Giáo dục

Nữ sinh người Mông ở Nghệ An đậu Đại học Y khoa Hà Nội có nguy cơ lỡ hẹn với giảng đường

Mỹ Hà 28/08/2024 17:06

Học phí Trường Đại học Y khoa Hà Nội cao vậy, con có thể chuyển sang học trường nào thấp hơn không?... Đó là câu hỏi mà em Thò Ý Cu (học sinh lớp 12A3 - Trường PT DTNT THPT Nghệ An số 2) nhận được từ người bố của mình. Câu hỏi cho đến nay vẫn chưa có lời giải...

Nữ sinh người Mông xuất sắc

Thò Ý Cu là nữ sinh người Mông, sinh ra và lớn lên ở bản Na Niếng, một bản xa xôi của xã Tri Lễ, huyện Quế Phong.

Gia đình Thò Ý Cu có 4 chị em, bố mẹ làm nông, nhưng có đến 3 người con đều thi đậu và về học tại Trường PT DTNT THPT Nghệ An số 2. Ý Cu là con út, anh trai của Ý Cu sau khi tốt nghiệp thi đậu vào Trường Đại học Sỹ quan Lục quân 1. Một chị gái của Ý Cu, cách đây 2 năm cũng là học sinh thi tốt nghiệp đạt điểm cao, sau đó vì hoàn cảnh gia đình nên đành gác ước mơ vào đại học để đi làm.

bna_tho-y-cu-f0d76f78b858e9a69b45e5a4ca75318e(1).jpg
Thò Ý Cu là học sinh người Mông đầu tiên của xã Tri Lễ - huyện Quế Phong đậu Đại học Y Hà Nội. Ảnh: NVCC

Người duy nhất không được học hành đến nơi đến chốn là chị gái đầu của Ý Cu. Ngày nhỏ, vì hoàn cảnh khó khăn nên đến 9 tuổi chị của Ý Cu mới vào lớp 1. Học xong lớp 3, cô bé nhảy cóc lên lớp 6 vì nhiều tuổi hơn các bạn cùng trang lứa. Sau này, cố gắng lắm thì chị của Ý Cu cũng chỉ học xong lớp 9 là đi lấy chồng và nay con đã vào tiểu học.

Nói về hoàn cảnh của gia đình mình, Thò Ý Cu cũng kể rằng ngày mới 13, 14 tuổi, em cũng từng bị con trai trong bản bắt làm vợ, có người còn hứa với Ý Cu lấy chồng xong sẽ tiếp tục cho đi học. Nhưng nhìn từ câu chuyện của chị gái mình, Ý Cu chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nghỉ học để lấy chồng “bố mẹ em nghèo lắm nên luôn bảo em phải cố gắng sau này có cái nghề”.

bna_tho-y-cu-va-me-cua-minh-9a892498545dfa47befe648b3483d8d3(1).jpg
Em Thò Ý Cu chụp ảnh cùng mẹ của mình ở quê nhà Tri Lễ. Ảnh: NVCC

Vì khát khao được đi học nên Ý Cu học tốt từ nhỏ. Đặc biệt, trong khi các bạn cùng trang lứa chủ yếu thiên về các môn xã hội thì Ý Cu lại rất thích học Toán. Những bài học Toán đầu tiên của Ý Cu là những phép nhân đơn giản bố em thường đố khi em mới vào tiểu học. Lên THCS, được vào học trường nội trú của huyện, được thầy cô bồi dưỡng, Ý Cu đã từng đạt giải Toán tại Kỳ thi học sinh giỏi huyện và được đi thi tỉnh. Lên lớp 10, năm đầu học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2, Ý Cu đạt giải Khuyến khích môn Toán cấp trường.

Khi học phổ thông, Ý Cu luôn xác định mình sẽ theo khối A và ước mơ sẽ thi đậu vào Trường Đại học Kỹ thuật quân sự. Ý Cu chia sẻ: Em nghĩ môi trường quân đội sẽ phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình. Vào đó, em không phải lo học phí, được Nhà nước nuôi ăn, ở. Ra trường cũng sẽ có việc làm...

bna_tho-y-cu-trong-nhung-nam-hoc-tai-truong-922b34a20bfb3d20671e5639831909a1(1).jpg
Thò Ý Cu trong một lần đi trải nghiệm thực tế với Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2. Ảnh: NVCC

Khát khao là vậy, nhưng giấc mơ của em cuối cùng đã không thể thực hiện sau lần khám sơ khảo sức khỏe.

Thời điểm đó đã cuối tháng 4, cách Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chưa đến 3 tháng. Giữa lúc hoang mang chưa biết chọn trường nào, Thò Ý Cu quyết định chuyển từ khối A (Toán - Lý - Hóa) sang học khối B (Toán - Hóa - Sinh).

Nói thêm về lý do, nữ sinh này cho biết: Trước đây, nguyện vọng 1 của em là vào Trường Kỹ thuật quân sự và nguyện vọng 2 là vào Học viện Quân y. Vì cả 2 nguyện vọng đều không thể thực hiện được nên em quyết định sẽ vào trường Y, vì mong muốn của em là được chữa bệnh cho mọi người.

Lựa chọn sang khối B, Ý Cu chia sẻ “gặp phải vô vàn khó khăn”, bởi lẽ ngoài Toán là môn em khá tự tin, còn lại Hóa học và Sinh học trình độ của em chỉ ở mức “nhập môn”, nghĩa là làm được các bài ở mức nhận biết, thông hiểu và chủ yếu là lý thuyết.

Để bổ sung vào lỗ hổng kiến thức này, trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT 3 tháng, Ý Cu mỗi ngày chỉ ngủ từ 3 - 4 tiếng. Ngoài chủ động nhờ thầy cô ở trường hỗ trợ, Ý Cu hỏi thêm những người bạn của mình và dành khá nhiều thời gian để tự học. Trong thời gian ôn thi, Ý Cu cũng tự nhận nhiều lần “trốn trong nhà vệ sinh khóc” vì thấy việc học quá khó khăn và có những lần bài kiểm tra kết quả chưa như kỳ vọng. Phải đến lần thi thử cuối cùng, Ý Cu mới bắt đầu tự tin vì điểm số đã bắt đầu có sự tiến bộ với điểm 7, điểm 8. Đến kỳ thi chính thức, em phát huy hết năng lực và giành được điểm 8 môn Toán, điểm Hóa 8,75 và đạt điểm 9 môn Sinh học. Với điểm số khá cao, cộng với điểm ưu tiên, Ý Cu thừa điểm đậu vào ngành Y đa khoa - Đại học Y Hà Nội (phân hiệu Thanh Hóa).

Ở xã Tri Lễ nơi Ý Cu ở, em là nữ sinh người Mông đầu tiên đậu vào Đại học Y Hà Nội.

Khát khao được đi học đại học

Em đăng ký 3 nguyện vọng và đều vào các trường y, trong đó Nguyện vọng 1 là Đại học Y Hà Nội, nguyện vọng 2 là Đại học Y Huế và nguyện vọng 3 là Đại học Y khoa Vinh. Tuy nhiên, ngày hôm qua bố em hỏi em Trường Y học phí cao vậy, con có thể chuyển sang trường nào học phí thấp hơn không? Em chưa trả lời vì điều đó là không thể. Hơn nữa, em chỉ ước mơ được làm bác sĩ.

Em Thò Ý Cu

bna_y-cu-d8a774c7e0cca9a8c83464c36aec06a6(1).jpg
Thò Ý Cu là học sinh người Mông đầu tiên ở xã Tri Lễ đậu vào Đại học Y khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC

Hơn 1 tuần sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn và chính thức trúng tuyển, Thò Ý Cu vẫn chưa biết mình có thể được đi học đại học hay không. Câu hỏi của bố em, ngay chính bố mẹ em cũng chưa có đáp án. Vì thế, Ý Cu đã nghĩ đến tình huống xấu nhất là phải nghỉ ở nhà đi làm: "Bố em chỉ học đến lớp 2 là nghỉ học. Mẹ em thì mù chữ, phải học lớp xóa mù chữ của xã. Sức khỏe đều không đảm bảo. Ngày trước, anh em đi học trường quân sự nên mấy năm anh học đại học gia đình không phải chu cấp tiền. Còn em, riêng tiền học phí một năm học đã 27 triệu đồng. Không biết lấy đâu để có tiền cho em đi học".

Trước ngưỡng cửa đại học, đây cũng là lần đầu tiên Thò Ý Cu thấm thía được nỗi gian nan của con nhà nghèo. Trước đó, 4 năm học nội trú ở trường huyện và 3 năm xuống TP. Vinh học nội trú ở trường tỉnh, Ý Cu gần như không có tiền để tiêu.

Số tiền duy nhất mà bố mẹ cho em đó là tiền xe đi lại trong mỗi dịp từ nhà xuống trường. Khoản chi tiêu cho bản thân, Ý Cu tiết kiệm từ số tiền ít ỏi từ Nhà nước hỗ trợ dành cho học sinh dân tộc thiểu số, hoặc tiền khen thưởng của lớp sau mỗi lần được điểm cao. Toàn bộ số tiền này em đều gửi cô giáo chủ nhiệm và chỉ rút ra khi thực sự cần thiết.

Nói về học trò của mình, cô giáo Lê Lan Thương - chủ nhiệm lớp 12A3 cho biết: Thường các bạn, một đến hai tuần sẽ xin cô rút tiền một lần. Nhưng Ý Cu thì mỗi năm em chỉ xin rút vài lần và chi tiêu hết sức tiết kiệm. Cá nhân em cũng là người rất có tố chất, chăm chỉ và luôn nỗ lực để đạt được ước mơ của mình.

z5773034350754_4549a2ccc1c1a157683d71d344b870af(1).jpg
Ước mơ để vào giảng đường đại học của Thò Ý Cu còn rất nhiều khó khăn. Ảnh: NVCC

Để có thể vào Đại học Y khoa Hà Nội, ngoài tiền học phí, Thò Ý Cu cũng đang lo lắng về số tiền sinh hoạt phí hàng ngày. Bản thân là người dân tộc thiểu số ít người, thuộc diện hộ nghèo, mong muốn lớn nhất của em là được hỗ trợ ở ký túc xá, được hỗ trợ một phần học phí.

Khó khăn còn lại, em nói rằng sẽ chăm chỉ để tìm việc làm thêm, làm gia sư hoặc bất cứ một công việc nào khác. Về phía gia đình, với điều kiện hiện nay, việc chu cấp cho Thò Ý Cu một vài triệu đồng thực sự là điều nan giải.

Chỉ vài ngày nữa, Trường Đại học Y khoa Hà Nội sẽ bắt đầu nhập học cho thí sinh trúng tuyển.

Nhưng đến giờ này, đường đến giảng đường đại học với Thò Ý Cu còn vô vàn gian nan...

Mới nhất
x
x
Nữ sinh người Mông ở Nghệ An đậu Đại học Y khoa Hà Nội có nguy cơ lỡ hẹn với giảng đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO