”, bà Tuyết cho hay.
Theo chia sẻ của Thiếu tá Lê Anh Đức, thời điểm cứu sống bệnh nhân đầu tiên, anh vẫn chưa chắc chắn vào bài thuốc điều trị độc lá ngón của mình, sau này cứu sống thêm vài người nữa anh mới thông báo với đơn vị để báo cáo về Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, Thiếu tá, bác sĩ quân y Lê Anh Đức đã giành lại sự sống cho 24 bệnh nhân nhiễm độc lá ngón và biệt danh “Thần y” ra đời từ đó.
Nói về vai trò của bác sĩ Đức và lực lượng biên phòng đóng chân trên địa bàn trong cuộc chiến đẩy lùi nạn ăn lá ngón trong nhân dân, ông Xồng Bá Cha – Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho hay: Trên địa bàn hầu như năm nào cũng xảy ra một vài trường hợp người dân ăn lá ngón. Cao điểm năm 2020, toàn xã có 17 người ăn lá ngón, trong đó có 10 người tử vong. Năm 2021 có 10 người ăn lá ngón, 6 người tử vong. Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp với Đồn Biên phòng Tri Lễ và đội ngũ cán bộ, người có uy tín tại các thôn, bản kiên trì đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, kết hợp với xóa nhổ, bài trừ cây lá ngón. Nhờ vậy, đã hạn chế được nạn ăn lá ngón trong nhân dân. Đặc biệt, bài thuốc do bác sĩ Lê Anh Đức điều chế đã cứu sống tính mạng của nhiều người dân trên địa bàn. Riêng trong 2 năm (2022 – 2023) có 2 cháu học sinh THCS, tiểu học trên địa bàn ăn lá ngón đều được cứu sống.
Theo Thượng tá Hồ Thanh Quang – Chính trị viên Đồn Biên phòng Tri Lễ: Việc nghiên cứu tìm ra bài thuốc và cấp cứu cho các bệnh nhân bị ngộ độc lá ngón của đồng chí Đức có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, làm sáng đẹp hình ảnh người “thầy thuốc quân hàm xanh” trong lòng nhân dân. Hiện phương thuốc này đã được phổ biến cho cán bộ quân y các đơn vị thuộc lực lượng biên phòng như Đồn Mỹ Lý, Đồn Keng Đu của huyện Kỳ Sơn và nhân rộng cho nhân viên y tế thôn, bản, người dân nhằm tăng cơ hội cứu sống cho các nạn nhân bị ngộ độc lá ngón.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo ở xã Thanh Long (Thanh Chương), nhưng lại theo nghiệp biên phòng rồi gắn bó với nghề thầy thuốc ở các bản làng vùng cao, bác sĩ quân y Lê Anh Đức gọi đó là “cái duyên”. Hơn 10 năm công tác ở địa bàn xã biên giới Tri Lễ – vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, nhất là tại 5 bản chưa có điện lưới, đường giao thông đi lại khó khăn, điều kiện thuốc men, vật tư y tế còn thiếu thốn, bên cạnh chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, Thiếu tá Lê Anh Đức đã tích cực phối hợp với đồng nghiệp, cấp ủy, chính quyền địa phương đi từng thôn, bản cấp phát thuốc, tiêm chủng, tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bước chân người bác sĩ quân y đã in dấu khắp 16 bản, làng ở xã Tri Lễ.
Khi dịch Covid-19 xảy ra, Thiếu tá Lê Anh Đức đã tham gia trực tại chốt phòng, chống dịch, tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho nhân dân và tăng cường cho Tổ quân y phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Tư lệnh BĐBP. Bên cạnh đó, có thời gian anh được điều động bám trụ ở các địa bàn vùng xa như Trạm quân – dân y kết hợp ở bản Mường Lống. Nhận thấy, đồng bào ở đây sống khá khép kín, để có thể giao tiếp và làm tốt công tác dân vận, Thiếu tá Lê Anh Đức đã tự học tiếng Mông. Anh chia sẻ, muốn thay đổi nhận thức của bà con đòi hỏi công tác tuyên truyền, vận động phải kiên trì “mưa dầm thấm lâu”. Ví như trước đây, đồng bào Mông khi đau ốm chỉ làm vía, giờ bà con đã đến Trạm y tế xã, đến bệnh viện để khám bệnh, lấy thuốc. Đối với việc bài trừ cây lá ngón, thì cốt lõi vẫn phải là tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con về tác hại của loại cây độc này.
Dù ở địa bàn nào, vị trí nào Thiếu tá Lê Anh Đức cũng luôn được người dân tin, dân quý bởi sự nhẹ nhàng, tận tâm với người bệnh. “Đặc biệt, với những người dân lỡ ăn lá ngón nếu được cấp cứu, điều trị kịp thời theo bài thuốc của bác sĩ Đức thì cơ hội được cứu sống cao, chứ trước đây, xác định ăn lá ngón là cầm chắc tử vong. Thế nên, dân bản mới gọi bác sĩ Đức là “Thần y”, “ thầy thuốc của bản làng”, ông Xồng Bá Cha – Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho hay.
Y đức và sự nỗ lực của Thiếu tá Lê Anh Đức không chỉ được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, mà còn được các cấp, ngành biểu dương thông qua nhiều Giấy khen, Bằng khen; trong đó, có Bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Quốc phòng, vì thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác hậu cần quân đội. Vậy nhưng, mong muốn lớn nhất của người bác sĩ quân y này là cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi mảnh đất biên cương sẽ ngày càng đổi thay, người dân có điều kiện được chăm sóc sức khỏe tốt hơn và đặc biệt vấn nạn ăn lá ngón sẽ được bài trừ để không ai phải tử vong oan uổng vì ăn lá ngón nữa.