Nữ sinh Trường Phan chia sẻ về tấm Huy chương Bạc cuộc thi Olympic tiếng Nga quốc tế
Lưu Lê Thục Nhiên - học sinh lớp 12C6, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia Cuộc thi Olympic tiếng Nga năm 2024 và xuất sắc giành Huy chương Bạc.
Nhân ngày truyền thống Học sinh, sinh viên Việt Nam (9/1), Lưu Lê Thục Nhiên chia sẻ với Báo Nghệ An với hành trình học và thành công ở môn học khá đặc biệt này.
P.V: So với nhiều môn ngoại ngữ khác, tiếng Nga không phải là môn học thời thượng hiện nay của giới trẻ. Vì sao em lại chọn và gắn bó với môn học này?
Lưu Lê Thục Nhiên: Em học ở Trường THCS Nghi Liên (TP. Vinh) và khóa của em chỉ có 2 bạn thi đậu vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Rất nhiều bạn thi môn tiếng Anh thường chọn các lớp chuyên khác, nhưng em đã chọn lớp chuyên Nga và đây là nguyện vọng 1 của em.
Khi đó, dù chưa từng biết tiếng Nga nhưng có thể em ảnh hưởng tình yêu tiếng Nga từ người bác của mình. Bác đã từng học, làm việc ở Nga và thường kể cho chúng em về một nước Nga vĩ đại và rất đẹp. Em cũng ấn tượng về mùa Đông nước Nga, về tuyết trắng và cái lạnh cắt da, cắt thịt, xuống dưới âm độ C. Em rất thích tuyết.
Khi đậu vào lớp chuyên Nga, em chỉ nằm trong tốp 20 và tất cả chúng em đều bắt đầu với tiếng Nga bằng con số 0. Là một học sinh chuyên Anh, việc cùng lúc học song song 2 ngoại ngữ trong những buổi đầu có rất nhiều khó khăn vì giữa tiếng Nga và tiếng Anh có nhiều chữ cái giống nhau nhưng cách viết thì khác, cách đọc cũng khác, rất dễ nhầm lẫn. Tài liệu về tiếng Nga cũng không phong phú như các ngoại ngữ khác.
Khi đã làm quen với tiếng Nga, em thấy đây là môn học khá thú vị bởi em thích cách người Nga nói chuyện, thích cách họ đọc, phát âm.
Sau này, càng học em càng yêu tiếng Nga hơn bởi em nghĩ đơn giản mình đã chọn chuyên Nga thì phải có trách nhiệm với lựa chọn của mình.
Lưu Lê Thục Nhiên
P.V: Như em đã chia sẻ, việc học tiếng Nga thật không dễ dàng. Nhưng em đã làm được điều bất ngờ khi đạt giải Ba học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Nga khi chỉ mới học lớp 11?
Lưu Lê Thục Nhiên: Có lẽ vì em đã có sẵn tình yêu với nước Nga nên dù mới làm quen và học tiếng Nga từ năm lớp 10 nhưng em học khá hiệu quả. Kỳ thi vượt rào đầu tiên năm lớp 10, em đạt hơn 90 điểm và là học sinh có điểm thi cao nhất lớp. Đây là động lực để em quyết tâm theo đuổi môn tiếng Nga và là cơ hội để em được tham gia thi chọn đội tuyển quốc gia của trường.
Lớp 11, khi được chọn và trở thành 1 trong 6 thành viên chính thức của trường tham gia Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, em xác định dự thi để trải nghiệm, rút kinh nghiệm. Vậy nhưng việc trở thành 1 trong 2 học sinh duy nhất của trường đạt giải ở mùa thi trước khiến em vỡ òa vì vui sướng. Đây là kết quả nằm ngoài sức tưởng tượng của em.
Sang năm học này, lần thứ 2 em tiếp tục tham gia Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và nhìn lại hành trình của năm học trước, em nghĩ chính em đã tự “vượt lên chính mình”.
Nếu như ở các môn học khác, các bạn đã được làm quen, học từ những năm tiểu học, THCS thì chúng em đến THPT mới bắt đầu biết đến môn học này. Việc học bình thường đã không dễ dàng và học để ôn thi đội tuyển lại càng vất vả hơn. Chương trình đội tuyển, thường là các cô giáo cho làm đề, chữa đề cho học sinh, sau đó chúng em về nhà tự học và làm lại. Ngoài luyện đề, em dành khá nhiều thời gian ở nhà để luyện nghe và nói bằng cách nghe radio, lên YouTube để nghe hàng ngày.
