Sự việc người dân bản Poom Lầu lấn chiếm đất đang do Lâm trường Cô Ba quản lý đã được Báo Nghệ An ngày 26/11/2023 thông tin tại bài viết “Poom Lầu “nóng” chuyện đất rừng…”. Trước đó, vào ngày 16/11/2023, UBND tỉnh có Công văn số 9839/UBND-NN giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan, kiểm tra, xử lý. Một tổ công tác liên ngành sau đó đã được thành lập thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xác minh; và đến ngày 18/12/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Văn bản số 673/BC-SNN.KL báo cáo UBND tỉnh.
Diễn biến sự việc và giải pháp của địa phương đã được làm rõ như sau: Vào hồi 7 giờ 30 phút ngày 05/11/2023, có khoảng 60 phụ nữ bản Poom Lầu mang theo cuốc vào khu vực đất mới khai thác rừng trồng thuộc lô 35, khoảnh 10, tiểu khu 193 đang do Lâm trường Cô Ba quản lý để đào hố trồng cây keo. Phát hiện sự việc trên, lực lượng bảo vệ rừng của Lâm trường Cô Ba đã phối hợp với chính quyền, Công an xã Châu Bình tuyên truyền, giải thích, vận động người dân không được tự ý đào hố trồng cây trên đất Lâm trường đang quản lý. Tuy nhiên, người dân không nghe và vẫn tiếp tục đào hố trồng cây.
Trước tình hình đó, đoàn công tác của huyện Quỳ Châu đã đến hiện trường để tuyên truyền, vận động người dân dừng việc đào hố trồng cây, trở về nhà. Ngày 6/11/2023, Huyện ủy, UBND huyện Quỳ Châu cùng cấp ủy, chính quyền xã Châu Bình đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu, Lâm trường Cô Ba tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân bản Poom Lầu. Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu, tin tưởng sự lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện; thống nhất đề nghị Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu thực hiện đúng phương án và lộ trình bàn giao đất về cho địa phương quản lý. Cụ thể, bàn giao 75 ha đất khu vực băng Mét gồm rừng trồng khoảng 28 ha, rừng tự nhiên khoảng 30 ha, đất khác 17 ha; trừ 15 ha trồng mét sẽ bàn giao vào năm 2030; tạm thời, ở khu vực băng Mét, Lâm trường Cô Ba khai thác rừng trồng đến đâu bàn giao đất về địa phương quản lý đến đó và không tiến hành trồng lại rừng trên diện tích đất sau khai thác; thời gian bàn giao đất về cho địa phương sau khi khai thác xong 28 ha rừng trồng keo là trong quý I năm 2024.
Về nguyên nhân dẫn đến sự việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu và Lâm trường Cô Ba đã chậm thực hiện bàn giao đất cho địa phương; trong quá trình khai thác keo, kết hợp đốt xử lý thực bì sau khai thác, nhưng không báo với chính quyền địa phương biết và tuyên truyền giải thích cho người dân hiểu. Động thái phát dọn đốt thực bì của Lâm trường Cô Ba trên diện tích đã rà soát cam kết trả về cho địa phương gây hiểu nhầm trong nhân dân bản Poom Lầu. Vì lo ngại Lâm trường tiếp tục đào hố trồng cây chu kỳ tiếp theo, nên người dân đã tập trung đông người mang theo dụng cụ trồng rừng, nhằm mục đích là không để cho Lâm trường Cô Ba trồng lại rừng.
Về phía chính quyền địa phương, việc nắm bắt và định hướng dư luận xã hội chậm, thiếu thông tin, dẫn đến bị động bất ngờ trước tình huống đã xảy. Công tác kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo việc bàn giao đất về cho địa phương quản lý chưa thường xuyên, dẫn đến người dân không xác định được động thái của các cấp chính quyền trong việc thực hiện cam kết trả lại đất của Lâm trường Cô Ba về cho địa phương quản lý. Người dân chưa nắm rõ thông tin về lộ trình thu hồi đất năm 2023 của chính quyền địa phương, dẫn đến hiểu nhầm và có hành vi tập trung đông người, tranh giành đất xảy ra ngày 5/11/2023.
Báo cáo lên UBND tỉnh tình hình dư luận xã hội tại bản Poom Lầu, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại tư tưởng của nhân dân bản Poom Lầu ổn định, đồng tình, thống nhất với hướng xử lý vụ việc của chính quyền địa phương theo các giải pháp đã thống nhất tại cuộc đối thoại ngày 6/11/2023. Chính quyền địa phương, thôn, bản và người dân rất tin tưởng sự lãnh đạo vào cuộc tích cực, kịp thời của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ngành, các cấp trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn mất ổn định tình hình xã hội địa phương vẫn còn hiện hữu, nếu không có các giải pháp xử lý dứt điểm, có hiệu quả trong việc thu hồi đất để đảm bảo tiến độ đã hứa tại cuộc đối thoại.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bản Poom Lầu có 157 hộ dân, có 60 hộ đồng bào Thái, 50 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo. Qua khảo sát, phần lớn người dân chưa có đất canh tác nông, lâm nghiệp; công việc hằng ngày chủ yếu làm thuê khai thác và trồng keo cho các Lâm trường. Vì vậy, nhu cầu thu hồi đất, để giao cho chính quyền địa phương cấp cho các hộ dân bản Poom Lầu sản xuất canh tác nông lâm nghiệp là hoàn toàn chính đáng. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện 4 giải pháp để xử lý dứt điểm vụ việc, ổn định tình hình trong thời gian tới, cụ thể:
Đối với UBND huyện Quỳ Châu, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp, tuyên truyền, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội; khẩn trương xây dựng phương án sử dụng đất sau khi nhận bàn giao; đôn đốc công tác giao nhận đất từ Lâm trường về địa phương quản lý; bố trí nguồn lực thực hiện bàn giao đất hiện trường đối với phần đất đã khai thác xong keo giao cho ban quản lý bản Poom Lầu quản lý, tạm thời chấm dứt các hoạt động tác động lên đất rừng nêu trên, cho đến khi có quyết định giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cấp có thẩm quyền.
Đối với UBND xã Châu Bình, tăng cường tuyên truyền, giải thích, vận động, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội tại địa bàn xã, báo cáo lên cấp trên kịp thời để có hướng giải quyết ngay từ khi mới hình thành. Tuyên truyền cho nhân dân không tự ý đào hố trồng cây, không có tác động khác lên đất đang trong quá trình làm thủ tục bàn giao về địa phương, đặc biệt là khu vực băng Mét.
Đối với Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu và Lâm trường Cô Ba, đẩy nhanh tiến độ bàn giao đất về cho địa phương quản lý theo đúng phương án và lộ trình đã thống nhất, cụ thể: Trong năm 2023 tạm bàn giao về địa phương quản lý 81,56 ha đất khu vực băng Mét theo Tờ trình số 368/TTr-LT ngày 07/11/2023. Trong thời gian đang hoàn thiện thủ tục thu hồi đất, không tiến hành các hoạt động tác động trên diện tích đất sau khai thác (như: phát, dọn, đốt xử lý thực bì, vật liệu sau khai thác, đào hố, trồng cây…) tránh gây hiểu nhầm trong nhân dân. Hoàn thành thủ tục thu hồi đất trình cấp có thẩm quyền quyết định và thực hiện bàn giao đất về cho địa phương quản lý, trong quý I năm 2024.
Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Châu, Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu, Lâm trường Cô Ba lập hồ sơ tự nguyện giao trả diện tích đất lâm nghiệp theo đúng lộ trình cam kết sau rà soát năm 2017. Sau khi có hồ sơ trả đất, đề nghị chỉ đạo sớm hoàn thiện thủ tục trình UBND tỉnh Quyết định thu hồi đất để Lâm trường Cô Ba – Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu bàn giao về cho địa phương quản lý sử dụng.
Có mặt ở bản Poom Lầu trong ngày 20/12/2023, nhận thấy Tổ công tác liên ngành và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá sát, đúng về tình hình ở địa phương cơ sở này. Bí thư Chi bộ Poom Lầu, ông Lô Thanh Sơn cho biết, Lâm trường Cô Ba sau khi khai thác xong 28 ha cây keo đã tổ chức giao đất tại thực địa cho địa phương quản lý.
Ngày Lâm trường bàn giao đất, Chi ủy, Ban cán sự và nhân dân bản Poom Lầu cùng tham gia. Nhân dân có chung nguyện vọng mong được cấp trên xem xét, cho phép cộng đồng bản Poom Lầu phát đường băng để phòng, chống cháy rừng tự nhiên và trồng chung một vụ keo để không lãng phí đất đai trong thời gian các cấp có thẩm quyền thực hiện các bước thu hồi đất theo quy định của pháp luật.