Nông dân Nghệ An gồng mình chống hạn

Nắng nóng kéo dài gần 1 tháng nay, cộng với không có mưa khiến lượng nước trên các sông, khe, suối, ao, hồ ở các địa phương đang ở mức thấp và cạn kiệt. Thời tiết khốc liệt được đánh giá nắng nóng cao nhất trong hơn 15 năm qua. Trong điều kiện khó khăn đó, các địa phương và người dân đang tập trung các giải pháp chống hạn, ổn định cuộc sống và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho cây trồng.

Theo thống kê, đến nay trên địa bàn huyện Con Cuông có hơn 1.442 hộ dân ở các xã: Đôn Phục, Mậu Đức, Thạch Ngàn, Yên Khê đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Các giếng nước của người dân đã bị khô trơ đáy, các khe, suối đã cạn kiệt. Người dân đã phải đi chắt từng can nước ở khe, suối về dùng; Cuộc sống của người dân vùng hạn hán đang gặp nhiều khó khăn.

Cùng đó, toàn huyện có hơn 850 ha diện tích ruộng chưa cấy do khô nước; 138/356 ha chè kinh doanh đã bị chết cháy và khô héo. Các địa phương bị hạn nặng, thiếu trầm trọng nguồn nước tập trung ở các xã  gồm: Mậu Đức, Đôn Phục, Thạch Ngàn, Yên Khê…

Huyện Con Cuông huy động máy móc đào các giếng khơi ở gần khe, suối giúp người dân có ngồn nước tạm thời. Ảnh: Bá Hậu
Huyện Con Cuông huy động máy móc đào các giếng khơi ở gần khe, suối giúp người dân có ngồn nước tạm thời. Ảnh: Bá Hậu

Để hạn chế thiệt hại do hạn hán, UBND huyện Con Cuông đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan có nhiều giải pháp đồng bộ giúp người dân chống hạn.

UBND huyện chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn huy động người dân nạo vét các kênh mương, khơi thông dòng chảy, có kế hoạch sử dụng nước một cách tiết kiệm.

Trong vụ hè thu này, toàn huyện Tương Dương phấn đấu sản xuất 841 ha diện tích ruộng nước. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ vượt ngưỡng 40 độ C, đã làm cho gần 30 ha diện tích ruộng nước ở các xã Tam Quang, Tam Thái, Nga My bị thiếu nước nghiêm trọng, có nguy cơ không có nước để cấy cho kịp thời vụ. Nhiều diện tích hoa màu, cây ăn quả như sắn, ngô, lạc, mía và ổi bị khô héo.

Để tránh nắng nóng và đảm bảo đúng thời vụ, người dân đã dùng mọi cách để ra đồng dựng lều, lán nhổ mạ, cấy vào lúc mặt trời xuống núi, thậm chí nhiều hộ đã sử dụng ánh điện, đèn pin để cấy vào đêm. 22 giờ, trên nhiều thửa ruộng bậc thang ở bản Lũng, bản Cánh Tráp, bản Na Tổng thuộc xã Tam Thái, huyện Tương Dương vẫn còn sáng đèn.

Người dân Tương Dương cấy đêm tránh nắng. Ảnh: May Huyền
Người dân Tương Dương cấy đêm tránh nắng. Ảnh: May Huyền

Nhiều người tranh thủ nhổ mạ vào đầu hôm và cấy vào 3 giờ sáng, đến khoảng 8h30’ sáng thì về nghỉ, chiều mát lại tiếp tục cho kịp thời vụ. Bà con cho biết, nước tưới tiêu có nguy cơ thiếu ở một số thửa, nên vừa phải lo lấy nước vào diện tích chuẩn bị cấy vừa phải tìm mọi cách để chống chọi với cái nắng gay gắt. Huyện Tương Dương cũng đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân tìm mọi biện pháp để lấy nước vào đồng. Đồng thời chỉ đạo các xã ra quân nạo vét kênh mương, dẫn nước phục vụ tưới tiêu, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

Đã hơn 1 tuần nay gia đình anh Phan Hoàng Trường ở thôn Tháng 8, xã Đỉnh Sơn phải thức trắng đêm, bơm nước tưới cho hơn 1 ha chè công nghiệp của gia đình. Anh Trường chia sẻ: Để chè không bị chết, anh đã đầu tư 30 triệu đồng để khoan giếng và hệ thống béc tưới di động 360 độ.

Do ban ngày nắng gay gắt, hơn nữa điện yếu không bơm được nên gia đình anh phải tưới vào ban đêm. Nhờ áp dụng biện pháp này nên mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng hiện tại chè của gia đình vẫn chưa bị cháy lá. Nhiều hộ trồng chè ở vùng này đều tập trung tưới vào ban đêm nên không khí rất nhộn nhịp.

Nhiều hộ trồng chè chủ động đầu tư mô hình tưới béc di động. Ảnh: Thái Hiền
Nhiều hộ trồng chè chủ động đầu tư mô hình tưới béc di động. Ảnh: Thái Hiền

Ông Nguyễn Văn Hiếu – Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn cho biết: Năm 2015 toàn xã Đỉnh Sơn có trên 35 ha chè bị chết do nắng hạn làm thiệt hại từ 120 – 130 triệu đồng/ha. Năm nay, nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua đã làm 190 ngô vụ hè thu mất trắng, 35 ha chè công nghiệp đang trong thời kỳ kinh doanh bị cháy lá, héo cành.

Ngoài ra còn có 30 ha mía bị cháy ngọn; 23 ha diện tích lúa bị bỏ hoang do không có nước sản xuất và 50% giếng khơi của bà con bị cạn kiệt, đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Thời điểm này, bà con nông dân xã Đỉnh Sơn phải căng mình, thức thâu đêm để tưới nước cho chè.

Nhiều hộ trồng chè đã chủ động đầu tư hệ khoan giếng ngay tại vườn chè để áp dụng mô hình tưới béc di động. Ngoài ra, người dân còn áp dụng phương pháp tưới tràn thủ công hoặc tấp tủ cho cây chè bằng các rơm rạ… để giữ độ ẩm cho cây chè. Tuy nhiên đây cũng chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời bởi hiện tại nước ở các hệ thống này cũng đã bắt đầu cạn kiệt.

Trên địa bàn huyện hiện có 11 công trình phục vụ tưới tiêu, trong đó có 5 hồ đập lớn và 6 trạm bơm điện và trạm bơm Thạch Sơn phục vụ tưới cho hơn 6.300 ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, dung tích hồ chứa lớn đã cạn cùng với đó, các trạm bơm đặt ven bờ sông Lam ở xã Tường Sơn, Thạch Sơn, Lĩnh Sơn phụ thuộc vào nguồn xả các nhà máy thủy điện nên không đủ cột nước cho các máy hoạt động, thời gian bơm kéo dài.

Thời tiết nắng nóng gay gắt, với nền nhiệt độ cao kéo dài đã làm ảnh hưởng đến các loại cây trồng, đặc biệt là rau màu. Để đảm bảo năng suất và sản lượng vào cuối vụ, thời điểm này bà con nông dân huyện Quỳnh Lưu đang tích cực ra đồng chăm sóc, triển khai các giải pháp chống nóng cho rau hiệu quả.

Gia đình ông Hồ Phúc Tư ở xóm 3, xã Quỳnh Lương có 5 sào đất chuyên canh trồng các loại rau màu hàng hóa như cải bạch khẩu, xà lách, hành hoa, mùi. Để chống nóng cho cây trồng, đều đặn mỗi ngày ông Tư tưới nước 4 lần theo khung giờ quy định, tăng 2 lần so với các vụ khác trong năm và thời gian tưới cũng kéo dài gấp đôi. Hơn nữa, thời tiết này cỏ cũng mọc nhanh hơn nên ông thường ra đồng lúc nửa đêm để nhổ cỏ trong những luống rau.

Mỗi thửa ruộng, người dân đầu tư đào từ 1 – 2 giếng khoan để tích trữ tạo nguồn nước tưới và hàng ngày người dân tưới 4 lần nước theo khung giờ quy định, tăng gấp đôi so với các vụ khác trong năm. Ảnh: Hồng Diện
Mỗi thửa ruộng, người dân đầu tư đào từ 1 – 2 giếng khoan để tích trữ tạo nguồn nước tưới và hàng ngày người dân tưới 4 lần nước theo khung giờ quy định, tăng gấp đôi so với các vụ khác trong năm. Ảnh: Hồng Diện

Toàn xã Quỳnh Lương có 215 ha sản xuất rau màu các loại. Hàng năm sản lượng đạt từ 20 – 22 nghìn tấn, cho người dân thu về hàng chục tỷ đồng. Vào vụ rau hè hàng năm, bà con nơi đây thường cơ cấu các loại rau chịu hạn tốt như hành hoa, cải bẹ, cải ngọt, dưa hấu…

