Palestine sắp kiện Mỹ: Nước cờ nhiều toan tính

Khang Duy 30/09/2018 17:08

(Baonghean) - Một thông tin đáng chú ý cuối tuần qua là việc Palestine đã bắt đầu các thủ tục khởi kiện Mỹ lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) có trụ sở tại La Hay, Hà Lan về việc Mỹ chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv của Israel sang Jerusalem.

Diễn biến này đang làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Palestine vốn vẫn đang tồn tại nhiều sóng gió. Liệu chính quyền Palestine đang tính toán gì với bước đi chiến lược lần này?

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas quyết tâm trong cuộc chiến pháp lý với Mỹ (Nguồn: AFP)
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas quyết tâm trong cuộc chiến pháp lý với Mỹ. Ảnh: AFP

Nghi kỵ và thành kiến

Bất chấp Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã lần đầu tiên tuyên bố ủng hộ giải pháp 2 nhà nước để giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine, quan hệ giữa Mỹ và Palestine không vì thế mà giảm nhiệt.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đáp lại phía Mỹ rằng, chính phủ “nhiều thành kiến” của ông Donald Trump vẫn chưa thể đủ thiện chí nhằm phá vỡ mọi nghi kỵ để các bên ngồi vào bàn đàm phán, tiến tới một giải pháp hòa bình.

Tổng thống Abbas cũng khẳng định, Palestine sẽ không chấp nhận Mỹ đóng vai trò là trung gian hòa giải duy nhất trong tiến trình hòa bình Trrung Đông. Trong khi đó, tất nhiên, Palestine cho đến nay cũng không thể chấp nhận việc Mỹ ngừng viện trợ cho Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA).

Thay mặt Ban chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), tiến sỹ Hanan Ashrawi trong một tuyên bố đã lên án chính quyền Mỹ và coi đây là một “quyết định vô nhân đạo và liều lĩnh”.

Giọt nước đã tràn ly khi chính quyền Tổng thống Donald Trump mới đây thông báo đã chuẩn bị một kế hoạch hòa bình mới với tên gọi “Thỏa thuận thế kỷ”, được cho là sẽ đi ngược lại kế hoạch hòa bình mà Tổng thống Palestine Abbas từng trình bày tại Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc hồi tháng 2 đầu năm nay.

Trong đó, kế hoạch của ông Abbas dựa trên giải pháp 2 nhà nước, phù hợp đường biên giới năm 1967 đồng thời thừa nhận Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine.

Vì thế, việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem rõ ràng mâu thuẫn hoàn toàn với quan điểm của Tổng thống Palestine.

Trước những bước đi của Mỹ như vậy, chính quyền Palestine đã chọn Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) để tìm kiếm sự phán xử công bằng.

Nhà nước Palestine ngày 28/9 đã tiến hành các thủ tục kiện Mỹ lên ICJ - cơ quan pháp lý chính của Liên Hợp quốc, với cáo buộc Mỹ vi phạm Công ước Viên ngày 18/4/1961 về quan hệ ngoại giao, khi chuyển Đại sứ quán từ Israel sang Jerusalem. Đồng thời, Palestine cũng yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế buộc Mỹ rút Đại sứ quán của mình khỏi Jerusalem.

Thông cáo của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ)

Đòn gió chính trị

Với những lợi thế là sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Palestine hy vọng rằng, lá đơn kiện Mỹ lần này một lần nữa có thể gia tăng tiếng nói và vị thế của nước này đối với cộng đồng quốc tế.

Trong đó, quan trọng nhất là việc có thể công khai tố cáo các hành vi của Mỹ tại một tòa án có uy tín của Liên Hợp quốc. Trước đó, từ tháng 5 vừa qua, vấn đề công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã trở thành tâm điểm của cộng đồng quốc tế sau khi Mỹ chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem.

Cũng cần nhắc lại, quy chế của Jerusalem từ lâu đã là vấn đề nhạy cảm, đóng vai trò then chốt trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Nhìn lại lịch sử, trong cuộc chiến năm 1967, Israel đã chiếm đóng khu vực Đông Jerusalem và tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel.

Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền này của Tel Aviv còn Palestine lại luôn xác định Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.

Về phía Mỹ, rõ ràng trong bối cảnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có vô số vấn đề đối nội - đối ngoại cần giải quyết, đặc biệt khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng sắp tới gần, lá đơn kiện của Palestine ít nhiều cũng sẽ khiến ông Donald Trump phải bận tâm và cân nhắc thêm các đối sách với Palestine.

Đặc biệt khi mới đây, một quốc gia nhiều “duyên nợ” khác là Iran cũng đã quyết định kiện Mỹ ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) nhằm chống lại việc chính quyền Tổng thống Donald Trump khôi phục các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này.

Liên tục những lá đơn kiện như vậy chắc chắn sẽ là những đòn giáng mạnh vào uy tín và vị thế chính trị của Mỹ, vốn đang liên tục trượt dốc thời gian qua.

Biển chỉ dẫn tới Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem (Nguồn: Reuters)
Biển chỉ dẫn tới Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem. Ảnh: Reuters

Mặc dù vậy theo giới quan sát, chắc chắn phía Mỹ sẽ lại phản đối đơn kiện của phía Palestine hoặc cho rằng, Tòa án này không có thẩm quyền xét xử như đã làm với Iran mới đây.

Trong khi đó, Tòa án Công lý quốc tế thành lập năm 1946 nhằm giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia - là tòa án cao nhất của Liên Hợp quốc, dù có thể đưa ra các quyết định mang tính ràng buộc nhưng tòa lại không có thẩm quyền để thi hành. Vì vậy trong quá khứ, không ít các quốc gia đã từng phớt lờ các phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).

Vì thế có thể nói, cuộc chiến pháp lý với Mỹ mà Palestine quyết định theo đuổi chắc chắn sẽ còn rất dài, kèm theo rất nhiều chông gai và thách thức. Tất nhiên lúc này, Palestine còn phải đợi phía Tòa án Công lý Quốc tế thụ lý và chấp nhận đơn kiện như đã làm với Iran vừa qua.

Nhưng có lẽ, chính những khó khăn này hơn bao giờ hết càng khẳng định quyết tâm giành độc lập và tìm kiếm một tương lai hòa bình, ổn định của chính quyền và người dân Palestine./.

Mới nhất

x
Palestine sắp kiện Mỹ: Nước cờ nhiều toan tính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO