Nuôi dúi - hướng làm giàu của người dân Nghệ An

Xuân Hoàng 05/11/2023 08:19

(Baonghean.vn) - Dúi hay còn gọi là "chuột mốc" là loài dễ nuôi, thức ăn có sẵn trong vùng nông thôn nên chi phí thấp. Một số người dân trên địa bàn Nghệ An đang đầu tư nuôi cho thấy thành công ban đầu. Hiện nay, dúi không đủ cung ứng cho cầu thị trường.

Clip: Xuân Hoàng

Mô hình thành công của chủ tịch xã

Loài dúi hay còn gọi là "chuột mốc" này sợ tiếng ồn, ham ăn tre, mía, ngô trong bóng tối. Hiện, nhiều người dân trên địa bàn Nghệ An đã thành công bằng nghề chăn nuôi dúi, hướng đến mở rộng quy mô để tăng thu nhập, làm giàu.

bna_dui 1.jpg
Ông Cao Tiến Thìn cho biết, chuồng trại để nuôi dúi khá đơn giản, chi phí không cao. Ảnh: Xuân Hoàng

Có thể khẳng định một trong những người thành công với nghề nuôi dúi là ông Cao Tiến Thìn, hiện là Chủ tịch UBND xã Tân An (Tân Kỳ). Nói thành công là bởi, từ năm 2019, ông bắt đầu nuôi dúi. Từ vài cặp giống ban đầu, ông mày mò học hỏi kinh nghiệm trên sách báo, cùng với áp dụng thực tế, đến nay chúng sinh sản lên cả trăm con.

"Mặc dù con dúi dễ nuôi, nhưng thời gian đầu nuôi thử vẫn lo ngại, vì chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm chăm sóc theo dõi từng diễn biến sinh trưởng của chúng, nay có thể khẳng định là thành công. Không những cung ứng dúi thịt mà còn có cả dúi sinh sản bán. Do nhu cầu thị trường ngày càng cao, nên tới đây tôi sẽ mở rộng quy mô", ông Cao Tiến Thìn cho hay.

Nói về kỹ thuật nuôi dúi, ông Thìn cho biết, chuồng nuôi dúi thiết kế đơn giản, không tốn nhiều diện tích, 100m2 có thể nuôi được trên dưới 400 con dúi. Chuồng có thể xây hoặc sử dụng gạch men lát nhà kích thước 60 x 60 cm dựng lên thành ô vuông. Đặc biệt, chuồng phải kín gió, bố trí nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.

bna_dui 3.jpg
Dúi thịt thời gian nuôi từ 8 - 10 tháng là xuất chuồng. Ảnh: Xuân Hoàng

Dúi có nhiều loài khác nhau, nhưng phổ biến là dúi mốc lớn và dúi mốc nhỏ. Với ông Thìn thì nuôi loại dúi mốc lớn, khi xuất chuồng có trọng lượng 1,5 - 2 kg/con. Thịt dúi thơm ngon, mát, giàu đạm nên được nhiều người tìm mua. Theo đó, mặc dù dúi thịt có giá 600.000 đồng/kg, dúi giống từ 1,5 - 2 triệu đồng/cặp nhưng không có để bán.

Gác bằng đại học về nuôi dúi

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh từ năm 2002, mặc dù đã đứng trên bục giảng 4 năm, nhưng sau đó anh Nguyễn Đức Trường không tiếp tục theo nghề giáo viên mà chọn con đường xuất khẩu lao động để mong muốn sớm có vốn tích luỹ. Sau 2 năm lao động ở nước ngoài, năm 2014, từ quê hương xã Bắc Thành, anh quyết định lên xã miền núi Minh Thành (Yên Thành) để lập nghiệp sau đó mua 7.000 m2 đất tại xóm 8, xã Minh Thành, kết hợp với ươm cây giống là nuôi dúi.

bna_dui 5.jpg
Anh Nguyễn Đức Trường cho biết, con dúi dễ nuôi, thị trường tiêu thụ tốt. Ảnh: Xuân Hoàng

Anh Trường cho biết, đầu năm 2023, sau khi xây dựng xong hệ thống chuồng trại, khởi đầu với 70 cặp dúi sinh sản, vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm từ tài liệu, đến nay đàn dúi đã nhân lên 300 cặp. Sở dĩ đàn dúi tăng nhanh là do, dúi mẹ mỗi năm sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 1 - 4 con. Thấy nhu cầu thị trường cao, nhiều người dân trong vùng đến tìm hiểu cách nuôi và được anh hướng dẫn, cung ứng con giống. Tuy nhiên, quy mô nuôi của bà con vẫn còn nhỏ lẻ, chưa tạo được hàng hoá.

"Đặc điểm dễ nuôi nhất đối với con dúi, chúng thích ăn nhất là thân cây tre, ngô, mía. Thân cây tre, mía mang về chặt ngắn, chẻ ra, vứt vào cho chúng gặm cả ngày. Những loại thức ăn này có sẵn ở các vùng nông thôn, nên chi phí thấp. Cùng đó, chuồng trại cũng dễ làm, nên ai cũng có thể đầu tư nuôi được. Dúi chỉ ăn các loại thức ăn khô, sạch, đặc biệt chúng không uống nước, nên chuồng trại luôn khô ráo, ít ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nhiệt độ thích hợp để con dúi phát triển là từ 25 - 28 độ C, do vậy, cần đầu tư lắp đặt hệ thống quạt gió hơi nước để làm mát vào mùa Hè", anh Nguyễn Đức Trường chia sẻ.

bna_dui 2.jpg
Hệ thống chuồng trại chăn nuôi dúi của anh Nguyễn Đức Trường ở xóm 8, xã Minh Thành (Yên Thành). Ảnh: Xuân Hoàng

Dúi nuôi mang lại giá trị cao, thị trường tiêu thụ tốt, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân trong chăn nuôi, góp phần thúc đẩy kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở các địa phương. Tuy nhiên, mô hình nuôi dúi trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn còn nhỏ lẻ, rải rác ở nhiều nơi. Do thức ăn cho dúi dễ tìm kiếm trong vùng nông thôn và chi phí để nuôi dúi cũng không lớn, nên khuyến khích người dân nuôi để phát triển kinh tế./.

Mới nhất
x
Nuôi dúi - hướng làm giàu của người dân Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO