Nông sản được 'thông tắc' khi Nghệ An chuyển sang trạng thái bình thường mới
(Baonghean.vn) - Dịch Covid-19 trên địa bàn Nghệ An được khống chế, các địa phương chuyển sang trạng thái bình thường mới, việc lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn, nhiều nông sản được đẩy mạnh tiêu thụ.
Người dân Nam Xuân (Nam Đàn) phấn khởi cắt hái rau gia vị. Ảnh: Thanh Phúc |
Đầu tháng 9, người trồng rau gia vị Nam Xuân (Nam Đàn) xót xa bứt đổ bỏ hàng tấn hẹ, tía tô, rau quế, kinh giới… Nguyên nhân là khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Nam Đàn và nhiều địa phương khác thực hiện Chỉ thị 16, các chợ dân sinh phải đóng cửa chống dịch, rau gia vị không có nơi tiêu thụ, ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, nông dân Nam Xuân vẫn bám đồng chăm sóc, bứt bỏ các lứa rau già, để rau ra lứa mới, xanh non.
Mặc dù so với các năm trước, giá rau giảm 1.000 - 2.000 đồng/bó song người dân cũng rất phấn khởi vì đã có đầu ra. Ảnh: Thanh Phúc |
Ngay sau khi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được khống chế, việc lưu thông hàng hóa dễ dàng hơn, cùng với đó, các chợ dân sinh, nhà hàng, quánăn được mở cửa trở lại, nhu cầu về loại rau này lại tăng cao.
Chị Nguyễn Thị Thao, người dân xóm Xuân Mai (Nam Xuân) cho biết: “Nhà có hơn 1 sào rau quế, từ khi dịch bùng phát đến nay, gia đình đã phải bứt bỏ 3 lứa rau, thiệt hại 5-7 triệu đồng. Khoảng 1 tuần nay, khi dịch bệnh được khống chế, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể hoạt động trở lại, rau gia vị lại đắt hàng. Có những ngày không cắt kịp để bán cho thương lái”.
Hiện trên cánh đồng chuyên trồng rau gia vị Xuân Sơn, các vườn nhà dân, các trang trại, rau gia vị đã được thu hoạch và nhập cho thương lái. Giá các loại rau gia vị dù thấp hơn mọi năm nhưng đó cũng là tín hiệu đáng mừng với người dân nơi đây khi đã có đầu ra, không phải cắt bỏ.
Trung bình mỗi ngày, thương lái Trần Thị Hường thu mua 2 tấn rau gia vị các loại xuất bán đi các tỉnh. Ảnh: Thanh Phúc |
Chị Trần Thị Hường, thương lái thu mua rau gia vị ở xã Nam Xuân cho biết: “Hơn 1 tuần nay, trung bình mỗi ngày tôi thu mua khoảng 2 tấn rau gia vị, mướp, cà các loại cho người dân trong vùng. Rau được nhập về Vinh, sang Hà Tĩnh và vào Quảng Bình. Dù giá không cao bằng các năm trước nhưng cũng đã tìm được đầu ra”.
Với gần 30ha ao chuyên nuôi cá rô phi, 85 hộ thuộc Đội sản xuất Đức Thịnh (xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ) mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 200 tấn cá với mức giá từ 30.000 - 33.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay, khi vào cao điểm thu hoạch cá thì dịch bệnh bùng phát, thương lái ngừng thu mua khiến hàng trăm tấn cá phải “nằm ao”. Giữa tháng 9 đến nay, khi dịch bệnh được khống chế, thị trường lưu thông, hiện 30% sản lượng cá đã được xuất bán cho các thương lái.
Hiện 30% sản lượng cá ở Tân Phú đã được tiêu thụ với mức giá trung bình 26.000 đồng/kg. Ảnh: Thanh Phúc |
Anh Nguyễn Trọng Bằng - Đội trưởng Đội sản xuất Đức Thịnh cho biết: “So với năm trước, giá cá sụt giảm chỉ còn 26.000 đồng/kg (năm 2020 là 30.000 đồng/kg) song bán được là mừng rồi. Dù lãi ít nhưng đầu ra cho con cá đã được tháo gỡ. Sắp tới, nếu dịch khống chế thì số cá còn lại sẽ được tiêu thụ hết, giá cá hy vọng sẽ tăng, người nuôi có lãi”.
Sau khi phải bán tháo để “cắt lỗ”, hiện nay, các đại lý thu mua lúa, lạc, vừng ở các địa phương Nghi Vạn, Nghi Diên (Nghi Lộc), Diễn An, Diễn Thịnh (Diễn Châu) hoạt động nhộn nhịp trở lại. Theo một thương lái chuyên thu mua lạc ở Diễn Thịnh cho biết, gần đây, các mặt hàng này được đẩy mạnh tiêu thụ, chủ yếu tập trung ở thị trường phía Bắc và phía Nam, số ít xuất sang Trung Quốc. So với cách đây 1 tháng thì giá lúa, lạc, vừng đã có dấu hiệu tăng nhẹ, lượng hàng tồn không nhiều, hầu hết mua về chuyến nào là xuất bán chuyến đó, đơn đặt hàng của các đầu mối tăng.
Các kho đông ở Cửa Lò cũng hoạt động nhộn nhịp trở lại sau những ngày dài đóng cửa phòng, chống dịch. Ảnh: Thanh Phúc |
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh chuyển sang trạng thái bình thường mới các hoạt động kinh doanh, buôn bán được khôi phục trở lại. Nông sản trong tỉnh được mở rộng thị trường tiêu thụ từ trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu. Nhiều mặt hàng như: lúa gạo, lạc, chè công nghiệp, thủy, hải sản, gia súc, gia cầm… đang trên đà khôi phục, giá cả nhích nhẹ giúp nông dân phấn khởi bám đồng, bám đồi, bám biển khai thác, sản xuất./.