Kinh tế

Nông sản Nghệ An dần sôi động trên sàn thương mại điện tử

Thu Huyền 26/11/2024 08:32

Phát triển thương mại điện tử, phát triển kinh tế số trên địa bàn Nghệ An đã có những bước tiến dài. Công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, đặc biệt là đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp nông thôn đã được triển khai hiệu quả.

Tăng doanh số nhờ lên sàn

Câu chuyện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh hiện không còn xa lạ đối với nông dân. Bà con đặc biệt chú trọng việc sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)… để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Anh Trần Ngọc Huy ở xóm Thọ Sơn, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp mở cơ sở chế tác tranh gỗ đến nay đã được 4 năm. Khi đã vững tin với tay nghề của mình, Huy mạnh dạn đầu tư thêm máy móc để sản xuất ra các chi tiết hoa văn trên vật liệu bằng gỗ. Qua đó, vừa giảm sức lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm vừa đẩy nhanh quá trình gia công tiến tới sản xuất hàng với số lượng lớn.

Dây chuyền chế biến gỗ mỹ nghệ của anh Trần Ngọc Huy (sinh năm 1992) ở xóm Thọ Sơn, xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp). Ảnh- Thu Huyền
Dây chuyền chế biến gỗ mỹ nghệ của anh Trần Ngọc Huy ở xóm Thọ Sơn, xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp). Ảnh: Thu Huyền

Huy cho biết: Việc chuyển đổi số được ứng dụng hiệu quả không chỉ trong việc nghiên cứu, sáng tạo ra những mẫu mã phù hợp với từng loại sản phẩm, mà cả bán hàng online. Mở rộng thị trường tiêu thụ trên các nền tảng số giúp doanh nghiệp tiếp cận với tệp khách hàng mới, phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện nay… Theo tính toán, lượng sản phẩm tiêu thụ của cơ sở tăng mạnh so với cách bán hàng truyền thống.

Anh trần ngọc huy ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, bán hàng
Anh Trần Ngọc Huy chụp sản phẩm để đăng tải bán hàng trên các nền tảng xã hội. Ảnh: Thu Huyền

Còn đối với anh Dương Văn Toàn ở xóm Hồng Tháp, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, với mong muốn phát triển kinh tế gia đình cũng như tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương, năm 2021, anh vay 450 triệu đồng để trồng nấm bào ngư. Đây là mô hình trồng nấm đầu tiên trên địa bàn xã. Nguyên liệu chủ yếu để trồng nấm bào ngư là mùn cưa và các phụ phẩm nông nghiệp như lá, thân cây, rơm... thân thiện với môi trường.

Nấm bào ngư sau khi thu hái xong được nhập cho các chợ đầu mối, thương lái, các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Với sản lượng đạt từ 2,5 - 3 tấn mỗi tháng cho gia đình doanh thu từ 75 - 90 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí về nguyên liệu, nhân công... mang lại thu nhập tương đối ổn định.

Mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế của anh Toàn.
Mô hình trồng nấm của anh Dương Văn Toàn ở xóm Hồng Tháp, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: Thu Huyền

Anh Toàn cho biết: Đây là mô hình kinh tế xanh, tận dụng phụ phẩm trong sản xuất để tạo ra sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất, mua thêm máy móc, mở rộng xưởng, đặc biệt là mua máy đóng phôi tự động, không làm thủ công như hiện nay, từ đó hi vọng sản lượng ngày càng được nâng lên. Để sản phẩm vươn xa, chúng tôi cũng chú trọng đưa sản phẩm lên sàn, bán hàng qua mạng xã hội…

Theo nghề chế biến hải sản hơn 30 năm, đến năm 2022, việc kinh doanh của chị Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Sơn Huyền (TX. Cửa Lò), mới thực sự phát triển lớn khi 3 dòng sản phẩm gồm: chả mực đặc biệt, tôm tẩm bột, nem hải sản đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

bna_cl.jpg
Khu vực chế biến các hải sản tươi của TNHH hải sản Sơn Huyền. Ảnh: TH

Chị Huyền chia sẻ, việc đầu tư công nghệ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp một mặt nâng chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường đầu ra. Chị đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng để nâng cấp, trang bị hệ thống máy cấp đông, máy bảo quản, máy xay thực phẩm và máy chiên tách dầu. Cách làm này đã giúp kiểm soát chất lượng từ sơ chế nguyên liệu đến chế biến, đóng gói sản phẩm. Đồng thời, vừa bán theo kênh truyền thống, công ty đa dạng cách thức bán hàng qua các nền tảng xã hội Facebook, Zalo, nhờ đó, khách hàng không ngừng được mở rộng, doanh số ngày càng tăng.

Tiếp tục số hóa sản xuất, kinh doanh

Với thông điệp “Nâng tầm giá trị nông sản Việt qua nền tảng thương mại số”, UBND tỉnh Nghệ An, các sở ngành liên quan đã có nhiều chỉ đạo truyền thông hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Tận dụng các lợi thế mà nền tảng công nghệ số có được, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã tham gia trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng, miền; phiên chợ quê trên nền tảng Tiktok, các hội nghị kết nối cung cầu do Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức…

Qua đó, tăng tương tác, kết nối với cộng đồng; khách hàng được trải nghiệm, góp ý, phản hồi về sản phẩm, dịch vụ. Sự tương tác giữa khách hàng và người sản xuất giúp các nhà sản xuất nắm bắt thị trường, tâm lý khách hàng và tạo nên những chiến lược quảng bá sản phẩm hiệu quả.

Rượu mú từn - sản phẩm OCOP của Nghệ An được trưng bày tại siêu thị. Ảnh: T.H
Sản phẩm OCOP của Nghệ An được trưng bày tại siêu thị. Ảnh: Thu Huyền

Ông Nguyễn Văn Hiệp – Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: Song song với các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, thời gian qua, ngành Công Thương chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng gian hàng và website, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử. Triển khai hỗ trợ xây dựng phim ngắn quảng cáo doanh nghiệp, quảng cáo sản phẩm… trên truyền hình, website, mạng xã hội, các sàn giao dịch... cho tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh. Sở Công Thương đã hỗ trợ Công ty TNHH Cao Bảo Long, Công Ty TNHH Mami Farm, Công ty CP OFFICE 360… phát triển thương hiệu trực tuyến bằng hình thức xây dựng các clip phát trên các nền tảng số thông qua xây dựng các TVC quảng cáo, phim ngắn giới thiệu doanh nghiệp.

Nhiều sản phẩm OCOP Nghệ An có mặt tại các sự kiện trong ngoài tỉnh. Ảnh: T.H
Nhiều sản phẩm OCOP Nghệ An có mặt tại các sự kiện trong ngoài tỉnh. Ảnh: T.H

Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về Phát triển thương mại điện tử Nghệ An giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Nghệ An, năm 2024, tổ chức tập huấn cho hơn 200 học viên là cán bộ quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh… trên địa bàn huyện Nam Đàn về nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử – Kinh doanh hiệu quả trên các nền tảng số. Phối hợp với Trường Đại học vinh tổ chức khoá đào tạo “Sinh viên với thương mại điện tử trong kỷ nguyên số” cho hơn 150 học viên với các kiến thức thực tế (Tiktok Shop, Quản trị gian hàng Shopee,…) góp phần phát triển nguồn nhân lực số địa phương. Phối hợp với các huyện, thành, thị đẩy mạnh đăng tải sản phẩm địa phương lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

quang an
Hơn 2 năm nay, quay livestream trên Facebook, TikTok đã trở thành công việc hàng ngày của gia đình anh Lương Chí Bảo, thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong. Ảnh: Quang An

Tính đến 13/9/2024, tổng số doanh nghiệp, HTX, làng nghề, hộ sản xuất nông nghiệp Nghệ An được đưa lên các sàn thương mại điện tử là 266.373 hộ, tổng số sản phẩm được đưa lên sàn là 8.836 sản phẩm, xếp thứ 5 cả nước về số sản phẩm được đưa lên sàn.

Cùng với sự hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành của Sở Công Thương, bên cạnh việc tham gia sàn thương mại điện tử hay sử dụng website của mình để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhiều đơn đơn vị, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất kinh doanh trên địa bàn đã ứng dụng lợi thế các trang mạng xã hội để quảng bá, tương tác, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ. Đây chính là giải pháp đưa số hóa len lỏi vào cuộc sống của người dân một cách thiết thực và hiệu quả nhất, từ đó thúc đẩy phát triển các hình thức giao thương đa dạng.

Ngoài việc số hóa trong sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng thương mại điện tử trong nhân dân ngày càng tăng nhanh. Một số dịch vụ giá trị gia tăng như giải trí, đào tạo, tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa, học trực tuyến, các dịch vụ tiện ích như tra cứu điểm thi, đăng ký học tại các trường,.. đã bước đầu tạo được nhu cầu ứng dụng của trong nhân dân.

Mới nhất

x
Nông sản Nghệ An dần sôi động trên sàn thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO