Nữ quân nhân và hoạt động “gắn kết yêu thương”
(Baonghean) - Thời gian qua, Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đã phát động và thực hiện có hiệu quả nhiều phong trào, mô hình thiết thực, tạo sự lan tỏa tích cực, được các cấp và nhân dân ghi nhận. Tiêu biểu là mô hình “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo”.
Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An hiện có 138 hội viên. Đó là các nữ quân nhân đã và đang cống hiến trên các cương vị công tác khác nhau, điểm chung của họ là hăng say với hoạt động xã hội góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương và thắt chặt thêm tình đoàn kết quân dân.
Các hội viên hội phụ nữ Bộ CHQS tỉnh trò chuyện động viên các cháu Trung tâm Chăm sóc trẻ khuyết tật, mồ côi xóm 6, xã Nghi Vạn (Nghi Lộc). Ảnh: Trọng Kiên |
Gặp Đại úy Hoàng Vân Anh - Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khi chị đang tất bật lên kế hoạch, chuẩn bị làm bữa ăn dinh dưỡng cho 50 cháu khuyết tật, mồ côi hiện đang được chăm sóc tại Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ khuyết tật, mồ côi xóm 6, xã Nghi Vạn (Nghi Lộc). Đây là trung tâm do các nữ tu Giáo họ Tân Hương, Giáo xứ Bố Sơn lập nên.
Đại úy Hoàng Vân Anh cho biết, công việc tuy có vất vả nhưng vui. Đều đặn mỗi tháng 2 lần, các nữ quân nhân thuộc Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lại luân phiên đến xóm 6 để chuẩn bị bữa cơm cho các cháu. Các cô, bác còn giúp các cháu tắm giặt, cùng tổ chức trò chơi để các cháu vui và thấy tự tin hơn.
Đại úy Hoàng Vân Anh - Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh giúp các cháu nhỏ chuẩn bị sách vở. Ảnh: Trọng Kiên |
Đó là một trong những hoạt động của mô hình “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo” được Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh bắt tay thực hiện từ tháng 4 năm 2017. Mục tiêu của mô hình là thông qua hoạt động phối hợp, kết nghĩa để tăng cường đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau, giúp chị em vùng giáo có nhận thức đầy đủ và chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các quy định của địa phương; phấn đấu xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, làm cho quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, lương - giáo đoàn kết.
Khi Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quyết định chọn xã Nghi Vạn để thực hiện mô hình vào năm 2017, Hội Phụ nữ xã Nghi Vạn có 16 chi hội, trong đó có 11 chi hội với 756 hội viên là giáo dân. “Sau khi tổ chức ký kết nghĩa, chúng tôi xác định lấy địa bàn xóm 6 (thuộc Giáo họ Tân Hương) để tập trung các hoạt động phối hợp. Đây là xóm có trên 85% đồng bào theo đạo Công giáo, và người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, nhiều gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần giúp đỡ” - Đại úy Hoàng Vân Anh cho biết.
Với tinh thần lá lành đùm lá rách, Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức các hoạt động quyên góp, hỗ trợ con giống cho gia đình hội viên phụ nữ Nghi Vạn phát triển chăn nuôi; thăm hỏi động viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, Hội đã quyên góp, hỗ trợ 3 con bò giống cho 3 gia đình hội viên (đến nay đã sinh được 2 con bê); tặng quà 12 gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Tổng số tiền lên đến 62 triệu đồng.
Bộ CHQS tỉnh tặng 3 con bò giống cho 3 hội viên phụ nữ xã Nghi Vạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh tư liệu |
Đặc biệt, tại xóm 6 có hoàn cảnh chị Nguyễn Thị Phúc, một phụ nữ Công giáo trong xóm, không may bị bệnh u xương, gia đình lại rất khó khăn, không có tiền để điều trị. Trước hoàn cảnh đó, Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã vận động chị em quân nhân trong cơ quan quyên góp hơn 11 triệu đồng, kịp thời hỗ trợ chị Phúc phẫu thuật, điều trị.
Chứng kiến hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, hết sức tội nghiệp của trẻ tại Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ khuyết tật, mồ côi, Hội đã phát động cán bộ, hội viên tiết kiệm từng bó rau, cọng hành trong sinh hoạt hàng ngày để góp lại bảo đảm mỗi tháng 2 bữa ăn dinh dưỡng cho các cháu. Từ tháng 4/2017 đến nay, Hội đã nấu được 40 bữa ăn, tặng 8 lượt quà tặng số tiền lên đến 88 triệu đồng.
“Tuy nhiều con bị bệnh hạn chế về nhận thức nhưng mỗi lần chúng tôi xuất hiện là các con đều ùa ra và gọi chúng tôi là mẹ. Chúng tôi rất vui mừng vì một việc làm rất nhỏ thôi nhưng đã tạo cho các con được niềm vui trong cuộc sống”.
Cán bộ, hội viên Hội phụ nữ Bộ CHQS tỉnh cùng các cháu tại Trung tâm vui Tết Thiếu nhi 1/6. Ảnh tư liệu |
Xơ Nguyễn Thị Minh Khai - Giáo xứ Bố Sơn, Giáo hạt Xã Đoài vui vẻ cho biết, việc làm của các nữ quân nhân Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh như tiếp thêm động lực cho các em. Mỗi lần đến với các cháu và các xơ tại Giáo xứ Bố Sơn, các cô bộ đội rất chu đáo, quan tâm đến từng việc nhỏ nhất.
“Khi vào với chúng tôi, các cô bộ đội đã cho thấy vẻ đẹp từ đôi quân hàm, đến tình cảm, việc làm. Tôi nghĩ nếu mình không phải là xơ thì cũng rất muốn mặc tấm áo xanh như các cô bộ đội”.
Thực tế, không phải hoạt động kết nghĩa lúc nào cũng dễ dàng, thuận lợi. Thời gian đầu nhiều bà con giáo dân cũng chưa thật sự ủng hộ. Tuy vậy bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực như: thăm, tặng quà, giao lưu, cùng làm vệ sinh đường làng ngõ xóm, giúp nhau lao động sản xuất, chăm sóc các cháu nhỏ,... của các cô bộ đội, bà con đã thay đổi thái độ, ngày càng tin tưởng và cảm phục bộ đội, lắng nghe những lời chia sẻ, góp ý, tuyên truyền của các chị em trong Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh giao lưu bóng chuyền với đơn vị kết nghĩa là Hội Phụ nữ xã Nghi Vạn. Ảnh tư liệu |
“Tôi còn nhớ, trong buổi giao lưu, tặng quà cho các cháu nhiếu nhi dịp 1/6, thấy tình cảm của bà con dành cho bộ đội rất đỗi gần gũi, chân tình, Linh mục quản xứ Hoàng Trọng Hiếu nói với tôi rằng: “Các chị đúng là “Bộ đội Cụ Hồ”, bộ đội của dân, không phân biệt lương hay giáo...” - Đại úy Hoàng Vân Anh nói và cho biết thêm, nhiều hoạt động do các chị tổ chức đã có sự tham gia rất nhiệt tình của linh mục quản xứ. Đó là làm đường giao thông, vệ sinh môi trường, tham gia hoạt động tập thể cùng với bộ đội và nhân dân.
Từ mô hình đầu tiên tại xã Nghi Vạn, đến nay chương trình “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo” đã nhân rộng với 6 Hội cơ sở. Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã ký kết nghĩa với 6 chi bộ phụ nữ vùng giáo trên địa bàn tỉnh, gồm: Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Diễn Châu, TP Vinh. Có thể nói, cái được lớn nhất của mô hình chính là đã thực sự gắn kết được tình cảm, trách nhiệm, tinh thần sẻ chia giữa lương và giáo; công tác dân vận được thực hiện trong lòng bà con giáo dân, góp phần tăng cường đoàn kết lương - giáo, củng cố mối quan hệ quân dân cá nước, góp phần vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là minh chứng sinh động nhất cho kết quả thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.