Hình ảnh đầm sen nở rộ, tỏa hương thơm ngát không biết có tự bao giờ, nhưng đã trở thành kỷ niệm đẹp của mỗi người con đất Việt khi về Nam Đàn thăm quê Bác. Với sứ mệnh trồng, chăm sóc và bảo tồn các giống sen quý, chế biến sâu các sản phẩm và dịch vụ từ cây sen, năm 2019, Hợp tác xã Nông nghiệp Sen Quê Bác được thành lập. Đến nay, hợp tác xã đã xây dựng vùng trồng sen có quy mô lớn, phong phú đa dạng các loại hoa sen. Từ đó tạo nguyên liệu để chế biến ra các sản phẩm từ cây sen như trà lá sen, trà liên tu, trà ướp bông sen, trà tâm sen, hạt sen khô, trà củ sen…
Thông qua hoạt động chuỗi liên kết cung cấp vật tư, giống, phân bón và bao tiêu đầu ra cho người dân địa phương, sản phẩm từ sen đã thu hút và phục vụ cho khách tham quan, du lịch tại vùng đất Kim Liên, Nam Đàn. Tháng 5 năm 2022, Hợp tác xã Nông nghiệp Sen Quê Bác đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với hình thức thể hiện logo sen Quê Bác.
Ông Phạm Kim Tiến – Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông nghiệp Sen Quê Bác cho biết: Hợp tác xã đang trồng, chăm sóc bảo tồn và cung ứng trên 100 giống sen khác nhau. Hiện có 15 sản phẩm chế biến từ Sen trong đó có 9 sản phẩm đạt OCOP. Bộ sản phẩm OCOP sen quê Bác đã trở thành món quà không thể thiếu của nhiều người mỗi dịp Tết đến Xuân về hay trong các buổi lễ trang trọng. Việc được cấp nhãn hiệu giúp hợp tác xã xây dựng và tăng cường uy tín, giá trị của sản phẩm, từ đó tiếp cận các thị trường mới một cách dễ dàng hơn.
Với mục tiêu hướng tới sản phẩm quốc gia, sen quê Bác không ngừng nỗ lực về mọi mặt để phấn đấu trở thành đơn vị dẫn đầu ngành sen trong cả nước. Hợp tác xã Sen Quê Bác cũng đang tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương từ mô hình sản xuất sen kết hợp du lịch sinh thái.
Hay đối với chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gừng Kỳ Sơn, khởi đầu từ việc chọn cây trồng mang tính đặc thù của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, UBND huyện đã lựa chọn cây gừng là cây chủ lực để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con. Ngay sau khi được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, UBND huyện Kỳ Sơn ban hành quy trình hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm Gừng mang chỉ dẫn địa lý “Kỳ Sơn”; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng “Gừng Kỳ Sơn” cho Hợp tác xã nông nghiệp Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn. Hiện nay, gừng Kỳ Sơn được phát triển trên địa bàn 15 xã với 2 loại giống gừng dé và gừng trâu, diện tích trồng khoảng 700 – 800 ha.
Kể từ khi được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, từ chỗ trồng gừng theo phương pháp truyền thống, nhỏ lẻ của đồng bào các dân tộc, nay chuyển sang trồng tập trung, áp dụng quy trình kỹ thuật mới nên năng suất, sản lượng cao, doanh thu tăng so với những năm trước. Thị trường tiêu thụ của sản phẩm chủ yếu vẫn tập trung ở thị trường nội địa với các sản phẩm chính như: Trà gừng táo đỏ, gừng thái lát sấy khô, tinh dầu gừng nano, tinh dầu treo xe, bột gừng, cao gừng.
Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực đã được nhiều địa phương quan tâm thực hiện, đơn cử như chỉ dẫn cho sản phẩm cam Vinh. Cam Vinh là cam quả trồng trong vùng được chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bao gồm các huyện Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Yên Thành, Nam Đàn, Nghi Lộc, Thái Hòa, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông. Kể từ khi sản phẩm cam Vinh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đã từng bước khẳng định được thương hiệu, không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn cho xuất khẩu. Giá cam quả trong vùng chỉ dẫn địa lý tăng lên gấp nhiều lần.
Tuy nhiên, đến năm 2020 trở lại đây, diện tích vùng cam có dấu hiệu chững lại và giảm mạnh, năng suất và sản lượng cam cũng giảm dần. Diện tích cam giảm mạnh, nhưng để giữ được thương hiệu cam Vinh thì phải dứt khoát loại bỏ những vùng cam đã nhiễm bệnh, trồng các loài cây khác để cải tạo lại đất. Hiện tại, chỉ còn một số xã tại các huyện như Yên Thành, Thanh Chương vẫn đang duy trì và phát triển tốt sản phẩm cam Vinh. Một số xã tại các huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Thị xã Thái Hòa diện tích trồng giảm đi nhiều. Đến thời điểm hiện tại, huyện Yên Thành đang nổi lên như một “vựa” cam Vinh mới thay cho huyện Quỳ Hợp, nhưng ngành nông nghiệp huyện vẫn khuyến cáo người dân không trồng cam ồ ạt. Chỉ nơi nào có khí hậu mát mẻ, phù hợp mới được quy hoạch vào vùng trồng cam. Trước khi trồng, người dân cũng được khuyến khích tham gia các khóa tập huấn để nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam.
Các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ và đang đăng kí bảo hộ đều là những sản phẩm đặc sản, hoặc sản phẩm truyền thống của các địa phương, như nước mắm, hải sản, sen quê Bác, bánh đa, kẹo lạc, rượu men lá, mật ong, tinh bột nghệ, hương trầm, bò giàng,… Sau khi có được chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, một số địa phương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ, giúp ổn định và tăng thu nhập cho người dân.
Với cách làm có hiệu quả của nhiều địa phương, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đóng góp tích cực cho hai tiêu chí tăng thu nhập và giảm hộ nghèo – là những tiêu chí quan trọng và cốt lõi trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, giúp nâng cao đời sống người dân. Với sự đổi mới sáng tạo, Thạc sỹ Phạm Kim Tiến – Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Sen Quê Bác đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Lương Định Của, giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo của Sở Khoa học và Công nghệ, giải Nhất dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn, được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 – 2020.
Hay làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống Tân An, xã An Hòa hiện có khoảng 80 hộ sản xuất, trong đó có trên 20 hộ có quy mô lớn. Mỗi năm làng nghề sản xuất ra từ 600.000 lít nước mắm các loại, doanh thu đạt hơn 3 tỷ đồng. Ông Dương Hà Nam – chủ cơ sở nước mắm ở làng nghề cho biết: Bình quân mỗi năm, gia đình sản xuất và cung cấp ra thị trường khoảng trên 15.000 lít nước mắm tương đương hơn 30 tấn cá nguyên liệu. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, gia đình đóng chai lọ đựng nước mắm bằng thủy tinh để thay thế bằng chai nhựa; đồng thời đưa ra nhiều mẫu mã đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Nhờ đầu tư công nghệ, thay đổi mẫu mã đẹp mắt, bắt nhịp nhanh với nhu cầu của thị trường, sản phẩm nước mắm của gia đình ngày càng nhận được sự quan tâm và đón nhận của khách hàng.
Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ đã công bố và trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nước mắm truyền thống Tân An, xã An Hòa. Từ đó đến nay, thương hiệu nước mắm truyền thống Tân An ngày càng được khách hàng nhiều nơi biết đến, nhờ đó sản lượng nước mắm cung cấp ra thị trường tăng lên rõ rệt, thu nhập của người dân được nâng cao. Bình quân mỗi lao động có mức thu nhập 5 – 7 triệu đồng/người/tháng. Đây cũng là điều kiện để bà con quảng bá thương hiệu, góp phần khẳng định thương hiệu cũng như chất lượng nước mắm mà làng nghề Tân An đã nhiều năm xây dựng.
Cũng sản phẩm nước mắm, ngoài nước mắm truyền thống Tân An còn có một số sản phẩm đặc sắc đã được công nhận như nhãn hiệu tập thể của làng nghề chế biến nước mắm truyền thống Phú Lợi, thị xã Hoàng Mai. Làng nghề nước mắm Phú Lợi có hơn 400 cơ sở tham gia chế biến, sản xuất các sản phẩm như nước mắm, ruốc. Trong đó, có khoảng gần 50 cơ sở sản xuất quy mô lớn, còn lại là các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất sản lượng vừa và nhỏ.
Ông Phạm Hồng Hải, Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ của tỉnh Nghệ An đã được quan tâm, đặc biệt là các sản phẩm của địa phương. Phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ được đồng bộ ở tất cả các khâu: sáng tạo, xác lập quyền, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nhiều sản phẩm làng nghề nổi tiếng được bảo hộ và phát triển tốt, các sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đã góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản, truyền thống của Nghệ An, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh khen ngợi. Sản phẩm làng nghề được xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu phát huy hiệu quả như: Sen quê Bác, hương trầm Quỳ Châu, cá thu nướng Cửa Lò, mật ong Tây Hiếu, mật mía làng Găng, mực khô Quỳnh Lưu, bò giàng Tương Dương, rượu men lá Con Cuông… Việc “chắp cánh” nhãn hiệu cho các sản phẩm làng nghề đã nâng cao giá trị, mang lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho bà con.
Phải khẳng định, tài sản sở hữu trí tuệ có những giá trị rất to lớn, thế nhưng, vẫn còn một số nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận được xây dựng mà chưa phát huy được hiệu quả.
Câu chuyện giống cây trồng, cây chanh leo ở huyện Quế Phong là một ví dụ, chanh leo một thời là cây thoát nghèo, được quy hoạch lên đến hàng ngàn ha…, nhưng nay đã tàn lụi gần hết. Nguyên nhân đây là loại cây “khó tính”, trồng trên một loại đất kéo dài nhiều năm bị nhiễm nấm trên diện rộng, dẫn đến cây phát triển kém, năng suất thấp.
Hoặc như đối với nhãn hiệu tập thể tôm nõn Diễn Châu, những tưởng đây sẽ là sản phẩm mang lại lợi nhuận cho bà con, nhưng đến nay lại đang gặp vấn đề thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và chế biến. Sản lượng đánh bắt tôm nõn thời gian qua sụt giảm mạnh, trước đây trung bình mỗi ngày có thể nhập được từ 2 – 3 tấn tôm tươi để sản xuất tôm nõn, thì nay chỉ khoảng vài tạ. Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu khiến việc sản xuất của hợp tác xã không còn được xuyên suốt, đỉnh điểm là có những tháng buộc phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Nguyên nhân khiến sản lượng tôm tươi ngày càng sụt giảm là do giá nhiên liệu vẫn ở mức cao, lao động đổi nghề nên số lượng tàu thuyền đi biển không nhiều như trước. Bên cạnh đó, phương pháp đánh bắt tôm hiện nay chưa khoa học, theo hướng tận diệt nên nguồn tôm ngày càng giảm sút.
Chị Đoàn Thị Kim Oanh ở xóm Tây Lộc, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu cho biết: Trước đây riêng gia đình tôi mỗi tháng chế biến 50-60 tấn tôm tươi nhưng nay chỉ còn khoảng 1/3 sản lượng. Khó khăn do nguyên liệu chế biến giảm sút, nếu như trước đây riêng xã Diễn Ngọc có 300 đôi tàu đánh bắt thì nay chỉ còn 50 đôi. Ngoài ra, đầu ra tiêu thụ cũng giảm dù sản phẩm của gia đình đã được công nhận OCOP 3 sao, dẫn tới thu nhập giảm sút. Hiện nay tổ sản xuất tôm nõn còn 5 hộ tham gia nhưng nhìn chung không mạnh như ngày đầu tổ sản xuất đi vào hoạt động.
Các hộ dân tham gia vào hợp tác xã được hưởng các quyền lợi từ hợp tác xã đem lại, được hỗ trợ chi phí thuê địa điểm, hỗ trợ máy móc, thiết bị đầu tư cho quá trình sản xuất và kinh doanh tạo hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, bên cạnh những nhãn hiệu tập thể phát triển tốt, vẫn còn có một số ít nhãn hiệu đã xây dựng nhưng chưa phát huy được vai trò của hợp tác xã, dù đã có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước địa phương. Một phần bởi vì họ cho rằng, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý là tài sản chung của hợp tác xã, hội, hiệp hội, không của riêng ai. Ví dụ như nhãn hiệu tập thể Làng nghề bánh đa, kẹo lạc Vĩnh Đức, huyện Đô Lương. Các sản phẩm chính của hợp tác xã là bánh đa vừng, kẹo lạc, kẹo cu đơ…
Các sản phẩm khi phân phối ra thị trường đều được dán tem, nhãn đầy đủ, ngày càng được nhiều người dân biết đến và có nhu cầu mua làm quà, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết. Nhờ đó, các cơ sở sản xuất đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho người dân địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, mặc dù hợp tác xã đã có thương hiệu chung nhưng từng cơ sở sản xuất vẫn theo kiểu mạnh ai người nấy làm, chưa thống nhất trong quy trình sản xuất, bao bì, nhãn, mác khi dán lên sản phẩm. Điều này dẫn tới không phát huy được vai trò của hợp tác xã, làm cho năng lực kinh tế của từng thành viên tham gia không đồng đều.
Theo số liệu thống kê, Nghệ An có 159 sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương có thể phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Đến tháng 6/2023, Nghệ An có 1.761 đối tượng được bảo hộ, trong đó có 10 sáng chế, 22 giải pháp hữu ích, 81 kiểu dáng công nghiệp, 1.648 nhãn hiệu, 2 chỉ dẫn địa lý, 9 nhãn hiệu chứng nhận, 32 nhãn hiệu tập thể.
Ông Phạm Hồng Hải – Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Qua thực tế tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác phát triển các tài sản trí tuệ đã được bảo hộ tại 14 huyện trên địa bàn tỉnh với 26 nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký và bảo hộ cho thấy, hoạt động quản lý, khai thác và phát triển các nhãn hiệu cơ bản được các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện tốt. Tuy nhiên, số đối tượng được bảo hộ rất nhỏ so với hơn 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. “Nghệ An có tiềm năng rất lớn về các cây, con đặc sản. Các sản phẩm mang địa danh, các làng nghề phát triển nhưng số lượng bảo hộ về chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể quá ít, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương và so với các địa phương khác trong cả nước”- ông Hải chia sẻ.
Từ thực trạng quản lý và phát triển các sản phẩm được bảo hộ về chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể ở Nghệ An, cho thấy các địa phương trong tỉnh và chủ sở hữu các nhãn hiệu chưa chủ động, còn lúng túng và gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch quản lý, phát triển sản phẩm. Hạn chế đó có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Vùng nguyên liệu, canh tác, nuôi trồng, chế biến và sản xuất nhỏ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm khi có thương hiệu. Việc thiếu thông tin, phá vỡ quy hoạch, chạy theo nhu cầu thị trường đối với các nông sản địa phương đề xuất đăng ký nhãn hiệu gây khó khăn cho công tác đăng ký bảo hộ.
Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh nông sản đặc biệt là người dân ở vùng có chỉ dẫn địa lý gắn với đặc sản chưa thấy được lợi ích rõ ràng của việc bảo hộ nên chưa tích cực bảo vệ và xây dựng, mạnh ai nấy làm.
Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đa phần là nhỏ lẻ, không đáp ứng được nhu cầu phân phối, tiêu thụ của doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm làng nghề thì thiếu tập trung để quy hoạch phục vụ khách tham quan, du lịch; Một số sản phẩm có chất lượng, ngon nhưng thiếu doanh nghiệp thương mại nên chưa phát triển được. Doanh nghiệp chưa nắm bắt được một số quy định khi đưa sản phẩm hàng hóa lưu thông ra thị trường như: Nhãn mác, độc quyền nhãn hiệu, an toàn thực phẩm, đăng ký mã số mã vạch, tự công bố chất lượng sản phẩm… và đây là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến nhãn hiệu không phát triển được trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Quý Linh – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá: Sự phát triển của thị trường nông sản trong giai đoạn vừa qua đã cho thấy vị trí, vai trò và tiềm năng rất lớn của các sản phẩm nông nghiệp với sự hỗ trợ của các nhãn hiệu cộng đồng. Có thể thấy, đối với các sản phẩm đặc sản địa phương, ngoài những lợi thế về chất lượng, yếu tố sản xuất, tiêu dùng mang tính văn hóa, truyền thống… thì phát triển gắn với nhãn hiệu cộng đồng là một hướng đi phù hợp, trở thành công cụ hiệu quả để sản xuất phát triển bền vững.
Tuy vậy, hiệu quả của nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý chỉ phát huy khi sản phẩm có chất lượng và tiềm năng thị trường, khi người sản xuất và kinh doanh cùng hành động tập thể để quản lý và tiếp thị sản phẩm chung dưới logo chỉ dẫn địa lý. Vì vậy, cần có các nghiên cứu đánh giá khả thi về sản phẩm trước khi có ý định xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, để thúc đẩy hoạt động xây dựng và quản lý các tài sản trí tuệ trong thời gian tới vẫn cần những giải pháp đồng bộ. Việc lựa chọn hình thức bảo hộ cần dựa trên điều kiện quy mô, đặc thù sản phẩm, chất lượng…, yêu cầu của từng hình thức bảo hộ để quyết định.
Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực, trong đó cần xây dựng và bổ sung các nội dung đào tạo, tập huấn về quản trị và phát triển thương hiệu trong các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực cho các hợp tác xã, cán bộ quản lý hợp tác xã, làng nghề, đào tạo nghề nông thôn. Xác định năng lực quản trị và phát triển thương hiệu nông sản là một nội dung chính trong chương trình đào tạo, nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hội/hiệp hội, đặc biệt là năng lực thương mại. Cần tập trung hỗ trợ về năng lực tổ chức và phát triển thị trường của các hợp tác xã. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong các dự án, hoạt động hỗ trợ, làm nền tảng để thúc đẩy việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, tạo cơ sở, động lực để nâng cao giá trị sản phẩm.
“Chính quyền địa phương nơi có đặc sản nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân trong việc lựa chọn, giữ gìn và phát triển các sản phẩm mang tính truyền thống. Các chủ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhà quản lý chỉ dẫn địa lý phải tiến hành quản lý tốt các đối tượng này sau khi đăng ký, thông qua các quy chế sử dụng, quy chế quản lý. Các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn cần làm tốt vai trò cầu nối, hỗ trợ tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân trong việc khai thác, phát huy các giá trị của các sản phẩm đã được bảo hộ” – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh.