PV: Chào cô Thanh, cô đã sang Hoa Kỳ và đã tham gia những buổi học đầu tiên với rất nhiều đồng nghiệp của nhiều nước khác trên thế giới. Cô hãy chia sẻ về chuyến đi này?
Cô giáo Dương Thị Thanh: Chương trình trao đổi Giáo viên xuất sắc Fulbright là một chương trình trao đổi văn hóa và giáo dục do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ thông qua Tổ chức Trao đổi và Nghiên cứu Quốc tế IREX, đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện chương trình này. Đây là chương trình trao đổi thường niên dành cho giáo viên phổ thông trung học xuất sắc ở các môn học khác nhau trên thế giới. Ứng viên được chọn cấp học bổng thông qua quá trình cạnh tranh mở và bình đẳng dựa trên năng lực sư phạm và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của Việt Nam. Tham gia chương trình này, tôi cùng 3 giáo viên khác đến từ các tỉnh Hải Dương, Đăklăk, Khánh Hòa được lựa chọn và tôi được tập huấn về phương pháp giảng dạy tại khoa sư phạm của Trường Đại học Montana State University, Tiểu bang Montana và sẽ có cơ hội thực tập tại một trường trung học của Hoa Kỳ trong hai đến ba tuần, tham dự các hoạt động văn hóa phục vụ cộng đồng tại thủ đô Washington. Thời gian của toàn bộ chương trình kéo dài trong 6 tuần đến cuối tháng 10/2022.
PV: Những ngày đầu tiên ở nước bạn đã diễn ra thế nào, chắc chắn là rất nhiều điều thú vị?
Cô giáo Dương Thị Thanh: Đây là lần đầu tiên tôi được xuất ngoại và quả thực trước chuyến đi này tôi hết sức lo lắng. Trong hành trình này, người bạn đồng hành của tôi chỉ đi cùng với tôi đến Hàn Quốc và sau đó, chúng tôi đi hai chuyến bay đến hai địa điểm khác nhau. Vượt qua những bỡ ngỡ, đến thời điểm này tôi đã bắt nhịp được với sinh hoạt và lịch học tập. Tham dự chương trình này, lớp chúng tôi có 21 học viên, mỗi người đến từ một nước khác nhau. Trong những ngày đầu tiên, vì đang phải cách ly nên ba ngày đầu chúng tôi phải học theo hình thức trực tuyến. Hiện tại, chúng tôi đã được học trực tiếp và ngay trong ngày đầu tiên tôi thực sự rất bất ngờ vì lớp học diễn ra rất thoải mái. Trong quá trình trao đổi, nếu học viên nói sai, giảng viên cũng rất nhẹ nhàng lúc nhận xét, ví như “tôi hiểu ý bạn nhưng nếu bạn làm cách khác thì sẽ tốt hơn”. Điều này, giúp tôi giảm được rất nhiều áp lực và khá thú vị. Ngoài học ở trong lớp, chúng tôi có thể học ở sân vườn, chúng tôi cũng đã được các giảng viên mời về nhà chơi. Cách đây mấy ngày, tôi gặp một giảng viên người Hoa Kỳ và ông chia sẻ đã đi đến 30 nước trên thế giới nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia mà ông yêu thích nhất, ông biết rất nhiều về văn hóa Việt Nam. Quả thực tôi rất tự hào về đất nước mình và đây là một cơ hội để tôi giới thiệu, quảng bá Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
PV: Tôi được biết, để được chọn tham dự chương trình này, cô đã phải trải qua khá nhiều khó khăn và mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị. Cô hãy chia sẻ về hành trình của mình?
Cô giáo Dương Thị Thanh: Tôi thường hay tìm hiểu về các chương trình đào tạo giáo viên và qua các trang facebook dành cho giáo viên và tôi tình cờ biết đến chương trình này. Ban đầu tôi tham gia đăng ký hoàn toàn là vì tò mò, chỉ muốn thử sức mình. Tôi đăng ký từ tháng 1/2021 và đến tháng 9/2021, khi có quyết định cuối cùng tôi đã trải qua khá nhiều vòng và viết rất nhiều các bài luận với nhiều chủ đề khác nhau, ví dụ như viết về trường của mình, bạn sẽ làm được gì cho cộng đồng sau khi tham gia chương trình và vì sao lại lựa chọn chương trình.
