Xã hội

NSND Tiến Dũng và dấu ấn khó phai với "Người về thăm quê"

Thanh Nga 17/05/2025 19:15

Khi giai điệu bài hát Người về thăm quê của nhạc sĩ Thuận Yến vang lên người ta nghĩ ngay đến giọng hát trầm ấm, ngọt ngào của NSND Tiến Dũng. Bài hát được "đóng đinh" với tên tuổi NSND Tiến Dũng đến độ khó ai có thể thay thế trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Bài hát làm nên tên tuổi NSND Tiến Dũng

NSND Tiến Dũng hát “Người về thăm quê”.

NSND Tiến Dũng hát “Người về thăm quê” từ năm 1995 khi anh tiếp cận với bản nhạc này của nhạc sĩ Thuận Yến mà chưa nghe qua bản thu nào. Những nốt nhạc dìu dặt lấy cảm hứng từ giai điệu ví giặm khiến chàng ca sĩ trẻ Tiến Dũng đã bị thu hút ngay. Tiến Dũng vỡ bài và ngay lập tức cảm thấy đây là bài hát rất hợp với quãng âm thanh của mình. Và kỳ lạ thay khi cất lên giai điệu và những lời thơ tâm tình trong bài hát như nói hộ lòng anh, nói hộ tấm lòng yêu Bác của nhân dân cả nước. Khi hát cho lãnh đạo đoàn ca múa nghe, anh liền nhận được những lời khen không ngớt. Sau đó, Tiến Dũng được giao hát Người về thăm quê trong Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995 và anh giành được giải cao nhất tại Hội diễn này.

NSND Tiến Dũng ảnh Thanh Nga
NSND Tiến Dũng trong đêm duyệt chương trình “Tìm về miền ví, giặm” kỷ niệm 40 năm ca hát của anh. Ảnh: Thanh Nga

Anh kể lại: Lúc đó tôi còn trẻ, là ca sĩ của Đoàn ca múa nhạc Nghệ Tĩnh. Tuy đã có được một vài giải thưởng chuyên nghiệp nhưng khi nhận bài hát Người về thăm quê để dự thi trong Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc lần đó tôi vô cùng lo lắng vì sợ mình không làm được như kỳ vọng của Ban lãnh đạo Đoàn. Và có một điều đặc biệt là với bài hát của tôi, đoàn đã xây dựng hình tượng Bác Hồ trong lần Người về thăm quê, do nghệ sĩ Ngọc Ngãi đảm nhiệm. Thời điểm đó hình tượng Bác Hồ được xây dựng trên sân khấu là một sự kiện vô cùng trọng đại, và rất ít đoàn dám dàn dựng bởi hình tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh quá đỗi thiêng liêng và cao cả. Tôi còn nhớ năm đó, khi tôi vừa dứt câu hát cuối cùng là lúc hình ảnh Bác từ cánh gà vẫy tay chào khán giả, cả hội trường ùa lên vỗ tay, niềm xúc động trào dâng lan toả khắp khán phòng…

Tiến Dũng 2
NSND Tiến Dũng đóng đinh với ca khúc "Người về thăm quê". Ảnh: NVCC

Đúng như kỳ vọng, tiết mục Người về thăm quê mà NSND Tiến Dũng biểu diễn đạt Huy chương Vàng Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc năm 1995. Từ đó mỗi khi có lễ trọng, “Người về thăm quê” lại được vang lên trên những sân khấu lớn. Còn nhớ Ngày kỷ niệm 50 năm Bác Hồ về thăm quê, khi NSND Tiến Dũng bước ra từ cánh gà và cất lên giai điệu: “Hồ Chí Minh, Người về đây thăm mang theo bao kỷ niệm, Hồ Chí Minh người để lại quê hương nỗi nhớ khôn nguôi…” dưới khán đài nhiều giọt nước mắt đã rơi. Cả một không gian mênh mông tình Bác như hiện hữu, cả người hát lẫn người thưởng thức đều cảm thấy con tim mình ngân rung những giai điệu da diết nhớ thương Người….

Thế nhưng với NSND Tiến Dũng, kỷ niệm đẹp và thiêng liêng nhất với Người về thăm quê lại chính là lần anh được hát tại nhà Bác ở quê nội Làng Sen. Đó là trong một đêm giao thừa, Khu Di tích Kim Liên được chọn là một điểm cầu của Đài Truyền hình Việt Nam. Đúng thời khắc giao thừa điểm, anh bước ra sân khấu và con tim thổn thức lên ngân lên giai điệu đã đi cùng anh qua bao năm tháng: “Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương…”.

Những câu hát quen thuộc nhưng sao giây phút ấy nó thiêng liêng đến kỳ lạ, anh hát mà như cả con tim và tâm trí hướng về Bác, nỗi xúc động như trào dâng, anh cảm giác như được gặp Bác trong giây phút đó…

Thanh âm vang mãi

Trong chương trình 40 năm ca hát của NSND Tiến Dũng được tổ chức vào năm 2018, khi người dẫn chương trình giới thiệu phần trình bày của NSND Tiến Dũng nói: Và bây giờ là bài hát Người về thăm quê do NSND Tiến Dũng trình bày, bài hát chính là một điểm nhấn đáng nhớ một mốc son chói lọi làm nên chân dung của người nghệ sĩ trong lòng nhân dân… khán phòng vang lên những tiếng vỗ tay không ngớt.

Sau này dù anh trải qua nhiều cương vị công tác, nhưng với vai trò ca sĩ anh luôn được các nhà tổ chức tin tưởng giao phó hát ca khúc “Người về thăm quê”. Chúng tôi còn nhớ, có lần trong một chương trình kỷ niệm về thực hiện Di chúc của Người, bài hát “Người về thăm quê” được chọn là bài hát chính của chương trình, nhưng vì muốn làm mới, Ban tổ chức dự định giao cho một ca sĩ trẻ hát bài này.

Chương trình đã lên khuôn, đến ngày báo cáo, xem xong lãnh đạo Sở nhận xét: “Bài hát này anh Dũng phải hát mới xứng tầm, không ai thay thế được anh”. Ngay sau đó, NSND Tiến Dũng dù đã về hưu nhưng anh vẫn được mời đảm nhận nhiệm vụ của hơn 40 năm làm nghề của mình. Và khi tiếng hát của NSND Tiến Dũng vang lên với “Người về thăm quê”, chương trình đã nhận được sự tán dương của hàng nghìn khán giả.

Những ngày tháng Năm này, khi Lễ hội Làng Sen đang diễn ra sôi nổi trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là lúc NSND Tiến Dũng đang bận bịu với nhiệm vụ của một người làm công tác dàn dựng các chương trình nghệ thuật cho một số đơn vị.

Anh hồi tưởng: "Hơn 10 năm làm quản lý là từng đó năm tôi tham gia chủ công trong chỉ đạo nghệ thuật chỉ đạo nội dung cho các chương trình Lễ hội Làng Sen, Tiếng hát Làng Sen. Mỗi năm một chủ đề nhưng tựu trung đều ca ngợi về vẻ đẹp nhân cách, sự vĩ đại, tấm gương sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Cũng chừng đó thời gian anh đã có những sáng tác về Người như: Hương sen quê Bác (Tổ khúc dân ca), Lễ hội Làng Sen nhớ Bác Hồ, Tháng Năm nhớ Bác… Tiến Dũng cũng tâm tình rằng viết về Bác rất khó viết hay và cần phải có cơ duyên, thế nên một nhạc sĩ, nghệ sĩ như anh có được những tác phẩm mà nhiều đoàn lựa chọn để biểu diễn ở Lễ hội Làng Sen trong nhiều năm cũng là một điều vinh dự tự hào. Và trong cuộc đời làm nghề của mình với nhiều cương vị khác nhau, vừa biểu diễn vừa sáng tác, dàn dựng, vừa tổ chức, quản lý và trao truyền, cương vị nào anh cũng cho rằng rất quan trọng đối với bản thân và cộng đồng, vì thế anh luôn nỗ lực cao nhất để hoàn thành. Nhưng với cuộc đời một nghệ sĩ biểu diễn có được một tác phẩm để đời trên sân khấu như bài hát Người về thăm quê thực sự là một duyên may mà anh luôn trân trọng và ghi nhớ.

NSND Phạm Tiến Dũng, sinh năm1959, tên khai sinh là Nguyễn Cảnh Dũng, quê huyện Anh Sơn, Nghệ An. Anh là Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An; hội viên Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An; hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

*Tác phẩm chính lĩnh vực sáng tác: Ép duyên (năm 1992); Nơi các anh để lại (năm 1994); Hết giận rồi thương (năm 1995); Nét mới bản làng; Tâm sự cô gái bản (năm 1996); Hương sắc sông Lam (năm 1999); Cảm xúc từ câu hò điệu ví (năm 2002); Trở về xứ Nghệ (năm 2004); Yêu lắm quê mình (năm 2005); Hát trọn về anh (năm 2007); Tìm về câu Ví, Giặm (2012); Sông Lam tình mẹ (2016); Về với quê mình (2023)... và rất nhiều ca khúc về đề tài miền núi: Bình minh miền Tây; Về bản Ơ Đu cùng em; Sắc xuân miền Tây... Anh đạt Giải C năm 2005, 2 giải B, năm 2010 và 2015 - giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương; giải Nhì cuộc vận động sáng tác ca khúc Nghệ An năm 2012; giải thưởng Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam...

*Trong lĩnh vực biểu diễn, NSND Tiến Dũng cũng gặt hái được nhiều thành công: Năm 1982, giải Vàng cuộc thi Tiếng hát sân khấu tại Nghĩa Bình; Năm 1994, anh đạt Huy chương Vàng hội diễn tại Lai Châu; Năm 1992 giải Vàng tại Hội diễn Ca múa nhạc Toàn quốc tại Hà Nội; 1995 anh đoạt 2 Huy chương Vàng Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc tại Hải Phòng với bài Neo đậu bến quê, sáng tác An Thuyên và bài Người về thăm quê, sáng tác Thuận Yến; Năm 1999, Tiến Dũng song ca cùng NSƯT Ngọc Hà đạt giải Vàng tại Đà Nẵng.


* Năm 1989, Phạm Tiến Dũng về Đoàn Ca múa nhạc Nghệ Tĩnh làm Đội trưởng Đội Ca. Sau khi tách tỉnh, Tiến Dũng công tác tại Đoàn Ca múa kịch Nghệ An. Năm 1993, anh được bổ nhiệm làm Phó đoàn, năm 1995 anh đi học Trường Đại học Văn hóa, đến năm 1997 Tiến Dũng được bổ nhiệm làm Trưởng Đoàn Ca múa kịch và được phong NSƯT. Năm 2009, NSƯT Phạm Tiến Dũng được đề bạt làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An. Anh được phong NSND năm 2015.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
NSND Tiến Dũng và dấu ấn khó phai với "Người về thăm quê"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO