Bởi có nội dung khá “nóng” nên chỉ trong một thời gian ngắn, clip vụ lộn xộn trên trang mạng xã hội facebook thu hút được lượt xem khá lớn, đồng thời, còn nhận được nhiều bình luận với ý bênh vực người dân bản Poom Lầu và phản ứng gay gắt với cán bộ, nhân viên Lâm trường Cô Ba.
Liệu có hay không vụ lộn xộn này? Chiều 5/11, liên hệ với ông Sầm Văn Lân – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳ Châu để xác minh. Ông Sầm Văn Lân xác nhận sáng 5/11 ở xã Châu Bình xảy ra vụ lộn xộn giữa người dân bản Poom Lầu với cán bộ, nhân viên Lâm trường Cô Ba. “Tôi đang đi công tác nhưng có nắm bắt nội dung này. Sự việc xảy ra buổi sáng, ngay sau đó cấp ủy, chính quyền xã Châu Bình đã có mặt kịp thời để không có vấn đề gì đáng tiếc xảy ra. Đầu chiều Thường trực Huyện ủy đã về làm việc, người dân đã rời hiện trường trở về nhà. Sáng mai Thường trực Huyện ủy sẽ chủ trì tổ chức đối thoại giữa các bên để làm rõ sự việc…” – ông Sầm Văn Lân trao đổi.
Từ thông tin của Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳ Châu, chúng tôi kết nối với Chủ tịch UBND xã Châu Bình, ông Lê Văn Toan. Ông Toan cũng xác nhận sự việc lộn xộn xảy ra sáng 5/11 là ở Châu Bình, giữa một số người dân bản Poom Lầu và Lâm trường Cô Ba, trên khu vực đồi Băng Mét. Ông Lê Văn Toan cho biết thêm: “Chiều nay Thường trực Huyện ủy đã làm việc với xã và vào hiện trường. Sau khi được nghe giải thích bà con đã trở về nhà để ngày mai tham gia buổi đối thoại do huyện tổ chức. Đến thời điểm này tôi được biết vùng đất xảy ra vụ lộn xộn đã có lộ trình giao trả về địa phương trong năm 2023. Vào năm 2017, UBND huyện và Lâm trường có văn bản rà soát về nội dung này. Thế nhưng mới đây sau khi khai thác keo thì Lâm trường tổ chức đốt, lại có ý định trồng mới nên bà con bức xúc”. Đồng thời ông nói: “Sự việc này trao đổi trực tiếp sẽ kỹ hơn”.
Ngày 5/11, Lâm trường Cô Ba cũng có Báo cáo số 366/BC-LT về việc “Nhân dân bản Poom Lầu – xã Châu Bình xâm chiếm đất rừng Lâm trường Cô Ba quản lý trái pháp luật” gửi đến UBND huyện, Công an huyện Quỳ Châu, và UBND xã Châu Bình. Theo đó, vào hồi 7h 30 phút ngày 5/11/2023, có khoảng 30 người dân bản Poom Lầu tập trung tại ngã ba cây Đa bản Poom Lầu mang theo dụng cụ cuốc. Sau đó, người dân đi vào khu vực Băng Mét tại khoảnh 10, tiểu khu 193, là vùng rừng trồng năm 2016 mới khai thác xong của Lâm trường Cô Ba đang quản lý để dùng cuốc đào hố. Một thời gian ngắn sau, tiếp tục có thêm khoảng 30 người dân mang theo cây keo giống vào để cùng vừa đào hố, vừa trồng cây keo. Vì vậy, lực lượng bảo vệ Lâm trường Cô Ba đã tiến hành các biện pháp đẩy đuổi, ngăn chặn theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn mà pháp luật quy định, không cho nhân dân thực hiện các hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên người dân không nghe mà vẫn cố tình xâm chiếm đất rừng của Lâm trường Cô Ba quản lý.
“Đây là hành vi cướp đất rừng của Lâm trường Cô Ba trái quy định của pháp luật, có tổ chức, có các phần tử xấu xúi dục, kích động nhân dân. Gây ảnh hưởng xấu, mất trật tự về an ninh chính trị trên địa bàn, gây xôn xao dư luận xấu trong xã hội. Vậy Lâm trường Cô Ba kính đề nghị UBND huyện Quỳ Châu, cơ quan Công an huyện Quỳ Châu và các ban ngành liên quan vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật” – Lâm trường Cô Ba đề nghị tại Báo cáo số 366/BC-LT.
Bản Poom Lầu nằm kề Quốc lộ 48, cách trung tâm xã Châu Bình khoảng 3km theo hướng ngược lên thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu. Về đời sống kinh tế của các hộ dân bản Poom Lầu còn rất khó khăn. Trong 157 hộ dân toàn bản, có khoảng 60 hộ đồng bào Thái, phần còn lại là các gia đình công nhân nông lâm trường và con cái của họ. Như Chi hội trưởng phụ nữ bản Poom Lầu, chị Lô Thị Xuân cho biết Poom Lầu có 50 hộ nghèo, và khoảng 25 hộ cận nghèo.
Về vụ việc diễn ra sáng 5/11, chị Xuân tự nhận là bản thân chậm nắm thông tin, nguyên nhân vì “đang tập trung cùng các Ban của xã lập hồ sơ hộ nghèo cho nhân dân”. Tuy nhiên, khi được xã thông báo chị cùng Chi ủy, Ban cán sự bản đã vào ngay hiện trường vận động nhân dân trở về nhà. Chị Xuân kể: “Hôm đó dân bản tại hiện trường chủ yếu là phụ nữ. Chúng tôi tuyên truyền họ không nghe. Họ trả lời đến hôm nay ai nói cũng không nghe, nhất quyết phải lấy được đất. Mãi đến chiều, khi có các ông cấp trên ở huyện về giải thích thì bà con mới nghe, mới chịu về…”. Hỏi kỹ hơn về tư liệu đất đai sản xuất của người dân bản Poom Lầu, chị thở dài: “Sự vất vả của dân bản thì không thể kể hết. Trong bản cũng có hộ có một hai thửa đất 3.000 – 5.000m2 trồng mía, trồng lạc, cũng có hộ có 1ha đất lâm nghiệp trồng keo, nhưng số này chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Việc nhà chẳng được bao nhiêu nên bà con chủ yếu đi làm thuê. Nguyên nhân cũng vì kém hiểu biết. Ngày xưa ai cũng nghĩ chỉ cần một miếng đất nhỏ trồng lạc, trồng mía là đủ. Giờ suy nghĩ khác hơn thì đất đã thuộc lâm trường quản lý. Chỉ mong lâm trường trả lại đất để bà con có đất sản xuất, đời sống đỡ vất vả…”. Hỏi chị Xuân: Bây giờ cán bộ, nhân dân bản Poom Lầu mong muốn điều gì? Chị Lô Thị Xuân trả lời: “Mong muốn tha thiết của bà con là được cấp trên quan tâm để bà con có đất sản xuất. Cán bộ cũng mong như vậy vì không có đất, mà cán bộ thì cũng phải ăn thôi…”.
Trong ngày 15/11, chúng tôi được Chủ tịch UBND xã Châu Bình, ông Lê Văn Toan đưa vào khu vực Băng Mét, nơi xảy ra vụ việc. Đây là một vùng đồi thấp được trồng keo, mét và có một số khoảnh rừng tự nhiên; trong đó, có khoảng trên 4ha diện tích cây keo đã thu hoạch phát đốt sạch sẽ. Tại đây, ông Toan đã thuật lại sự việc.
Vào tối 4/11, ông Lê Văn Toan nhận được điện thoại của lãnh đạo Lâm trường Cô Ba nói rằng có nguồn tin sáng hôm sau người dân bản Poom Lầu sẽ vào vị trí Lâm trường đã khai thác để trồng cây, đề nghị xã nắm tình hình, tuyên truyền để người dân không vi phạm pháp luật. Nhận tin, ông liền liên lạc Bí thư chi bộ và Trưởng bản Poom Lầu nắm tình hình. Tuy nhiên cả Bí thư chi bộ và Trường bản đều chưa nắm được nội dung đó. Đến gần 6h sáng 5/11, lãnh đạo Lâm trường lại gọi điện báo, người dân chuẩn bị đưa cây vào trồng. Lúc này Trưởng bản Poom Lầu đang chạy xe lên Quế Phong bốc keo, còn Bí thư chi bộ vẫn trả lời chưa nghe thông tin gì. Vì vậy, ông vội lên bản Poom Lầu triệu tập Bí thư chi bộ, Ban quản lý bản yêu cầu phối hợp với các lực lượng của xã vào hiện trường nắm tình hình.
Lúc này người dân đã tụ tập gần khu vực Băng Mét. Tại đây xã và bản tuyên truyền, vận động nhưng người dân không nghe. Lý do vì họ có thông tin khu đất này Lâm trường Cô Ba phải giao trả về địa phương trong năm 2023; thế nhưng sau khi khai thác thì Lâm trường lại thuê chính người dân đốt, đào hố để trồng keo. Tuy nhiên, những người dân được Lâm trường thuê đã không nhận làm, mà thông tin cho nhau để cùng nhau vào trồng keo, giành đất. Ban đầu, tại hiện trường có khoảng 30 người dân, tất cả đều là phụ nữ. Về phía Lâm trường, thời điểm này cũng tổ chức lực lượng bảo vệ, không cho người dân trồng cây. Hễ người dân trồng cây nào thì người của Lâm trường liền nhổ ngay cây đó, vì vậy xảy ra lộn xộn, giằng co như clip đăng trên mạng xã hội.
Cũng trong sáng 5/11, vì có lịch họp ở huyện nên ông Toan đã lên báo cáo sự việc. Lãnh đạo huyện yêu cầu ông quay về gấp để ổn định tình hình. Trở lại hiện trường, ông chỉ đạo lực lượng của xã tiếp tục vận động người dân dừng các hoạt động trồng cây, trở về nhà. Nhưng người dân yêu cầu Lâm trường Cô Ba phải ngừng việc tái trồng cây trên khu vực đất đang tranh chấp; đề nghị chính quyền địa phương xã, huyện làm rõ về quản lý đất đai trên khu vực tranh chấp để cho nhân dân nắm bắt. Phải đến khoảng 11h trưa người dân mới rời khỏi hiện trường. Một cuộc họp được UBND xã Châu Bình tổ chức sau đó tại nhà Bí thư chi bộ bản Poom Lầu. Tất cả thống nhất: đất đang thuộc quyền quản lý của Lâm trường Cô Ba, chưa trả về địa phương nên phải tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, kiềm chế không để người dân bức xúc, kích động dẫn đến vi phạm pháp luật.
Đầu giờ chiều, người dân lại kéo vào hiện trường. Nhận được báo cáo của xã, ngay sau đó Thường trực Huyện ủy và các lực lượng của huyện đã về làm việc. Với quan điểm cần làm rõ nguồn gốc đất đai mới giải quyết được sự việc, huyện đã xác định khu vực Băng Mét có lộ trình giao trả về địa phương, đã được các bên liên quan rà soát năm 2017. Sau đó, tất cả trở vào hiện trường tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu. Về phía người dân, lúc này có rất nhiều ý kiến. Nhưng căn bản, việc làm của họ cốt để chính quyền có động thái, không cho Lâm trường tái trồng cây trên đất. Cũng tại đây, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Hoài hứa trong ngày 6/11 sẽ mời Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu, Lâm trường Cô Ba tổ chức đối thoại với người dân. Được nghe trao đổi này, người dân đồng thuận, rời hiện trường.
Sáng 6/11, buổi đối thoại đã được huyện tổ chức. Qua đó, những chuyện rà soát, cam kết giao trả đất về địa phương trước đây mới vỡ vạc ra. Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu đã chỉ đạo Lâm trường Cô Ba khẩn trương có tờ trình trả đất; muộn nhất đến hết quý I năm 2024 phải hoàn thành trả đất. Trên tinh thần đó, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Hoài cũng đã phát biểu kết luận…
Vào ngày 7/11/2023, Lâm trường Cô Ba có Tờ trình số 368/TT-LT về việc xin trả đất gửi Sở TN&MT và Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu. Diện tích đất Lâm trường Cô Ba xin trả gồm các thửa số 71, 85, 89, 112 tờ bản đồ số 1, địa bàn xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, có tổng diện tích là hơn 81,5ha. Diện tích đất này, nằm trong diện tích thống nhất trả về địa phương theo Nghị định số 118/NĐ-CP; đã được rà soát, thống nhất lập biên bản ngày 14/1/2017 bởi Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu, Lâm trường Cô Ba, UBND huyện Quỳ Châu, UBND xã Châu Bình.
Với Tờ trình số 368/TT-LT, thực tế hiện trường và trần thuật của Chủ tịch UBND xã Châu Bình, Chi hội trưởng phụ nữ bản Poom Lầu, chúng tôi đã liên hệ với ông Đặng Văn Nghị – Giám đốc Lâm trường Cô Ba. Lúc này, vị Giám đốc Lâm trường Cô Ba đã nhận thức dẫn đến sự việc ngày 5/11, có lỗi từ Lâm trường. Ông Nghị cũng cho biết, Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu đã có tờ trình gửi Sở TN&MT; và Sở cũng đã có văn bản đề nghị UBND huyện Quỳ Châu chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, báo cáo chi tiết để có căn cứ tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất. “Sau khi Sở TN&MT có văn bản trả lời, UBND huyện Quỳ Châu đã giao Phòng TN&MT, UBND xã Châu Bình phối hợp với Lâm trường tổ chức rà soát, báo cáo. Hiện chúng tôi đang chờ phối hợp thực hiện nội dung này…” – ông Đặng Văn Nghị trao đổi.
Qua thực tiễn công tác nhiều năm, chúng tôi biết không chỉ tại Châu Bình, mà một số khu vực khác của tỉnh vẫn “nóng” chuyện đất nông, lâm trường. Vì vậy, đã trao đổi với lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Châu Bình và bản Poom Lầu để làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm của cấp ủy, chính quyền trước vấn đề này. Theo Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình, ông Kim Văn Duyên, về phía Lâm trường đã có lỗi khi khu vực Băng Mét đã có lộ trình giao trả về địa phương nhưng đến kỳ thu hoạch cây đã không chủ động báo cho xã. Ông nói: “Lẽ ra Lâm trường phải cung cấp đầy đủ thông tin, chỗ nào sau khai thác sẽ thực hiện giao trả; chỗ nào không giao trả, sẽ tiếp tục sản xuất, để xã thông báo cho các xóm bản, cho dân biết thì mới không xảy ra việc lấn chiếm, vi phạm pháp luật…”. Về phía xã, ông đánh giá đã kịp thời vào cuộc, nhưng cũng cần rút kinh nghiệm. “Cần quán triệt với các Chi bộ, Ban quản lý, các tổ chức ở thôn bản, phải kịp thời nắm bắt tâm tư tình cảm của nhân dân, sớm giải quyết các vấn đề nảy sinh không để xảy ra những tình huống xấu. Không thể để người dân có suy nghĩ lấy số đông gây áp lực thì giải quyết được vấn đề đất đai, dẫn đến vi phạm pháp luật…” – Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình, ông Kim Văn Duyên nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND xã Lê Văn Toan nhìn nhận điều may mắn trong ngày 5/11 là không xảy ra sự cố đáng tiếc. Ông Toan nhắc Chi hội trưởng phụ nữ bản Poom Lầu, chị Lô Thị Xuân: “Thông qua các cuộc họp, cần phải nắm bắt các vấn đề hội viên còn thắc mắc, cần giải thích. Để thông qua chi hội, qua Chi bộ, Ban cán sự bản, hoặc đề nghị cấp trên giải thích cho nhân dân. Không thể để tái diễn sự việc vừa qua, đất đai chưa giải quyết được mà người dân lại vi phạm pháp luật…”. Được nghe trao đổi, Chi hội trưởng phụ nữ bản Poom Lầu, chị Lô Thị Xuân nhìn nhận việc người dân của bản chiếm đất lâm trường, tạo những lộn xộn dẫn đến lan truyền trên mạng xã hội đã tạo nên hình ảnh không đẹp. Rất chân thành, chị nói: “Đây là nội dung chúng tôi xin tiếp thu…”.