Cá nhân tôi, trong quá trình tham gia tôi có tham khảo một số đồng nghiệp để hoàn thành bài luận. Tuy nhiên, tất cả các bài viết tôi đều viết từ thực tế công việc và mong muốn của mình. Tôi nói rằng, tôi đã đang dạy tại một trường THPT ở khu vực bán miền núi của huyện Thanh Chương và có rất nhiều học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số đang sống tại các khu tái định cư của Thủy điện Bản Vẽ. Học sinh ở đây nhiều em chưa bao giờ được tiếp cận các phương pháp tiến bộ và chưa bao giờ có giáo viên bản xứ về để giúp các em có cơ hội được giao tiếp với người nước ngoài. Là giáo viên Tiếng Anh, tôi muốn tham gia chương trình này để có thể tiếp cận với những phương pháp dạy mới, được nâng cao trình độ để có thể dạy học trò tốt hơn.
Tôi cũng chia sẻ rằng, với giáo viên ở các vùng nông thôn như chúng tôi dường như rất xa lạ với việc xin học bổng. Vì thế, tôi tham gia chương trình này với mong muốn được thay đổi suy nghĩ của giáo viên ở những vùng khó… Bài viết của tôi giản dị như vậy và tôi biết rằng so với đồng nghiệp mình có thể chưa xuất sắc bằng. Tuy nhiên, tôi thích học, thích được khám phá và rất muốn được tham gia chương trình này. Việc lựa chọn ứng viên kéo dài trong 9 tháng và đến giữa tháng 9 tôi nhận được thông báo từ chương trình. Quả thực, lúc chờ đợi kết quả tôi và nhiều đồng nghiệp khác rất hồi hộp, giống như đợi kết quả thi đại học. Và việc tham gia chương trình đối với tôi là một sự may mắn rất lớn.
PV: Cô đã có gần 15 năm làm giáo viên Tiếng Anh ở Trường THPT Thanh Chương 3. So với những vùng thuận lợi khác, việc dạy Tiếng Anh ở các trường huyện chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn. Vậy, điều mà cô trăn trở nhất là gì?
Cô giáo Dương Thị Thanh: Thời điểm tôi mới về trường (2008), học sinh nhiều em vẫn còn học theo chương trình cũ và chủ yếu là tập trung vào ngữ pháp. Gần đây, việc học Tiếng Anh có những thay đổi nhưng việc dạy học còn rất nhiều khó khăn. Điều mà tôi trăn trở nhất với môn ngoại ngữ có lẽ là học sinh chưa tự tin để giao tiếp và việc trao đổi bằng Tiếng Anh vẫn còn nhiều hạn chế, các em chưa có môi trường để thực hành. Ngay cả giáo viên, không phải ai cũng mạnh dạn thay đổi quan điểm và chịu khó đầu tư để luyện nói, luyện nghe.
Những khó khăn này có nhiều nguyên do, một phần là bởi học sinh ngại nói, các kỳ thi ở bậc phổ thông không chú trọng vào nghe nói nên học sinh không có động lực để tập giao tiếp. Tuy nhiên, đến khi ra nước ngoài, chúng ta mới thấy rằng việc giao tiếp nghe nói thành thạo là hết sức quan trọng. Bởi có khi trong đầu chúng ta hình dung được vấn đề nhưng lại không diễn đạt được và không thể thể hiện được quan điểm của mình – điều đó hạn chế rất nhiều trong giao tiếp.
PV: Ngoại ngữ đã trở thành một môn học quan trọng, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa. Nhưng để dạy và học ngoại ngữ có hiệu quả chắc chắn là điều không dễ dàng. Cá nhân cô đã tổ chức dạy và học như thế nào để tạo nên sự hứng thú cho học trò?
Cô giáo Dương Thị Thanh: Tôi lớn lên ở huyện Đô Lương và gia đình không có ai làm nghề giáo. Tuy nhiên, từ nhỏ tôi đã thích công việc này và chọn sư phạm đúng như đam mê của mình. Nói về nghề dạy học, tôi nghĩ rằng đó là công việc vất vả, không dễ dàng nếu như muốn có một tiết học chất lượng. Vì thế, là giáo viên, chúng tôi phải tự thay đổi mình mỗi ngày mới có thể theo kịp xu thế và đáp ứng được yêu cầu dạy học hiện nay. Song song với cách dạy truyền thống, chúng tôi cũng sẽ cố gắng để làm mới bài giảng qua các video clip, tổ chức các trò chơi trực tuyến với nhiều chủ đề khác nhau để tạo hứng thú cho học sinh. May mắn là ở trường chúng tôi tất cả những sự đổi mới đều được nhà trường ủng hộ, kể cả khi có những tiết dạy tôi yêu cầu học sinh đem theo điện thoại di động vào các tiết học để tham gia các trò chơi.
Việc dạy học cũng cần phải kiên trì. Chẳng hạn, với những bài tập 15 phút, nếu làm bình thường chỉ cần 45 giây đến 1 phút là tôi có thể hoàn thành bài chấm của mình. Tuy nhiên, nếu bài tập 15 phút, yêu cầu học sinh quay clip để nói về một chủ đề tôi có thể phải chấm từ 10 – 15 phút bởi tôi phải nghe kỹ từng bài, phân tích từng lỗi sai nhỏ trong phát âm để sửa lỗi cho các em. Như vậy, có khi tôi phải mất đến gần 1 tháng sửa bài cho học sinh.
Cách chấm bài này có khi mất rất nhiều thời gian nhưng bù lại tôi có niềm vui là thấy học sinh tiến bộ hàng ngày, các em phát âm tốt hơn, không ngại nói và tự tin lên từng ngày. Có những học sinh, ban đầu thấy tôi chấm bài thế này đã trách giáo viên bảo cô khó tính, khắt khe hoặc cho điểm thấp. Nhưng, sau này các em hiểu và tham gia các tiết học một cách tích cực.
PV: Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đang là chủ trương lớn của ngành giáo dục và muốn thành công người giáo viên giữ một vai trò hết sức quan trọng. Trước yêu cầu đổi mới, nhiều giáo viên cho rằng có quá nhiều áp lực, ngại khó, ngại thay đổi. Với cô, cô đón nhận điều này như thế nào?
Cô giáo Dương Thị Thanh: Tất cả những cái mới đều áp lực nhưng với thời gian, nếu từng bước tiếp cận chúng ta có thể làm quen và có thể thích nghi.
Bên cạnh sự lo lắng, tôi cũng rất hào hứng với cái mới, dù rằng so với chương trình cũ, chương trình mới yêu cầu cao hơn, khó hơn. Giáo viên dạy chương trình mới, ngoài kiến thức chúng tôi phải có thêm nhiều kỹ năng, phải trang bị thêm các phông văn hóa, vốn hiểu biết để tạo ra các bài học chất lượng. Muốn có một tiết học thành công, giáo viên phải cực kỳ đầu tư. Tuy nhiên, đổi mới là xu thế tất yếu và điều đó sẽ thay đổi cách dạy, cách học và tôi sẽ đón nhận một cách hào hứng. Có chăng, để việc dạy học hiệu quả hơn, tôi mong rằng những trường ở vùng khó như chúng tôi có thể liên kết với các chuyên gia để giúp giáo viên thiết kế các bài học có chất lượng, tổ chức các tiết học ngoại khóa và giúp chúng tôi có thêm nhiều kỹ năng.
Tôi cũng rất cảm ơn ban tổ chức và nhà trường đã tạo điều kiện để tôi được tham gia chương trình này. Đây là một cơ hội để tôi được học thêm nhiều phương pháp mới, nâng cao trình độ để phục vụ cho việc dạy học sau này.
PV: Cảm ơn cô đã tham gia cuộc trò chuyện!