Nỗi sợ bạo lực học đường?

Lê Thanh Nga 04/10/2023 08:30

(Baonghean.vn) -Hình như nỗi sợ bạo lực học đường đang trở thành một gánh nặng tâm lí cho xã hội, trong đó đặc biệt là học sinh, phụ huynh…

Theo thống kê của Báo điện tử Đại biểu nhân dân, từ năm học 2017 - 2018 đến năm học 2021 – 2022, trên cả nước đã xảy ra 2.624 vụ “bạo lực học đường” với 7.209 đối tượng liên quan.

Tuy nhiên, số vụ bạo lực học đường chắc chắn không dừng lại trên bảng thống kê của các cơ quan chức năng bởi không phải vụ nào cũng được quay clip rồi phát tán… Không thể tưởng tượng được một không gian sống mà mỗi sáng dắt xe ra đường, chở con cái đi học lại ngay ngáy lo cho sự an toàn của chúng. Điều này về lâu dài có nguy cơ trở thành thứ chấn thương tâm lí, không phải chỉ với những nạn nhân, mà là với cả cộng đồng.

Không thể chối cãi về hiện tượng bạo lực xảy ra quá nhiều và có liên quan các nhà trường ở những mức độ khác nhau, không chỉ ở đối tượng học sinh mà cả ở giáo viên, dù có thể là không nhiều. Thực sự quá xấu hổ khi những người ngày ngày đứng trên bục giảng để bồi dưỡng phẩm chất cho thế hệ trẻ lại chính là tác giả của những hành động bạo lực, thậm chí, trong đó có cả những người làm công tác quản lí, lãnh đạo. Lưu ý ở đây tôi đang nói về hành xử giữa đồng nghiệp với nhau. Còn thầy, cô giáo có lỡ đánh học sinh vài roi hay mắng vài câu lại là câu chuyện có lẽ phải bàn trong một dịp khác, từ một góc nhìn khác.

nữ.jpg
Nhóm nữ sinh ở Thanh Chương đánh đập, lột đồ bạn rồi quay clip. Ảnh cắt từ video

Có một điều có lẽ ai cũng nhận ra, là chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà bạo lực đã trở nên phổ biến. Mỗi ngày mở các trang báo, các trang mạng xã hội, ta đều đọc được những thông tin về chuyện ẩu đả, chém giết, dẫu nguyên nhân đôi khi chỉ là một va chạm nhẹ lúc tham gia giao thông, hoặc thậm chí chỉ là một ánh nhìn vô tình.

Khi mà việc vung con dao lên để đoạt mạng một ai đó đã trở nên nhẹ nhàng trong một bộ phận không phải ít của xã hội, và có những người thản nhiên quay clip, thản nhiên phát tán các clip này, cũng là lúc con người ngày càng trở nên tàn nhẫn, trở nên hung hãn và vô cảm. Ở góc độ quốc gia, dân tộc, những bất ổn chính trị ngày càng trở nên phổ biến và bùng nổ thành những cuộc chiến đẫm máu, từ tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên đến tranh giành ảnh hưởng địa chính trị. Nhìn từ góc độ này, bạo lực học đường trước hết là sự hiện diện của một hiệu ứng tiêu cực của đời sống nói chung.

Như vậy những bạo lực nếu xảy ra trong môi trường giáo dục thực chất là kết quả của việc mang tâm lí, hành động bạo lực vào học đường. Bốn chữ “bạo lực học đường” được tách ra và khoanh vùng trong môi trường giáo dục nhiều khi gây cảm giác như là việc “truy tội cho ngành”. Những người có trí tuệ và lương tri chắc chắn chẳng ai muốn bạo lực. Ở đời chẳng ai muốn mang tiếng xấu và hệ lụy vào mình. Rạch ròi và độ lượng trong nhìn nhận và đánh giá bao giờ cũng là chìa khóa để tìm ra các giải pháp tích cực. Tôi muốn ghi chú thêm là rất nhiều vụ học sinh đánh nhau xảy ra ngoài khuôn viên nhà trường cũng bị coi là bạo lực học đường. Giả sử các em ấy bỏ đi bộ đồ đồng phục, vứt cặp sách đi, thì ai biết đấy là đâu. Đâu phải cứ khoác lên mình bộ đồng phục thì cứ thản nhiên coi đó là “học đường”!

bna_n2.jpg
Cảnh một nữ sinh túm tóc, đánh tới tấp một nữ sinh khác tại TP. Vinh khiến dư luận bất bình. Ảnh cắt từ video

Vấn đề ở chỗ, tại sao bạo lực lại xảy ra thường xuyên hơn ở bậc phổ thông, nhất là Trung học cơ sở và trung học phổ thông, mà lại là trong giai đoạn này? Có ít nhất bốn điểm cần chú ý.

Thứ nhất, tâm lý lứa tuổi. Thực tế không thể thay đổi và chắc chắn là một nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến hành vi bạo lực. Giai đoạn học từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông là giai đoạn mà các em đang dần hình thành, hoàn thiện nhân cách với những biến đổi tâm lý phong phú, phức tạp, trong đó có cái mà tâm lí học giáo dục gọi là “xây dựng hình ảnh bản thân”. Sự thôi thúc của việc khẳng định cá tính, bản lĩnh sẽ phát sinh những hành vi lệch chuẩn, trong đó có hành vi bạo lực, nếu các em không được theo dõi, tư vấn, chia sẻ và định hướng bởi những người có hiểu biết và có trách nhiệm. Bản thân tôi rất tán thành với việc nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động tư vấn tâm lí học đường của Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018.

Giáo dục gia đình được xếp ở nguyên nhân thứ hai, vì gia đình chính là cái nôi đầu tiên của các em trong đời, và không gian ấy, bao gồm các thành viên và văn hóa, giáo dục, đạo đức, lối sống… sẽ là môi trường sống của các em ít nhất cho đến 18 tuổi, trừ những trường hợp đặc biệt trọ học xa nhà. Nếu ngay từ nhỏ, các em đã được hưởng một nền giáo dục gia đình tốt, thì phần lớn các em đương nhiên sẽ biết cách ứng xử theo cách của thanh thiếu niên có giáo dục. Điều nguy hiểm là hình như sự giáo dục con cái của chúng ta ngày đang trở nên cẩu thả.

Thứ ba là chế tài chưa đủ mạnh để răn đe đối với những học sinh vi phạm. Đình chỉ một vài buổi học xét đến cùng chẳng mất mát gì nhiều, thậm chí, việc bị đình chỉ học một vài buổi, thậm chí một vài tuần… có thể lại là niềm vui của những học sinh cá biệt.

Và thứ tư, một phần là hệ lụy của hiện tượng công nghệ thông tin và mạng xã hội đang bị sử dụng theo hướng thiếu lành mạnh. Bởi, việc phán tán các hình ảnh, nội dung bạo lực, xét đến cùng, nếu không được kiểm soát, vô tình hoặc cố ý, cũng là một cách cổ xúy cho hành động bạo lực./.

Mới nhất
x
Nỗi sợ bạo lực học đường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO