Xã hội

Phong trào nấu kẹo ngày Tết ở Thanh Chương

Huy Thư 25/01/2025 21:35

Sở dĩ gọi là kẹo Tết, bởi mỗi năm chỉ khi hoa đào đã nở, nhà nhà chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, người dân quê tôi mới làm món kẹo quê này để đãi khách ngày Xuân. Kẹo Tết quê mộc mạc, dân dã, mang hương vị đặc trưng, độc đáo của vùng quê trung du xứ Nghệ.

Những đêm cuối tháng Chạp, vợ chồng bà Ngô Thị Mai ở xóm Minh Đức, xã Kim Bảng (Thanh Chương) vẫn tiếp tục nấu những nồi kẹo Tết cho khách. Trong gian bếp sau nhà, bà Mai đang ngồi quấy mật trên bếp củi. Nồi mật mía màu cánh gián sôi bì bụp tỏa mùi thơm ngào ngạt cả căn nhà.

bna_1(2).jpg
Nồi kẹo Tết thơm lừng hấp dẫn. Ảnh: Huy Thư

Bà Mai chia sẻ: Gia đình bà đã có thâm niên làm nghề nấu kẹo Tết bán ở chợ. Mỗi năm, cứ trung tuần tháng Chạp là vợ chồng bà lại bắt tay vào làm món kẹo này. Thời gian làm nghề kéo dài từ tháng Chạp đến tháng Giêng. Trong năm thì làm kẹo phục vụ mọi nhà đón Tết. Ra năm, khách mua chủ yếu để làm quà cho người thân ở xa.

Theo bà Mai, kẹo Tết ở quê bà được làm từ những nguyên liệu quen thuộc, như mật mía, lạc rang, bột cốm, gừng tươi... Lạc rang làm sạch vỏ lụa, cho vào cối xay vỡ ba, vỡ tư. Bột cốm được nghiền nhỏ từ cốm nếp hay ống nổ thụt bằng gạo nếp. Ngay khi bắc nồi mật lên bếp, phải giã gừng nhỏ bỏ vào, để mật khỏi trào.

bna_2(2).jpg
Nguyên liệu lạc rang được chọn kỹ, rang giòn. Ảnh: Huy Thư

Người nấu kẹo phải ngồi canh nồi mật, vừa dục lửa, vừa quấy đều tay. Mật nấu được 10 -15 phút, thấy hơi sệt, đậm màu là cho lạc rang vào, dùng 2 chiếc đũa lớn xáo lạc trộn đều với mật. Sau đó cho bột cốm vào, tiếp tục xáo cho đến khi hỗn hợp kẹo dẻo nhuyễn. “Công đoạn xáo kẹo chỉ để lửa nhỏ liu riu, không đun lửa lớn, dễ làm kẹo bị cháy, khét” – bà Mai nói.

bna_3(2).jpg
Để nấu được kẹo ngon ngoài nguyên liệu cần phải có kỹ năng, kinh nghiệm. Ảnh: Huy Thư

Trong lúc vợ đang đang quấy mật, ông Nguyễn Đình Lâm – chồng bà Mai tranh thủ sửa soạn lại chiếc khuôn cắt kẹo, rải những lớp bột cốm trắng mịn xuống đáy khuôn. Đây là chiếc khuôn làm từ thép và nhựa do ông Lâm tự chế trong quá trình làm nghề.

Khuôn dài khoảng 1m, rộng 0,6m. Khi nồi kẹo được nhắc ra đổ vào khuôn, hai ông bà nhanh chóng dùng đũa dàn đều hỗn hợp kẹo, rồi rải lên 1 lớp bột cốm và dùng chai lăn tròn trên khuôn.

bna_4..jpg
Hỗn hợp kẹo dẻo được đổ lên khuôn. Ảnh: Huy Thư

Lúc khuôn kẹo đã bằng phẳng, ông Lâm lấy 1 thanh gỗ làm cự, dùng dao rạch kẹo thành từng song to như ngón tay, rạch chừng nào thì rải bột chừng đó. Theo ông Lâm làm vậy để các song kẹo không dính vào nhau. Bà Mai dùng kéo cắt từng song kẹo thành những chiếc kẹo ngắn. Kẹo sau khi cắt được rải thêm một lớp bột cốm và đóng vào từng túi nilon, mỗi túi có trọng lượng 0,5 – 1kg.

Bà Mai cho hay, để làm được một mẻ kẹo Tết thơm ngon, giòn tơi, sáng màu, đòi hỏi người làm phải nắm được kỹ thuật, nấu theo tỷ lệ (1 mật: 1 lạc: 0,4 bột cốm) trộn. Việc căn thời gian đổ lạc, bột cốm vào chảo mật khá quan trọng. Nếu trộn sớm thì kẹo sẽ non mềm, dễ chảy nước, còn trộn muộn, nấu mật lâu quá thì kẹo sẽ cứng, sẫm màu, ăn không ngon.

bna_4(2).jpg
Vợ chồng bà Ngô Thị Mai xã Kim Bảng (Thanh Chương) đang làm kẹo Tết. Ảnh: Huy Thư

Cũng làm từ nguyên liệu mật mía, bột nếp, lạc rang… nhưng kẹo Tết quê không giống như bánh ong mềm nhũn, dẻo quéo, mà giòn tơi, mang hương vị đặc trưng “đã ăn là thích”.

Bà Mai cho biết, trước đây bà thường làm kẹo đưa đi bán ở các chợ, nay lượng khách đặt đông nên làm ra mẻ nào bán hết mẻ đó. Mỗi mẻ kẹo thường làm được 5 - 6 kg, một đêm chỉ nấu được 2 mẻ là nhiều. Giá kẹo là 100 000 đồng/kg, dịp Tết này, nhiều gia đình trong vùng thường mua về ăn và đãi khách.

Ngoài những hộ làm nghề nấu kẹo, dịp này, nhiều gia đình ở quê tôi cũng tự tay làm kẹo đón Tết. Chuẩn bị từ trước cả tháng trời, đến thời điểm giáp Tết hay khi nồi bánh chưng đã bắc lên bếp thì nồi kẹo Tết mới bắt đầu khuấy mật. Làm món kẹo này vừa ngon, an toàn, vừa tạo không khí ấm cúng đoàn viên, nên mỗi dịp Tết về người dân quê tôi lại náo nức làm món “kẹo quê” truyền thống.

bna_5.jpg
Dùng chai thủy tinh lăn trên khuôn kẹo. Ảnh: Huy Thư

Để làm kẹo Tết, nhà nhà phải thức đêm giã, xay cốm, quấy mật, vắt kẹo… Khi đổ hỗn hợp dẻo kẹo ra mâm, mọi người trong gia đình sẽ ngồi vây quanh mâm kẹo nóng hổi, cùng nhau vắt, vo thành những chiếc kẹo tròn, bẹp tùy thích.

Vắt kẹo Tết là công đoạn vất vả nhất, vì phải tiến hành khi hỗn hợp kẹo còn nóng hổi, càng để nguội càng khó vắt. Nhiều gia đình phải hợp tác với nhau trong khâu vắt kẹo. Theo thời gian, nhiều người đã sáng tạo ra cách cắt kẹo theo khuôn, nên làm kẹo Tết đỡ vất vả hơn.

Ông Hoàng Phi Hùng (67 tuổi) – một người có kinh nghiệm làm kẹo Tết ở xóm Minh Đức, xã Kim Bảng chia sẻ: Ngày xưa, dịp Tết, nhà nào trong làng cũng nấu kẹo. Nhà làm ít thì vài chai mật, nhà làm nhiều có khi nấu cả can mật. Hiện nay, so với các loại kẹo, bánh trên thị trường, kẹo Tết quê là món không bắt mắt, nhưng chất lượng, ngon sạch, an toàn.

bna_6.jpg
Món kẹo quê độc đáo ở Thanh Chương hoàn toàn làm thủ công. Ảnh: Huy Thư

Những năm qua, khi cuộc sống thôn quê đã có nhiều thay đổi, mỗi dịp Tết, không còn cảnh nhà nhà làm kẹo nhộn nhịp như trước đây, nhưng một số gia đình vẫn còn gìn giữ tục xưa “làm kẹo đón Tết”. Nhiều hộ không tự làm kẹo nữa mà chỉ mua kẹo của nhà khác nấu về dùng.

Nắm bắt được nhu cầu kẹo Tết –đặc sản của quê hương, một số người đã làm kẹo Tết đưa đi bán ở chợ, nhập cho các ốt quán và bán online. Từ món quê dân dã, kẹo Tết quê trở thành mặt hàng độc, lạ trên thị trường.

bna_7(1).jpg
Dùng dao sắc cắt kẹo thành song và cắt xiết để tạo thành những viên kẹo nhỏ. Ảnh: Huy Thư

Kẹo Tết quê được người dân quê tôi bày lên mâm cúng gia tiên và dùng để đãi khách ngày Xuân. Thưởng thức món kẹo quê cùng nước chè xanh là một nét đẹp trong không gian ẩm thực Tết quê tôi.

Giữa tiết trời se lạnh, thoang thoảng hương trầm, mọi người ngồi uống từng ngụm chè, nhấm nháp từng viên kẹo, cảm nhận cái ngọt ngào của mật, cái béo bùi của lạc, cái thơm nồng của cốm nếp, gừng tươi, nghe “vị quê” lan toả, trong không khí mùa Xuân đang về.

bna_8(1).jpg
Các thành viên trong gia đình chung tay gỡ kẹo. Ảnh: Huy Thư

Với người dân quê tôi, dẫu bánh kẹo trên thị trường phong phú, đa dạng, nhưng món kẹo Tết vẫn có chỗ đứng riêng trong lòng người quê, làng quê - nơi đã sản sinh ra nó.

Khi hình ảnh kẹo Tết được đăng lên mạng xã hội, mọi người đã thấy Tết đến gần hơn, những người con xa quê lại thổn thức mong chờ sớm được trở về hội tụ cùng gia đình bên nồi kẹo Tết, thưởng thức món “kẹo quê” lưu giữ bao ký ức tuổi thơ.

Kẹo Tết quê tôi còn là món quà quê hấp dẫn theo chân người làng vào Nam, ra Bắc, làm ấm lòng những người con tha hương không thể về quê ăn Tết.

bna_9(1).jpg
Kẹo Tết quê để đãi khách ngày Xuân và là món quà quê hấp dẫn. Ảnh: Huy Thư

Những ngày cuối năm, trong không khí hân hoan của ngày hội ngộ, nồi kẹo Tết đượm mùi ngào ngạt, đã tạo thêm không khí đón Tết vui Xuân cho mỗi gia đình. Kẹo Tết cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ đã góp phần làm cho ngày Tết cổ truyền thêm đủ đầy và đậm đà bản sắc quê hương.

Mới nhất

x
Phong trào nấu kẹo ngày Tết ở Thanh Chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO