Nông dân Nghệ An ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cam

Phú Hương 20/01/2020 09:12

(Baonghean)- Nhiều diện tích cam phải chặt bỏ, năng suất giảm, giá bán giảm… là thực tế hiện đang xảy ra ở nhiều vùng cam trong tỉnh đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, trong đó sản xuất “sạch”, ứng dụng công nghệ cao đang được coi là hướng đi tất yếu.

Phát triển diện tích “cam sạch”

Có 8 sào đất trồng chè, trước đây mỗi năm gia đình ông Lê Đình Toàn, xóm Hòa Liên, xã Thanh Hòa, Thanh Chương thu được 4 - 4,5 tấn chè búp, tính ra tổng thu chưa đến 20 triệu đồng. Những năm lại đây, ông quyết định bỏ cây chè, chuyển sang trồng các giống cam bù địa phương, cam V2, Xã Đoài… “Mỗi năm tôi thu hoạch khoảng 4 - 5 tấn cam, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây chè”, ông Toàn chia sẻ.

Những năm gần đây, thương hiệu
Những năm gần đây, thương hiệu "Cam Vinh" ngày càng được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Ảnh: Phú Hương

Theo ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương: Diện tích cam của Thanh Đức hiện đã lên tới gần 150 ha. Năm 2019, được sự hỗ trợ của tỉnh, Thanh Đức đã xây dựng mô hình sản xuất cam VietGAP. Vượt qua nhiều khó khăn, cuối năm 2019, mô hình sản xuất cam của HTX NN Thanh Đức đã được chứng nhận VietGAP với diện tích 20ha, năng suất đạt 10 tấn/ha. “Đáng mừng nhất là các hộ dân đã nắm chắc quy trình sản xuất, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đây là nền tảng để tiến tới sản xuất chế biến các sản phẩm từ cam, xây dựng thương hiệu để tham gia các hội chợ và tạo thị trường tiêu thụ ổn định”

Cam sản xuất theo quy trình Vietgap tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương. Ảnh: Phú Hương
Cam sản xuất theo quy trình VietGAP tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương. Ảnh: Phú Hương

Những năm qua, diện tích cây cam trồng đạt chuẩn VietGAP của Nghệ An đã tăng đáng kể, từ 26ha năm 2016 lên gần 150 ha, tuy nhiên cũng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng diện tích cam toàn tỉnh. Trên địa bàn hiện cũng có hàng chục trang trại được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Đây chính là tiền đề để các trang trại tăng cường đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hướng đi tất yếu

Riêng năm 2018, diện tích cam bị chặt của Nghệ An lên đến 500 ha, nguyên nhân do cây cam sinh trưởng, cho năng suất và chất lượng kém, sâu bệnh nhiều dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Cũng từ năm 2018 năng suất cam bị giảm, chỉ đạt 155,37 tạ/ha. Sau một thời gian dài luôn duy trì ở mức cao thì từ năm 2019, giá bán cam đã sụt giảm đáng kể.

"Do giá trị kinh tế cây cam khá lớn nên các tỉnh khác cũng phát triển nóng, nguy cơ cung vượt cầu rất dễ xảy ra. Trong khi đó, sản phẩm của các vườn cam cũ đã bị thoái hóa đã ảnh hưởng đến thương hiệu cam Vinh"

Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và BVTV chia sẻ.

Để sản xuất cam sạch theo chuẩn VietGAP, cam được chăm sóc hoàn toàn chế phẩm sinh học; người trồng cam ở Tân Phú đầu tư hệ thống máy lọc nước để tưới cho cam. Ảnh tư liệu
Để sản xuất cam sạch theo chuẩn VietGAP, cam được chăm sóc hoàn toàn chế phẩm sinh học; người trồng cam ở Tân Phú đầu tư hệ thống máy lọc nước để tưới cho cam. Ảnh tư liệu

Để đưa Nghệ An trở thành một trong những tỉnh phát triển cam hàng hóa tập trung, bảo vệ và phát triển thương hiệu “Cam Vinh”, thì sản xuất cam theo hướng “sạch’, ứng dụng công nghệ cao đang được coi là một trong những hướng đi tất yếu.

Những năm qua, diện tích cam tưới theo công nghệ nhỏ giọt của Israel tăng nhanh chóng, từ 150 ha năm 2016 lên khoảng gần 600 ha, trong đó có nhiều mô hình rất thành công, như ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho 220 ha cam tại Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nghi Lộc; dự án sản xuất cam của xã Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Đàn) áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân v.v.., tiết kiệm lượng nước gần một nửa so với tưới rãnh thông thường, nông dân chủ động hoàn toàn trong việc tưới tiêu, bón phân và giảm công lao động, cây cam phát triển tốt, hạn chế dư lượng thuốc BVTV…

Cán bộ Chi cục trồng trọt và BVTV hướng dẫn quy trình chăm sóc cam sản xuất theo hướng
Cán bộ Chi cục trồng trọt và BVTV hướng dẫn quy trình chăm sóc cam sản xuất theo hướng "sạch" tại huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Phú Hương

Áp dụng hệ thống xen canh cây trồng cũng là một giải pháp giảm thiếu dịch hại bền vững và thân thiện với môi trường. Theo ông Nguyễn Tiến Đức, từ năm 2016 đến nay, một số vùng như Công ty TNHH một thành viên NN Xuân Thành, 3-2, các huyện Nghĩa Đàn, Nam Đàn đã trồng ổi xen cam, giúp tăng độ phì nhiêu của đất, cây phát triển tốt, cơ bản quản lý được sâu bệnh hại và hạn chế khả năng bùng phát dịch hại, làm giảm sự thoái hóa đất, giống cây và sản phẩm đạt chất lượng cao hơn.

Mới nhất
x
Nông dân Nghệ An ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO