Phát triển nông nghiệp Nghệ An theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao

Nguyễn Hải 09/08/2022 14:48

(Baonghean.vn) - Với xuất phát điểm là tỉnh nông nghiệp và lợi thế trên 3/4 diện tích tự nhiên là đất lâm nghiệp nên từ năm 2013, khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW, Nghệ An đã được định hướng phải thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao. Sau gần 10 năm thực hiện mục tiêu trên, nông nghiệp và nông thôn Nghệ An đã có nhiều đổi thay…

Trụ đỡ của nền kinh tế

10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 cũng là quãng thời gian mà Nghệ An nỗ lực chuyển mình để trở thành tỉnh công nghiệp. Tuy nhiên, nền nông nghiệp với lợi thế đã tiếp tục chứng minh là trụ đỡ của nền kinh tế tỉnh khi đạt tốc độ tăng trưởng cao và góp phần quan trọng vào đảm bảo an sinh xã hội.

Giai đoạn 2013-2021, tổng sản phẩm của ngành nông nghiệp tăng 19.781 tỷ đồng, từ 18.430 tỷ đồng lên 38.212 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4,43%, trong đó riêng năm 2021 là 5,59%, cao nhất vùng Bắc Trung Bộ. Giá trị sản xuất nông nghiệp là 29.638,13 tỷ đồng, tăng 3,9% so với năm 2013. Không chỉ giữ vững chỉ số tăng trưởng mà cơ cấu nông nghiệp theo ngành đã có chuyển biến tích cực hơn. Năm 2014, tỷ trọng nông nghiệp thuần chiếm 80% cơ cấu ngành thì đến năm 2021 đã giảm xuống 77%; tỷ trọng ngành lâm nghiệp giảm từ 6,55% năm 2014 xuống còn 6,17% và tỷ trọng ngư nghiệp tăng từ 13,7% lên 16,31%.

Trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, mặc dù xuất phát điểm với vô vàn khó khăn khi có trên 100 xã và gần 400 thôn bản thuộc vùng sâu, vùng xa thuộc chương trình 30a hoặc địa bàn đặc biệt khó khăn nhưng sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 và chương trình xây dựng Nông thôn mới, Nghệ An đã đạt được kết quả tích cực.

Thôn, bản vùng cao Nghệ An đổi mới nhờ được Nhà nước đầu tư theo Chương trình giảm nghèo bền vững và tỉnh đầu tư theo Chương trình Xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Văn Hằng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: Đến ngày 30/6/2022, toàn tỉnh đã có 299/411 xã đạt chuẩn, đạt 72,74%, có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 5,02%; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,81% và hộ cận nghèo là 6,61%.

Tương tự, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và theo hướng sinh thái bước đầu đã có những kết quả tích cực. Đến thời điểm này, Nghệ An đã thu hút được một số dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào địa bàn.

Điển hình là dự án Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Nghi Lâm (Nghi Lộc); dự án chăn nuôi bò sữa theo quy mô công nghiệp của Công ty Cổ phần sữa TH và Vinamilk; các dự án sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao tại các huyện Nghĩa Đàn, Yên Thành; các dự án cam, cây dược liệu ở các huyện Kỳ Sơn, Quỳ Hợp…

Tập đoàn TH tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh tư liệu

Trên cơ sở chính sách hỗ trợ nông nghiệp và Đề án hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, từ năm 2018, Nghệ An đã hỗ trợ phát triển được 26.555 ha đất canh tác, chiếm 8,7% diện tích sản xuất nông nghiệp, trong đó đất trồng trọt là 26.104 ha và diện tích nuôi trồng thủy sản là 450 ha.

Khó khăn và thách thức còn ở phía trước

Đầu tư hạ tầng đường ống đưa nước biển vào vùng nuôi tôm tập trung theo hướng VietGAP tại xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Phan Nguyên Hùng - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: Dù đạt được những thành công và đóng góp lớn đối với nền kinh tế, nhất là 2 năm đại dịch Covid-19 nhưng đối chiếu với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới hội nhập, nông nghiệp Nghệ An đang đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là yêu cầu đưa nền nông nghiệp đi lên sản xuất lớn, toàn diện và theo hướng sinh thái, tăng trưởng xanh…

Chúng ta đều biết, phần lớn quỹ đất đã được giao cho các hộ theo khoán 10. Nếu như trước đây, giao khoán đất cho các hộ là động lực để khơi dậy năng lực sản xuất của các hộ cá thể thì nay cơ chế này đã bộc lộ những hạn chế bất cập và là thách thức rào cản cho sản xuất lớn. Các hộ hiện nay phổ biến được chia từ 3-4 sào đất ở nhiều xứ đồng nên nay muốn ứng dụng cơ giới và công nghệ cao vào sản xuất rất khó khăn, tốn kém.

Mô hình trồng cà chua cherry trong nhà màng của nông dân xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu). Ảnh tư liệu: Thanh Phúc

Do chăn nuôi quy mô hộ không phát triển nên sau khi làm lúa vụ xuân đủ ăn, người dân không mặn mà với sản xuất hè thu và cây vụ đông. Với lý do thời tiết không thuận lợi và sản xuất không có lãi, người dân sẵn sàng bỏ hoang đất suốt 2/3 thời gian trong năm. Nghịch lý là mặc dù nông dân bỏ hoang đất nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác muốn thuê lại đất để đầu tư sản xuất rất khó. Nguyên nhân là do Nhà nước chưa có cơ chế nông dân tin tưởng giao lại đất cho doanh nghiệp thuê và nông dân với tâm lý coi đất đai là tài sản cuối cùng của mình nên muốn níu giữ…

Anh Lê Ngọc Quang - người có mô hình nông nghiệp nhà lưới ở xã Hùng Tiến (Nam Đàn) chia sẻ: Bắt đầu làm nhà lưới từ năm 2018, sau 4 năm làm 4 nhà lưới, nhà màng diện tích 2.000 m2; nay muốn mở rộng thêm 1.000 m2 nữa mà vô cùng khó. Thuê đất làm nhà lưới, nhà màng kiên cố nên tối thiểu phải 10 năm trở lên nhưng nông dân chỉ muốn cho thuê dưới 5 năm.

Mô hình trồng dưa lưới của anh Lê Cảnh Hiếu ở xã Nam Anh (Nam Đàn). Ảnh: Nguyễn Hải

Về vấn đề này, ông Phan Nguyên Hùng đánh giá: Với hạ tầng nông nghiệp và tâm lý, thói quen của nông dân hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lớn, tăng trưởng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh theo Nghị quyết số 26-NQ về Nghệ An và mới đây là Nghị quyết số 19 của Hội nghị BCH Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông thôn và nông dân rõ ràng còn nhiều thách thức.

Ngoài mục tiêu trên, theo các chuyên gia nông nghiệp, thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 19 (khóa XIII) về phát triển nông nghiệp xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, trước mắt sẽ là thách thức nhưng lâu dài thì đây là cơ hội cho kinh tế Nghệ An. Với lợi thế trên 1,08 triệu ha rừng, trong đó, cùng với 788.991 ngàn ha rừng tự nhiên và khoảng gần 220.000 ha rừng trồng, sản lượng khai thác mỗi năm khoảng 1,5 triệu m3 gỗ. Hiện tại, mặc dù đóng góp của kinh tế rừng đối với nền kinh tế Nghệ An còn khiêm tốn nhưng lâu dài sẽ là lợi thế lớn khi hoàn thành cấp chứng chỉ rừng để khai thác bền vững và tiến tới xuất khẩu chứng chỉ phát thải carbon.

Lãnh đạo tỉnh chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về cấp chứng chỉ rừng bền vững tại dự án đầu tư sản xuất viên nén sinh khối KCN VSIP Nghệ An 1. Ảnh tư liệu: Quang An

Theo bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh: Tiềm năng về kinh tế rừng đã khá rõ và vấn đề là tỉnh phải có quy hoạch, kế hoạch để phát triển kinh tế rừng bền vững và theo hướng kinh tế xanh. Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện tại, mặc dù nguồn lực hỗ trợ chưa nhiều nhưng cần tiếp tục tư duy, nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn để khuyến khích bà con nông dân.

Mới nhất

x
Phát triển nông nghiệp Nghệ An theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO