Trong chiều dài lịch sử của dân tộc, nhân dân ta đã trải qua nhiều cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, trong đó có cuộc Khởi nghĩa Hoan Châu (713 – 722) chống ách đô hộ phong kiến phương Bắc đầu thế kỷ VIII, lập nên Nhà nước Vạn An độc lập ở thế kỷ VIII được gắn liền với tên tuổi người Anh hùng áo vải Mai Thúc Loan.
Mai Thúc Loan sinh năm Canh Ngọ (670), nguyên quán ở làng Mai Phụ, huyện Thiên Lộc (nay là xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Sau khi mang thai, thân mẫu Mai Thúc Loan dời sang thôn Ngọc Trừng, xã Đông Liệt, huyện Nam Đường (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn) sinh sống. Chứng kiến cảnh nhân dân lầm than bởi các chính sách đô hộ hà khắc, bóc lột của nhà Đường, với khát vọng giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc, năm Quý Sửu 713, Mai Thúc Loan đã dựng cờ khởi nghĩa. Ông phát hịch kể tội giặc Đường và kêu gọi người dân đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm. Chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự hưởng ứng tích cực của dân chúng quanh vùng, lực lượng quân khởi nghĩa đã tăng nhanh, “trong một tuần, xa gần hưởng ứng, có quân hơn mười vạn”. Không chỉ chiêu mộ binh sĩ trong vùng Hoan Châu, ông còn chiêu tập quân 32 châu, liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Xảo Oa, Ja Va để đánh giặc.
Sau khi lật đổ bộ máy thống trị do nhà Đường thiết lập ở Hoan Châu, Mai Thúc Loan dẫn đại quân giải phóng toàn bộ Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay), rồi thẳng tiến ra đồng bằng Bắc Bộ, bao vây, tiến công, hạ thành Tống Bình (nay là Thủ đô Hà Nội). Đất nước sạch bóng ngoại xâm, Mai Thúc Loan lên ngôi Vua, xưng là Mai Hắc Đế và tiến hành xây dựng bộ máy chính quyền từ triều đình Trung ương đến địa phương, ban hành nhiều chính lệnh quan trọng: Xóa bỏ sưu cao, thuế nặng do nhà Đường áp đặt cho nhân dân các châu, quận; chấm dứt mọi lễ cống nạp, ruộng làng nào, làng đó cày, ai làm người ấy hưởng. Nhân dân các châu, quận trong cả nước phấn khởi, hưởng ứng chính lệnh Vua ban.
Cuộc Khởi nghĩa Hoan Châu với 10 năm độc lập (713 – 722) có ý nghĩa vô cùng to lớn; là một mốc son quan trọng trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc sau 1.000 năm Bắc thuộc; bằng chứng lịch sử hùng hồn, khẳng định khát vọng độc lập tự chủ của dân tộc ta trước sự xâm lược, thống trị ngoại bang, có tác dụng cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh to lớn cho các thế hệ người dân xứ Nghệ và toàn thể dân tộc Việt Nam kế thừa và phát huy trong công cuộc đấu tranh bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước hàng nghìn năm qua.
Cuộc đời, sự nghiệp của Mai Hắc Đế khởi nguồn và gắn bó chặt chẽ với mảnh đất Nam Đàn “trùng lai danh thắng địa, cổ lai đa hào kiệt”. Để ghi nhớ và tri ân công lao to lớn của Mai Hắc Đế, Mai Thiếu Đế ((Mai Thúc Huy – con trai của Mai Hắc Đế) và các tướng sĩ, nhân dân vùng Hoan Châu đã dựng đền thờ tại khu lăng mộ Mai Hắc Đế ở thung lũng Rậm, núi Hùng Sơn, nay thuộc khối Hà Long, thị trấn Nam Đàn và đền thờ Mai Hắc Đế ở trung tâm của vùng Sa Nam xưa, nay thuộc khối Mai Hắc Đế, thị trấn Nam Đàn.
Ngoài khu lăng mộ và đền thờ Vua Mai Hắc Đế còn có các di tích: Khu lăng mộ thân mẫu Vua Mai (tại núi Dẻ, xã Nam Thái); đền thờ thân mẫu Vua Mai (tại động Cồn Chèn, xã Nam Thái); đền thờ Nậm Sơn – đền Đức Ông, thờ bá quan văn võ trong triều đình Vạn An (tại khối Nam Bắc Sơn, thị trấn Nam Đàn); Miếu thờ Mai Thiếu Đế (trên núi Đụn, thị trấn Nam Đàn); đình Khả Lãm (tại xã Nam Thượng cũ nay là khối Hùng Sơn, thị trấn Nam Đàn); Di tích Thành Vạn An thuộc thị trấn Nam Đàn. Các di tích tạo thành quần thể Di tích Đền thờ Vua Mai Hắc Đế – nơi lưu giữ những chứng tích về những năm tháng rất đỗi hào hùng mà thấm đẫm máu xương của Vua Mai Hắc Đế cùng các tướng sĩ trong cuộc Khởi nghĩa Hoan Châu cách đây hơn 13 thế kỷ.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn khẳng định: Đền thờ Vua Mai Hắc Đế là công trình văn hóa tâm linh lâu đời của nhân dân địa phương, nơi tôn vinh và tri ân vị Hoàng đế, người anh hùng kiệt xuất có công giải phóng dân tộc, đưa vị thế của đất nước lên ngang hàng với phương Bắc cùng những người có công với dân, với nước. Dù đã trải qua hàng nghìn năm với nhiều thăng trầm, qua nhiều đợt trùng tu, sửa chữa, đến nay, vị trí của các Di tích Đền thờ Vua Mai và thân mẫu Vua Mai, bá quan văn võ trong triều đình Vạn An không thay đổi. Đặc biệt, tại các di tích hiện đang lưu giữ 378 hiện vật bằng các chất liệu đá, gỗ, giấy, sứ…; trong đó có 34 cổ vật có giá trị, tiêu biểu là hệ thống sắc phong, tượng, long ngai, bài vị… Điều này minh chứng, các thế hệ người con trên quê hương Nam Đàn giàu truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, tôn trọng các giá trị văn hóa, lịch sử và trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn, đáp nghĩa”; góp phần làm sáng tỏ lịch sử của vùng đất, của dân tộc và địa phương trong nhiều thế kỷ.
Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1649/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích Đền thờ Vua Mai Hắc Đế là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là bằng chứng khẳng định những giá trị to lớn của di tích, không chỉ về lịch sử, văn hóa mà còn có tầm ảnh hưởng về chính trị sâu sắc. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Đàn khi trên địa bàn có thêm một di tích quốc gia đặc biệt cùng với ba di tích quốc gia đặc biệt: Khu Di tích Kim Liên, đình Hoành Sơn, Di tích lưu niệm Phan Bội Châu – huyện duy nhất trong cả nước có 4 di tích quốc gia đặc biệt.
Việc công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc Đế, theo chia sẻ của Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn: Bên cạnh niềm vinh dự, tự hào, Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Đàn cũng nhận thức rõ trách nhiệm cần phải bảo tồn, phát huy giá trị di tích với nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới. Theo đó, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền về tầm vóc của cuộc Khởi nghĩa Hoan Châu, về công lao to lớn của Vua Mai và các tướng sĩ cũng như về di tích đến các tầng lớp nhân dân; huy động các nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang di tích xứng đáng di tích quốc gia đặc biệt, trở thành điểm thu hút nhân dân và du khách trong cả nước đến chiêm bái, thưởng ngoạn; tổ chức kết nối 4 di tích quốc gia đặc biệt thành tour du lịch, gắn khai thác hệ thống các di tích và các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc về lễ hội, phong tục, tập quán, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể dân ca ví, giặm với điệu hát ví phường vải, ví đò đưa Sông Lam…; góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của huyện theo Quyết định số 17 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch.
Theo tài liệu tiếng Pháp, nguyên xưa, tại đền thờ Vua Mai Hắc Đế diễn ra nhiều kỳ lễ như ngày giỗ Vua Mai Hắc Đế (17/9 âm lịch), khai Xuân (Rằm tháng Giêng), Thanh minh (trong tháng 3 âm lịch), Tết đoan dương (5/5 âm lịch), Tết Trung nguyên (Rằm tháng Bảy), lễ Thường tân (trong tháng 10, bắt đầu mùa gặt), lễ Lạp nghi (25/12 âm lịch). Ngoài ra, vào những lúc hạn hán hoặc các kỳ thi 3 năm một khóa, đậu đạt hoặc thăng chức quan đều được lễ ở đền để trình lên Vua Mai và các tướng sĩ với tấm lòng thành kính, biết ơn. Thời gian sau đó và hiện nay, tại đền vẫn duy trì các kỳ lễ nêu trên, nhưng kỳ lễ được tổ chức quy mô nhất là Lễ hội Đền Vua Mai, diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Về Lễ hội Đền Vua Mai Hắc Đế năm 2023, theo chia sẻ của đồng chí Vương Hồng Thái – Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh với nhiều nội dung đặc sắc, trong đó điểm nhấn trọng tâm là lễ kỷ niệm 1.310 năm Khởi nghĩa Hoan Châu và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc Đế. Các hoạt động văn hóa tín ngưỡng truyền thống tại lễ hội tiếp tục được duy trì tại 4 di tích (mộ và đền thờ Vua Mai Hắc Đế, đền Nậm Sơn (đền Đức Ông), đình Khả Lãm, lăng và đền thờ thân mẫu Vua Mai) từ ngày 2 đến ngày 5/2/2023 (tức ngày 12 đến ngày 15 tháng Giêng năm Quý Mão). Gồm, lễ rước nước, lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ đại tế, lễ khai hội và dâng hương tưởng niệm Vua Mai (được gắn với lễ kỷ niệm 1.310 năm Khởi nghĩa Hoan Châu và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc Đế), lễ thả đèn hoa đăng và lễ tạ.
Cùng với phần lễ, thì phần hội năm nay được Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết, tổ chức quy mô và bài bản hơn, sau 2 năm do đại dịch Covid-19 ngừng tổ chức, nhằm tạo môi trường, không gian văn hóa để nhân dân địa phương và du khách thập phương về quê Bác cùng tham gia, góp phần tạo không khí phấn khởi, vui tươi, động lực phấn đấu cho năm Quý Mão 2023 với nhiều thành công, kết quả mới. Bao gồm hội trại thanh niên; giải vật truyền thống; giải bóng chuyền nam mở rộng; tổ chức các trò chơi dân gian như cờ người, cờ thẻ, kéo co, chọi gà, đu quay…; tổ chức tuần lễ ẩm thực, các gian hàng giới thiệu, quảng bá và cung ứng các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện Nam Đàn.