Xây dựng Đảng

Nông dân Nghệ An làm theo lời Bác

Nguyễn Thị Hải - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An 16/05/2025 10:35

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, thực chất của cán bộ, hội viên, nông dân trên toàn tỉnh Nghệ An. Nhiều mô hình hiệu quả với những tập thể, cá nhân tiêu biểu có sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

Nhiều cách làm hay, sáng tạo

Triển khai học tập và làm theo Bác, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đưa việc ký cam kết học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành tiêu chí quan trọng để đánh giá trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong chi bộ, công đoàn và cơ quan chuyên trách Tỉnh hội. Thông qua việc tổ chức quán triệt và ký cam kết nội dung thực hiện cho cán bộ, đảng viên, chi bộ cơ quan Tỉnh hội đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực công tác, thái độ phục vụ nhân dân.

 nong dan do luong
Lãnh đạo tỉnh và Hội Nông dân tỉnh tham quan các sản phẩm nông sản của của huyện Đô Lương. Ảnh: T.L

Để lan tỏa những hành động, việc làm giúp đỡ người nghèo, từ năm 2021, Hội Nông dân tỉnh ban hành Hướng dẫn số 04 về việc “Cơ sở hội giúp đỡ hội viên nông dân thoát nghèo bền vững”. Trong đó, xác định tất cả hộ nghèo trên địa bàn đều thuộc diện giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, toàn xã hội và có trách nhiệm thường xuyên của hội nông dân các cấp. Hàng năm, Tỉnh hội giao chỉ tiêu cho mỗi cơ sở hội giúp đỡ 1 hộ hội viên, nông dân thoát nghèo.

Trao dê giống cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn ở phường Quang Phong, thị xã Thái Hòa.
Trao dê giống cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn ở phường Quang Phong, thị xã Thái Hòa. Ảnh: P.V

Từ sự chỉ đạo của Hội Nông dân tỉnh, nhiều đơn vị có mô hình hay, cách làm sáng tạo như: Hội Nông dân huyện Quỳnh Lưu với Chương trình “Ngân hàng bò”, Hội Nông dân huyện Đô Lương với Chương trình “Góp gạch xây trường cho em"...

Trao hỗ trợ cho gia đình chị Nhâm - Thanh Mỹ
Hội Nông dân huyện Thanh Chương trao hỗ trợ cho hội viên khó khăn ở xã Thanh Mỹ xây nhà. Ảnh: P.V

Hàng năm Chi ủy cơ quan Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Công đoàn cơ quan tuyên truyền và phát động mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong cơ quan quyên góp, ủng hộ Tết Vì người nghèo ít nhất 1 ngày lương; Ủng hộ phòng, chống dịch Covid - 19 được 15,3 triệu đồng; Thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Ban Thường vụ Đảng ủy Khối phát động, toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong cơ quan đã đóng góp ủng hộ 3 máy điện thoại thông minh và trực tiếp trao cho 3 học sinh con hội viên nông dân xóm Kẻ Gai, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên.

Cơ quan Hội Nông dân tỉnh phối hợp với cơ quan Hội Nông dân Thành phố Hà Nội hỗ trợ giúp đỡ cho 1 hội viên nông dân nghèo ở xã Yên Thắng, huyện Tương Dương xây nhà ở với số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng.

mo hinh
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh kiểm tra mô hình chăn nuôi bò của hội viên nông dân huyện Diễn Châu. Ảnh: T.L

Các cấp hội nông dân cơ sở đã chỉ đạo 37.237 cán bộ hội tham gia thành viên "Tổ Covid-19 cộng đồng”, chỉ đạo thành lập duy trì 161 “Tổ kết nối tiêu thụ nông sản”, 109 "Tổ hỗ trợ nông vụ”, 48 điểm, 7 cửa hàng và 20 "Gian hàng kết nối tiêu thụ nông sản". Hơn 6.700 tấn nông sản, thực phẩm và 11,2 tỷ đồng được hội viên nông dân trong tỉnh đóng góp ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch.

 thai hoa du dujpg
Mô hình trồng đu đủ cho thu nhập cao của nông dân thị xã Thái Hòa. Ảnh: T.L

Một trong những việc làm các cấp hội đẩy mạnh là các hoạt động giúp đỡ xóa nghèo, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động hội viên tham gia với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, thông qua Chương trình "Viên gạch nghĩa tình", hội viên góp hàng vạn viên gạch giúp đỡ hộ nghèo làm nhà ở. Thông qua Chương trình “Viên gạch nghĩa tình” do Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phát động, hội viên nông dân toàn tỉnh đã đăng ký ủng hộ 4,6 tỷ đồng để xây dựng nhà cho các hộ nông dân nghèo. Từ năm 2023 đến tháng 12 năm 2024, các cấp hội đã phát động cán bộ, hội viên nông dân, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 374 nhà, với tổng số tiền ủng hộ hơn 5,4 tỷ đồng.

nuoi ga
Mô hình nuôi gà công nghệ cao của nông dân huyện Nghi Lộc. Ảnh: T.L

Lan tỏa các mô hình

Hội nông dân các cấp ở Nghệ An thực hiện tốt phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Bình quân hàng năm có trên 300 ngàn hộ hội viên đăng ký và có trên 150 ngàn hộ hội viên đạt danh hiệu "Sản xuất, kinh doanh giỏi" các cấp.

 nuoc nam
Mô hình sản xuất nước mắm của nông dân thị xã Hoàng Mai. Ảnh: T.L

Qua đó, xuất hiện nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi có quy mô sản xuất lớn, doanh thu hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Hàng năm, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp trong tỉnh đã hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm cho trên 1.000.000 lao động; giúp đỡ cho trên 150.155 lao động có việc làm; giúp đỡ có hiệu quả 88.089 lượt hộ khó khăn về vốn, vật tư kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh.

 anh son
Hội Nông dân huyện Anh Sơn kiểm tra mô hình sản xuất giống cam bù sen. Ảnh: T.L

Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, hội nông dân toàn tỉnh hỗ trợ xây dựng được 380 mô hình kinh tế hiệu quả. Xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cho thu nhập cao, như mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở các huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu; trồng cam an toàn ở các huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Anh Sơn; chế biến hải sản ở Cửa Lò; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng phương pháp an toàn sinh học ở huyện Diễn Châu; Nuôi gà đen tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn; HTX Chăn nuôi gà tại xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương; Tổ hợp tác trồng cây ăn quả tại xã Quang Thành, huyện Yên Thành,...

 che bien
Mô hình chế biến hải sản của nông dân TP. Vinh. Ảnh: P.V

Bên cạnh đó, hội nông dân các cấp tích cực vận động nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, mỗi năm đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hiến hàng chục nghìn m2 đất, tham gia ngày công lao động làm mới, cải tạo, duy tu công trình giao thông, thủy lợi, công trình văn hóa; tổ chức nhiều hoạt động truyền thông bảo vệ môi trường.

1.jpeg
Cửa hàng giới thiệu, kinh doanh sản phẩm đặc trưng của nông dân, sản phẩm OCOP do Hội Nông dân TP. Vinh hỗ trợ. Ảnh: T.L

Trong những năm qua, các cấp hội đã hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng được 1.495 mô hình bảo vệ môi trường, 886 mô hình phân loại rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, xây dựng được 1.145 mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế, phụ phẩm nông nghiệp, sản xuất được 41.509 tấn phân bón hữu cơ, với 16.243 hộ hội viên nông dân tham gia; xây dựng 880 vườn chuẩn nông thôn mới và 2.387 vườn mẫu nông dân theo hướng vườn chuẩn nông thôn mới; 2.702 hàng cây "Nông dân ơn Bác"; 224 vườn cây "Nông dân ơn Bác". Tổ chức tổng kết Chương trình “Trồng 1 triệu cây xanh” giai đoạn 2021-2023, kết quả tính đến thời điểm tổng kết, các cấp hội đã trồng được tổng số là 1.564.016 cây.

 so do
Biểu đồ kết quả các mô hình các cấp hội nông dân triển khai. Đồ Họa: Hữu Quân

Ngoài ra, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh còn phát động phong trào nông dân trồng cây chống sạt lở gắn với cải tạo cảnh quan các dòng sông; phong trào này được Hội Nông dân tỉnh làm điểm tại huyện Anh Sơn năm 2024, năm 2025 tiếp tục phát động phong trào ở các cấp hội và được cán bộ, hội viên, nông dân hưởng ứng tích cực, tính đến cuối tháng 4/2025: Toàn tỉnh đã trồng được 38.626 cây tre, mét trên địa bàn các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương, Con Cuông.

Phong trào nông dân trồng cây chống sạt lở gắn với cải tạo cảnh quan các dòng sông. Ảnh: TL
Phong trào nông dân trồng cây chống sạt lở gắn với cải tạo cảnh quan các dòng sông. Ảnh: T.L

Hội Nông dân tỉnh đề xuất UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn giai đoạn 2020-2023”. Quá trình thực hiện đề án, các cấp hội trong tỉnh đã phối hợp tổ chức mở được 107 lớp tập huấn trang bị kiến thức sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn cho trên 5.000 hội viên nông dân; xây dựng được gần 400 mô hình sản xuất nông sản an toàn; chỉ đạo, hỗ trợ mở 8 cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn tại các huyện, thành, thị.

 phan huu co
Hướng dẫn nông dân sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp. Ảnh: P.V

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh xây dựng, đề xuất UBND tỉnh ban hành Đề án “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp giai đoạn 2023-2025". Từ năm 2021 đến nay, bình quân mỗi năm, nông dân toàn tỉnh sản xuất được khoảng 40.000 tấn phân hữu cơ từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp.

 tap huan
Hội Nông dân tỉnh tập huấn cho nông dân bảo vệ môi trường. Ảnh: T.L

Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh tập trung đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với các ngành, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, dạy nghề, tập huấn khoa học, kỹ thuật, tư vấn giới thiệu việc làm nhằm tạo thêm điều kiện giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trong 10 năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp mở 238 lớp đào tạo nghề cho 8.216 học viên, các cấp hội nông dân trong tỉnh phối hợp tổ chức được 1.727 lớp đào tạo nghề cho 55.615 lao động nông thôn, 17.520 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho hội viên, nông dân. Phối hợp cung ứng gần 170.520 ngàn tấn phân bón; hơn 650.000 con giống gia súc, gia cầm; gần 2.680 tấn thức ăn chăn nuôi... giá trị hơn 18 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh tăng trưởng 86,685 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh lên 111,2 tỷ đồng với 33.935 hộ vay.

 vay von
Hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển mô hình kinh tế. Ảnh: T.L

Những kết quả đạt được trong giai đoạn 10 năm vừa qua là minh chứng rõ nét cho nỗ lực không ngừng của các cấp hội nông dân thực hiện học tập và làm theo Bác. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc; đổi mới và đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động tới cán bộ, hội viên nông dân để thay đổi nhận thức và hành động.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng và duy trì học tập và làm theo Bác có hiệu quả; đồng thời, kịp thời tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tốt, phát huy truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành và vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra để việc học và làm theo Bác ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa sâu rộng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Nông dân Nghệ An làm theo lời Bác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO