Vùng bãi Biền nay thuộc xóm Dương Bắc xã Xuân Dương là địa phương có truyền thống trồng mía, nấu mật từ lâu đời. Hiện nay, nhiều hộ dân trong vùng vẫn gắn bó với nghề. Mía ở đây được trồng 1 lần thu hoạch 4 -5 vụ. Ảnh: Huy Thư Trước đây, công cụ ép mía thô sơ, việc kéo che, nấu mật khá vất vả. Nay nhờ có máy ép, nên việc ép mía trở nên đơn giản hơn. Tuy nhiên cả xóm chỉ có 2 hộ mua sắm máy ép công suất lớn, vừa ép cho nhà mình, vừa ép cho bà con trong làng với giá 100 nghìn đồng/chảo nước mía. Một số hộ không đưa mía đi ép thì dùng máy ép mini ép mía tại nhà. Ảnh: Huy Thư Các gia đình sắm máy làm dịch vụ thường xây cạnh máy ép mía 1 lò nấu mật gồm 2 chảo gang, có 1 cửa đốt củi. Những hộ chở mía đi ép phải chở củi đến lò để nấu mật. Bà con ở đây cho biết nấu 1 chảo mật phải mất 4 tiếng đồng hồ, do đó nấu mật khá tốn củi. Ảnh: Huy Thư Mỗi xe bò lốp mía cây thường ép được 1 -1,5 chảo nước mía. Khi nấu nước mía phải vớt sạch bọt bẩn nổi trên chảo. Người dân địa phương thường dùng 1 cái vợt cạn làm bằng vải hoặc màn tuyn để vớt bọt này. Ảnh: Huy Thư Bà Nguyễn Thị Bình (55 tuổi) - một phụ nữ có kinh nghiệm nấu mật trong xóm chia sẻ: Nhà bà trồng 3 sào mía, năm trước ép được 30 chảo nước mía, nấu được 750 lít mật. Năm nay mía tốt, cây to, chắc sẽ được nhiều mật hơn. Theo bà Bình, mía càng bẩn khi nấu mật bọt càng nhiều. Từ bọt đen chuyển dần sang bọt trắng, bọt đào. Nếu vớt bọt kỹ thì mật thành phẩm sẽ sáng, đẹp. Ảnh: Huy Thư Khi chảo mật được vớt sạch bọt bẩn, sôi trào, người dân ở đây thường dùng 1 cái vanh làm bằng tôn mỏng có quai xách để lên chảo nhằm "đóng khung" mật, khỏi trào ra ngoài. Một số nhà còn dùng thùng tôn đựng lúa làm vanh nấu mật. Ảnh: Huy Thư Mỗi lò nấu mật chỉ nấu được 3 - 4 mẻ (6 -8 chảo)/ngày. Mỗi hộ chỉ thu hoạch một ít mía, đủ ép 2 chảo nước mía cho 1 lần nấu. Hết nhà này nấu lại đến nhà khác. Đêm tháng Chạp, bên lò nấu mật mía bập bùng ánh lửa, bà con lại thức đêm giúp nhau "canh lửa", vớt bọt, múc mật, nướng khoai, sắn, cùng ăn trong tiếng cười vui, rộn rã tới khuya. Ảnh: Huy Thư Phải giữ lửa trong lò cháy ổn định, nếu “lửa non” sẽ phải nấu lâu, nếu “lửa già” mật dễ bị cháy, khét... Ông Nguyễn Sĩ Toàn - Xóm trưởng xóm Dương Bắc cho biết: Mật bãi Biền nổi tiếng trong huyện. Những năm qua nghề trồng mía nấu mật ở đây đã khởi sắc hơn trước. Gia đình ông là hộ trồng mía nhiều nhất xóm, mỗi vụ ép được khoảng 100 chảo mật. Ảnh: Huy Thư Khi chảo mật sôi "lục bục", chuyển sang màu cánh dán và tỏa ra mùi thơm ngào ngạt, là công việc nấu mật đã hoàn thành. Tùy vào người nấu muốn có mật đặc hay mật loãng mà thêm hay bớt lửa. Ông Nguyễn Công Cường - chủ một lò nấu mật trong xóm cho biết: Một chảo nước mía đầy sẽ nấu được khoảng 20 -25 lít mật. Ảnh: Huy Thư Những chảo mật vừa nấu xong được người dân rót vào xoong, nồi, thùng nhựa... chở bằng xe trâu về nhà. Lớp bọt đào ngọt lịm nổi trên những xoong mật có thể chấm khoai, bánh bì... là món khoái khẩu của nhiều người. Ảnh: Huy Thư Mật mía bãi Biền ngọt đậm, đặc sánh, để được lâu, có thể làm kẹo cà, bánh ngọt, bánh ngào và gia vị trong nhiều món ngon ngày Tết. Sản phẩm do bà con làm ra chủ yếu cung cấp cho người dân trong vùng với giá 50 nghìn đồng/lít. Mùa ép mía, nấu mật đem lại thu nhập, niềm vui cho người dân địa phương và gợi nhắc bao kỷ niệm của những vùng quê Nghệ: “Tháng Chạp về tiếng che kêu rộn rã/Bã mía phơi thơm nức lối về”. Ảnh: Huy Thư
Mùa ép mía nấu mật ở bãi Biền. Video: Huy Thư
POWERED BY
ONE CMS - A PRODUCT OF
NEKO