Làng mật mía Tân Kỳ nhộn nhịp chuẩn bị hàng Tết

X.Hoàng - Q.An 14/01/2024 13:35

(Baonghean.vn) - Tháng cận Tết này, nghề nấu mật mía ở xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ trở nên nhộn nhịp hơn. Các lò nấu mật đêm ngày đỏ lửa để cho ra những mẻ mật mía ngọt sánh mịn, phục vụ cho thực khách xa gần.

bna-8-589.jpg
Có mặt tại làng mật mía xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ những ngày tháng Chạp này, tiếng máy ép mía hòa trong tiếng người rộn ràng cả một vùng quê, các lò nấu mật hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ mật đạt chất lượng nhất. Người dân cho biết, nguyên liệu để nấu mật là cây mía được trồng tại địa phương. Trong ảnh, vận chuyển mía từ ngoài đồng về các lò nấu mật. Ảnh: Q. An
bna-7-4469.jpg
Sau khi mía được tập kết tại lò, nhân công bốc vào để ép. Theo chị Nguyễn Thị Lan ở xóm Châu Nam, xã Tân Hương, để chất lượng mật đảm bảo nhất, mía phải được ép ngay trong ngày. Ảnh: Q. An
bna-3-8968.jpg
Trước đây, phần lớn sử dụng sức trâu để ép mía, nhưng sau này, người dân đầu tư máy ép bằng điện, hoặc máy nổ, nên năng suất cao hơn. Trong ảnh, những thân cây mía được ép chặt giữa 2 khối trục bằng thép. Ảnh: X.Hoàng
bna-4-4457.jpg
Sau khi ép, bã mía được vắt sạch nước. Phần nước mía được lọc qua dụng cụ bằng vải màn để lấy hết phần cặn bã, còn phần bã được phơi khô để làm chất đốt, hoặc bán cho các cơ sở sản xuất hương để làm nguyên liệu phụ. Ảnh: X.Hoàng
bna-10-6898.jpg
Bước vào vụ sản xuất, nên các lò nấu mật ở xã Tân Hương những ngày giáp Tết này luôn đỏ lửa để cho ra sản phẩm mật mía ngọt sánh mịn. Các lò nấu mật chủ yếu tận dụng bã mía để làm chất đốt, nên giảm được chi phí. Ảnh: Q. An
bna-382.jpg
Chị Nguyễn Thị Lan cho biết, khi nước mía được đun sôi, sử dụng chiếc vợt có lưới bằng vải màn để vớt bọt, tạp chất cho đến khi hết. Khi mật sôi, nếu không kịp vớt váng bọt, làm mật bị trào sẽ có màu đen, kém thơm ngon. Ảnh: Q. An
bna-77-7149.jpg
Công đoạn keo mật là công phu, mất thời gian, phức tạp nhất. Người nấu phải đảo liên tục, đều tay. Khi nước mía chuyển qua sền sệt, có màu nâu vàng, công việc nấu mật mới hoàn tất sau 3 - 4 giờ đồng hồ. Ảnh: X.Hoàng
bna-5-7778.jpg
Gia đình chị Nguyễn Thị Lan từ đầu vụ đến nay đã ép được 110 tấn mía, cho ra sản phẩm 8.000 lít mật, dự kiến cả vụ gia đình chị sẽ ép 200 tấn mía, cho ra 16.000 lít mật. Mật mía ở đây được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến với hương vị thơm ngon, cùng độ sánh đặc trưng mà ít nơi nào nấu được. Ảnh: Q. An
bna-6-9101.jpg
Để cây mía trở thành những giọt mật thơm lừng, đặc quánh với màu vàng đặc trưng phải qua nhiều công đoạn. Đó không chỉ là việc lựa chọn giống mía khi trồng, quá trình chăm sóc để cây phát triển tốt mà trong khi nấu, người dân phải ép mía qua 4 lần lọc cặn rồi cho vào chảo đun sôi trên chiếc bếp liên hoàn. Ảnh: Q.An
bna-9-6308.jpg
Ông Lê Đức Thuyên - Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết: Hiện nay, toàn xã có gần 30 hộ chuyên nấu mật mía. Sản lượng mật đạt khoảng 225.000 lít/năm, tập trung chủ yếu ở thôn Châu Nam. Người dân bắt đầu nấu mật mía vào đầu tháng 11 Âm lịch, đến tháng 2 năm sau. Những dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng mật mía tăng cao, đặc biệt tại các làng nghề làm bánh kẹo trong và ngoài tỉnh tìm đến thu mua, nên sản phẩm mật mía tiêu thụ mạnh. Sản phẩm mật mía Tân Hương cũng đã đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Ảnh: X.Hoàng

Mới nhất

x
Làng mật mía Tân Kỳ nhộn nhịp chuẩn bị hàng Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO