Hàng năm, vào dịp tháng 9, tháng 10 âm lịch, nhân dân, du khách thập phương trên cả nước lại nô nức hành hương về đền ông Hoàng Mười ở xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên.
Bà Nguyễn Thị Sâm (du khách đến từ thành phố Vinh) cho biết: Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, năm nay Lễ hội Đền ông Hoàng Mười mới tổ chức trở lại, người dân chúng tôi phấn khởi lắm. Không chỉ đến với đền ông Hoàng Mười vào dịp lễ hội mà vào những ngày như Rằm, mồng Một hay Tết Dương lịch, Âm lịch gia đình chúng tôi đều về với đền ông Hoàng Mười.
Trong lòng nhân dân, ông Hoàng Mười là một “đức thánh minh” trong hàng các ông quan Hoàng của tín ngưỡng Đạo Mẫu, được nhiều người ngưỡng mộ và được thờ ở nhiều địa phương trong nước. Tuy nhiên, những nơi thờ Tứ Phủ theo Đạo mẫu đều thờ ông Hoàng Mười, nhưng chỉ là phối thờ. Còn đền thờ chính là tại xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), đền còn có tên là đền Xuân Am (theo địa danh làng Xuân Am) hay Mỏ Hạc Linh Từ (theo địa hình thế đất, núi, sông của thuyết phong thủy).
Đền thờ ông Hoàng Mười nằm ở vị trí cảnh quan đẹp, sơn thủy hữu tình. Trước mặt đền (hướng Nam) là dòng Lam giang như một dải lụa xanh trải rộng, thuyền bè tấp nập ngược xuôi; quanh đền là sông Cồn Mộc uốn khúc, ôm ấp, hai bên bờ sông là những đồng lúa bát ngát, xanh tươi. Phía sau, bên kia sông Cồn Mộc là núi Kỳ Lân, núi Dũng Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô với những dấu tích lịch sử, những rừng thông, bạch đàn bạt ngàn tươi tốt.
Ngoài cảnh đẹp kỳ thú, từ lâu, đền đã nổi tiếng linh thiêng với nhân vật thờ chính là ông Hoàng Mười, ngoài ra còn phối thờ các vị Song Đồng Ngọc Nữ; vị Quốc công Thái bảo Phúc Quận Công; Phụ Quốc Thượng tướng quân Nguyễn Duy Lạc.
Đền ông Hoàng Mười được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ 17). Trải qua những biến cố lịch sử, chiến tranh và thiên tai, ngôi đền bị hư hỏng nhiều. Đền mới được khôi phục lại vào những năm cuối thế kỷ 20. Thời gian qua, cùng với chính quyền, nhân dân địa phương và du khách thập phương đã hằng tâm công đức xây dựng. Đến nay cả 3 tòa chính Thượng điện, Trung điện, Hạ điện đã được xây dựng mới khang trang, các công trình kiến trúc khác như nghi môn, tắc môn, đài trung thiên, lầu cô, lầu cậu, nhà tả vu, hữu vu, lò hóa hương, khu lăng mộ tiếp tục được trùng tu, nâng cấp. Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười đã vượt phạm vi một làng, một vùng, thu hút nhiều du khách trong Nam, ngoài Bắc về tham dự.
Lễ hội Đền ông Hoàng Mười là dịp để tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đồng thời, đây là dịp để du khách thập phương hành hương về với Hưng Nguyên – vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử, yêu nước và cách mạng, nơi đã sản sinh, nuôi dưỡng nhiều bậc hiền tài, khoa bảng, nhiều tấm gương kiên trung, nghĩa liệt mà cuộc đời, sự nghiệp của họ đã làm rạng ngời quê hương, đất nước.
Lễ hội Đền ông Hoàng Mười 2022 diễn ra từ ngày mồng 9 đến mồng 10/10 âm lịch, nhưng trước đó, trong suốt tháng 9 và đầu tháng 10 âm lịch, trung bình mỗi ngày đền đã đón hàng ngàn lượt du khách về làm lễ. Đông nhất vẫn là khách đến từ các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Cao Bằng, Lạng Sơn, Ninh Bình…
Chị Hoàng Hồng Hạnh – du khách đến từ Ninh Bình cho biết: Năm nay về với đền ông Hoàng Mười tôi thấy cảnh quan đền rất sạch đẹp, quy củ. Thái độ phục vụ của ban quản lý đền cũng chuyên nghiệp hơn. Với gia đình tôi, đền ông Hoàng Mười là nơi mà chúng tôi luôn tìm về trên con đường hành hương đến với miền di sản văn hóa tâm linh.
Trao đổi với bà Hoàng Thị Hoài Thanh – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hưng Nguyên được biết: Lễ hội đền ông Hoàng Mười là 1 trong 29 lễ hội cấp tỉnh. Vì thế huyện Hưng Nguyên xác định việc tổ chức lễ hội phải có tính quy mô, đảm bảo trang nghiêm, an toàn, tiết kiệm, vừa đảm bảo yếu tố tâm linh, vừa gìn giữ nét truyền thống xưa. Vì thế, năm nay ngoài 5 phần lễ truyền thống thì ở phần lễ Rước sẽ được tổ chức quy mô cả đường thủy và đường bộ từ nhà thờ họ Nguyễn làng Xuân Am về đền ông Hoàng Mười (lực lượng tham gia khoảng 400 người; có 4 thuyền rồng, 12 thuyền ba ván được trang trí cờ Tổ quốc, cờ hội rực rỡ, trống, kiệu, lọng, lân)…
Điểm nhấn ấn tượng là đêm thả đèn hoa đăng trên sông Mộc tạo nên sự lung linh, kỳ ảo cho không gian lễ hội. Ở phần hội năm nay cũng được tổ chức phong phú hơn: Đêm giao lưu văn nghệ quần chúng giữa các câu lạc bộ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh giữa các địa phương trong huyện; thi đấu các môn thể thao như bóng chuyền nữ, đua thuyền, kéo co,… của các đoàn VĐV các xã, ngoài ra còn có sự tham gia của các huyện bạn Nam Đàn, Yên Thành, Đô Lương. Tất cả các hoạt động đều được tổ chức ngay tại khu vực Đền để vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, vừa bảo tồn và phát huy vẻ đẹp văn hóa truyền thống của Lễ hội.
Có thể khẳng định cùng với các lễ hội trong tỉnh, Lễ hội Đền ông Hoàng Mười hàng năm đã trở thành lễ hội tâm linh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong lòng nhân dân và du khách thập phương. Với sự ngưỡng mộ của nhân dân đối với quan Hoàng Mười và sự đặc sắc về cảnh quan môi trường, di tích đền ông Hoàng Mười cùng với đền Vua Quang Trung, núi Quyết, Phượng Hoàng Trung Đô đang là điểm đến hấp dẫn trong tour du lịch ven sông Lam của tỉnh Nghệ An.
Để phát huy, lan tỏa hơn nữa giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Đền ông Hoàng Mười, thời gian qua huyện Hưng Nguyên đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Dự án “Bảo tồn, tôn tạo và mở rộng di tích lịch sử văn hóa đền ông Hoàng Mười”. Dự án được quy hoạch với tổng diện tích xây dựng 13,68 ha, bao gồm 4 khu vực: khu tâm linh, khu dịch vụ, khu lễ hội và khu cây xanh cảnh quan.
Hiện nay đang tiến hành thực hiện Dự án giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư trên 115 tỷ đồng, kinh phí chủ yếu là nguồn công đức và xã hội hóa. Các hạng mục giai đoạn 01 của Dự án đã gần hoàn chỉnh là Khu tâm linh và Khu dịch vụ. Các hạng mục công trình khác huyện đang tiếp tục kêu gọi xã hội hóa để triển khai trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, giá trị của di tích cũng được huyện quan tâm đẩy mạnh cùng với hệ thống các di tích khác trên địa bàn như Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Khu di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh, di tích lưu niệm Nguyễn Trường Tộ, đền Vua Lê… nhằm phát huy giá trị cả hệ thống di tích trên địa bàn huyện.
Trong những năm tới, Hưng Nguyên tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch; tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách. Chú trọng phát huy giá trị hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, khai thác du lịch văn hóa tâm linh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá để khách du lịch đến với Hưng Nguyên ngày một nhiều hơn nhằm phát triển ngành du lịch, góp phần nâng cao tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của huyện nhà.