Nghĩa Đàn được biết đến là “nôi” phát triển của các nông, lâm trường có quy mô sản xuất tập trung, với những sản phẩm đặc trưng như: Cam, cao su, cà phê… Ngày nay, bà con nơi đây tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật tiếp tục mở hướng làm ăn mới. Nhiều thành quả đạt được của huyện Nghĩa Đàn trên vùng đất Phủ Quỳ đến hôm nay có sự hội tụ của các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Trong đó, những nét văn hóa đặc trưng trở thành nền tảng quan trọng.
Về Nghĩa Phú hôm nay, các tuyến dân cư vốn là tổ, đội nông trường cũ nay được chỉnh trang, rải nhựa, bê tông từ đường huyện, xã đến từng vườn sản xuất của các hộ dân. Là địa bàn có đất nông trường 580ha, ngoài việc tham gia vào chuỗi sản xuất của nông trường, Nghĩa Phú còn xây dựng được các mô hình cây, con riêng như: Trồng ổi, trồng mía, dưa lưới, chăn nuôi bò sữa,…
Nghĩa Phú là một trong những xã tiên phong trong phối hợp với Tập đoàn TH trồng mía với diện tích hơn 560ha, mang lại thu nhập ổn định cho bà con. Đồng chí Hồ Hữu Hoài – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú cho biết: “Thông qua các đề án và kế hoạch, Nghĩa Phú huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm, nâng thu nhập cho nhân dân, Cùng đó, nâng cấp cơ sở vật chất, phục vụ cho sản xuất, đảm bảo các điều kiện để người dân an cư lạc nghiệp. Đặc biệt, cùng với việc giao lưu, phát huy những nét đẹp văn hóa bản địa, kết hợp với các vùng miền, người dân địa phương tích cực trao đổi kinh nghiệm trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa giống mới có năng suất, chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác đất nông nghiệp từ công dân là công nhân, con em công nhân nông trường chuyển về sinh sống ở địa phương. Qua đó tăng cường cố kết cộng đồng, góp phần cùng chính quyền địa phương ổn định an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao”.
Huyện Nghĩa Đàn có 3 dân tộc chính sinh sống, gồm: Kinh, Thái, Thổ. Con người Nghĩa Đàn từ lâu đã hội tụ những đặc trưng văn hóa. Trong đó, dân tộc Thổ, một trong những dân tộc sinh sống lâu đời trên địa bàn huyện chiếm 20% dân số toàn huyện, có những làn điệu dân ca, cồng chiêng đặc sắc. Đặc biệt, trước đây, Nghĩa Đàn từng đón rất nhiều người ở các miền quê khác nhau đến định cư, làm ăn, sinh sống.
Đồng chí Lê Ngọc Linh – Phó phòng Văn hóa Thông tin huyện Nghĩa Đàn chia sẻ: Cùng với văn hóa riêng có của người bản địa, huyện Nghĩa Đàn hội tụ văn hóa của người miền xuôi lên. Những nét văn hóa đó tạo điều kiện cho mỗi người Nghĩa Đàn qua mỗi thời kỳ xây dựng tinh thần đoàn kết vững chắc, hỗ trợ lẫn nhau phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Điều tổng hòa dễ nhận thấy nhất của “người Nghĩa Đàn” là năng động, sáng tạo, cởi mở và thân thiện. Đặc biệt, tinh thần cố kết trong cộng đồng rất cao. Những giá trị văn hóa và phẩm chất đó của “người Nghĩa Đàn” đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Nghĩa Đàn.
Cụ Lê Hữu Chi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca xóm Lác, xã Nghĩa Lạc cho biết thêm: Nghĩa Đàn nói chung và Nghĩa Lạc nói riêng còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc mang đậm truyền thống của dân tộc Việt như: Lễ hội cồng chiêng, Lễ hội vật, lễ cúng cơm mới, cầu lộc năm mới, lễ xuống đồng gắn với các trò chơi dân gian như: Khắc luống, nhảy sạp, múa xòe, san khan, ném còn… Bà con ở Nghĩa Đàn luôn có ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bản thân tôi cũng là một nghệ nhân thổi kèn, đánh trống, cồng chiêng, tôi luôn cố gắng trao truyền cho các thế hệ trẻ…
Đặc biệt người Thổ đã tiếp biến tinh hoa văn hóa mới vào cuộc sống, những nét văn hóa được xem là hủ tục rườm rà của người Thổ trong việc tang cũng được loại bỏ, điển hình như tục lệ nằm đường trong việc tang gia. Đồng thời khắc phục những hạn chế bất cập phát huy sức mạnh trong đời sống cộng đồng.
Để bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hiện trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn có 40 câu lạc bộ cồng, chiêng cấp xã và 6 câu lạc bộ cồng chiêng cấp huyện. Các câu lạc bộ có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, dân tộc, biểu diễn các tác phẩm dân ca dân tộc Thổ, Thái nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc; đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho nhân dân, đẩy mạnh phong trào hát dân ca, diễn xướng cồng chiêng trong các tầng lớp nhân dân, chung tay xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội gắn với du lịch.
Trên bước đường xây dựng nông thôn mới, huyện Nghĩa Đàn tiếp tục phát triển nông nghiệp với những ứng dụng công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu, được thị trường tin dùng. Đến nay, Nghĩa Đàn có 13 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó 12 sản phẩm 3 sao, 1 sản phẩm 4 sao. Cùng các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng và cởi mở, Nghĩa Đàn đã trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn như: Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung và chế biến sữa quy mô công nghiệp của Tập đoàn TH, dự án chế biến gỗ MDF, gạch Tuynel, bột đá siêu mịn, rau, củ, quả sạch…
Những đóng góp tích cực của các dự án mới góp phần đưa kinh tế – xã hội huyện Nghĩa Đàn có sự tăng tốc, phát triển bền vững. Điển hình, năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế – xã hội đạt 14,81%; giá trị gia tăng bình quân đầu người đạt 71,9 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 2,08%. Đến nay, cơ sở hạ tầng của Nghĩa Đàn được kết nối, công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu vững bền, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân các vùng miền.
Nhiều năm liên tục, huyện Nghĩa Đàn đạt danh hiệu đơn vị xuất sắc về giáo dục với các kết quả nổi bật và văn nghệ, thể thao trở thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; an sinh xã hội được chăm lo, đảm bảo… Với những nỗ lực và thành tích đạt được trong thời gian qua, cán bộ và nhân dân huyện Nghĩa Đàn đã hai lần vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Đảng bộ huyện 10 năm liền đạt danh hiệu vững mạnh.
Theo đồng chí Phan Tiến Hải – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghĩa Đàn, những thành quả đó là nỗ lực của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Nghĩa Đàn vun đắp qua các thời kỳ. Quá trình đó, yếu tố văn hóa con người Nghĩa Đàn là nền tảng quan trọng, nổi bật nhất là việc phát huy giá trị tốt đẹp truyền thống gắn với tiếp thu những tinh hoa văn hóa tiến bộ của cả dân tộc. Tinh thần cố kết cộng đồng, xây đắp các cộng đồng cư dân ở Nghĩa Đàn bền chặt, tạo nên nền tảng và sinh khí nhân văn vững bền cho công cuộc phát triển.
“Nét độc đáo của mỗi tộc người, mỗi vùng miền như những dòng suối mát lành hòa vào dòng chảy văn hóa, tạo nên cốt cách riêng của con người Nghĩa Đàn. Việc khơi thông những mạch nguồn bản sắc trong quá trình giao lưu, tiếp biến, giao thoa văn hóa các dân tộc cùng chung sống trên vùng đất Nghĩa Đàn là điều vô cùng ý nghĩa và cần thiết. Vì vậy, sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn đã ban hành Nghị quyết về phát huy truyền thống văn hóa, con người Nghĩa Đàn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Từ đó, tiếp tục bồi dưỡng, xây đắp con người Nghĩa Đàn có nhân cách, lối sống đẹp. Đồng thời, khơi dậy khát vọng vươn lên trong mỗi người dân để góp sức xây dựng huyện Nghĩa Đàn trở thành trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới vào năm 2025” – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghĩa Đàn chia sẻ.