Để vào bản Piêng Lâng, từ trung tâm xã Nậm Giải phải vượt qua quãng đường gần 10km trong đó có hơn 1,6km từ cuối bản Pục vào giao thông khá khó khăn, cung đường ngoằn nghèo chỗ thì đất đá gồ ghề, chỗ thì lầy lội, trơn trượt khiến chúng tôi phải níu chặt lấy yên xe cán bộ xã để khỏi ngã.
Dân cư ở Piêng Lâng sống khá thưa thớt, bám theo dọc tuyến đường vào bản. Nhà của Bí thư Chi bộ Ngân Văn Minh (SN 1985) nằm đối diện với nhà sinh hoạt cộng đồng của bản, khi chúng tôi ghé thăm, thủ lĩnh bản Piêng Lâng đang ngồi chỉnh sửa văn bản trên máy vi tính. Thấy vẻ ngạc nhiên của chúng tôi, anh Ngân Văn Minh cho biết: “Máy tính bản tự trang bị, máy in cấp trên hỗ trợ để in văn bản, tài liệu. Mới đầu tự học soạn thảo văn bản, bản thân tôi cũng như cán bộ trong bản lúng túng lắm nhưng phải chịu khó thôi. Tuy là học “mót” nhưng giờ cũng thuần thục rồi, cái gì không biết thì hỏi cán bộ xã hoặc hỏi giáo viên ở điểm trường trong bản”.
Trong câu chuyện chân tình ngay sau đó trong ngôi nhà sàn ấm cúng, Bí thư Chi bộ Ngân Văn Minh chia sẻ: Sau trận lũ lịch sử năm 2007, cướp đi sinh mạng của nhiều người dân, nhà cửa hư hỏng, ruộng vườn bị cát, đá, cây gỗ, rác vùi lấp, để đảm bảo an toàn, một bộ phận người dân bản Pục, bản Méo phải rời nơi ở cũ vào Piêng Lâng định cư, kiếm kế sinh nhai, làm lại từ đầu. Bản mới Piêng Lâng được lập năm 2009. Khởi đầu gian nan lắm, dường như chỉ có 2 bàn tay trắng, giao thông khó khăn cách trở, gần như tự cung, tự cấp, nước sinh hoạt phải lấy từ khe suối, chưa có điện lưới. Ấy thế nhưng “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Sau hàng chục năm “vật lộn” với khó khăn, khắc nghiệt, cuộc sống của bà con Piêng Lâng bây giờ đã bước sang một trang mới rồi! Đặc biệt là sau khi được Ban Dân vận Huyện ủy chọn làm điểm để xây dựng mô hình dân vận khéo “cải tạo tập tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội khu dân cư”, người dân đã có nhiều đổi thay trong nếp nghĩ, nếp làm.
Chẳng hạn như trước đây, đời sống sinh hoạt của người dân còn lạc hậu, toàn bản chỉ có 21/56 hộ (chiếm tỷ lệ 37,5%) có nhà vệ sinh còn lại là thải ra môi trường. Nước sinh hoạt chủ yếu sử dụng nước tự chảy. Chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm còn tạm bợ hoặc nuôi thả rông, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường chung. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi còn hạn chế, đất đai, vườn nhà chủ yếu trồng cây tạp, cây có giá trị kinh tế thấp. Thì nay, nhờ “dân vận khéo”, toàn bộ 56/56 hộ đã làm xong nhà vệ sinh trong đó Ban Dân vận Huyện ủy hỗ trợ 30 triệu đồng, nhân dân đóng góp tự đầu tư làm công trình là 860 triệu đồng; có 52/56 hộ di dời chuồng trại ra khỏi sàn nhà, đạt tỷ lệ 92,5%.
Về kinh tế, Bí thư Chi bộ Ngân Văn Minh trăn trở: Piêng Lâng được hỗ trợ khá nhiều dự án cây, con nhằm góp phần thay đổi cuộc sống của người dân nhưng không phải mô hình nào cũng thành công. “Trước đây có cây chanh leo. Mới đầu cũng là cây sinh kế, xóa đói, giảm nghèo. Nhưng được vài năm thì chanh leo sâu bệnh, cây cứ lụi đi, sản lượng sút kém nên người dân không trồng nữa. Hiện tại với sự hỗ trợ của Ban Dân vận Huyện ủy, người dân trong bản đang triển khai mô hình trồng khoai sọ với diện tích 6ha, giai đoạn đầu mới có 15 hộ tham gia. Hiện đang mở rộng ra toàn bản. Khoai sọ trồng trên đất Piêng Lâng củ to, thơm ngon, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với tập quán canh tác của bà con. Bên cạnh đó, người dân tích cực trồng keo, quế, sở, xoan và 10ha hoa màu các loại. “Đặc biệt những năm gần đây, đời sống người dân trong bản cũng ấm no hơn khi chăn nuôi được đẩy mạnh, toàn bản hiện có tổng đàn trâu bò gần 230 con, đàn lợn 150 con, đàn dê 30 con, gia cầm 2.000 con và gần 2ha ao cá. Đã có một số hộ hình thành gia trại chăn nuôi quy mô lớn như hộ anh Lô Văn Hiệp vừa trồng khoai sọ vừa chăn nuôi 16 con trâu, 20 con dê, 500 con gà… Điều đáng mừng trong năm 2022, HTX dịch vụ nông nghiệp Thành Tâm được thành lập và đóng trên địa bàn bản Piêng Lâng, mở hướng tiêu thụ đầu ra sản phẩm nông sản và chăn nuôi cho bà con trong điều kiện đường sá đi lại còn khó khăn…”, anh Ngân Văn Minh phấn khởi nói.
Dẫn chúng tôi đi thăm một số mô hình kinh tế trên địa bàn bản Piêng Lâng, ngang qua những nương lúa xanh mướt mắt, chị Lữ Thị Tiến – Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Giải cho hay: Lúa nếp Cày Nọi đấy nhà báo ạ, rất hợp với địa hình và khí hậu lạnh ở Piêng Lâng, thơm ngon và có hương thơm đặc biệt. Nếp này đem hông xôi thì dẻo lắm, có thể để cả ngày mà không bị cứng. Hiện nay toàn bản có hơn chục ha, mang lại giá trị kinh tế cao, bán ra thị trường khoảng hơn 200.000 đồng/yến nên người dân phấn khởi lắm…”.
Cùng tham gia trong đoàn, ông Lô Văn Đức – cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Quế Phong cho hay: Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 của Kế hoạch 03 về xây dựng mô hình dân vận khéo, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ tập tục lạc hậu trong sinh hoạt, di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi nhà sàn, xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh, giai đoạn 2 của kế hoạch, Ban Dân vận Huyện ủy sẽ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và chi bộ, ban quản lý, ban công tác mặt trận bản vận động bà con cải tạo vườn tạp kết hợp xây dựng các mô hình kinh tế, trồng các loại cây có giá trị cao, bước đầu đã có 12 hộ dân đăng ký tham gia.
“Piêng Lâng là vùng đất rộng, bằng phẳng, yên bình, có dòng nước chảy quanh, tạo cho người ta cảm giác lâng lâng khi đặt chân đến, phía xa kia còn có lèn Phá Lâng rất linh thiêng…”- người già trong bản lý giải về tên gọi của bản Piêng Lâng như thế. Nhìn cuộc sống nhiều đổi thay của người dân Piêng Lâng hôm nay, tôi chợt nhớ đến câu nói trong tác phẩm Mùa Lạc của nhà văn Nguyễn Khải “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ…”.
Theo bà Lương Thị Huệ – Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Giải: Những chuyển biến ở Piêng Lâng hôm nay một phần là nhờ sự nêu gương đi trước của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị của bản. Như Bí thư Chi bộ Ngân Văn Minh, theo bà con vào tái định cư ở Piêng Lâng năm 2007, mới đầu làm Công an viên, sau đó được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản rồi Bí thư chi bộ cho đến nay. Để có được uy tín như hiện tại, Bí thư Chi bộ bản biên giới Piêng Lâng luôn giữ tác phong miệng nói, tay làm, đi đầu trong mọi phong trào hoạt động. Ví như đối với chủ trương cải tạo vườn tạp mới đây, gia đình Bí thư Chi bộ Ngân Văn Minh và Trưởng bản Lê Văn Sơn là 2 hộ đầu tiên tiên phong làm thí điểm với 50 gốc mít, vải thiều, nhãn…
Bên cạnh đó, Chi bộ bản Piêng Lâng với 25 đảng viên tiên phong, gương mẫu cũng rất quan tâm đến công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng, nhất là đảng viên trẻ để nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng. Bình quân mỗi năm, chi bộ kết nạp được 2 đảng viên trẻ. Năm 2022, đến thời điểm này đã kết nạp được 2 quần chúng ưu tú, trong đó có chị Lô Thị Hiền, tốt nghiệp Đại học Luật, là đại biểu Hội đồng nhân dân xã. Hiện, bản Piêng Lâng có 100% trưởng, phó các đoàn thể đều là đảng viên, kể cả Chi hội Người cao tuổi.
“Chất lượng sinh hoạt của Chi bộ bản Piêng Lâng ngày càng đi vào nền nếp, Nghị quyết ban hành đi vào những vấn đề sát thực tế thôn bản. Chi bộ còn phân công đảng viên phụ trách từ 2-3 hộ để kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, động viên bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và chấp hành nghiêm chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Nhiều gia đình đảng viên đi tiên phong thực hiện khát vọng lập nghiệp “bén rễ, xanh cây” trên chính mảnh đất tái định cư này. Như hộ ông Lô Văn Thường, hộ anh Vi Văn Chương (2 vợ chồng đều là đảng viên) với mô hình chăn nuôi trâu, bò, gà, ao cá cho thu nhập cao”- ông Quang Văn Tướng – Chủ tịch Hội CCB xã Nậm Giải được Đảng ủy xã phân công về tham gia sinh hoạt tại Chi bộ bản Piêng Lâng cho biết.
Mừng hơn là, cuộc sống khá dần lên, sự học của con em trong bản cũng được quan tâm hơn. Từ năm 2015 trở về trước, con em trong bản không có người học hết cấp 3, cứ học lên cấp 2 là nghỉ học lấy vợ, lấy chồng. Giờ thì trong bản không còn trường hợp tảo hôn nữa, đã có học sinh học lên cao đẳng, đại học, còn có cả học sinh giỏi huyện. Năm học 2021-2022, toàn bản có 68 em học sinh các cấp, trong đó học sinh THCS có 27 em, THPT 7 em, cao đẳng 1 em. Đặc biệt mặc dù là bản biên giới giáp với bản Nậm Bống, huyện Sầm Tớ (Lào) nhưng an ninh trật tự ở Piêng Lâng tương đối ổn định, không có vượt biên trái phép, không có tệ nạn xã hội. Người dân có ý thức trong việc phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ đường biên, cột mốc, an ninh thôn bản. “Ở nhà văn hóa cộng đồng có gắn 2 hòm thư phát hiện tố giác tội phạm xuất, nhập cảnh trái phép và tố giác tội phạm, bên cạnh đó mỗi khi đi nương, đi rẫy phát hiện có vấn đề bất thường, người dân đều kịp thời báo với chi bộ, ban quản lý bản và lực lượng chức năng để phối hợp xử lý’- cán bộ Ban công tác Mặt trận bản Piêng Lâng cho hay.
Trở lại Piêng Lâng lần này, bên cạnh ghi nhận sự đổi thay tích cực trong nếp nghĩ, cách làm của người dân nơi vùng đất mù sương của xã biên giới Nậm Giải, vẫn còn đó những băn khoăn, trăn trở: Khi tỷ lệ hộ nghèo còn cao (toàn bản còn 42 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo). Tiễn chúng tôi về xuôi, bà con còn gửi gắm tâm tư: Mong được cấp trên quan tâm đầu tư đoạn đường từ bản Pục vào Piêng Lâng, nghe nói có dự án rồi mà chưa thấy triển khai. “Hiện tại trong bản có điểm trường mầm non, tiểu học nhưng lên lớp 3 thì các cháu phải xuống trung tâm xã để học bán trú, mùa mưa lụt đi lại khá khó khăn. Giao thông thông suốt thì con em mới đến trường thuận lợi, nông sản làm ra mới tiêu thụ được, đời sống người dân mới ấm no…” – Bí thư Chi bộ Ngân Văn Minh bày tỏ.