Nữ sinh người Mông được hỗ trợ toàn bộ chi phí để theo học Đại học Y Hà Nội
Thò Ý Cu là nữ sinh người Mông đầu tiên của Nghệ An đậu vào Trường Đại học Y Hà Nội. Để giúp em thực hiện ước mơ trở thành sinh viên đại học, những ngày qua nhiều tấm lòng đã đến để chia sẻ, hỗ trợ…
Nữ sinh người Mông hiếu học
Trong số hơn 200 học sinh lớp 12 của Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2 tham gia Kỳ thi tốt nghiệp năm nay, Thò Ý Cu là một học sinh đặc biệt. Em dù không phải là học sinh lớp chọn, điểm đầu vào khá khiêm tốn nhưng lại là một học sinh nghị lực.
Sau khi biết tin Ý Cu đậu vào Trường Đại học Y Hà Nội, thầy giáo Nguyễn Cao Quân – giáo viên dạy môn Sinh học của Ý Cu ở Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2 đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình và gọi đây là “kỳ tích”.
Trong câu chuyện của mình, thầy giáo Nguyễn Cao Quân cũng chia sẻ 3 năm trước, sau khi xem một phóng sự ngắn về cậu học trò người Mông ở Nghệ An đậu Khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học – Trường Đại học Y Hà Nội, thầy đã đặt mục tiêu quyết tâm sẽ dạy một học trò người Mông chinh phục Y Đa khoa ở ngôi trường danh giá này. Vì thế, từ năm lớp 10, được dạy Ý Cu và biết chị gái em là Thò Ý Sinh từng phải gác lại ước mơ chinh phục giảng đường đại học để đi làm vì điều kiện gia đình khó khăn, quyết tâm của thầy lại càng mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, gần 3 năm học tại trường, nhiều lần thầy đã hỏi Ý Cu ngay trên lớp về việc em có muốn mình sẽ là học trò người Mông đầu tiên của bản làng đậu vào Y Đa khoa Đại học Hà Nội, Ý Cu đều trả lời sợ không chinh phục được. Sau này, thầy cũng thừa nhận khi Ý Cu từ chối là bởi “thầy chưa đủ tinh tế để thấu hiểu rằng, lý do em không theo học vì nghĩ sẽ phải mất tiền học, thêm khó khăn và gánh nặng cho gia đình”.
Phải đến tháng 4/2024, sau khi không còn cơ hội để vào các trường bên khối ngành quân sự, Ý Cu mới quyết định chuyển sang khối B. Khi biết được ý định của học trò và được giáo viên chủ nhiệm đề nghị giúp đỡ, thầy Quân đã rất vui và động viên Ý Cu theo học. Bản thân thầy sẵn sàng “dạy hỗ trợ và không thu tiền học”.
Chạy nước rút 3 tháng và dù xuất phát sau so với các bạn cùng khối học, nhưng với ý thức chịu thương, chịu khó vươn lên và quyết tâm mãnh liệt, cuối cùng thầy giáo Nguyễn Cao Quân và cô học trò Thò Ý Cu đã về đích thành công.
Chắc có lẽ em không biết là thầy đã vui biết nhường nào. Vui vì mục tiêu của mình đề ra đã thực hiện được, nhưng niềm vui lớn nhất đó là mình đã góp phần tiếp thêm sức mạnh cho em - cô học trò người Mông còn mới e dè, nhút nhát với nụ cười bẽn lẽn ngày nào, giờ đã đậu vào một ngành hot của một trường đại học tốp đầu cả nước. Với thầy, điều này chỉ nói gọn trong 2 từ đó là "KỲ TÍCH".
Thầy giáo Nguyễn Cao Quân viết vào ngày nhận thông tin Ý Cu đậu Đại học Y Hà Nội
Điều băn khoăn lớn nhất của thầy và ban giám hiệu nhà trường là gia đình Ý Cu không có điều kiện cho con đi học. Cô giáo Trương Thị Thanh Thủy - Phó Hiệu trưởng nhà trường khi giới thiệu về tấm gương hiếu học này cũng từng gửi gắm: Tôi rất lo cho hoàn cảnh của Ý Cu và cũng rất tiếc về hoàn cảnh của chị gái em ngày trước. Vì thế, tôi rất mong có sự sẻ chia để em được thực hiện ước mơ của mình.
Niềm khát khao của gia đình
Hai ngày trước khi Thò Ý Cu chính thức nhập học vào Trường Đại học Y Hà Nội (phân hiệu Thanh Hóa), ngôi nhà nhỏ của em ở bản Na Niếng đã có tiếng cười. Ở tuổi gần 50, sau nhiều đêm tự nhận “mất ngủ”, ông Thò Vả Da - bố của em đã nói có thể yên tâm vì không còn phải lo lắng quá nhiều về việc không có kinh phí cho con học tập.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên ông trăn trở về việc học đại học của con, bởi lẽ chỉ cách đây 2 năm, Thò Ý Sinh, chị gái kề của Ý Cu cũng thi đại học đạt gần 29 điểm (gồm điểm ưu tiên) và từng được Ban Dân tộc tỉnh tuyên dương học sinh đạt điểm cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Thế nhưng, dù có rất nhiều cơ hội vào đại học nhưng Ý Sinh đã quyết định sang Đài Loan để vừa học, vừa đi làm thêm, nhường cơ hội vào đại học cho em gái út.
Sang Đài Loan hơn 1 năm, đầu năm nay, Ý Sinh đã quyết định trở về tự ôn thi lại vào đại học. Vậy nhưng, giấc mơ của cô bé đã không thành chỉ vì một sơ suất nhỏ trong quá trình đăng ký dự thi.
Kể thêm về điều này, bố của Ý Cu cho biết: Năm nay, cả hai con của tôi đều thi đại học, Ý Cu đăng ký vào Đại học Y Hà Nội, Ý Sinh đăng ký Học viện Quân y và Sư phạm, vì đây là 2 ngành được hỗ trợ học phí. Cháu thi về điểm cao và tự tin mình trúng tuyển. Đến ngày công bố điểm chuẩn cháu mới nhận ra hồ sơ dự thi đã không tích vào đối tượng ưu tiên là học sinh người dân tộc thiểu số. Vì thế, dù thi được gần 25 điểm nhưng cháu không đủ điểm trúng tuyển.
Gọi là sang Đài Loan để học tập và làm việc, nhưng sau hơn 1 năm làm việc, Ý Sinh chỉ tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng, một nửa trong số đó em đã gửi về để trả nợ chi phí đi nước ngoài. Trừ tiền ăn ở, vé máy bay và chi phí học tập, Ý Sinh chỉ còn lại khoảng 30 triệu đồng. Biết mình không còn cơ hội vào đại học, em sẵn sàng chia sẻ số tiền này cho em gái nhưng cũng chỉ đóng đủ 1 kỳ học phí. Anh trai của Ý Sinh và Ý Cu vừa tốt nghiệp Trường Sỹ quan Lục quân 1 và nay mới nhận công tác tại huyện Nghĩa Đàn cũng đã trích một phần lương để hỗ trợ em.
Tuy nhiên, với một gia đình cận nghèo, bố mẹ làm nghề nông, chi phí học tập dự tính gần 10 triệu đồng/1 tháng vẫn là gánh nặng quá lớn đối với gia đình.
Gia đình tôi luôn xác định dù khó khăn cũng vẫn cố gắng hết sức để các con được đi học, được thoát nghèo. Nhưng khi nhận giấy báo nhập học của con, tôi thấy học phí của trường y cao hơn nhiều trường khác và năm sau sẽ cao hơn năm trước. Tính toán hết mọi phương án, khó có thể theo đuổi hết 6 năm học.
Trả lời câu hỏi vì sao lại đề nghị con “chuyển sang trường khác để học”, ông Thò Vả Da tâm sự
Tiếp sức cho tân sinh viên Đại học Y Hà Nội
“Nữ sinh người Mông đậu Đại học Y Hà Nội có nguy cơ lỡ hẹn với giảng đường” là bài viết trên Báo Nghệ An điện tử đăng ngày 28/8. Thời điểm đó, Ý Cu chỉ còn 4 ngày để xác nhận nhập học vào trường. Trong khi đó, gia đình em vẫn chưa xác định được việc em có đi học hay không.
Ngay sau khi bài viết được đăng tải, một số nhà hảo tâm và một số tổ chức đã trực tiếp liên hệ với người viết và thông qua một số trang mạng xã hội chia sẻ câu chuyện của em Thò Ý Cu. Song song với đó, nhiều món quà ý nghĩa cũng đã đến với Ý Cu và gia đình với mong muốn hỗ trợ giúp em thực hiện được ước mơ. Một nhà hảo tâm ở thành phố Vinh sau khi trao hỗ trợ cho em 10 triệu đồng đã nói rằng: Tôi rất thương hoàn cảnh của Ý Cu và mong muốn món quà nhỏ của mình sẽ kịp thời hỗ trợ, giúp gia đình em có thêm chi phí để học tập.
Chiều 30/8, Hội Khuyến học huyện Quế Phong phối hợp với Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội, UBND xã Tri Lễ đã kịp thời động viên thăm, tặng quà cho em Thò Ý Cu với số tiền gần 10 triệu đồng.
Tri Lễ là 1 trong 60 xã nghèo của cả nước. Toàn xã có 2.200 hộ, trong đó, có 1.332 hộ nghèo và 522 hộ cận nghèo, điều kiện còn nhiều khó khăn. Bản thân gia đình em Ý Cu là hộ cận nghèo nhưng gia đình lại có truyền thống hiếu học, các con đều chăm ngoan, học giỏi.
Việc em đậu vào Đại học Y khoa Hà Nội không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn là niềm vui của bà con dân bản. Tôi mong rằng, từ tấm gương hiếu học của em sẽ góp phần khích lệ học sinh trong xã vươn lên để sau này về phát triển, xây dựng quê hương bản làng.
Ông Lữ Văn Cương - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ
Với mong muốn em Thò Ý Cu yên tâm theo học 6 năm tại Đại học Y Hà Nội, vào chiều 4/9, bác sĩ Trần Doãn Lâm – chủ một cơ sở thẩm mỹ tại Hà Nội, đại diện Quỹ học bổng “Tiếp sức bác sĩ đến trường” của đơn vị cũng đã trực tiếp đến gia đình để làm việc với chính quyền xã, nắm bắt hoàn cảnh thực tế và nghe nguyện vọng của gia đình.
Tại đây, ngoài việc trao 2 tháng chi phí học tập đầu tiên cho em, bác sĩ Trần Doãn Lâm cũng đã cam kết hỗ trợ 1 suất học bổng 100% học phí/6 năm học tại Đại học Y Hà Nội phân hiệu Thanh Hóa; 1 suất học bổng 100% sinh hoạt phí/ 6 năm học tại Đại học Y Hà Nội phân hiệu Thanh Hóa với mức hỗ trợ 4 triệu đồng/1 tháng.
Tôi lớn lên ở tỉnh Tuyên Quang và cũng từng là một học sinh nghèo. Năm 2008, tôi đỗ đại học và nhận được học bổng “Tiếp sức đến trường” và điều đó đã giúp tôi hoàn thành được giấc mơ vào đại học, làm bác sĩ. Vì thế, khi lập ra Quỹ “Tiếp sức bác sĩ đến trường”, chúng tôi mong muốn sẽ được đồng hành với những học sinh nghèo vượt khó để các em có cơ hội được trở thành bác sĩ, làm công việc cứu người và lan tỏa tấm gương hiếu học đến nhiều hoàn cảnh khác.
Bác sĩ Trần Doãn Lâm
Với mức hỗ trợ này, cộng thêm sự cố gắng của gia đình, ngày hôm nay (5/9), Thò Ý Cu đã yên tâm đi nhập học tại Trường Đại học Y Hà Nội. Hành trình của em không chỉ mang theo ước mơ mà còn chứa sau đó là sự gửi gắm, yêu thương của gia đình, của thầy cô và của nhiều tấm lòng hảo tâm, thiện nguyện.
Mùa tựu trường năm nay, Thò Ý Cu đã trở thành nữ sinh người Mông đầu tiên của Nghệ An là sinh viên của Đại học Y khoa Hà Nội!