Phát huy giá trị lịch sử – văn hóa Lễ hội Đền Vua Mai

Đền thờ Vua Mai (tên gọi đầy đủ là đền thờ Vua Mai Hắc Đế) có nhiều giá trị lịch sử và văn hóa. Đền do nhân dân lập từ nhiều thế kỷ trước để tưởng nhớ công lao to lớn của Vua Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan), Mai Thiếu Đế (Mai Thúc Huy – con trai của Mai Thúc Loan) và các tướng lĩnh có công đấu tranh giải phóng dân tộc, thoát khỏi ách thống trị của nhà Đường; xây dựng, bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc trong vòng 10 năm (713 – 723). Đền thờ Vua Mai, bao gồm: Khu lăng miếu, đền thờ Vua Mai Hắc Đế, Mai Thiếu Đế ở thung lũng Rậm, núi Hùng Sơn, thuộc khối Hà Long, thị trấn Nam Đàn và Đền thờ Vua Mai Hắc Đế ở trung tâm của vùng Sa Nam xưa, nay thuộc khối Mai Hắc Đế, thị trấn Nam Đàn.

Đền thờ và khu miếu mộ Vua Mai ở khối Hùng Sơn, thị trấn Nam Đàn. Ảnh tư liệu: Huy Thư
Đền thờ và khu miếu mộ Vua Mai ở khối Hùng Sơn, thị trấn Nam Đàn. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Cùng đó, còn có các di tích: Khu lăng mộ thân mẫu Vua Mai (tại núi Dẻ, xã Nam Thái); đền thờ thân mẫu Vua Mai (tại động Cồn Chèn, xã Nam Thái); đền thờ Nậm Sơn – đền Đức Ông, thờ bá quan văn võ trong triều đình Vạn An (tại khối Nam Bắc Sơn, thị trấn Nam Đàn); Miếu thờ Mai Thiếu Đế (trên núi Đụn, thị trấn Nam Đàn); đình Khả Lãm tại xã Nam Thượng cũ, nay là khối Hùng Sơn, thị trấn nam Đàn; di tích Thành Vạn An thuộc thị trấn Nam Đàn. Các di tích tạo thành quần thể di tích Đền thờ Mai Hắc Đế – nơi lưu giữ những chứng tích về những năm tháng rất đỗi hào hùng của Vua Mai Hắc Đế và các tướng sĩ trong cuộc khởi nghĩa Hoan Châu cách đây hơn 13 thế kỷ.

Màn múa rồng đặc sắc tại Lễ hội Đền Vua Mai. Ảnh tư liệu: Huy Thư
Màn múa rồng đặc sắc tại Lễ hội Đền Vua Mai. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Mai Thúc Loan sinh năm Canh Ngọ (670), nguyên quán ở làng Mai Phụ, huyện Thiên Lộc (nay là xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Quá trình mang thai, thân mẫu Mai Thúc Loan dời sang thôn Ngọc Trừng, xã Đông Liệt, huyện Nam Đường (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn) sinh sống. Chứng kiến cảnh Nhân dân lầm than bởi các chính sách đô hộ hà khắc, bóc lột của nhà Đường, với khát vọng giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc, năm Quý Sửu 713, Mai Thúc Loan đã dựng cờ khởi nghĩa để lật đổ bộ máy thống trị do nhà Đường thiết lập ở Hoan Châu; giải phóng toàn bộ Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay) và hạ thành Tống Bình (nay là Thủ đô Hà Nội).

Đất nước sạch bóng ngoại xâm, Mai Thúc Loan lên ngôi vua, xưng là Mai Hắc Đế và tiến hành xây dựng bộ máy chính quyền từ triều đình trung ương đến địa phương, ban hành nhiều chính lệnh quan trọng: Xóa bỏ tô, dung, điệu do nhà Đường áp đặt, cho nhân dân các châu, quận chấm dứt mọi lệ cống nạp; ruộng làng nào, làng đó cày, ai làm người ấy hưởng…

Lễ rước nước trong Lễ hội Đền Vua Mai. Ảnh tư liệu: Huy Thư
Lễ rước nước trong Lễ hội Đền Vua Mai. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu với 10 năm độc lập (713 – 723) có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đó là một mốc son quan trọng trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc sau 1.000 năm Bắc thuộc; bằng chứng lịch sử hùng hồn, khẳng định khát vọng độc lập tự chủ của dân tộc ta trước sự xâm lược, thống trị ngoại bang, có tác dụng cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh to lớn cho các thế hệ người dân xứ Nghệ và toàn thể dân tộc Việt Nam kế thừa, phát huy trong công cuộc đấu tranh bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước hàng nghìn năm qua.

Đền Vua Mai, từ khi xây dựng đến nay, dù đã trải qua hàng nghìn năm với nhiều thăng trầm, qua nhiều đợt trùng tu, sửa chữa, nhưng vị trí của các di tích không thay đổi. Tại các di tích hiện đang lưu giữ 378 hiện vật bằng các chất liệu đá, gỗ, giấy, sứ…; trong đó có 34 cổ vật có giá trị, tiêu biểu là hệ thống sắc phong, tượng, long ngai, bài vị…

Để tưởng nhớ và tri ân công đức Vua Mai Hắc Đế, Mai Thiếu Đế và các tướng lĩnh, hàng năm, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Nam Đàn long trọng tổ chức lễ hội tại di tích đền Vua Mai vào ngày 13 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Hoạt động góp phần phát huy các giá trị lịch sử – văn hóa của di tích đền Vua Mai.

Lễ hội năm nay được tổ chức trong 3 ngày 22 – 24/2/2024 (tức ngày 13 -15 tháng Giêng năm Giáp Thìn) với nhiều hoạt động đặc sắc. Thông qua lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, tăng thêm niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Việc tổ chức lễ hội cũng hoạt động văn hóa, tinh thần; quảng bá, giới thiệu hình ảnh, nét đẹp văn hóa đặc sắc của quê hương Nam Đàn với du khách trong và ngoài tỉnh …

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo tỉnh, huyện Nam Đàn trao đổi với Ban quản lý di tích đền Vua Mai. Ảnh: Mai Hoa
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo tỉnh, huyện Nam Đàn trao đổi với Ban quản lý di tích đền Vua Mai. Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đạo huyện Nam Đàn kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội tại di tích Đền Vua Mai. Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đạo huyện Nam Đàn kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội tại di tích Đền Vua Mai. Ảnh: Mai Hoa

Với mục đích và ý nghĩa đó, đồng chí Vương Hồng Thái – Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, cho biết: Lễ hội đền Vua Mai năm 2024 tiếp tục duy trì các hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống tại cả 4 di tích (Mộ và đền thờ Mai Hắc Đế, đền Đức Ông, đình Khả Lãm, Lăng và đền thờ thân mẫu Vua Mai, từ ngày 22 đến ngày 24/2/2024 (tức ngày 13 đến ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Bao gồm: lễ rước nước; lễ khai quang; lễ yết cáo; lễ rước và lễ đại tế; lễ khai hội và dâng hương tưởng niệm hoàng đế Mai Thúc Loan; lễ thả đèn hoa đăng và lễ tạ.

Trong phần hội, có nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống Nam Đàn. Như tổ chức hội trại thanh niên; giải vật cổ truyền; giải bóng chuyền nam mở rộng; tổ chức các trò chơi dân gian, cờ thẻ, chọi gà, đu quay…

Nét mới năm nay, huyện Nam Đàn tổ chức đêm giao lưu văn nghệ gồm các đội văn nghệ quần chúng đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Qua đó khơi dậy, phát huy phong trào văn hóa, văn nghệ trong nhân dân. Lễ hội năm nay, huyện Nam Đàn còn tổ chức cuộc thi online tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp Vua Mai và cuộc khởi nghĩa Hoan Châu. Đây là hoạt động góp phần bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử và giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các tầng lớp nhân dân. Huyện Nam Đàn cũng tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản của địa phương, tạo điều kiện cho du khách mua sắm, thưởng thức các sản vật quê hương Nam Đàn.

Sới vật truyền thống tại Lễ hội Đền Vua Mai luôn thu hút đông đảo người dân đến xem. Trong ảnh: Thi đấu vật tại Lễ hội Đền Vua Mai năm 2023. Ảnh tư liệu: Lê Khánh Thành
Sới vật truyền thống tại Lễ hội Đền Vua Mai luôn thu hút đông đảo người dân đến xem. Trong ảnh: Thi đấu vật tại Lễ hội Đền Vua Mai năm 2023. Ảnh tư liệu: Lê Khánh Thành

Từ sự chuẩn bị chu đáo, huyện Nam Đàn kỳ vọng nhân dân và du khách thập phương về với Lễ hội đền Vua Mai năm 2024 sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa sôi nổi, đậm bản sắc dân tộc, vừa mang nét đặc sắc riêng quê hương Nam Đàn. Cùng đó, trải nghiệm, tham gia các hoạt động tưởng nhớ công đức Vua Mai, các tướng lĩnh và cầu mong mọi sự tốt lành đến với gia đình, mọi người. Trong những năm tới, huyện Nam Đàn tiếp tục trăn trở thu hút các nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp di tích gắn với tổ chức Lễ hội đền Vua Mai hàng năm với nhiều nét đặc sắc hơn, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh – văn hóa trên địa bàn huyện.

Di tích đền Vua Mai được toạ lạc ở vị trí núi - sông hữu tình. Ảnh: Mai Hoa
Di tích đền Vua Mai được toạ lạc ở vị trí núi - sông hữu tình. Ảnh: Mai Hoa