Pháp đang làm chủ những vũ khí mang tầm toàn cầu?
Trên thị trường xuất khẩu vũ khí, mặc dù không có nhiều hợp đồng vũ khí đình đám như Nga hay Mỹ, nhưng với nền tảng kỹ thuật cao, ngành công nghiệp quốc phòng Pháp vẫn cho thấy sức mạnh khi vững vàng ở vị trí thứ ba trong số các nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Những hợp đồng “đẳng cấp”
Với sự hiện diện trong nhiều lĩnh vực, từ trực thăng đến máy bay chiến đấu, từ tàu sân bay đến xe bọc thép…, tổng kim ngạch xuất khẩu trang thiết bị quân sự của Pháp không ngừng tăng, đưa quốc gia châu Âu này đứng ở vị trí thứ ba trong số các nhà xuất khẩu vũ khí của thế giới, sau Mỹ và Nga. Trong báo cáo về xuất khẩu vũ khí giai đoạn 2011-2015, Viện Nghiên cứu hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, Pháp chiếm đến 5,6% sản lượng xuất khẩu vũ khí toàn thế giới. Đâu là chìa khóa thành công của ngành công nghệ chế tạo vũ khí Pháp?
Dưới đây là một số phân tích của các chuyên gia về những thành công và khả năng của ngành công nghiệp quốc phòng Pháp trên thị trường vũ khí toàn cầu. Theo đó, từ 4 năm qua, xuất khẩu vũ khí của Pháp không ngừng gia tăng. Năm 2015 thậm chí còn là một năm kỷ lục khi các hợp đồng trong ngành công nghệ trang thiết bị quân sự thu vào 16 tỷ ơ-rô, cao gấp đôi so với năm 2014 và tăng gần gấp 4 lần so với thời điểm năm 2012.
Máy bay chiến đấu Rafale và hệ thống vũ khí do Pháp sản xuất. Ảnh: defencyclopedia.com |
Năm 2016 tiếp tục là năm thuận lợi đối với các tập đoàn sản xuất vũ khí Pháp, bởi chỉ riêng Ô-xtrây-li-a đã đồng ý mua 12 tàu ngầm do tập đoàn DCNS thiết kế, với tổng trị giá lên tới 34 tỷ ơ-rô. Đây là một bước tiến mới trên con đường chinh phục thị trường vũ khí thế giới của các nhà sản xuất Pháp. “Hợp đồng với Can-bê-ra thể hiện sức mạnh kinh tế, tiềm lực của nền công nghiệp và kỹ thuật Pháp, mở ra một giai đoạn hợp tác 50 năm trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng”, Thủ tướng M.Van-xơ (Manuel Valls) không khỏi tự hào tuyên bố như vậy sau khi Pháp giành được hợp đồng này.
Ngoài hợp đồng “khủng” vừa giành được, ngành chế tạo vũ khí Pháp còn nhiều khách hàng quan trọng tập trung ở khu vực Trung Đông và châu Á như: A-rập Xê-út, Ai Cập, Ca-ta, In-đô-nê-xi-a, Ấn Độ... Những thế mạnh về công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ thông tin cùng kinh nghiệm lâu đời trong sản xuất vũ khí là lợi thế tuyệt đối mà Pháp có được trước các đối thủ cạnh tranh. “Phải thừa nhận là nước Pháp chiếm thế thượng phong và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ tàu ngầm hơn hẳn các đối thủ khác như là Đức hay Nhật Bản. Về mặt kỹ thuật, Pháp đang dẫn đầu trong lĩnh vực này”, chuyên gia phân tích M.Vi-xen-tê cho biết.
Làm chủ những lĩnh vực thế mạnh
Chuyên gia về quốc phòng P.Cô-nê-xa (Pierre Conesa) chỉ ra những điểm mạnh của ngành công nghiệp quốc phòng Pháp, trong đó nhấn mạnh những lĩnh vực thế mạnh: “Đúng là Pháp đã bám sát để thích nghi với những đòi hỏi của các nước. Ở đây có nhiều yếu tố cần được quan tâm: Pháp có những sản phẩm "rộng hơn" so với Mỹ. Cụ thể là Mỹ không xuất khẩu tàu ngầm và vệ tinh, trong khi Pháp đã khẳng định được vị trí của mình trên cả hai lĩnh vực này. Điều đó cho thấy, trong giới công nghệ quốc phòng, tuy không là nhà cung cấp số 1 của thế giới, nhưng Pháp luôn biết cách khoanh vùng một số mảng để tập trung đầu tư và làm chủ một vài lĩnh vực, bên cạnh rất nhiều nguồn cạnh tranh, từ Nga đến Anh hay Đức”.
Ngoài khả năng làm chủ kỹ thuật trong những lĩnh vực thế mạnh, Pháp được đánh giá là một trong những nước rất “kỹ tính” với từng sản phẩm của mình, từ đó giành được uy tín trong việc chuyển giao sản phẩm cho khách hàng. Lấy một ví dụ về điều này, chuyên gia về quốc phòng P.Cô-nê-xa phân tích: Khi Pháp bắt đầu bán và chuyển giao công nghệ chế tạo máy bay chiến đấu cho Nhật Bản, mọi người đã sợ rằng Nhật Bản trở thành một đối thủ cạnh tranh, có thể đe dọa quyền lợi của Pháp. Thực tế không hẳn là như vậy. Tới nay, máy bay chiến đấu Rafale vẫn hơn hẳn các loại chiến đấu cơ và máy bay tàng hình của Nhật Bản. Trên thực tế Pháp không chỉ bán ra một sản phẩm mà còn rất nhiều thứ kèm theo đó và về điểm này thì thực sự ngành công nghệ của Pháp có nhiều ưu thế.
Một số nhà phân tích khác cho rằng, có một số yếu tố giải thích cho thành công của ngành công nghệ vũ khí Pháp: Thứ nhất là quân đội Pháp mang theo nhiều vũ khí Pháp tham chiến ở nhiều nơi trên thế giới, từ Ma-li đến Trung Phi, I-rắc… và các mặt trận đó những sản phẩm vũ khí “Sản xuất tại Pháp-Made in France” đã được các nước biết đến. Thứ hai, không thể không tính tới yếu tố chính trị khi một số các đối tác trên thế giới muốn tìm một nguồn cung cấp mới để giảm bớt mức độ lệ thuộc vào Mỹ hay Nga. Nguyên nhân thứ ba giải thích cho sự thành công này, đó là sự đầu tư lớn đẩy xuất khẩu vũ khí Pháp tăng nhanh của Bộ Quốc phòng Pháp. Những thành công rực rỡ mà nước Pháp có được từ năm 2013 tới nay theo một số chuyên gia quốc phòng, không thể không nhắc tới vai trò của Bộ trưởng Quốc phòng G.Y.L.Đờ-ri-an (Jean-Yves Le Drian). Không phải ngẫu nhiên mà báo chí mệnh danh ông là “sứ giả” của ngành công nghệ quốc phòng. Từ Ba Lan đến Ca-ta, từ Ấn Độ đến Ai Cập, từ Bra-xin đến Thái Lan…, chỗ nào có các dự án đấu thầu, đều có sự hiện diện của ông Le G.Y.L.Đờ-ri-an, cánh tay phải của Tổng thống Pháp P.Ô-lăng-đơ (François Hollande).
Mặc dù trên thị trường vũ khí, Mỹ vẫn chiếm thế áp đảo với doanh thu dao động 60-80 tỷ USD một năm, kế tới là Nga với 25-30 tỷ USD, song hiện Pháp cũng đang nhập cuộc thị trường vũ khí đầy tiềm năng một cách tự tin với những chính sách linh hoạt và cũng đang hướng nhiều tới châu Á.
Theo qdnd.vn
TIN LIÊN QUAN |
---|