Nông dân lãi trăm triệu từ trồng ngô sinh khối
(Baonghean.vn) - Với diện tích hơn 2.300 ha/ vụ, huyện Anh Sơn từ lâu được xem là vựa ngô lớn của tỉnh. Từ loại nông sản này đã giúp cho không ít người dân miền núi Anh Sơn thoát nghèo.
Sản xuất ngô sinh khối không quá vất vả, bởi hiện nay bà con nông dân đã đưa cơ giới hóa vào tận đồng ruộng, nhờ vậy thời gian làm đất, gieo trỉa nhanh gọn. Ảnh: Huyền Trang |
Để tạo bước đột phá trong năng suất, sản lượng cũng như hệ số sử dụng đất, ngành Nông nghiệp huyện có chủ trương sản xuất ngô sinh khối lớn với số lượng 4 vụ/năm.
Trong lúc nhiều địa phương đang còn phải chờ một thời gian nữa mới đến thời kỳ thu hoạch ngô vụ xuân thì ở xã Tam Sơn người dân đã thu hoạch xong và hoàn thành việc xuống giống ngô vụ xuân hè trên đất bãi. Chỉ tay về phía vùng đất vừa mới được gieo trỉa xong cách đây 5 ngày, anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn 7, xã Tam Sơn cho biết: "Gia đình tôi có hơn 10 sào đất bãi, thu hoạch xong ngô cây để bán cho các công ty bò sữa là chúng tôi bước vào ngay sản xuất vụ ngô tiếp theo".
Anh Hùng cho hay, sản xuất loại ngô này không quá vất vả, bởi hiện nay xã đã đưa cơ giới hóa vào tận đồng ruộng, chỉ trong một ngày là có thể làm đất và gieo trỉa xong, công chăm sóc cũng không nhiều, đến lúc ngô ngậm sữa thì thương lái đến tận nơi thu mua, rồi họ tự thuê người thu hoạch. So với việc trồng ngô thương phẩm, trồng ngô sinh khối mang lại nguồn lợi nhuận lẫn tiết kiệm chi phí cho người nông dân hơn nhiều.
Người dân xã Tam Sơn (Anh Sơn) thu hoạch ngô sinh khối. Ảnh: Huyền Trang |
Ngay gần đó, anh Nguyễn Hữu Anh ở cùng thôn 7 cũng đang kiểm tra những thửa ngô vừa mới nảy nầm. Anh cho hay: Vừa rồi có một trận lốc lớn làm hơn 8 sào ngô của gia đình bị gãy đổ, nhưng may là ngay từ đầu vụ xã đã làm hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty bò sữa do vậy mà diện tích ngô của gia đình anh cũng như hàng chục hộ dân khác trong xã được thu mua hoàn toàn, năng suất có sụt giảm nhưng vẫn có thu nhập. Theo anh Hữu Anh, nếu thời tiết thuận lợi trồng ngô sinh khối, bà con nông dân thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm là cái chắc, còn trồng ngô lấy hạt chỉ thu từ 60 – 70 triệu đồng/ha/năm. Nguyên nhân, trồng ngô sinh khối quay vòng được 4 vụ/năm, còn trồng ngô lấy hạt chỉ sản xuất được 3 vụ/năm. Hơn nữa, những năm gần đây, trồng ngô sinh khối mật độ dày, nên sản lượng cây ngô đạt cao.
Theo tính toán của người dân xã Tam Sơn ngô sinh khối có thời gian sinh trưởng ngắn từ 85-90 ngày còn ngô lấy hạt phải mất từ 110-120 ngày mới cho thu hoạch. Nếu chăm sóc tốt mỗi sào đạt năng suất 1,8 tấn/vụ, với giá 850.000 đồng/tấn. Tính ra mỗi năm người dân thu về trên 7 tấn ngô cây, trị giá hơn 6 triệu đồng, lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với trồng ngô lấy hạt trước đây.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Tam Sơn cho biết: Đây là năm thứ 2 xã triển khai thực hiện mô hình trồng ngô 4 vụ/năm, qua 2 năm sản xuất cho thấy cây ngô vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất cao, theo đánh giá ban đầu việc sản xuất ngô lấy thân 4 năm/vụ không làm xơ hóa đất đai vì cây ngô thường phát triển mạnh và cần nhiều dinh dưỡng vào giai đoạn nuôi bông trong khi đó với loại ngô lấy thân này đến thời kỳ bông ngậm sữa thì đã cho thu hoạch.
Để nâng cao năng suất, sản lượng địa phương cơ cấu bằng các loại giống ngắn ngày như: CT888, CT919, CP101… Còn về đầu ra sản phẩm hiện đã có nhiều công ty về thu mua như các Công ty bò sữa TH, Vinamilk, công ty nuôi bò thịt, nhà máy chế biến thức ăn. Để người dân yên tâm chính quyền xã đã làm hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ. Song song với đó địa hương còn có hơn 100 ha đất tại các vùng cao cưỡng, đồng vệ được người dân duy trì trồng ngô lấy hạt để đảm bảo nguồn thức ăn cho chăn nuôi.
Trong số hơn 2.300 ha ngô mỗi vụ của toàn huyện Anh Sơn, có khoảng hơn 400 ha được người dân các xã Tam Sơn, Đỉnh Sơn, Thạch Sơn, Cẩm Sơn trồng ngô sinh khối lớn. Ông Nguyễn Đình Đăng - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết: ngô sinh khối có nhiều cái lợi như rút ngắn thời gian mỗi vụ; tránh được lũ chính vụ; tăng hệ số sử dụng đất và tăng hiệu quả kinh tế... Việc áp dụng thí điểm trồng ngô 4 vụ/năm hiện nay mới chỉ có xã Tam Sơn thực hiện, tuy nhiên qua đánh giá ban đầu cho thấy rất khả quan. Hiện nay ngành nông nghiệp huyện đang theo dõi, đánh giá từ đó nhân rộng mô hình. |
Huyền Trang
TIN LIÊN QUAN |
---|