Bước vào những ngày tháng 3 đầy ý nghĩa, Báo Nghệ An xin trích dẫn một số tâm tư, suy nghĩ và mong mỏi của các chị, các mẹ để từ đó hiểu hơn, đồng cảm hơn với một nửa thế giới được ưu ái gọi tên là Phái Đẹp!
Bà Trần Thị Đông (sinh năm 1944, xóm 1, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ)
Bà Trần Thị Đông là một trong số ít phụ nữ tại huyện Tân Kỳ có 55 tuổi Đảng. Ảnh: Thanh Quỳnh. Đồ họa: Đình Tuyên |
Bản thân bà may mắn sống qua nhiều thế hệ và chứng kiến sự đổi thay của xã hội, bà cảm thấy rất mừng vì phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số giờ đây đã có nhiều đổi khác so với thời gian trước. Nếu như trước đây, vai trò của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số chỉ quẩn quanh với nội trợ, sinh đẻ và lấy chồng từ rất sớm thì giờ các thế hệ con cháu đã biết tu dưỡng học hành và thành công trên con đường học vấn. Nhờ vậy, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số đã "bớt khổ" hơn xưa, từng bước đảm nhận nhiều vị trí quan trọng từ thôn, bản cho tới những cấp bậc cao hơn.
Bản thân bà năm nay đã bước sang 79 tuổi đời và 55 tuổi Đảng. Dù tuổi đã cao nhưng bà quan niệm bản thân phải luôn sống lạc quan, vui vẻ để cuộc sống trọn vẹn hơn. Thời gian qua, bà và những người cao tuổi trên địa bàn vẫn tìm thấy niềm vui khi được tham gia các hoạt động cộng đồng tại thôn bản. Đồng thời, luôn nhắc nhở bản thân tự chăm sóc tốt cho mình để xã hội thấy được rằng, người cao tuổi mang lại lợi ích chứ không phải là gánh nặng cho mọi người. Họ vẫn mang lại nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng, xã hội.
Nếu được gửi gắm một điều vào ngày 8/3, bà mong các tầng lớp con cháu về sau cố gắng học tập để đưa nền khoa học, công nghệ của Việt Nam phát triển ngang hàng với những đất nước phát triển.
Bà Trần Thị Đông: "Niềm lạc quan, tình yêu cuộc sống là điểm tựa để phụ nữ cao tuổi sống trọn vẹn hơn". Clip: Thanh Quỳnh - Đình Tuyên |
Bà Nguyễn Thị Phương (sinh năm 1960), lao động tự do tại phường Hưng Dũng, thành phố Vinh
Ảnh: Đình Tuyên |
Hành nghề xe ôm đối với nam giới đã vất vả, riêng với phụ nữ lại càng vất vả hơn. Thế nhưng, dù công việc còn đó những khó khăn, bản thân tôi vẫn luôn vui vẻ, lạc quan bởi mình có thể kiếm tiền từ những việc làm chân chính. Điều đó khiến bản thân tôi cảm thấy mình không lép vế trước cánh mày râu. Hiện tại trên địa bàn thành phố Vinh, nhiều chị em phụ nữ đang làm những công việc mà xưa nay người ta vẫn nghĩ chỉ dành cho đàn ông như: phụ hồ, xe ôm, cửu vạn. Dù rằng phải vất vả để mưu sinh bám trụ với nghề, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy vui khi tự mình làm chủ được cuộc sống của mình.
Tôi mong thời gian tới, Nhà nước có thêm những chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho những đối tượng lao động tự do để chúng tôi đỡ phần vất vả và có thêm chỗ dựa để vươn lên trong cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Phương: "Dù làm nghề gì, phụ nữ hãy luôn tin vào bản thân để khẳng định giá trị của mình". Clip: Thanh Quỳnh - Đình Tuyên |
Chị Trần Thị Như Hoa - Giám đốc Hợp tác xã Sen Vàng, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ và Trẻ em gái khuyết tật tỉnh Nghệ An.
Ảnh: Đình Tuyên |
Sinh ra tại thành phố Vinh, Nghệ An, người phụ nữ 44 tuổi Trần Thị Như Hoa đã trải qua nhiều khó khăn của cuộc sống ngay từ khi mới lên 5, sau một cơn sốt nặng chị đã bị cướp đi một bên chân và trở thành người khuyết tật. Những ngày tháng sau đó, chị đã nỗ lực để vươn lên học và thi đậu vào Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An. Nhưng rồi, những sóng gió lại ập đến khi chị mang thai và trở thành mẹ đơn thân kể khi đang là sinh viên năm 2. Sau nhiều nỗ lực, chị gắn bó với nghề may và từng bước gặt hái thành công trên con đường mình đã chọn.
Chị Hoa vừa là Giám đốc, vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sen Vàng (thiết kế kinh doanh thời trang). Chị là 1 trong 40 phụ nữ tiêu biểu của cả nước vừa được tham dự lễ tôn vinh các tấm gương phụ nữ tiêu biểu có những đóng góp tích cực cho cộng đồng và các hoạt động góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật do Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam (VFD) phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) tổ chức. Hiện tại, chị Hoa là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ và Trẻ em gái khuyết tật tỉnh Nghệ An.
Chị Trần Thị Như Hoa chia sẻ: “Phụ nữ thành công đó là điều khó khăn nhưng đối với phụ nữ khuyết tật đó lại khó khăn gấp ngàn lần. Ngoài những trở ngại chung mà phụ nữ phải đối mặt thì chúng tôi còn phải vượt qua những khiếm khuyết của bản thân mình.
Có cơ hội tiếp xúc với nhiều chị em khuyết tật, bản thân tôi thấu hiểu những tâm tư, trở ngại của họ trong việc hoà nhập với cộng đồng. Một trong những vấn đề lớn nhất chính là từ bản thân người khuyết tật, họ vẫn còn tự ti, mặc cảm về bản thân. Điều đó khiến họ không nhận ra năng lực của mình. Nhưng nguyên nhân của chuyện này cũng là do tác động kép của những thành kiến - thành kiến về việc không coi trọng phụ nữ, và phụ nữ khuyết tật còn bị coi thường hơn, nhất là ở những khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Vì vậy, phụ nữ khuyết tật phải biết tự động viên bản thân đứng dậy sau những tự ti, mặc cảm để hòa nhập với cộng đồng, xã hội.
Tôi rất mong muốn trong thời gian tới cộng đồng, xã hội hãy thay đổi cách nhìn về người khuyết tật. Thay vì xem người khuyết tật là một đối tượng hưởng trợ cấp hay là một gánh nặng của xã hội thì hãy nhìn nhận họ là một lực lượng quan trọng trong cộng đồng. Hãy nhìn nhận những tấm gương người khuyết tật đã vượt lên được nghịch cảnh để thấy chúng tôi vẫn tỏa sáng từ những nét đẹp của tâm hồn.
Đối với những phụ nữ khuyết tật, tôi mong muốn mọi người hãy tạm quên đi những khó khăn mà chúng ta đã trải qua. Hãy thật sự, thật sự cố gắng hết những khả năng của mình. Rồi đến một ngày nào đó chúng ta sẽ thành công, chúng ta sẽ tự hào về những chặng đường mà mình đã qua!"
Chị Trần Thị Như Hoa: "Phụ nữ khuyết tật hãy đứng dậy bằng niềm tin và nghị lực vượt qua mặc cảm!". Clip: Thanh Quỳnh - Đình Tuyên |
Chị Phan Thị Sao (sinh năm 1994) - Phó Bí thư Đoàn xã Hưng Nghĩa (huyện Hưng Nguyên)
Ảnh: Đình Tuyên |
Được đảm nhận vai trò Phó Bí thư Đoàn xã, thời gian qua tiếp xúc với nhiều bạn trẻ tôi cảm nhận rằng, các thế hệ nữ giới trong đời sống hiện đại giờ đây đã tự tin, độc lập hơn trước rất nhiều. Nhiều bạn trẻ không chỉ tạo dựng được sự nghiệp riêng của mình mà còn triển khai nhiều hoạt động tình nguyện hướng tới những đối tượng khó khăn, yếu thế trong xã hội.
Bản thân tôi đã từng là sinh viên của Trường Đại học Vinh, tôi mang trong mình tâm niệm cần vận dụng những kiến thức mình đã học được để nâng cao hiệu quả các hoạt động tình nguyện của Đoàn. Và mục tiêu đó đã được thực hiện trong thời gian huyện Hưng Nguyên nói riêng, toàn tỉnh nói chung phải gồng mình phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua. Với vai trò là Phó Bí thư Đoàn xã, tôi và những bạn trẻ tại địa phương đã liên kết với các thầy cô giáo có kinh nghiệm tại Trường Đại học Vinh để cùng nhau sáng chế thành công nước sát khuẩn trao tặng miễn phí cho người dân trên địa bàn. Nhìn mọi người dịu bớt nỗi lo trong mùa dịch bản thân tôi và những người đồng hành cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Do vậy, là một phụ nữ hiện đại, bản thân tôi nghĩ mình cần trau dồi tri thức để biến đó thành bước đệm giúp cho bản thân có thể triển khai các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, xã hội.
Bên cạnh các hoạt động xã hội thì bản thân tôi cũng như những bạn trẻ luôn nhắc nhở bản thân cần làm tròn nhiệm vụ của một người mẹ, người vợ, người con trong gia đình để giữ gìn hạnh phúc cho tổ ấm của mình.
Chị Phan Thị Sao: "Gắn kết cộng đồng, lan tỏa yêu thương từ những hoạt động tình nguyện chân chính". Clip: Thanh Quỳnh - Đình Tuyên |