Tuy nhiên, để cây trồng không bị héo rũ do nóng và thiếu nước thì nông dân đã đồng loạt đầu tư hệ thống tưới nước bằng bép phun sương tự động nhằm tạo ẩm cho đất được thường xuyên và tiết kiệm được nguồn nước trong điều kiện khô hạn kéo dài. Bên cạnh đó, một số gia đình mua lưới về che chắn phía trên hạn chế ánh nắng rọi trực tiếp, giúp cho rau khỏi bị cháy lá.

Quỳnh Lưu hiện có 700 ha rau màu các loại. Trong đó, có khoảng 500 ha tập trung chủ yếu ở các xã Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Bảng, Quỳnh Văn.

Nắng nóng cũng thường gây ra các bệnh như lễ cổ rễ, chết non, vàng lá, khô đầu lá… vì vậy, các địa phương vùng rau màu của huyện Quỳnh Lưu đang tích cực tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân theo dõi sự phát triển của cây trồng để phát hiện sớm loại sâu bệnh gây hại, có biện pháp phòng trừ kịp thời, tránh thiệt hại về kinh tế vào cuối vụ.

Với 1 ha đất trồng cam, thời tiết nắng nóng, gia đình anh Đặng Xuân Phú ở xóm Bai, xã Nghĩa Liên, huyện Nghĩa Đàn phải thuê riêng 1 công lao động để tưới cho vườn cam nhưng vẫn không hiệu quả.

Sau khi đi tham quan nhiều mô hình tưới nhỏ giọt, phun sương, phun mưa, anh Phú đã làm hệ thống tưới phun mưa có thể tháo ra nhanh chóng và thuận tiện cho việc tưới cũng như làm cỏ sau này. Ưu điểm lớn nhất của mô hình là vào thời điểm tiết trời nắng nóng hay có sương muối, có thể bật máy làm mưa, tưới mát cho cây.

Hệ thống tưới phun mưa của gia đình anh Đặng Xuân Phú. Ảnh: Minh Thái
Hệ thống tưới phun mưa của gia đình anh Đặng Xuân Phú. Ảnh: Minh Thái

Từ hiệu quả của mô hình tưới phun mưa của gia đình anh Đặng Xuân Phú, đến nay trên địa bàn xã đã có 10 hộ thực hiện mô hình tưới phun mưa, 15 hộ thực hiện tưới nhỏ giọt.

Gia đình anh Trần Văn Tám ở xóm Bai trước đây cũng đã thực hiện mô hình tưới nhỏ giọt, nhưng hiện nay vườn cây của gia đình đã trên 6 năm kinh doanh, thân cây cao lớn khi thực hiện tưới nhỏ giọt rất khó. Vừa qua, gia đình anh cũng đã mạnh dạn thực hiện mô hình tưới phun mưa, tuy thời gian chính thức đi vào vận hành chưa lâu, nhưng hệ thống tưới phun mưa làm cho vườn cây gần 1 ha cam và hoa màu của gia đình tươi tốt trong nắng nóng.

Ông Nguyễn Xuân Tiến – Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ cho biết: Đợt nắng nóng gay gắt này bắt đầu từ ngày 04/6 đến ngày 25/6, tức vừa tròn 22 ngày. Nền nhiệt độ phổ biến từ 37 đến 40 độ C trong khoảng từ 10 giờ đến 17 giờ hàng ngày, trong đó nhiều nơi trên 40 độ C. Đây là đợt nắng nóng phá nhiều kỷ lục về nhiệt độ 15 năm lại đây tại vùng Bắc Trung Bộ nói chung và Nghệ An nói riêng.

Ông Nguyễn Trường Thành – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi: Đợt nắng nóng kéo dài 22 ngày qua đã làm trên 12.000 ha lúa hè thu trên địa bàn Nghệ An bị thiếu nước tưới, trong đó 2.300 ha lúa bị hạn nặng có nguy cơ mất trắng. Bên cạnh đó là hàng trăm ha chè ở Tân Kỳ, Con Cuông, Anh Sơn và Thanh Chương đang bị chết cháy. Nếu trong vòng 10 ngày nữa không có mưa thì 2.300 ha lúa sẽ mất trắng và diện tích lúa thiếu nước tưới sẽ lan rộng.