Lên Quế Phong hôm nay, điều dễ nhận thấy là nhiều công trình quy mô đã và đang được xây dựng đồng bộ, tạo nên một diện mạo mới ở huyện miền núi, biên giới này.
Ngay tại trung tâm huyện là Nhà máy nước thị trấn Kim Sơn có tổng mức đầu tư xây dựng gần 42 tỷ đồng, chính thức hoàn thành vào năm 2017; vận hành, cung ứng nước sạch cho hơn 2.800 người dân trên địa bàn thị trấn và một số khách hàng thuộc các xã Mường Nọc và Tiền Phong. Cũng tại thị trấn Kim Sơn, Dự án bãi xử lý rác thải huyện Quế Phong đã được các cấp ưu tiên nguồn vốn trong 2 năm 2021-2022 để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý I/2023, là nơi xử lý rác thải cho khu vực thị trấn Kim Sơn và các xã lân cận Tiền Phong, Mường Nọc, Châu Kim… Đây là dự án có tổng mức đầu tư gần 55,5 tỷ đồng trên diện tích gần 20.000m2.
Với đặc thù của một huyện miền núi, có điều kiện địa hình phức tạp, Quế Phong đặc biệt chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng điện – đường – trường – trạm, xem đây là “đòn bẩy” để thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đơn cử lĩnh vực giao thông, có thể kể đến việc nâng cấp đường Tỉnh lộ 544B; nâng cấp, cải tạo các tuyến đường quốc lộ đi qua địa bàn huyện, xoá bỏ các điểm đen về tai nạn giao thông; hệ thống đường liên xã, thôn, bản với tỷ lệ cứng hóa đạt hơn 95%, tăng kết nối, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Về hạ tầng điện lưới, tranh thủ nguồn lực đầu tư giai đoạn 2020-2023, huyện Quế Phong đã có thêm 11 thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn được kéo điện, sử dụng điện lưới quốc gia, nâng tỷ lệ người dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt hơn 98%.
Công tác xã hội hóa đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trên lĩnh vực giáo dục, huyện đã nhận được sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, góp phần xây dựng hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học ngày càng khang trang. Có thể kể đến như Nhà nội trú cho học sinh Trường Tiểu học Tri Lễ với tổng mức đầu tư hơn 15 tỷ đồng do Tập đoàn TECCO tài trợ; hệ thống các phòng học chức năng, phòng học bộ môn, khối phòng phụ trợ tại các điểm trường vùng đặc biệt khó khăn…
Cùng với huy động các nguồn vốn, huyện Quế Phong cũng đặc biệt quan tâm công tác thu hút đầu tư để phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng. Như công trình chợ Kim Sơn được đưa vào sử dụng vào cuối tháng 7/2021, với diện mạo khang trang, hiện đại, là điểm sáng trong thu hút đầu tư trên địa bàn.
Chợ có quy mô hơn 6.000 m2 với tổng mức đầu tư 101,46 tỷ đồng, quy hoạch 389 ki-ốt từ 1-3 tầng với thiết kế hiện đại, tọa lạc ở vị trí đắc địa tại ngã ba đường tiếp giáp với đường Quốc lộ 16 và đường Tỉnh lộ 544B – là khu vực thương mại chính của huyện Quế Phong, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của thị trấn và các vùng lân cận, đồng thời tạo sức hút lớn cho khách hàng và du khách thập phương. Dự án không chỉ phù hợp với chủ trương đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn đáp ứng mong mỏi của người dân và tiểu thương nơi đây.
Theo kết quả đánh giá thực trạng phát triển kinh tế- xã hội và kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội trên địa bàn huyện Quế Phong, từ năm 2010 đến nay, nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt 3.400 tỷ đồng. Đến nay, 100% xã, thị trấn có đường nhựa và điện lưới quốc gia đến trung tâm xã; tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố đạt 85%…
Nhiều công trình trọng điểm từ nguồn ngân sách đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, như: Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện; Nhà máy và hệ thống cung cấp nước vùng trung tâm huyện; Hệ thống kênh nhánh thủy lợi Truông Bành, thủy lợi Hữu Văn, thủy lợi Mương Páng, thủy lợi bản Cắm; Hệ thống thủy lợi kết hợp nước sinh hoạt Nậm Tột, bãi xử lý rác thải huyện, điện lưới quốc gia cho 11 thôn, bản; các công trình giao thông lớn, hệ thống cầu dân sinh ở một số xã… Cùng với đó, các dự án đầu tư ngoài ngân sách như chợ Kim Sơn với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng; Khu du lịch cộng đồng và bảo tồn văn hóa người dân tộc Thái do Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển du lịch cộng đồng, tổng mức đầu tư 19,95 tỷ đồng.
Ông Dương Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, trong phương hướng phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội huyện Quế Phong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, huyện xác định các đột phá chiến lược giai đoạn 2021-2030 là tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, khu du lịch, hạ tầng thương mại biên giới và hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển để tạo đà cho tăng trưởng.
Theo đó, để đạt mục tiêu phát triển hạ tầng một cách đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, cùng với phát huy cao nhất nội lực, Quế Phong xác định phải tận dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Do vậy, huyện sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện tốt nhất hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi thực hiện dự án đầu tư tại huyện; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế trang trại và kinh tế hộ gia đình phát triển.
Cùng với đó, huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt chủ trương tạo vốn từ quỹ đất để xây dựng kết cấu hạ tầng; thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa đầu tư phát triển giáo dục, y tế, văn hóa thông tin, thể dục thể thao. Đồng thời, địa phương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám định, có chế tài xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng, coi trọng công tác duy tu bảo dưỡng, chống xuống cấp…