Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Nữ cộng sản Nguyễn Thị Nhã luôn tin tưởng vào thắng lợi, bền gan, vững chí đấu tranh

Xô Viết 27/10/2024 15:44

Trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Thị Nhã cùng em gái Nguyễn Thị Phúc có nhiều hoạt động tuyên truyền chủ trương của Đảng đến người dân các làng xã, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của nhân dân.

Nguyễn Thị Nhã sinh năm 1911, tại làng Kim Cẩm, tổng Kim Nguyên (nay là xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Thân phụ là nhà nho Nguyễn Đức Đồng và thân mẫu là bà Cao Thị Táo. Vợ chồng thầy Đồng luôn được nhân dân kính trọng, gọi bằng cái tên thân mật là ông bà Hàn Thuông. Gia đình ông Hàn Thuông có truyền thống yêu nước, liên tục tham gia các phong trào từ Cần Vương của Tôn Thất Thuyết đến Đông Du của Phan Bội Châu.

Nguyễn Thị Nhã là con gái thứ tư của gia đình. Thuở nhỏ, Nguyễn Thị Nhã được học chữ Hán và Quốc ngữ do cha dạy ở trường làng. Vốn thông minh, sáng dạ và chăm chỉ nên học rất giỏi. Sau khi học xong chương trình cơ sở ở huyện Nghi Lộc, hai chị em Nguyễn Thị Nhã và Nguyễn Thị Phúc được ông bà Hàn Thuông cho vào học tại trường Nguyễn Trường Tộ ở thành phố Vinh. Từ trường Nguyễn Trường Tộ, hai chị em đều thi đỗ vào trường Cao Xuân Dục.

Nhiều chiến sĩ cộng sản trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. Ảnh minh họa
Nhiều chiến sĩ cộng sản trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. Ảnh minh họa

Thời gian học tại trường Cao Xuân Dục, họ đã kết thân với những nữ sinh cùng lứa tuổi như Nguyễn Thị Vĩnh (Nguyễn Thị Minh Khai), Nguyễn Thị Quang Thái, Trần Thị Liên, Nguyễn Thị Nhuận. Một điều may mắn cho chị và các nữ sinh của trường Cao Xuân Dục là họ được các thầy giáo dạy giỏi và có tinh thần yêu nước như Trần Phú, Hà Huy Tập, Trần Mộng Bạch, Trần Văn Tăng dạy dỗ, dìu dắt.

Năm 1927, phong trào cách mạng ở Nghệ An phát triển dưới sự lãnh đạo của hai tổ chức cách mạng là Đảng Tân Việt và Đảng Thanh niên (tức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên). Lúc bấy giờ, Nguyễn Thị Minh Khai được Đảng Tân Việt giao nhiệm vụ xây dựng và phát triển tổ chức cách mạng ở thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc. Chị dựa vào những gia đình nhà nho yêu nước như con cháu Nguyễn Thúc Tự, Nguyễn Đức Đồng, Nguyễn Năng Cảnh ở huyện Nghi Lộc để làm cơ sở tuyên truyền, vận động lớp thanh niên gia nhập Đảng Tân Việt.

Sau khi được giao các nhiệm vụ để thử thách, vào một buổi trưa trung tuần tháng 3/1928, tại chùa Phổ Môn, Nguyễn Thị Minh Khai thay mặt tổ chức Đảng đã làm lễ kết nạp cho các đồng chí Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Đức Dương và hai chị em Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu vào tổ chức Đảng Tân Việt.

Giữa năm 1928, phong trào cách mạng phát triển, Đảng cần có tiền để mua dụng cụ, giấy mực in truyền đơn, Minh Khai đã yêu cầu Nhã vào Vinh hoạt động, phụ trách công tác xây dựng quỹ và in ấn tài liệu. Ngoài công việc tài chính, Nguyễn Thị Nhã còn kiêm công tác giao thông liên lạc từ Vinh đến huyện Nghi Lộc.

Nhân kỷ niệm ngày phản đối đế quốc chiến tranh (1/8) và kỷ niệm lần thứ 12 cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917 – 7/11/1929), Xứ ủy Trung kỳ có chủ trương vận động quần chúng nhân dân treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn, tham gia mít tinh, biểu tình để phản đối chiến tranh và ủng hộ cách mạng vô sản Nga.

Truyền đơn, báo chí từ thành phố Vinh do em gái Nguyễn Thị Phúc in ấn được Nguyễn Thị Nhã kịp thời chuyển về phân phát tới tay nhân dân trong các làng xã, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của nhân dân. Nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình lớn dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương đã nổ ra, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử đấu tranh của dân tộc. Trong thắng lợi chung đó có sự đóng góp đắc lực của hai chị em Nguyễn Thị Nhã và Nguyễn Thị Phúc.

Tháng 2/1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ chủ trương tuyển chọn những đồng chí tiêu biểu trong các tổ chức tiền thân của Đảng sang gia nhập hàng ngũ Đảng Cộng sản. Các chị Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Nhuận, Trần Thị Liên, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu, Tôn Thị Quế đều được chuyển sang gia nhập hàng ngũ Đảng Cộng sản lớp đầu tiên của tỉnh Đảng bộ Nghệ An.

Tháng 4/1930, Đảng bộ huyện Nghi Lộc tổ chức Đại hội đại biểu tại nhà thờ cụ Nguyễn Thức Tự để bầu ra Ban Chấp hành Huyện ủy lâm thời. Đồng chí Nguyễn Thúc Mẫn được bầu làm Bí thư Huyện ủy đầu tiên. Nguyễn Thị Nhã được bầu vào Ban Chấp hành Huyện ủy, phụ trách công tác tuyên truyền và vận động. Sau đó, được sự đồng ý của Tổng ủy và đồng chí Nguyễn Thúc Mẫn, đồng chí Nguyễn Thị Nhã đã thành lập ra Chi bộ Kim Cẩm và chị được bầu làm Bí thư.

Những di biến động của Nguyễn Thị Nhã đã bị bọn mật thám theo dõi. Ngày 15/10/1930, chị và nhiều đồng chí đảng viên, Tự vệ đỏ, Nông hội đỏ đã bị bọn mật thám bắt giam vào nhà lao Vinh. Chúng trói chị và dẫn đến các nhà lao bắt anh chị em tù nhận mặt nhưng tất cả đều lắc đầu bảo không biết. Hơn một tháng bị giam cầm, tra tấn, đánh đập hết sức dã man nhưng chị vẫn cắn răng chịu đựng, không hề khai báo nửa lời. Không tìm được chứng cứ để buộc tội Nguyễn Thị Nhã và cũng không thể kéo dài thời gian giam giữ, bọn địch đành phải thả chị về.

Cuối năm 1931, do có kẻ phản Đảng mật báo, bọn lính đã ập vào nhà bắt cả hai cha con Nguyễn Thị Nhã và Nguyễn Đức Đồng giải vào nhà lao Vinh. Lúc này cô em gái Nguyễn Thị Phúc đã được chị em trong tù bầu làm Bí thư Chi bộ buồng giam tù chính trị nữ. Thật cảm kích khi cả ba cha con ông Đồng tham gia cách mạng lại có cuộc hội ngộ trong cảnh xích xiềng, cùm kẹp, đòn roi của bọn thực dân, phong kiến.

Ngày 18/1/1932, đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc cũng bị bắt. Từ khi có thêm Nguyễn Thị Nhã và Nguyễn Duy Trinh vào nhà lao Vinh thì Tờ báo miệng do đồng chí Hồ Tùng Mậu sáng lập trong chốn lao tù được bổ sung thêm nhiều cây bút sắc sảo. Ngoài công việc làm báo, cha con đồng chí Nguyễn Thị Nhã còn tham gia diễn vở kịch “Giọt máu hồng” do các đồng chí Hồ Tùng Mậu và Nguyễn Duy Trinh sáng tác.

Năm 1935, ở nước Pháp, Mặt trận Bình dân thắng cử lên nắm chính quyền. Đảng Cộng sản Pháp yêu cầu Đảng Xã hội buộc Chính phủ Blum phải nới rộng quyền dân chủ; yêu cầu thực dân Pháp phải thả tù chính trị ở các nước thuộc địa.

Sau gần 4 năm bị giam cầm, Nguyễn Thị Nhã được ra tù. Ngày 20/9/1936, Nguyễn Thị Nhã được bầu vào đoàn đại biểu dự họp Đông Dương Đại hội tại Hội trường Quảng Trị ở Vinh. Chị là một trong ba đại biểu tỉnh Nghệ An được Đại hội bầu đi dự Đông Dương Đại hội toàn Xứ Trung kỳ tại Huế, để đòi mọi quyền lợi hợp pháp cho nhân dân Việt Nam trong thời kỳ Mặt trận dân chủ.

Ngày 23/2/1937, Nguyễn Thị Nhã được Tỉnh Hội phụ nữ Dân chủ đề cử tham gia trong đoàn đại biểu do đồng chí Hà Huy Giáp làm trưởng đoàn, đi đón Gô đa – phái viên của Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp tới Vinh, đưa bản dân nguyện trình ông Gô đa. Sau đó, Tỉnh Hội phụ nữ Dân chủ cử tiếp chị về thành lập và phụ trách xưởng dệt của phụ nữ huyện Nghi Lộc.

Cuối năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ngày 20/7/1940, Chánh mật thám Trung kỳ Sô nhi và Chánh mật thám Nghệ An Humber đã ra lệnh truy lùng, bắt bớ cộng sản. Hàng trăm chiến sĩ cách mạng bị bắt giam, những người cộng sản được chúng cho là “cứng đầu” được lưu chuyển vào nhà tù Khánh Hòa, trong đó có đồng chí Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu, Tôn Thị Quế, Hồ Thị Nhung, Hoàng Thị Ái…

Dù ở nhà lao Vinh hay bất cứ một nhà lao nào khác, Nguyễn Thị Nhã vẫn luôn tin tưởng, bền gan, vững chí đấu tranh. Trong tù, đồng chí tích cực dạy chị em học văn hóa, chính trị, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngày 5/4/1945 quân Nhật kéo vào nhà lao Khánh Hòa để giải giáp quân Pháp và mở cửa nhà lao giải thoát cho tù chính trị. Nguyễn Thị Nhã cùng nhiều đồng chí khác được trả tự do.

Vừa về đến quê, Nguyễn Thị Nhã được bổ sung ngay vào ban lãnh đạo khởi nghĩa, phụ trách công tác Phụ vận và huấn luyện viên của Ủy ban Mặt trận Việt Minh, tham gia giành chính quyền huyện Nghi Lộc.

Sau khi nước nhà giành được độc lập, chị còn đảm nhận nhiều quan trọng của Đảng, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Năm 1964, Nguyễn Thị Nhã về nghỉ hưu tại Khu tập thể Thành công (Hà Nội). Bà là nữ chiến sĩ bất khuất kiên cường, trung dũng, đảm đang, trọn một đời chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc và sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Với những công lao đóng góp với cách mạng, Bà được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý.
- Trung ương Đảng trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng
- Huân chương Độc lập hạng Hai
- Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất
- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất
- Huy hiệu Xô viết Nghệ Tĩnh…

Do tuổi cao sức yếu, bà đã từ trần vào ngày 12/7/1992, hưởng thọ 92 tuổi.

Theo btxvnt.org.vn
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/nguyen-thi-nha-1911-1992
Copy Link
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/nguyen-thi-nha-1911-1992
Nữ cộng sản Nguyễn Thị Nhã luôn tin tưởng vào thắng lợi, bền gan, vững chí đấu tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao Trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh