Kinh tế

Nông dân Nghệ An bám đồng, bám biển ngay từ đầu năm

Xuân Hoàng 02/01/2025 16:12

Những ngày đầu năm mới 2025, trên các cánh đồng và cảng cá trên địa bàn Nghệ An đều nhộn nhịp cảnh nông dân chuẩn bị sản xuất vụ xuân; ngư dân hối hả chuẩn bị cho chuyến biển mới. Ai cũng cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa.

Nông dân hối hả xuống đồng

Những ngày đầu năm, ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, từ đồng bằng lên các huyện miền núi, bà con nông dân đã ra đồng từ sớm để làm đất, xuống giống chuẩn bị gieo cấy vụ xuân năm 2025.

Nông dân huyện Nghĩa Đàn làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa vụ Xuân. Ảnh: Xuân Hoàng
Nông dân huyện Nghĩa Đàn làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa vụ xuân. Ảnh: Xuân Hoàng

Bà Nguyễn Thị Liên ở xã Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn) cho hay, vụ xuân này gia đình bà gieo cấy 3,5 sào lúa. Đây là vụ sản xuất chính trong năm, nên gia đình chủ động mua vôi bột, xử lý ruộng, thuê máy làm đất từ cuối năm 2024. Những ngày đầu năm mới 2025 này, gia đình bắt đầu gieo mạ, cùng đó, chuẩn bị các loại vật tư, gieo cấy theo đúng khung lịch thời vụ.

Ông Lâm Văn Thắng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Từ trung tuần tháng 12/2024, huyện chỉ đạo các đơn vị thủy lợi, điều tiết nước sản xuất từ các hồ, đập, phục vụ bà con làm đất, gieo mạ. Theo đó, đến đầu năm 2025, gần như toàn bộ diện tích đất sản xuất lúa xuân đã được làm đất, bằng cơ giới hóa. Vụ xuân 2025, huyện Nghĩa Đàn gieo cấy 3.500 ha, trong đó, cơ cấu lúa lai 2.800 ha, còn lại là các giống lúa thuần”.

Nông dân xã Diễn Lâm (Diễn Châu) làm đất, xử lý đồng ruộng, chuẩn bị gieo cấy vụ xuân. Ảnh: Xuân Hoàng
Nông dân xã Diễn Lâm (Diễn Châu) làm đất, xử lý đồng ruộng, chuẩn bị gieo cấy vụ xuân. Ảnh: Xuân Hoàng

Trên những cánh đồng của các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương… không khí ra quân sản xuất đầu năm mới cũng không kém phần nhộn nhịp. Bên cạnh việc tập trung làm đất, xuống giống để thực hiện gieo cấy vụ xuân theo đúng khung lịch thời vụ, ngành nông nghiệp cũng chỉ đạo các địa phương khuyến cáo bà con nông dân thu hoạch cây vụ đông đến thời điểm thu hoạch; tập trung chăm sóc diện tích rau xanh, và đẩy mạnh chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

ma 2
Bà con nông dân xóm Đồng Bàn, xã Lăng Thành (Yên Thành) tuân thủ quy trình gieo mạ tập trung và phủ ni lông, nhằm chống rét cho mạ và ngăn ngừa chuột bọ phá hại. Ảnh: Xuân Hoàng

Huyện Yên Thành là vựa lúa của tỉnh, do vậy, công tác chuẩn bị sản xuất vụ xuân được địa phương đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Trọng Hương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết: Vụ xuân tới, toàn huyện gieo cấy 12.800 ha lúa, theo đó, huyện cơ cấu các giống lúa lai chính: Thái xuyên 111, VT 868, Thụy hương 307, Phú ưu 98; Đối với lúa thuần, cơ cấu các loại giống: TVR 225, Bắc thơm 7 và các loại nếp. Đến đầu năm 2025, bà con nông dân đã chủ động làm xong đất và tiến hành gieo mạ.

Người trồng hoa huyện Diễn Châu chăm sóc hoa Tết những ngày đầu năm mới. Ảnh: Xuân Hoàng
Người trồng hoa huyện Diễn Châu chăm sóc hoa Tết những ngày đầu năm mới. Ảnh: Xuân Hoàng

Mục tiêu sản lượng lương thực năm 2025 của Nghệ An đạt khoảng 1,2 triệu tấn; trong đó, vụ xuân 2025 phải phấn đấu đạt 708.800 tấn lương thực. Theo đó, vụ xuân tới toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 90.500 ha lúa và khoảng 20.000 ha ngô, lạc, rau màu các loại… Tinh thần chỉ đạo của tỉnh là linh động, quyết liệt và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tập trung chỉ đạo sản xuất; khai thác tối đa và phát huy cao mọi nguồn lực để vụ xuân 2025 đạt mức cao nhất về diện tích, năng suất, sản lượng, đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả cao.

Ngư dân tích cực bám biển

Những ngày đầu năm mới này, mặc dù thời tiết trên biển không mấy thuận lợi, gió mùa tiếp tục tăng cường, nhưng tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh, ngư dân có mặt để chuẩn bị cho chuyến ra khơi đầu năm.

Những ngày đầu năm mới ngư dân huyện Diễn Châu xuống biển đánh bắt được hải sản. Ảnh: Xuân Hoàng
Những ngày đầu năm mới ngư dân một số nơi của Nghệ An xuống biển đánh bắt được hải sản. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Hồ Anh Sơn - quản lý Cảng cá Lạch Quèn (Quỳnh Lưu) cho biết, do thời tiết trên biển thời điểm cuối năm không mấy thuận lợi, không khí lạnh tăng cường, biển động, nên ngư dân căn thời điểm thuận lợi nhất để vươn khơi đánh bắt, tránh tình trạng đang đánh bắt mà gặp gió mùa phải quay về thì lãng phí nhiên liệu, vì sản lượng đánh bắt chưa được nhiều. Do vậy, những ngày đầu năm mới này, đối với ngư dân đánh bắt bằng tàu thuyền công suất lớn, bám biển dài ngày, thì chưa vội ra khơi, mà tranh thủ sửa sang ngư cụ, phương tiện thật chu đáo, mỗi khi đã vươn khơi là thắng lợi.

Đối với ngư dân Diễn Châu phần lớn đánh bắt gần bờ thì những ngày đầu năm mới vẫn bám biển. Do vậy, tại Cảng cá Lạch Vạn (Diễn Châu) vẫn nhộn nhịp tàu thuyền về cảng và mua bán hải sản ngày đầu năm mới. Bà con ngư dân cho biết, dù ngày Tết Dương lịch nhưng bà con vẫn bám biển để có thêm thu nhập.

Làng nghề chế biến hải sản ở xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) tranh thủ phơi cá những ngày đầu năm mới. Ảnh Xuân Hoàng
Làng nghề chế biến hải sản ở xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) tranh thủ phơi cá những ngày đầu năm mới. Ảnh: Quang An

Lão ngư Trần Hưng ở xã Diễn Bích bộc bạch: Đối với ngư dân chúng tôi, Tết Dương lịch và các ngày lễ khác vẫn đi biển bình thường. Thời gian đánh bắt ngắn, chỉ trong một đêm, ở vùng biển gần bờ, nên hải sản thu về không lớn. Tính sơ bộ, chuyến biển đầu năm này thuyền của lão đánh bắt được hơn 2 tạ hải sản các loại, trong đó, có những mặt hàng có giá trị như tôm tít, mực, ghẹ, trị giá hơn 4 triệu đồng.

Ban Quản lý cảng cá Lạch Vạn cho biết: Ngày đầu năm mới 2025, ngư dân Diễn Châu vẫn bám biển. Do đánh bắt bằng tàu công suất nhỏ, nên bà con thường đi từ đêm khuya, đến trưa mai về bờ. Vì thế, hải sản đánh bắt được không lớn, chủ yếu là ít mực, tôm, ghẹ và cá xô… sau khi trừ chi phí, mỗi tàu chỉ lãi 1 - 2 triệu đồng. Từ 10 giờ tàu cá bắt đầu trở về cảng, cảnh mua bán hải sản nhộn nhịp chỉ diễn ra trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Cứ như vậy, ngư dân Diễn Châu bám biển quanh năm, chỉ nghỉ 3 - 4 ngày vào Tết Nguyên đán.

Cảng cá Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu nhộn nhịp mỗi khi tàu cá trở về. Ảnh Xuân Hoàng
Năm 2024, sản lượng đánh bắt hải sản của Nghệ An tăng 3,3% so với năm trước. Ảnh: Xuân Hoàng

Năm 2024, mặc dù nghề biển gặp nhiều khó khăn, nhưng ngư dân đã nỗ lực “vượt sóng”, sản lượng đánh bắt hải sản ước đạt 214 tấn/kế hoạch 193 tấn, tăng 3,3% so với năm 2023. Đây cũng là động lực để bước sang năm 2025, bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy kinh nghiệm, sáng tạo trong khai thác, cùng đó đầu tư lắp đặt những thiết bị hiện đại hơn trên tàu cá để đánh bắt mang lại hiệu quả cao hơn.

Mới nhất

x
Nông dân Nghệ An bám đồng, bám biển ngay từ đầu năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO