Phẫu thuật bắt vít qua da điều trị chấn thương cột sống được thực hiện tại Nghệ An
(Baonghean) - Bắt vít qua da cố định cột sống để điều trị chấn thương cột sống là kỹ thuật phẫu thuật hiện đại, ít xâm lấn, biến một cuộc mổ phức tạp trở nên đơn giản, an toàn, không mất máu, phục hồi nhanh… Kỹ thuật này đã được các bác sĩ Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình triển khai thành công tại Nghệ An.
Phương pháp tiên tiến điều trị chấn thương cột sống
Vừa qua, bệnh nhân Bùi Ngọc Tấn (42 tuổi) ở xã Cát Văn, Thanh Chương, nhập viện trong tình trạng đau đớn, hạn chế vận động cột sống thắt lưng, không đi lại được do tai nạn ngã từ trên cao xuống.
Qua thăm khám lâm sàng kết hợp với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, các bác sĩ chẩn đoán anh Tấn bị chấn thương cột sống, gãy xẹp đốt sống L1 mất vững.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình quyết định phẫu thuật cố định cột sống cho bệnh nhân bằng phương pháp bắt vít qua da.
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai thành công phương pháp kỹ thuật tiên tiến này trong điều trị chấn thương cột sống.Ảnh: PV |
Sau 1h 30 phút thực hiện, êkip các bác sĩ, phẫu thuật viên đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân. Chỉ sau gần 48 tiếng, anh Tấn đã có thể đi lại bình thường, không còn đau đớn, đường mổ thẩm mỹ nhỏ, hồi phục nhanh.
Hình ảnh bắt vít cột sống qua da dưới sự hướng dẫn của máy C- ARM. |
Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Văn Biên - Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh - Cột sống người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, trước đây, với các trường hợp bệnh nhân bị chấn thương, gãy đốt sống sẽ phải cố định cột sống theo phương pháp mổ hở. Bệnh nhân phải trải qua một cuộc phẫu thuật thông thường từ 2-3h, gây mất nhiều máu do vết mổ dài từ 15-20 cm, phá vỡ cấu trúc giải phẫu của lưng (cơ, hệ thống dây chằng cột sống, xương đốt sống…). Bệnh nhân đau nhiều sau phẫu thuật, nguy cơ nhiễm trùng cao; thời gian hồi phục sau mổ kéo dài. Sau phẫu thuật tình trạng đau lưng kéo dài. Bên cạnh đó, mổ hở tạo ra một sẹo lớn mất thẩm mỹ, bệnh nhân thường bị đau lưng, đau vùng mổ mỗi khi trái gió trở trời.
So với phương pháp cũ, kỹ thuật bắt vít qua da cố định cột sống có rất nhiều ưu điểm: Cố định cột sống vững chắc, đường mổ nhỏ (chỉ có những lỗ nhỏ là 1,5 cm đủ cho vít chui qua), không phá vỡ cấu trúc giải phẫu vùng lưng (Cơ, xương, hệ thống dây chằng), không gây đau đớn, thời gian phẫu thuật nhanh (khoảng 1,5h). Bệnh nhân phục hồi nhanh sau mổ (có thể xuất viện sau 3-5 ngày, so với 7-10 ngày, khi được phẫu thuật bằng phương pháp cũ) và không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Phương pháp mổ hở điều trị chấn thương cột sống (ảnh trái), kỹ thuật bắt vít qua da cố định cột sống (ảnh phải). |
Kỹ thuật lần đầu tiên được áp dụng thành công tại Nghệ An
Để tiến hành thành công kỹ thuật bắt vít cột sống qua da, đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật viên có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, hệ thống máy móc trang thiết bị đạt chuẩn, hiện đại. Hiện tại, các bác sĩ của Khoa Phẫu thuật Thần kinh – Cột sống, Bệnh viện Chấn thương – Chỉnh hình Nghệ An đã tiến hành phẫu thuật thành công, làm chủ kỹ thuật bắt vít qua da cố định cột sống dưới sự định vị, dẫn đường của máy C-ARM 3D cho nhiều bệnh nhân bị chấn thương cột sống.
Bệnh viện Chấn thương – Chỉnh hình Nghệ An là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai thành công phương pháp kỹ thuật tiên tiến này trong điều trị chấn thương cột sống và đưa kỹ thuật vào áp dụng thường quy tại Bệnh viện.
Bệnh nhân Bùi Ngọc Tấn phục hồi nhanh sau phẫu thuật. Ảnh: Đ.N |
Hình ảnh sau phẫu thuật. |
Chấn thương cột sống - tủy sống là tai nạn phổ biến do ngã cao, tai nạn giao thông… làm cột sống bị gãy gập. Nếu không được điều trị kịp thời, đúng phương pháp, có thể dẫn đến tình trạng bị liệt, hạn chế, mất sức lao động…
Hiện nay, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình Nghệ An đưa vào áp dụng phương pháp bắt vít cột sống qua da thường quy trong điều trị chấn thương cột sống, kết hợp phương pháp này có thể thực hiện phẫu thuật thoát vị đĩa đệm hàn xương liên thân đốt ít xâm lấn, phẫu thuật gù vẹo cột sống… Với việc áp dụng kỹ thuật mới hiệu quả, bệnh viện trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho người dân trên địa bàn và các vùng lân cận.