Một mốc son đáng nhớ đối với Đảng bộ, quân và nhân dân huyện Tân Kỳ đó là ngày 19 tháng 4 năm 1963, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ký Quyết định số 52-CP chia 3 huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu thành 7 huyện: Anh Sơn, Đô Lương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong. Từ đây, huyện Tân Kỳ chính thức trở thành một đơn vị hành chính trên bản đồ Việt Nam.
Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, huyện Tân Kỳ được bao bọc bởi dãy núi Pù Loi, Pù À và dãy Bồ Bồ hùng vĩ, lại có Lèn Rỏi, Lèn Voi, sông Con, vực Rồng và hệ thống hang động Thung Khiển tạo nên một vị thế phòng thủ kín đáo, vững chắc. Với vị trí địa lý ấy, Tân Kỳ đã trở thành địa bàn chiến lược quan trọng – là vùng đất đã 3 lần được chọn làm hậu cứ trong những thời điểm khó khăn nhất của các thời kỳ lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc.
Trong chiến tranh chống Mỹ ác liệt, Đảng bộ, nhân dân Tân Kỳ đã hoàn thành sứ mệnh vừa chiến đấu vừa chi viện đến mức cao nhất sức người, sức của cho các chiến trường. Khẩu hiệu: “Hậu phương thi đua với Tiền phương “; “Vững tay cày chắc tay súng”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”… đã thôi thúc cán bộ, đảng viên và nhân dân Tân Kỳ vượt qua mưa bom bão đạn để bảo vệ Tổ quốc và mở đường giải phóng miền Nam. Hàng vạn người con Tân Kỳ hăng hái lên đường nhập ngũ, 1.286 người con của quê hương Tân Kỳ đã hy sinh anh dũng và trên 1400 người đã gửi lại một phần xương máu của mình trên chiến trường ác liệt. Chiến tích oai hùng của dân tộc với công cuộc mở đường Hồ Chí Minh vĩ đại mà không phải ngẫu nhiên Cột mốc số 0 được đặt ở Tân Kỳ. Vinh dự, tự hào là nơi khởi đầu cho tuyến đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại, quân và dân Tân Kỳ ý thức được sứ mệnh vẻ vang, ra sức thi đua chiến đấu và sản xuất, bảo vệ nuôi giấu cán bộ, là địa bàn chiến lược phục vụ các chiến dịch của nhiều sư đoàn chủ lực như 316, 324, 304 và 312 trước khi lên đường chiến đấu. Lực lượng phòng không của quân và dân Tân Kỳ đã bắn rơi 2 máy bay Mỹ bằng súng trường và 12 ly 7.
Cũng chính trong những năm tháng chiến tranh gian khổ ấy, mảnh đất Tân Kỳ đã ôm ấp, chở che các trường sư phạm mẫu giáo, sư phạm cấp I, cấp II, đào tạo những nhà giáo tương lai cho quê hương miền núi. Quê hương Tân Kỳ đã giang rộng vòng tay đón nhận gần 3 vạn đồng bào các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị ra sơ tán và trên 1 vạn nhân dân từ các huyện đồng bằng lên xây dựng kinh tế mới. Cuộc sơ tán lịch sử có một không hai ấy là một cuộc hội ngộ diệu kỳ “ấm tình đồng chí, nặng nghĩa đồng bào”, để 2 miền quê chung hưởng ngọt bùi, san sẻ thương đau” xây đắp nên mối tình đặc biệt, chan chứa tình người mà hôm nay trở về đây, thấm đẫm trong lòng ân nghĩa “Quê của muôn quê”. Miền quê Tân Kỳ với non nước hữu tình, từng in trong trái tim bao người những tình cảm yêu thương, đùm bọc, sẻ chia một thời gian khó, nay vẫn trong một mạch nguồn quê ấm áp bao dung và ân nghĩa, mọi người cùng tìm về đây, cùng nhau ôn lại những trang sử hào hùng.
Đất nước thống nhất, với ý chí kiên cường, với những nỗ lực bền bỉ trong lao động, sản xuất, Đảng bộ và nhân dân Tân Kỳ đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết toàn dân, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương. Nhân dân Tân Kỳ cần cù “một nắng hai sương”, không ngại khó ngại khổ, đi đầu chung sức trong những phong trào trồng cây lâm nghiệp, công nghiệp, mở đường, xây dựng nông thôn mới, xây dựng những công trình mới.
Những năm gần đây, Tân Kỳ đã có những bước đột phá, tiến bộ trên nhiều mặt. Đảng bộ liên tục đạt trong sạch vững mạnh, quốc phòng an ninh được giữ vững. Đổi mới phương thức lãnh đạo Đảng, khai thác tiềm năng lợi thế, xây dựng rèn luyện đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, kết quả lãnh đạo chỉ đạo ngày càng thực chất, thể hiện trên các mặt kinh tế – xã hội. Cán bộ kỷ cương, gương mẫu, giao việc đúng người đúng việc, qua đó rõ hiệu quả công tác, bên cạnh đó công tác kiểm tra giám sát được đề cao. Công tác dân vận chính quyền đạt nhiều thành tích. Không còn chi bộ “trắng”, lương giáo đoàn kết một lòng xây dựng nông thôn mới.
Sản xuất nông nghiệp có nhiều điểm sáng với nhiều mô hình: Chuối xuất khẩu, nấm rơm, cam Sông Con, trứng gà OCOP, mật mía Tân Hương; rượu cần Tiên Đồng; mật mía Phú Sơn; nấm sò trắng An Hà, là địa phương có nhiều mô hình cánh đồng mía thâm canh trên 100 tấn/ha, sản xuất lúa bằng phương pháp cải tiến (SRI) tại nhiều xã trên địa bàn, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Toàn huyện đã có 20 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP.
Công tác xóa đói giảm nghèo đạt nhiều kết quả. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2022 đạt 44,2 triệu đồng, tăng 25,1 triệu đồng so với năm 2015. Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đạt được nhiều kết quả. Dự kiến đến hết năm 2023, toàn huyện có 17/21 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Tân Kỳ cũng là địa phương khai thác tốt nguồn vật liệu xây dựng trên địa bàn với 4 nhà máy gạch đang hoạt động, hai nhà máy đang xây dựng, các sản phẩm gạch ngói và vật liệu xây dựng khác. Từ chỗ cơ sở hạ tầng yếu kém, hệ thống giao thông ở vào thế ngõ cụt thì nay Tân Kỳ đã có mạng lưới giao thông khá hoàn chỉnh đến tận trung tâm các xã, trong đó có 292 km đường Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện cơ bản được nhựa hóa. Đường Hồ Chí Minh chạy qua địa bàn đã tạo thuận lợi cho Tân Kỳ thông thương với bè bạn trong cả nước. Tân Kỳ đang là địa bàn hấp dẫn về đầu tư, là điểm đến của các nhà đầu tư.
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa, làng bản văn hóa, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa ở Tân Kỳ cũng đạt nhiều thành quả đáng tự hào, du lịch sinh thái đang được phục hồi và phát triển. Ngành Giáo dục Tân Kỳ đã có bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, với tỷ lệ 86.3% trường học đạt chuẩn quốc gia, trở thành điểm sáng của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, 8 năm liên tục đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc cấp tỉnh. Ngành Y tế Tân Kỳ cũng có nhiều cống hiến quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Lực lượng vũ trang anh hùng trong chiến đấu, kiên cường kỷ luật trong thời bình, luôn góp phần giữ gìn bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Ghi nhận những hy sinh và đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Kỳ trong 60 năm qua, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện và 7 xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Có 49 bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang Đặng Văn Đài và Anh hùng Lao động Lương Văn Hậu. Đặc biệt, trong buổi lễ kỷ niệm 60 năm thành lập huyện, Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Kỳ vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Hòa chung vào những thành tựu lớn mạnh của đất nước, quê hương, tự hào là những người con của quê hương Tân Kỳ, trong những năm tới, Đảng bộ, quân và dân Tân Kỳ quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 11%/năm. Tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, điểm sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư; đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất vật liệu xây dựng.
Xây dựng Tân Kỳ thành điểm sáng về cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tiếp tục nuôi dưỡng mạch nguồn và truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa vùng miền của quê chung. Xem đó là cội nguồn tạo nên sức mạnh, để quy tụ, truyền cảm hứng cho mỗi người dân Tân Kỳ có ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Tân Kỳ sẽ khai thác tốt những tiềm năng vận hội, nhất là tiềm năng về con người để có những bước đột phá mới trên con đường phát triển.