U22 Việt Nam: Ngã ở đâu, hãy đứng lên ở đó!

Bùi Hoa 14/05/2023 13:39

(Baonghean.vn) - Tất yếu sẽ có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, thậm chí đối lập về màn trình diễn của U22 Việt Nam tại SEA Games 32.

Thông thường thì “kết quả nói lên tất cả”, khi U22 Việt Nam đã không bảo vệ nổi tấm Huy chương Vàng (và cũng không chắc có giành được tấm Huy chương Đồng hay không) thì mọi phát biểu, giải thích đều không mấy ý nghĩa. Nhưng ở góc độ “đường dài” với một ông thầy mới, triết lý chơi bóng mới, nên chăng đừng quá khắt khe với các cầu thủ trẻ và phải nhìn nhận mọi việc một cách bình tĩnh, có hệ thống hơn?

Đinh Xuân Tiến ghi dấu ấn khi tạo sức ép lên trung vệ đối phương góp công mang về bàn thắng quân bình tỷ số 2-2 cho U22 Việt Nam. Ảnh: Hải Hoàng

Đối thủ của U22 Việt Nam ở trận bán kết là U22 Indonesia có lực lượng hùng hậu, được đánh giá chất lượng, có giá trị trên thị trường chuyển nhượng vào loại số 1 khu vực, nhiều người là tuyển thủ quốc gia, lại được nghỉ nhiều hơn 1 ngày… là thuận lợi không hề nhỏ so với thầy trò ông Troussier. Đối thủ chiếm thế thượng phong ngay từ đầu và liên tục có 2 bàn thắng đều từ một kịch bản ném biên-đánh đầu hay tận dụng phá bóng của đối phương để sút xa ghi bàn. U22 biết điều đó và miếng đánh này có từ SEA Games trước, nhưng đã không thể hóa giải.

Chất lượng hàng phòng ngự từ thể hình thua sút, không có thủ lĩnh thực sự, khả năng liên kết yếu, cộng với khả năng đánh chặn, hỗ trợ từ các tiền vệ phòng ngự, thậm chí các tiền đạo có thể hình tốt, khả năng đeo bám cừ, chưa kể vị trí thủ môn lóng ngóng… là chất lượng thực sự của lứa cầu thủ này hay do sự lựa chọn của ban huấn luyện là điều cần phải làm rõ sau giải đấu.

Ngay từ trận gặp U22 Lào hay U22 Singapore thì hàng thủ U22 Việt Nam cũng không ít lần khiến người hâm mộ thót tim vì để lộ những khoảng trống cho đối thủ khai thác. U22 Việt Nam có thể gặp may, có thể giữ sạch lưới khi đối thủ không tận dụng được cơ hội nhưng với U22 Thái Lan và U22 Indonesia thì hoàn toàn khác. Văn Chuẩn đã phải 4 lần vào lưới nhặt bóng và lỗi đều do cá nhân và cả một hệ thống phòng ngự yếu ớt.

Trận gặp U22 Thái Lan, bàn thua sớm do lỗi chuyền bóng hỏng của Văn Trường, đối thủ phá lên thì Duy Cương lại trượt chân y hệt đàn anh Hồng Duy ngày nào và đối thủ dĩ nhiên không để vuột một cơ hội dễ như trở bàn tay. Trận gặp U22 Indonesia, ngoài 2 bàn thua từ ném biên như đã nói ở trên, bàn thua thứ 2 bắt nguồn từ lỗi chuyền bóng hỏng của Công Đến, rồi cả một hệ thống phòng ngự dâng cao, bị bất ngờ, vụng về cả loạt để phải nhận một bàn thua đau đớn bậc nhất trong lịch sử thi đấu SEA Games!

Trước đối thủ mạnh, mọi sơ hở, sở đoản của U22 Việt Nam bộc lộ rõ ràng, bị khai thác triệt để. Vấn đề là ông Troussier và học trò đều biết nhưng lực bất tòng tâm. Đến đây thì chúng ta càng nhận ra việc không thường xuyên được thi đấu, cọ xát, thiếu kinh nghiệm thực chiến trong và ngoài nước sẽ cho kết cục đến mức nào? Hơn nữa, cũng không thể nói thêm rằng, kể cả được thi đấu nhiều ở V-League hay giải hạng Nhất thì cũng chưa chắc đã thi đấu tốt ở SEA Games. Những gì Văn Cường, Ngọc Thắng, Duy Cương, Xuân Tiến, Văn Đô thể hiện (hay bị loại như Vỹ Hào) cho thấy điều đó. Phải chăng, U22 Việt Nam hiện tại không có một ngôi sao, một nhân tố dẫn dắt thực sự, đã phải điều động cả loạt nhân tố từ U20, thì mong mỏi về sự chín chắn, đẳng cấp cũng đã là quá mức?

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, U22 lứa này cũng có những nhân tố hy vọng thực sự cho một tương lai phía trước của bóng đá Việt. Văn Tùng không được thi đấu thường xuyên ở V-League, bị chấn thương trước giải, nhưng đã có màn trình diễn thượng thặng nhờ khả năng săn bàn tuyệt tác. Thái Sơn sẽ có một tương lai đảm bảo nhờ nền thể lực tuyệt vời, nếu được rèn giũa thêm sẽ là một tiền vệ trung tâm mơ ước của nhiều nhiều đội bóng. Minh Trọng hay Văn Cường, Văn Khang hay Văn Trường cũng có những khả năng bùng nổ và phát sáng trong tương lai gần nếu được đầu tư đúng hướng…

Điều cần thiết sau một trận thua và một giải đấu thất bại, không phải là “đẽo cày giữa đường” mà phải kiên định với con đường đã, đang và sẽ đi. Đó là kiên nhẫn, trung thành với cách làm mới của ông Troussier với U22 cũng như Đội tuyển Việt Nam. Học hỏi đến nơi đến chốn cách làm thành công, chưa thành công thời ông Park Hang-seo và mọi kinh nghiệm cần thiết từ khu vực, từ châu lục để bổ sung cho hành trang đi tới của mình. Những giọt nước mắt của Tuấn Tài và đồng đội sau trận thua tức tưởi trước U22 Indonesia, sự bình tĩnh của ông Troussier hy vọng sẽ không chỉ cho U22 Việt Nam mà cả nền bóng đá một quyết tâm mới mạnh mẽ, đồng bộ và bùng nổ hơn. Rằng, đó chỉ là một tai nạn thông thường trong bóng đá và tất cả sẽ mau chóng đứng lên, làm lại tốt nhất có thể. Rằng, U22 Việt Nam ngã ở đâu hãy đứng lên ở đó sau những bài học xương máu cần thiết cho những chuyến đi đường dài.

Mới nhất
x
U22 Việt Nam: Ngã ở đâu, hãy đứng lên ở đó!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO