Chống lãng phí

Phó Cục trưởng C03 chỉ ra 5 dấu hiệu nhận diện vi phạm liên quan đến lãng phí

Thành Duy 16/05/2025 15:00

Tại Hội thảo, qua tham luận với chủ đề “Phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu góp phần xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí”, Đại tá Nguyễn Hữu Sơn - Phó Cục trưởng C03, Bộ Công an đã cung cấp thêm nhiều thông tin về công tác phòng, chống lãng phí hiện nay.

Sáng 16/5, tại TP. Vinh, Đảng ủy Công an Trung ương phối hợp Tỉnh ủy Nghệ An, Tạp chí Cộng sản và Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia: “Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong kỷ nguyên phát triển mới”.

Quang cảnh Hội thảo Khoa học quốc gia “Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong kỷ nguyên phát triển mới”. Ảnh: Thành Duy
Quang cảnh Hội thảo Khoa học quốc gia “Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong kỷ nguyên phát triển mới”. Ảnh: Thành Duy

Trên 1.249 dự án có dấu hiệu, nguy cơ gây lãng phí

Theo đó, qua công tác nắm tình hình của lực lượng Cảnh sát kinh tế, tính đến hết năm 2024, cả nước có trên 1.249 dự án đang triển khai có dấu hiệu, nguy cơ gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Trong đó, lĩnh vực xây dựng có 186 dự án; lĩnh vực giao thông có 53 dự án; lĩnh vực nông nghiệp, đất đai, nhà ở có 377 dự án; lĩnh vực công nghiệp có 154 dự án; lĩnh vực thương mại, dịch vụ có 67 dự án; lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục có 64 dự án; lĩnh vực năng lượng có 33 dự án; lĩnh vực du lịch có 55 dự án; các lĩnh vực khác có 260 dự án.

Đại tá Nguyễn Hữu Sơn cho biết: Trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, khởi tố 426 vụ/1.935 bị can về các tội danh liên quan đến lãng phí; gây thất thoát, thiệt hại tài sản cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, riêng năm 2024 khởi tố 81 vụ/339 bị can. Trong đó, có nhiều vụ án phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo trong toàn quốc.

bna_img_1122.jpg
Các đồng chí: Thượng tướng, PGS.TS. Trần Quốc Tỏ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; TS. Hoàng Trung Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An chủ trì hội thảo. Ảnh: Thành Duy

Từ thực tiễn công tác nắm tình hình và phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án liên quan đến lãng phí thời gian qua, Đại tá Nguyễn Hữu Sơn cho biết: Lực lượng Cảnh sát kinh tế nhận diện vi phạm, tội phạm liên quan đến lãng phí qua một số nhóm hành vi gồm:

Lãng phí trong công tác quản lý tài chính, ngân sách, với các hành vi vi phạm như: Đưa, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tham ô tài sản... để lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ và giao dự toán không đúng trình tự, thủ tục, thời gian, vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ; vi phạm trong hoạt động đấu thầu, mua sắm tài sản công không đúng quy định. Điển hình như trong Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, các đối tượng đã “thông thầu” để Công ty AIC trúng 16 gói thầu cung cấp thiết bị y tế, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước trên 152 tỷ đồng.

Hành vi trốn thuế hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ về thuế, phí của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đã ảnh hưởng lớn đến nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tính đến tháng 1/2025, cả nước có khoảng gần 200.000 tỷ đồng tiền nợ thuế. Điển hình như: Vụ án tại Công ty TNHH vận tải Thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro), lợi dụng việc được Nhà nước giao quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu, các đối tượng đã chậm nộp quỹ, sử dụng vào mục đích khác không có khả năng hoàn trả, gây thất thoát, lãng phí trên 317 tỷ đồng ngân sách Nhà nước.

bna_img_1391.jpg
Đại tá Nguyễn Hữu Sơn - Phó Cục trưởng C03, Bộ Công an phát biểu tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Thành Duy

Lãng phí trong công tác đầu tư, xây dựng, với các hành vi vi phạm, tội phạm chủ yếu là: Đưa; nhận hối lộ; môi giới hối lộ; lập khống hồ sơ; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước về đầu tư công trình xây dựng... diễn ra ở tất cả các khâu từ quyết định chủ trương đầu tư, khảo sát, thiết kế, bồi thường, giải phóng mặt bằng đến thi công, nghiệm thu, quyết toán, dẫn đến quyết định đầu tư sai, để kéo dài đội vốn, hiệu quả thấp hoặc không có hiệu quả, làm lợi cho một số nhóm lợi ích, gây lãng phí, thất thoát vốn lớn, thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước. Điển hình như: Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tổng vốn đầu tư gần 35.000 tỷ đồng nhưng ngay sau khi đưa vào sử dụng đã hư hỏng, sụt lún phải bổ sung kinh phí sửa chữa thêm hàng nghìn tỷ đồng; Dự án tòa nhà “Trung tâm điều hành và giao dịch thương mại Vicem” được đầu tư 1.245 tỷ đồng (bị bỏ hoang từ năm 2015 đến nay sau khi hoàn thành phần thô công trình)...

Lãng phí trong công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, đất đai, với các hành vi vi phạm, tội phạm chủ yếu là: “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng tài nguyên sai quy định; xuất lậu khoáng sản quý hiếm.

Điển hình như: Vụ Công ty Titan Hưng Thịnh, tỉnh Bình Thuận khai thác, xuất bán quặng titan không qua chế biến, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn nguồn tài nguyên khoáng sản và tiền thuế cho ngân sách Nhà nước.

Các đại biểu dự Hội thảo Khoa học quốc gia “Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong kỷ nguyên phát triển mới”. Ảnh: Thành Duy
Các đại biểu dự Hội thảo Khoa học quốc gia “Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong kỷ nguyên phát triển mới”. Ảnh: Thành Duy

Sai phạm trong cấp phép xây dựng các dự án, đầu tư công trình nhưng không triển khai hoặc triển khai không đúng tiến độ dẫn đến tình trạng đất bị hoang hóa; tình trạng sử dụng đất công không hiệu quả, biến đất công thành đất tự gây thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn với các hành vi như: Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước... Điển hình như: Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt, Hoàng Mai, quy mô 351.618m, tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng, triển khai năm 2004 nhưng đến nay vẫn là bãi đất hoang.

Các đại biểu dự Hội thảo Khoa học quốc gia “Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong kỷ nguyên phát triển mới”. Ảnh: Thành Duy
Các đại biểu dự Hội thảo Khoa học quốc gia “Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong kỷ nguyên phát triển mới”. Ảnh: Thành Duy

Lãng phí thời gian, cơ hội, vốn đầu tư của doanh nghiệp, người dân do sự thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức trong tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu, thủ tục của người dân, doanh nghiệp. Hành vi chủ yếu là lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong việc cấp phép, phê duyệt các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, kinh doanh... từ đó cản trở cơ hội phát triển kinh tế - xã hội.

4 đề xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống lãng phí

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Sơn, thực tiễn công tác phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với các hành vi vi phạm, tội phạm liên quan lãng phí thời gian qua của các ngành, các cấp, trong đó có lực lượng Công an đã đạt được một số kết quả tích cực như: Khung khổ pháp lý liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từng bước được hoàn thiện, chất lượng được nâng cao, bước đầu đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Công tác quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản được tăng cường, từng bước ngăn chặn, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí.

Clip Đại tá Nguyễn Hữu Sơn - Phó Cục trưởng C03, Bộ Công an phát biểu tham luận tại Hội thảo. Thực hiện: Võ Hải

Thay đổi nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức về trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Kết quả sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính có nhiều dấu ấn nổi bật, tạo tiền đề quan trọng để cải cách thể chế đi vào thực chất, tích lũy thêm các nguồn lực, khơi thông các điểm nghẽn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... Qua đó, đã đóng góp một phần quan trọng xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Các đại biểu dự Hội thảo Khoa học quốc gia “Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong kỷ nguyên phát triển mới”. Ảnh: Thành Duy
Các đại biểu dự Hội thảo Khoa học quốc gia “Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong kỷ nguyên phát triển mới”. Ảnh: Thành Duy

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới, Đại tá Nguyễn Hữu Sơn đưa ra một số kiến nghị, đề xuất:

Tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thể chế hóa và quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống lãng phí. Quy định đầy đủ, gắn trách nhiệm quản lý sai phạm liên đới đối với người đứng đầu tổ chức, đơn vị nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả làm việc của từng cá nhân; xóa bỏ cơ chế “xin - cho” trong phân bổ và sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Các ban, bộ, ngành, địa phương cần tập trung khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội dễ nảy sinh lãng phí như: Đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng; mua sắm; quản lý tài sản công; các chương trình dự án khoa học và công nghệ; giáo dục... để sửa đổi, bổ sung, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí.

Chủ động thực hiện các biện pháp tự phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực xảy ra trong cơ quan, đơn vị... Đồng thời chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên đề ở tất cả các cấp đối với các lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí. Trường hợp phát hiện vụ việc, đối tượng liên quan đến vi phạm, tội phạm cần thông tin, trao đổi kịp thời với các đơn vị chức năng của Bộ Công an để có biện pháp phối hợp giải quyết theo quy định của pháp luật.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy Công an Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Tỉnh ủy Nghệ An, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: Thành Duy
Các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy Công an Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Tỉnh ủy Nghệ An, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: Thành Duy

Về phía Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp công tác trên cơ sở bám sát các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước để chủ động dự báo, đánh giá tình hình, phát hiện vấn đề nổi lên ở từng ngành, từng lĩnh vực, từng cấp; chỉ ra phương thức, thủ đoạn phạm tội mới cũng như sơ hở, thiếu sót trong các quy định, quy chế, công tác quản lý, điều hành để tham mưu, đề xuất, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục và phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Kịp thời phát hiện các hành vi, vụ việc gây lãng phí để điều tra làm rõ, với phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát, lãng phí cho Nhà nước.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Phó Cục trưởng C03 chỉ ra 5 dấu hiệu nhận diện vi phạm liên quan đến lãng phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO