Huyện Quỳ Hợp được thành lập với số dân hơn 23.000 người, từ 10 xã của huyện Quỳ Châu (cũ) là Châu Yên, Châu Sơn, Châu Lý, Châu Thái, Châu Quang, Châu Đình, Châu Hồng, Châu Lộc, Châu Cường, Châu Thành và 3 xã của huyện Nghĩa Đàn là Nghĩa Sơn, Nghĩa Xuân và Tam Hợp. Ngày 25/4/1963, Tỉnh ủy Nghệ An cũng đã quyết định chia tách Đảng bộ huyện Quỳ Châu thành các Đảng bộ: Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử đất nước, từ cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Quỳ Hợp luôn giữ vững ý chí cách mạng, truyền thống vẻ vang, tham gia phát triển kinh tế; tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam với tinh thần “tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt, hàng nghìn người con thân yêu của Quỳ Hợp đã cống hiến cuộc đời và tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Tính đến nay, toàn huyện có 642 liệt sĩ; 2.432 thương, bệnh binh; 12.312 gia đình có công với cách mạng; 25 bà mẹ Việt Nam anh hùng và hàng nghìn người là dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, bắt tay vào công cuộc kiến thiết mới, huyện Quỳ Hợp gánh chịu những hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại; bên cạnh đó là sự ràng buộc bởi cơ chế quản lý tập trung, bao cấp nên gặp nhiều khó khăn trong phát triển. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ và nhân dân huyện Quỳ Hợp đã vượt qua những khó khăn, thách thức đó, chủ động, sáng tạo, hòa nhập nhanh chóng vào công cuộc đổi mới của đất nước.
60 năm xây dựng và phát triển, huyện Quỳ Hợp đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện, từng bước đi vào chiều sâu; năng suất, chất lượng và giá trị tăng lên. Toàn huyện hình thành hàng trăm doanh nghiệp, HTX sản xuất quy mô lớn, hiệu quả cao, tạo việc làm cho nhiều lao động; nổi bật là Nhà máy Đường NASU với vùng nguyên liệu trên 5.000ha mía, Công ty TNHH MASAN nuôi 10.000 con lợn nái và 230.000 con lợn thịt/năm… Đến nay, huyện đã xây dựng được 14 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 – 4 “sao” cấp tỉnh. Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm và được nhân dân hưởng ứng tích cực. Huyện có 6 xã và 14 xóm được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư với gần 100 công trình thủy lợi; 141/336km kênh mương bê tông; 100% xóm, bản có điện thắp sáng. Hệ thống giao thông phát triển mạnh, đấu nối với các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Tân Kỳ, Con Cuông, Tương Dương, sắp tới sẽ thông tuyến với Anh Sơn. Hệ thống giao thông liên xã, liên xóm cơ bản được cứng hóa, xe ô tô đã đi được đến tận các xóm, bản. Sóng điện thoại, mạng Internet đã đến 21 xã. Hệ thống trường lớp và các trạm y tế từng bước được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn. Bộ mặt nông thôn, đô thị khởi sắc nhanh chóng.
Trên địa bàn huyện có 314 doanh nghiệp; 80 mỏ khoáng sản; 158 xưởng chế biến các loại; 1.200 xe vận tải, máy móc các loại. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản theo giá hiện hành năm 2022 đạt 4.703 tỷ đồng, chiếm 51% tổng giá trị sản xuất. Thương mại, dịch vụ có sự chuyển biến rõ rệt, bước đầu đã hình thành và phát triển được một số dịch vụ phục vụ du lịch như: Nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí, điểm du lịch cộng đồng cùng các mặt hàng dân dụng, dịch vụ nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, vận tải… Với sự phát triển nhanh trên các lĩnh vực kinh tế, góp phần nâng tổng giá trị sản xuất của huyện đạt trên 8.000 tỷ đồng, đứng thứ 9 toàn tỉnh. Tổng đóng góp ngân sách Nhà nước hàng năm đạt khoảng 350 tỷ đồng (không tính tiền bán đấu giá đất), đứng thứ 5 toàn tỉnh.
Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển rộng khắp. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo chuyển biến tích cực. Quốc phòng được đảm bảo, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ. Hệ thống chính trị không ngừng được kiện toàn, củng cố vững mạnh về mọi mặt. Đến nay, toàn huyện có 54 đảng bộ, chi bộ trực thuộc Huyện ủy với gần 8.000 đảng viên.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập huyện, Đảng bộ và nhân dân Quỳ Hợp vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng thưởng; đồng thời huyện cũng vinh dự được UBND tỉnh chọn tổ chức ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), tỉnh Nghệ An năm 2023. Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam là dịp để tôn vinh bản sắc văn hóa, lòng tự hào dân tộc; giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước; nâng cao trách nhiệm, tạo thêm nguồn lực để phát huy cao hơn nét đẹp văn hóa dân tộc giàu bản sắc…
Những thành tựu to lớn sau 60 năm xây dựng và phát triển của huyện Quỳ Hợp là hiện thân của sự hy sinh bằng xương máu, mồ hôi, nước mắt của bao thế hệ cha anh đi trước; là sự đoàn kết, thống nhất, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc; là kết quả của sự đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị của huyện; là sự quan tâm sâu sát của Trung ương và của tỉnh.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, huyện Quỳ Hợp sẽ tiếp tục tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế. Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao; sử dụng hiệu quả việc tập trung nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo động lực và sự lan tỏa trong tăng trưởng kinh tế. Phấn đấu đưa huyện Quỳ Hợp từng bước trở thành trung tâm cây ăn quả và là điểm sáng về việc xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu của tỉnh Nghệ An. Tiếp tục phát triển các ngành dịch vụ thương mại, trong đó có xuất khẩu các sản phẩm khoáng sản sang 14 nước. Mở rộng quy mô, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn và không ngừng đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người trên 70 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng “công nghiệp xây dựng, dịch vụ thương mại, nông nghiệp”.
Cùng với các giải pháp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, Quỳ Hợp sẽ phát huy tiềm năng về văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh để đầu tư, phát triển dịch vụ và các loại hình du lịch gắn với việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Tiếp tục đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục; quan tâm xây dựng và củng cố hệ thống trường chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính đi đôi với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao.
Với khí thế mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện quyết tâm, chung sức, đồng lòng, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu xây dựng Quỳ Hợp trở thành một trong những huyện khá nhất khu vực Tây Bắc tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.