Nông dân nuôi gà đồi thu hơn 200 triệu mỗi năm
(Baonghean.vn) - Trong khi giá lợn hơi đang ngày càng đi xuống khiến nhiều hộ chăn nuôi lao đao thì đối với những hộ chọn mô hình chăn nuôi gà đồi trên địa bàn Nam Đàn vẫn cho nguồn thu nhập cao, tư thương đến tận nhà thu mua.
Chị Ngô Thị Sâm - xóm 4 xã Nam Thái Nam Đàn vui vẻ cho biết: Chị vừa xuất bán 3 tạ gà, với giá 110 ngàn đồng/1 kg, so với giá lợn hơi tại thời điểm này giá gà cao gấp gần 5 lần. Năm 2010, chị Sâm bắt đầu “bén duyên” với nghề nuôi gà đồi, sau khi được đi thamquan học tập một số kinh nghiệm từ các trang trại khác. Từ chỗ nuôi thử nghiệm vài trăm con để vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, nay hàng năm gia đình thả nuôi từ 2 - 3 vụ, với số lượng từ 1.500 - 2.000 con, giá bán 100 -110 ngàn đồng/kg, lãi ròng 200 triệu từ nuôi gà đồi.
Chị Sâm cho biết thêm: “Tận dụng vườn đồi rộng, tôi đã chọn mô hình nuôi gà đồi. Do gà được nuôi theo kiểu thả rông vườn đồi nên thịt săn chắc, thơm ngon vì vậy thương lái thường đến tận nhà thu mua hoặc nhập cho các nhà hàng trên địa bàn. Giá lợn hơi xuống nhưng giá gà thì vẫn giữ nguyên thậm chí còn cao hơn trước, bởi trúng vào dịp nghỉ lễ.”
Tận dụng diện tích vườn đồi nhiều hộ đã đầu tư nuôi với số lượng lớn. Ảnh: Hồng Sương |
Hiện trên địa bàn Nam Đàn có trên 300 hộ áp dụng mô hình nuôi gà đồi số lượng lớn, mỗi đợt nuôi từ 150.000 đến 200.000 con, nhiều nhất là các xã vùng núi bán sơn địa như: Nam Hưng, Nam Thái, Nam Nghĩa, Nam Thanh, Nam Anh.
Thông thường gà nuôi khoảng 3,5 đến 4 tháng là có thể bán ra thị trường. Nếu chăm sóc cẩn thận, gà có thể đạt trọng lượng hơn 2kg/con, với giá bán khoảng 100.000 đồng/kg là người nuôi có lãi, những lúc cao điểm như lễ, tết, giá tăng cao hơn 120.000 - 130.000 đồng/kg.
Tuy nhiên do nuôi thả tự nhiên nên gà đồi dễ mắc bệnh, nhất là bệnh đến từ môi trường bên ngoài hay từ chim di cư mang lại. Vì vậy việc đảm bảo vệ sinh, phòng chống dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu.
Gà được người dân nhập bán cho các nhà hàng gà đồi nổi tiếng trên địa bàn Nam Đàn. Ảnh: Hồng Sương |
Bà Nguyễn Thị Thiệp - chuyên viên phòng NN &PTNT Nam Đàn cho biết: “Nuôi gà đồi ở Nam Đàn đã cho người dân nguồn thu nhập tương đối lớn, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, bởi tận dụng được bãi chăn thả rộng. Tuy nhiên, bởi cách thả nuôi tự do nên bà con cần tuân thủ lịch tiêm phòng cho gà tương tự như với các hình thức thả nuôi khác. Trong những ngày thời tiết bất lợi, bà con cần nhốt gà lại bởi dịch bệnh dễ phát sinh. Về phía chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi, bà con cần làm vệ sinh, khử trùng thường xuyên, định kỳ. Với gà mắc bệnh, việc cách ly để tiêu hủy hoặc chữa trị cần được tiến hành ngay”.
Theo những hộ có kinh nghiệm trong chăn nuôi gà đồi, để đàn gà phát triển nhanh, thịt săn, thơm thì ngoài thức ăn chủ yếu là lúa và thức ăn công nghiệp, người chăn nuôi nên trộn thêm thuốc phòng dịch bệnh để bảo vệ đàn gà. Ngoài ra, cần cung cấp thêm cỏ non để bổ sung dinh dưỡng cho gà. Nước uống phải sạch sẽ, không có nguồn bệnh và phải thay nước thường xuyên. Sau khi xuất bán phải vệ sinh kỹ chuồng trại, diệt tận gốc các loại bệnh và trồng thêm rau xanh, chuối cây trong sân vườn để cung cấp cho gà rồi mới bắt đầu nuôi lứa khác. |
Có thể khẳng định, nuôi gà đồi ở Nam Đàn là hướng chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để phát huy và khai thác có hiệu quả, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc xác định mục tiêu phát triển bền vững, tuyên truyền, kết nối thị trường để người dân yên tâm sản xuất chăn nuôi.
Hồng Sương
(Đài Nam Đàn)
TIN LIÊN QUAN |
---|