Nộp đơn gia nhập CPTPP, Anh tính toán gì?

(Baonghean.vn) - Sau một thời gian “đánh tiếng”, dự kiến ngày hôm nay (1/2), nước Anh sẽ chính thức đề xuất yêu cầu tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là CPTPP). Một năm sau khi chính thức rời Liên minh châu Âu (EU), đây được xem là “bước đi dài” của Thủ tướng Boris Johnson để đánh dấu chặng đường “ra biển lớn” của London. Không chỉ dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường EU, quyết định xin gia nhập một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới của Anh cũng được đánh giá là nhằm nhiều mục tiêu chiến lược khác!

Cánh cửa mới

Dư luận hẳn vẫn còn nhớ dấu mốc ngày 31/1/2020, nước Anh chính thức rời khỏi mái nhà chung Liên minh châu Âu, chấm dứt 47 năm là thành viên của khối. Kỷ niệm dấu mốc tròn 1 năm, chính quyền Anh lại đưa ra một thông báo lịch sử khác - quyết định xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong thông báo chính thức, phía Anh nhấn mạnh, CPTPP sẽ giúp nước này tiếp cận với các thị trường đang phát triển nhanh và các nền kinh tế lớn. Cũng cần nhắc lại, CPTPP được ký kết năm 2018 với 11 nước thành viên gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Peru và Việt Nam. Các nước thành viên có tổng cộng hơn 495 triệu dân và đóng góp khoảng 13,5% GDP toàn cầu. Theo giới phân tích, nếu có thêm sự tham gia của Anh, tỷ lệ đóng góp sẽ tăng lên 16%. Nếu được phê duyệt, Anh sẽ trở thành quốc gia đầu tiên tham gia CPTPP (còn gọi là TPP-11) kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định này hồi năm 2017.

Chính quyền Anh cho rằng, việc tham gia CPTPP sẽ làm sâu sắc mối quan hệ với các nền kinh tế đang phát triển tốc độ nhanh. Ảnh: AP
Chính quyền Anh cho rằng, việc tham gia CPTPP sẽ làm sâu sắc mối quan hệ với các nền kinh tế đang phát triển tốc độ nhanh. Ảnh: AP

Thông điệp dễ nhận thấy của Thủ tướng Boris Johnson là: Tư cách thành viên của CPTPP sẽ chứng mình rằng, sau khi rời EU, London đang tích cực xây dựng các quan hệ đối tác mới, thể hiện là một quốc gia ủng hộ nhiệt tình cho thương mại tự do toàn cầu. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss tin tưởng rằng, việc tham gia CPTPP sẽ thúc đẩy nền kinh tế Anh phát triển hơn nhờ tự do hóa thương mại, kỹ thuật số, loại bỏ thuế quan nhanh chóng với các sản phẩm như rượu whisky hay ô tô. Ví dụ, khi Anh trở thành thành viên CPTPP, thuế rượu whisky của Anh xuất khẩu sang Malaysia sẽ giảm từ 165% xuống 0%; hay thuế xuất khẩu ô tô sang Canada cũng nhanh chóng giảm xuống 0% vào năm 2022, tức là sớm hơn 2 năm nếu thông qua thỏa thuận thương mại song phương Anh – Canada. Chưa hết, tham gia CPTPP cũng tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng hơn cho các thủ tục thị thực cho cả người dân và doanh nhân Anh đến các nước thành viên khác; đồng thời tạo ra cơ hội cho các ngành công nghiệp hiện đại như công nghệ và dịch vụ. Lợi ích nữa là “quy tắc xuất xứ” cho phép bất cứ sản phẩm nào của các quốc gia thành viên trong CPTPP được ghi nhận là “có nguồn gốc xuất xứ” rõ ràng...

Với không ít lợi ích như vậy, dự kiến ngay trong ngày hôm nay (1/2), Bộ trưởng Liz Truss sẽ trao đổi đề xuất tham gia CPTPP với Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura - Chủ tịch Ủy ban CPTPP và Bộ trưởng Thương mại và Phát triển New Zealand Damien O'Connor. New Zealand hiện đang lưu giữ các tài liệu chính thức của CPTPP tại cơ quan lưu chiểu nước này. Dư luận trong nước ngay lập tức hoan nghênh động thái này của chính phủ. Giám đốc điều hành của techUK Julian David nhấn mạnh, sự kiện đánh dấu một bước quan trọng trên con đường phát triển chính sách thương mại hiện đại của Anh, tạo ra cơ hội mới cho lĩnh vực công nghệ của đất nước. Hay Chủ tịch Liên đoàn các doanh nghiệp nhỏ (FSB) Mike Cherry cũng cho rằng, việc trở thành thành viên của CPTPP sẽ là một bước phát triển đáng hoan nghênh đối với tất cả các doanh nghiệp nhỏ đang muốn mở rộng hoặc bắt đầu chiến lược kinh doanh.

Thủ tướng Anh Boris Johnson có nhiều tính toán chiến lược khi đệ đơn tham gia CPTPP. 	Ảnh: Reuters
Thủ tướng Anh Boris Johnson có nhiều tính toán chiến lược khi đệ đơn tham gia CPTPP. Ảnh: Reuters

Không quá kỳ vọng!

Không phủ nhận những lợi ích mà CPTPP mang lại cho nước Anh nếu chính thức trở thành thành viên, đặc biệt, sau khi London đã chính thức không còn là thành viên của EU. Thế nhưng, mặt khác, nhiều ý kiến chỉ trích lại cho rằng, tham gia một thỏa thuận thương mại với 11 quốc gia ở “phía bên kia thế giới” sẽ chỉ mang lại lợi ích kinh tế hạn chế cho London mà thôi! Việc Anh đề xuất tham gia CPTPP trong khi chấm dứt thỏa thuận thương mại tự do với EU, được cho sẽ tạo ra một lượng lớn các biện pháp kiểm soát biên giới và hạn chế giao thương. Đây bị đánh giá là một nghịch lý trong chính sách thương mại hiện nay của Anh. Bởi khoảng cách chính là một yếu tố quan trọng hàng đầu.

Đơn cử như một thỏa thuận thương mại mà Anh đạt được mới đây với nền kinh tế lớn là Nhật Bản. Về cơ bản, đây là sự chuyển giao từ thỏa thuận EU - Nhật Bản. Thế nhưng, theo các nhà kinh tế, thỏa thuận này dự kiến cũng chỉ tăng GDP của Anh khoảng 0,07% trong dài hạn. Một nghiên cứu khác của Chính phủ Anh hồi năm 2018 cũng đã cho thấy, các hợp tác, giao dịch thương mại song phương với các nước không thuộc EU như Trung Quốc, Ấn Độ, Australia hay các nước ở Đông Nam Á sẽ chỉ nâng GDP của Anh lên khoảng 0,1% - 0,4%. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, hợp tác kinh tế theo kiểu “Thỏa thuận thương mại kiểu Canada” của Thủ tướng Johnson còn có thể làm giảm gần 5% GDP của nước Anh. Chưa hết, nếu như các vấn đề nông nghiệp đã khiến các cuộc đàm phán thương mại của Anh với chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở nên bế tắc, thì các quy tắc về tiêu chuẩn thực phẩm của Anh cũng có thể làm phức tạp các cuộc đàm phán gia nhập CPTPP với các nước thành viên như Australia, New Zealand.

Tương lai Anh gia nhập CPTPP còn là ẩn số. Ảnh: Kepdowrie
Tương lai Anh gia nhập CPTPP còn là ẩn số. Ảnh: Kepdowrie

Không chỉ bị đánh giá là mang lại lợi ích hạn chế, một mục tiêu khác của Thủ tướng Boris Johnson được cho là cũng khó đạt được. Tham gia CPTPP, ông Johnson hy vọng tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sẽ quyết định quay trở lại hiệp định như đã cam kết. Từ đó, quan hệ thương mại Anh - Mỹ sẽ có sự ràng buộc lẫn nhau, mở ra các hy vọng hợp tác mới giữa 2 nước, khi mà triển vọng thỏa thuận thương mại song phương vẫn đang rơi vào bế tắc. Thế nhưng, có lẽ Thủ tướng Johnson cũng hiểu rằng, cam kết là vậy nhưng ông Biden chắc chắn sẽ không thể vội vàng đưa Mỹ quay trở lại tham gia hiệp định. Bởi ông Biden còn đang phải bận tâm hiện thực hóa một cam kết khác, đó là cải thiện nền kinh tế đất nước trước khi ký kết các thỏa thuận thương mại mới, tất nhiên, bao gồm cả thỏa thuận thương mại với Anh hay với nhóm các nước CPTPP. Một số chuyên gia dự báo, Mỹ sẽ khó có thể tham gia trở lại trước cuộc bầu cử giữa kỳ tiếp theo vào năm 2022.

Vì thế, có lẽ vào lúc này, chính quyền Thủ tướng Boris Johnson sẽ phải cân nhắc thật kỹ lưỡng lợi - hại, thiệt - hơn khi chính thức đệ đơn tham gia Hiệp định này. Tất nhiên, về phần mình, các nước thành viên CPTPP đều đang để mở cánh cửa cho Anh. Các thủ tục cũng sẽ sớm được kích hoạt như họp Ủy ban CPTPP để quyết định có đồng ý khởi động quá trình gia nhập cho Anh hay không. Nếu ủy ban chấp thuận, một nhóm công tác sẽ được thành lập ngay để bắt đầu đàm phán giữa hai bên. Thế nhưng, việc tham gia Hiệp định sớm hay muộn, tham gia đến mức độ nào hoàn toàn do Chính phủ Anh quyết định.

tin mới

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

(Baonghean.vn) - Hôm nay dự luật viện trợ cho Ukraine được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ, trước khi tổng thống ký thành luật. Liệu gói này có giúp Ukraine thay đổi tình thế hay không, khi nó đến Kiev “chậm trễ”?. Còn với Nga, việc này chỉ làm giàu cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ.

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.