Em nghe rất nhiều, tranh thủ mọi thời gian để nghe, kể cả khi ăn, khi tắm, vừa nghe vừa học cách nói của người Nga nên nhờ đó em cải thiện được cách phát âm rất nhiều.
Trong quá trình học, em đặt ra mục tiêu, mỗi ngày sẽ tự nói, ghi âm để ghi lại cảm xúc sau một ngày và kế hoạch cho ngày hôm sau. Việc bóc ghi âm sẽ giúp em xem lại được âm lượng cách phát âm của mình để có sự điều chỉnh phù hợp.
Ngoài sự nỗ lực của bản thân, các cô giáo của em ở trường, trong đó có cô giáo người Nga cũng hỗ trợ em rất nhiều.Lưu Lê Thục Nhiên
P.V: Ngoài là học sinh giỏi quốc gia, Thục Nhiên còn vinh dự là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia Kỳ thi Olympic tiếng Nga vào tháng 11/2024. Em có thể kể về chuyến đi này?
Lưu Lê Thục Nhiên: Cuộc thi Olympic tiếng Nga quốc tế là một cuộc thi có lịch sử trên 40 năm, uy tín bậc nhất về năng lực tiếng Nga và các kiến thức về đất nước, con người Nga dành cho các học sinh không có quốc tịch Nga đến từ khắp nơi trên thế giới. Sau nhiều năm bị gián đoạn, năm nay kỳ thi chính thức được tổ chức lại và những học sinh chuyên Nga như chúng em đều rất hào hứng trước thông tin này.
Trước khi đến với nước Nga, chúng em sẽ phải trải qua 2 vòng thi ở Việt Nam. Trong đó, vòng thi thứ nhất gồm thi từ vựng, ngữ pháp, nghe và viết. Tất cả 6 học sinh của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đều vượt qua vòng thi này.
Ở vòng thi thứ 2, Ban tổ chức sẽ ra đề thi và yêu cầu các thí sinh phải có 2 video để trả lời câu hỏi thể hiện sự hiểu biết của mình và nước Nga, về lịch sử văn hóa, các địa danh nổi tiếng. Em thực sự rất vui bởi kỳ thi có sự tham gia của nhiều học sinh, sinh viên trên cả nước nhưng cuối cùng em là đại diện duy nhất của Việt Nam được chọn tham gia kỳ thi này tại Cộng hòa Liên bang Nga.
Có một điều khá đặc biệt ở vòng 1, đó là Ban tổ chức yêu cầu các thí sinh chia sẻ ước mơ của mình khi đến với nước Nga. Em nhớ, trong bài viết của mình em đã nói rằng, ước mơ của em là trở thành giáo viên tiếng Nga và vì thế em rất yêu tiếng Nga, yêu văn hóa, văn học Nga và sau này muốn truyền lại tình yêu cho học trò.
Ước mơ trở thành cô giáo của em cũng được truyền cảm hứng từ mẹ, một giáo viên dạy Hóa học ở Trường THPT Nguyễn Duy Trinh. Ngày còn nhỏ, em vẫn hay được mẹ cho vào ngồi học cùng lớp với các anh chị và thích cách mẹ dạy cho các học trò.
Ở vòng thi thứ 2, việc phải tự quay video để chia sẻ các vấn đề cũng là một thử thách với em, bởi bản thân em trước đây rất nhút nhát, ngại phát biểu trước đám đông. Khi được lựa chọn, em nghĩ có thể vì tình cảm của em với nước Nga, vì em đã chia sẻ rất thật các suy nghĩ của mình nên đã chinh phục được ban giám khảo.
P.V: Kỳ thi Olympic tiếng Nga có điều gì khác biệt so với các kỳ thi khác? Điều gì bất ngờ đối với em khi đến với kỳ thi này?
Lưu Lê Thục Nhiên: Ngay sau khi có kết quả trong nước, em có 15 ngày chuẩn bị trước khi đến nước Nga. Trong quãng thời gian đó, em được các giáo viên ở trường và các chuyên gia của Phân viện Puskin hỗ trợ. Tuy nhiên, vì đây một cuộc thi về ngoại ngữ nên phạm vi rất rộng, ngoài học nói, học cách phát âm, học viết, em còn phải tìm hiểu rất nhiều các vấn đề về văn hóa, đất nước, văn học nước Nga...
Dù chuẩn bị khá kỹ, nhưng lần đầu đến với nước Nga em thực sự lo lắng. Trước đó, vòng loại của kỳ thi này đã thu hút sự tham gia của hơn 2.500 học sinh, sinh viên đến từ 65 quốc gia trên thế giới và chỉ có 24 thí sinh lọt vào vòng chung kết. Rất nhiều thí sinh tham gia kỳ thi này đến từ các đất nước vốn trước đây nói tiếng Nga và các bạn sử dụng tiếng Nga ở nhà như ngôn ngữ hàng ngày. Ban tổ chức cũng ra một đề thi rất “lạ”, khác nhiều so với chúng em đã chuẩn bị ở nhà.
Bài tập viết của đề rất hay với tựa đề "Đồng hồ": Có một người bạn, nhà bạn ấy có chiếc đồng hồ bị hỏng. Khi sửa để kim đồng hồ chạy lại đúng giờ thì kim đồng hồ cứ quay ngược lại và có 1 vị thần xuất hiện.
Vị thần hỏi muốn thay đổi gì trong quá khứ, yêu cầu các thí sinh viết tiếp câu chuyện và đoán xem “người bạn nhỏ” sẽ mong ước gì.
Thực tế, khi mới đọc đề này, với cách ra đề rất mới, em không hiểu mình sẽ viết tiếp được gì, thậm chí em đã dự phòng sẽ “tự nghĩ” ra một câu chuyện để viết.
Cuối cùng em đã viết về trận bão Yagi mới xảy ra tại Việt Nam với nhiều mất mát về con người, tài sản và nhà cửa. Em đã ước sẽ không có cơn bão này, không có thiên tai, lũ lụt.
Lưu Lê Thục Nhiên
Bài thi nói kể về một sự kiện đáng nhớ quan trọng nhất của bạn và em đã nói rằng, đó chính là chuyến sang Nga tham gia kỳ thi này. Nhờ đó, em đã thực sự được “chạm” vào nước Nga, gắn kết lại với nhiều người bạn trên thế giới vì tình yêu tiếng Nga, nước Nga. Chuyến đi cũng cho em được gặp những người Việt ở Nga, những du học sinh... và ở đâu đoàn công tác cũng nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình. Đó là những kỷ niệm không thể nào quên.
P.V: 3 năm gắn bó với Trường Phan, gắn bó với tiếng Nga, Thục Nhiên đã có sự thay đổi như thế nào? Theo em hành trang quan trọng nhất của học sinh thuộc thế hệ Gen Z hiện nay là gì?
Lưu Lê Thục Nhiên: Em là một học sinh ít nói, vì thế việc tham gia các kỳ thi, việc tự đứng thuyết trình trước đám đông đã khiến em thay đổi rất nhiều.
Từ thực tế của bản thân, em cho rằng, học sinh ngày nay, ngoài học tốt cần phải có nhiều kỹ năng mềm khác và nên tham gia một số hoạt động ngoại khóa để mình biết thêm về cuộc sống. Việc học cần phải đi đôi với thực hành. Việc được tham gia các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp chúng ta biết nhiều điều bổ ích, quan trọng không kém gì trong sách vở. Hành trang tương lai chính là kiến thức và những trải nghiệm mà học sinh đã có. Bên cạnh đó, cần có sự ham học hỏi, cầu tiến để bản thân ngày càng tiến bộ.
P.V: Cảm ơn em về cuộc trò chuyện!
Là một giáo viên tiếng Nga, niềm hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi đó là có học sinh yêu thích môn học này và nếu các bạn theo đuổi môn học này đó là một niềm vui lớn hơn nữa. Với Thục Nhiên, tôi nghĩ điều giúp em đạt kết quả cao ở các kỳ thi bởi em có tố chất và năng khiếu học tiếng Nga từ rất sớm, em có lợi thế về cách phát âm, tư duy ngôn ngữ tốt.
Khi tham gia kỳ thi quốc tế, rất khó khái quát được khối lượng kiến thức, phạm vi chủ đề, format của kỳ thi, nhất là khi cô và trò chỉ có một thời gian rất ngắn để chuẩn bị. Chiến thắng ở Kỳ thi Olympic quốc tế, tôi nghĩ điều quan trong nhất chính là sự nỗ lực của học trò. Từ một học sinh rụt rè, khá “bất lợi” so với các học sinh quốc tế nhưng Thục Nhiên đã không ngừng cố gắng, mạnh dạn tự tin để thể hiện mình.
Tôi cũng cho rằng, ít có học sinh nào yêu tiếng Nga, thích tiếng Nga như Thục Nhiên. Thậm chí em ấy còn chia sẻ rằng, nhờ học tiếng Nga em khỏe hơn, không còn bị ốm. Tiếng Nga như là liều thuốc tinh thần của em.
Cô giáo Hồ Hải Ngọc – Chủ nhiệm đội tuyển tiếng Nga Trường THPT chuyên Phan Bội Châu
.