Phía sau chuyện Singapore lì xì dân vì bội thu ngân sách

Lê Nam 22/02/2018 22:09

Chính phủ Singapore bội thu ngân sách hơn 9,61 tỉ SGD và dùng số tiền dư đó lì xì cho dân chúng. Điều gì khiến Singapore làm được điều này?

Người dân Singapore mua sắm ở khu Chinatown. Ảnh: Lê Nam
Người dân Singapore mua sắm ở khu Chinatown. Ảnh: Lê Nam

Nhưng với nhiều người dân Singapore, thông báo sẽ tăng 2 điểm phần trăm thuế đánh vào các loại hàng hóa tiêu dùng (SGT) trong vài năm tới để bù đắp khả năng thiếu hụt ngân sách mới thực sự là điều đáng quan tâm.

Từ việc có phần bội thu, còn gọi là thặng dư ngân sách, Bộ trưởng tài chính Heng Swee Keat hôm 19-2 thay mặt Chính phủ Singapore thông báo sẽ tặng mỗi người dân Singapore từ 21 tuổi trở lên, tùy vào thu nhập, một khoản tiền "lì xì" từ 100-300 SGD.

Tổng số tiền "lì xì" đợt này lên đến 700 triệu SGD. Đây là lần thứ ba kể từ năm 2008, chính phủ dưới thời Thủ tướng Lý Hiển Long chia tiền "lì xì" cho người dân như một cách chia sẻ thành quả phát triển kinh tế với người dân.

Tiến sĩ Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), cho rằng thặng dư ngân sách Singapore tăng mạnh năm 2017 nhờ hai lý do chủ yếu: khoản lời từ đầu tư vốn dự trữ quốc gia và khoản thu phí bất động sản.

Còn theo ông Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, phần tăng thu ngân sách dẫn đến thặng dư đột biến của Singapore chủ yếu đến từ lợi nhuận của Cơ quan Điều tiết tiền tệ Singapore nhờ các khoản đầu tư tăng giá và tăng thu từ thuế giao dịch tài sản (stamp tax) nhờ giá tài sản tăng.

Theo ông Du, đó là các khoản thu có tính chất bất thường, trong khi dự báo các khoản thu ngân sách thường xuyên rất sát với thực tế.

"Chính quyền Singapore hoạt động rất hiệu quả với quy mô ngân sách chưa đến 17% GDP, thấp hơn rất nhiều so với trên 25% GDP của các nước thu nhập cao", ông Huỳnh Thế Du nói, đồng thời cho biết tỉ lệ thu ngân sách so với GDP của Việt Nam lên đến 26%.

Theo các nhà quan sát, mức "lì xì" vài trăm USD cho mỗi người dân của quốc gia có GDP/người hơn 80.000 USD chỉ mang ý nghĩa biểu tượng là chính.

Việc làm này có thể như một mũi tên bắn trúng hai đích: giảm bớt sự chỉ trích của người dân về chính sách thu hút lao động có kỹ năng từ bên ngoài làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người dân trong nước của đảng cầm quyền; và lấy điểm cho ông Bộ trưởng Tài chính - một ứng viên cho vị trí Thủ tướng sắp tới.

Theo ông Vũ Minh Khương, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, điều quan trọng là tầm nhìn của Singapore về quản lý ngân sách, đảm bảo luôn thặng dư trong các năm thuận lợi.

Thống kê của Chính phủ Singapore trong năm 2017 cho thấy thu nhập bình quân của người dân Singapore đã tăng 5,3% nhưng các công dân đảo quốc sư tử cũng không phải là không lo lắng khi thuế SGT sẽ tăng từ 7% lên 9% trong khoảng thời gian từ năm 2021-2025.

Phát biểu trước quốc hội nước này, Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat cho biết việc tăng thuế là biện pháp tốt nhất trong hàng loạt biện pháp nhằm tăng nguồn thu cho chính phủ mà Bộ Tài chính đã phải cân nhắc.

Khoản tăng này sẽ giúp chính phủ mỗi năm có thêm nguồn thu khoảng 0,7% GDP nhằm bù đắp cho các chi phí sẽ tăng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng và an ninh.

Cho dù đạt số dư kỷ lục trong vòng 30 năm qua nhưng Bộ Tài chính Singapore vẫn dự báo chi tiêu trong năm 2018 sẽ tăng và có khả năng đạt đến 80 tỉ SGD, so với mức 73,92 tỉ SGD của năm 2017, chủ yếu là chi giao thông, giáo dục và sức khỏe.

Trong đó, chi tiêu lớn nhất năm 2018 sẽ thuộc về ngành giao thông vận tải với 13,7 tỉ SGD cho dự án đường sắt cao tốc nối liền Kuala Lumpur - Singapore.

Các lĩnh vực quân sự, thương mại, công nghiệp cũng sẽ gia tăng chi tiêu so với năm trước.

Theo tuoitre.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Phía sau chuyện Singapore lì xì dân vì bội thu ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO